Home / Tiêu Điểm / Nhận Định Và Tường Thuật Của Một Số Báo Chí Về Quyết Định Cải Tổ Thủ Tục Tuyên Bố Hôn Nhân Vô Hiệu

Nhận Định Và Tường Thuật Của Một Số Báo Chí Về Quyết Định Cải Tổ Thủ Tục Tuyên Bố Hôn Nhân Vô Hiệu

Dư luận luôn mong chờ bất cứ cải tổ nào phát sinh từ Đức Phanxicô, nhất là thuộc phạm vi luân lý tính dục, trong đó, có vấn đề giản dị hóa thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, mà truyền thông thế tục vẫn coi như một hình thức “ly dị kiểu Công Giáo”, dù được giải thích tường tận bao nhiêu đi chăng nữa. Không lạ gì, ngày 8 háng 9 vừa qua, khi vừa ban hành (chưa thi hành), hai tự sắc Mitis Judex Dominus Jesus và Mitis et Misericords Jesus đã được các báo chí thế tục đua nhau đưa tin và bình luận.

Cải tổ lớn nhất trong 300 năm nay

Nicole Winfield của Hãng A.P. cho rằng Đức Phanxicô đã “triệt để cải tổ diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu vào hôm thứ Ba, rà xét lại 300 năm thực hành của Giáo Hội bằng cách tạo ra một lối vô hiệu hóa mới rất nhanh chóng và loại bỏ thủ tục tự động kháng án thường làm cho diễn trình chậm hẳn lại”. 

Cô viết tiếp: “động thái trên, xuất hiện một tuần sau khi ngài cho phép các linh mục tha tội cho các phụ nữ đã từng phá thai, là một bằng chứng nữa cho thấy ý của ngài là muốn làm cho Giáo Hội đáp ứng nhiều hơn đối với các nhu cầu của tín hữu bình thường”.

Cô cho rằng động thái này sẽ khiến thủ tục tuyên bố vô hiệu nhanh chóng và đơn giản hơn nhờ đặt trọn gánh nặng lên các giám mục khắp thế giới, buộc các vị phải xác định liệu có hà tì gì căn bản lúc kết hôn khiến cuộc hôn nhân bất thành sự hay không. 

Điều trên quan trọng ơ chỗ người Công Giáo cần có lời tuyên bố loại này mới được tái hôn trong Giáo Hội. Trong khi một người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự mà không có lời tuyên bố này sẽ bị coi là người sống trong tội lỗi và bị cấm không được rước lễ. Khổ một điều, nhiều người thuộc lớp vừa kể than phiền rằng thủ tục tuyên bố này dài dòng mà có khi còn tốn kém nữa (lên đến hàng ngàn mỹ kim).

Bởi thế, Winfield trích lời Đức Ông Pio Vito Pinto, đứng đầu Tòa Án Tối Cao Rôma, rằng “Với luật nền tảng này, Đức Phanxicô quả đã phát động buổi đầu thực sự cho cuộc cải tổ của ngài. Ngài đặt người nghèo khổ vào tâm điểm, tức người ly dị và tái hôn vốn bị phân cách xưa nay, và yêu cầu các vị giám mục thay đổi thực sự cõi lòng mình”. 

Theo Winfield, các lý do để tuyên bố vô hiệu thì nhiều, trong đó có việc “vợ chồng chưa bao giờ có ý định kéo dài mãi cuộc hôn nhân của họ hoặc một trong hai người không muốn có con”. Luật mới nói rằng “thiếu đức tin” cũng có thể là cơ sở để tuyên bố vô hiệu, phù hợp với việc Đức Phanxicô và vị tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô XVI vốn tin rằng một cuộc hôn nhân bí tích cử hành mà không có đức tin thì thực sự không phải là một cuộc hôn nhân bí tích. 

Cải tổ lớn nhất của Đức Phanxicô hệ ở việc thủ tục lần này do vị giám mục địa phương xét xử và được sử dụng khi cả hai vợ cHồng Yêu cầu hay không chống đối. Trước đây (trước ngày 8 tháng Mười Hai năm nay), họ phải ra trước một ban thẩm phán 3 người ngoại trừ hội đồng giám mục của miền cho phép vị giám mục địa phương được xử vụ án hay cử một thẩm phán để xét xử. Luật mới biến biện pháp vừa kể thành biện pháp tức khắc, nghĩa là tuyên bố vô hiệu sẽ dễ có hơn tại các giáo phận không đủ linh mục để thành lập ban thẩm phán 3 người, một điều rất thông thường tại các nước nghèo. 

Thủ tục mới cũng có thể được sử dụng khi có chứng cớ khác khiến cho cuộc điều tra đang đình trệ không còn cần thiết nữa, như hồ sơ y khoa cho thấy người vợ từng phá thai, một người phối ngẫu dấu tình trạng không thể sinh con của mình hay các bệnh nặng dễ lây khác, không cho người kia biết, hay bạo lực đã được sử dụng ép buộc người phối ngẫu kia phải lấy mình.

Luật kêu gọi nên hoàn tất diễn trình trong 45 ngày. Cùng lắm là 1 năm. Một cải tổ khác là loại bỏ việc kháng án tự động diễn ra sau phán quyết đầu dù không người phối ngẫu nào muốn thế. Tuy nhiên, họ vẫn có quyền kháng án, nếu họ muốn. 

Các viên chức Giáo Hội cho rằng luật mới không có tính hồi tố (retroactive): việc bãi bỏ thủ tục kháng án tự động chỉ áp dụng sau ngày 8 tháng Mười Hai năm nay. 

Winfield cũng trích lời của Candida Moss, giáo sư Kinh Thánh Học tại ĐH Notre Dame nói rằng “Đây là một động thái dân chủ hóa, tập chú vào việc làm dễ dàng để các phụ nữ nói riêng có thể được tái hội nhập vào Giáo Hội. Các hành động của ngài được thúc đẩy bởi lòng cảm thương và chủ nghĩa thực tiễn: ngài thừa nhận các nguy hiểm của việc bạo hành vợ chồng”.

Candida Moss cho rằng trong các vụ tuyên bố vô hiệu vì lý do bạo hành, Đức Phanxicô đã hạn chế các khổ não xúc cảm cho người vợ sầu khổ vì chỉ cần nàng xuất hiện trước vị giám mục địa phương thay vì trước một tòa án nơi nàng có khi phải đối chất với người chồng bạo lực. Bà cho rằng đây là “nửa bước khôn khéo ra khỏi mô thức vụ luật để nhích gần lại mô thức xưng tội (mục vụ)”. 

Cuộc cải tổ lần này cũng nằm trong chương trình cải tổ nói chung của Đức Phanxicô đối với cơ cấu Giáo Hội hoàn vũ: tản quyền cho các giám mục địa phương như buổi đầu Giáo Hội sơ khai. 

Tác dụng đối với Hoa Kỳ

Winfield cũng thoáng nhận ra bóng dáng cuộc tông du sắp tới của Đức Phanxicô đến Hoa Kỳ, nơi chiếm tới gần phân nửa tổng số đơn xin tuyên bố vô hiệu khắp thế giới. Con số các đơn xin có thể gia tăng tại đây. 

David Gibson của Religion News Service không đồng ý. Ông viết: “người ta không biết rõ các cải tổ của Đức Phanxicô sẽ có bao nhiêu hiệu quả tại Hoa Kỳ”. Lý do là trong mấy thập niên qua, các giáo phận Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều biện pháp đơn giản hóa thủ tục tuyên bố vô hiệu và các biện pháp này đã được văn kiện của Đức Phanxicô phản ảnh. 

Theo cuộc thăm dò của Pew, khoảng 25% người Công Giáo Hoa Kỳ ly dị và 26% những người này nạp đơn xin tuyên bố vô hiệu. 

Gibson cho rằng việc đơn giản hóa thủ tục tuyên bố vô hiệu nhằm khuyến khích Giáo Hội chú tâm tới lòng thương xót của Thiên Chúa và từ bỏ điều Đức Phanxicô gọi là “những qui định hẹp hòi”. Tuy không thay đổi giáo huấn, nhưng Đức Phanxicô cũng không coi nặng việc trừng phạt tín hữu. 

Nhận định rằng động thái của Đức Phanxicô, một lần nữa, cho thấy rõ ý muốn tản quyền của ngài cho các Giáo Hội đặc thù, Gibson cho hay: về phương diện này, các giám mục thế giới có thể học hỏi nơi hàng giáo phẩm Hoa Kỳ.

Ông trích dẫn lời linh mục John Beal, một nhà giáo luật hàng đầu của Mỹ, hiện giảng dậy tại ĐH Công Giáo America, nói về các đơn giản hóa đã được thực hiện từ nhiều thập niên qua tại Hoa Kỳ. Cha cho hay: các tòa án của Giáo Hội tại mỗi giáo phận Hoa Kỳ vốn đã cho phép các đương sự hoặc nạp lời khai có tuyên thệ bằng cách viết tay hoặc sử dụng Skype, thay vì phải đích thân xuất hiện trước tòa. 

“Chúng tôi đã cắt bỏ nhiều thủ tục như lấy lời tuyên thệ hay những điều tương tự để cho có mầu mè luật lệ”. Nhờ thế, mức giải quyết tại Hoa Kỳ tương đối nhanh chóng hơn các nơi khác. 

Gibson cũng cho hay: con số các tuyên bố vô hiệu tại Hoa Kỳ đang giảm dần. Năm 1985, có gần 61,000 vụ, nhưng tới năm 2014, chỉ còn 23,000 vụ. Lý do có thể vì con số người Công Giáo cử hành hôn lễ trong Giáo Hội giảm đi, họ bằng lòng sống chung với nhau thay vì cưới xin; vả lại có những người ly dị không muốn xin tuyên bố vô hiệu. 

Phân dư luận thành hai phe

Dựa vào lời các chuyên viên của Toà Thánh, tờ Washington Post cho chạy hàng tít lớn: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố những thay đổi lớn nhất trong nhiều thế kỷ về thủ tục tuyên bố vô hiệu”.

Sau khi thuật lại một số thay đổi, Washington Post cho hay: các thay đổi này có thể sẽ phân dư luận Công Giáo thành hai phe: phe chủ trương chúng cần thiết và sẽ đem nhiều người Công Giáo trở về với Giáo Hội, và phe nghĩ rằng việc cải tổ này khiến người ta dễ ly dị hơn. 

Tờ Washington Post cũng trích lời Austen Ivereigh, một người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng và là một bình luận gia về Vatican, nói rằng quả là một cuộc cách mạng khi Đức Phanxicô ban quyền cho các giám mục được tuyên bố một cuộc hôn nhân vô hiệu và các giám mục có thể ủy quyền cho các linh mục thừa hành việc này, một việc trước đây thuộc giáo triều. 

Ivereigh cho hay thêm: các thay đổi lần này cho thấy Đức Phanxicô đã lắng nghe những người Công Giáo bình thường và “lý do có việc thay đổi này xã hội đã thay đổi. Thủ tục mau chóng này thừa nhận và phản ánh thực tế mới”. 

Tờ báo cũng trích dẫn lời của Kurt Martens, một giáo sư giáo luật tại Đại Học Công Giáo America, nói rằng thủ tục rút ngắn vừa được Đức Phanxicô công bố áp dụng cho một số cặp Công Giáo rơi vào một trong các tình huống như phá thai, mắc bệnh truyền nhiễm nặng, có con từ mối liên hệ trước hay bị ngồi tù. Trong yếu tính, Giáo Hội đang đưa ra một nẻo đường trông giống như nẻo đường ly dị không cần lỗi của dân luật. 

Ông nói thêm: các thay đổi lần này loại bỏ hàng loạt các rào cản an toàn của thế kỷ 18 nhằm làm cho thủ tục tuyên bố vô hiệu khỏi bị lạm dụng. Các hàng rào này do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV đưa ra, trong đó có điều khoản phải có phán quyết thứ hai. Theo ông, việc loại bỏ này có nguy cơ đem lại lầm lẫn. “Đôi khi bạn muốn đi nhanh, nhưng bạn sẽ để lỡ một số yếu tố và rơi vào lầm lỗi. Thủ tục pháp luật cần có thời gian mới diễn tiến được”. 

Martens cũng nhận định rằng động thái này khá bất thường, vì không đi qua các cơ chế như Thượng Hội Đồng về Gia Đình chẳng hạn. Ông bảo: “nếu tôi là một giám mục, tôi sẽ rất buồn. Quả hơi lạ, thậm chí còn là dấu hiệu mâu thuẫn nữa khi một vị giáo hoàng vốn ưa tham khảo và tinh thần hợp đoàn nay xem ra quên khuấy điều này ngay trong một điều như thế này. Hết sức bất thường khi một luật lệ như thế này lại được thông qua như thế”. 

Nhưng tờ Washington Post cho hay: chính Đức Phanxicô có lưu ý tới khía cạnh trên trong tự sắc của ngài. Ngài viết: “Không phải là tôi không lưu ý tới việc thủ tục rút ngắn này có thể gây nguy hại tới nguyên tắc bất khả tiêu của hôn nhân. Do đó, tôi ước muốn rằng trong những trường hợp như thế chính vị giám mục sẽ được cử làm thẩm phán vì ngài, do chức vụ chăn chiên của mình, chính là người, cùng với Phêrô, bảo đảm hơn hết sự hợp nhất Công Giáo trong đức tin và trong kỷ luật”. 

Vả lại, theo Catholic World News, Đức Phanxicô cho rằng việc đơn giản hóa thủ tục tuyên bố từng được nhắc tới tại Thượng Hội Đồng đặc biệt về gia đình năm 2014. Thực vậy, phúc trình sau cùng của Thượng Hội Đồng này, số 48, nói rằng: 

“Một số lớn nghị phụ thượng hội đồng nhấn mạnh tới việc phải làm cho thủ tục tuyên bố vô hiệu dễ dàng đến với tín hữu nhiều hơn, đỡ mất thì giờ nhiều hơn, và, nếu có thể, thì miễn phí. Trong số nhiều điều khác, các ngài đề nghị: miễn việc đòi phải có tòa thứ hai (second instance) mới có thể xác nhận phán quyết; có thể thiết lập ra các phương tiện hành chánh dưới thẩm quyền tài phán của giám mục giáo phận; và nên sử dụng một diễn trình đơn giản hơn trong trường hợp việc tuyên bố vô hiệu đã rõ ràng hiển nhiên. Tuy nhiên, một số nghị phụ thượng hội đồng chống lại các đề nghị này vì các ngài cảm thấy: chúng không bảo đảm đem lại được một phán quyết đáng tin cậy. Trong tất cả các trường hợp này, cần phải tái khẳng định rằng đây là việc kiểm chứng sự thật về tính thành hiệu của dây hôn phối. Theo một số đề nghị khác, ta có thể xác định được tính thành hiệu của Bí Tích Hôn Phối nhờ khảo sát vai trò đức tin nơi những người kết hôn, vì nhớ rằng cuộc hôn nhân giữa hai Kitô hữu luôn luôn là một bí tích.” 

Vả lại, nó không thiếu sự tham khảo rộng rãi bởi nó vốn là thành quả của gần 12 tháng làm việc của một ủy ban các chuyên viên cao cấp của Giáo Triều Rôma. 

Các nhận định bên lề của các giới chức Giáo Hội

Jim Yardley và Elisabetta Povoledo của tờ New York Times chú trọng đến các nhận định bên lề của các chức sắc Tòa Thánh. 

Thực vậy, theo tờ báo này, Đức Ông Alejandro W. Bunge, thư ký ủy ban soạn thảo tự sắc, trong cuộc họp báo tại Tòa Thánh, nói rằng “để bảo đảm các vụ án không thiếp ngủ, thì các tòa án và các quan tòa phải ngủ ít đi”. 

Các giới chức Tòa Thánh cho biết: còn nhiều chi tiết cần phải đưa ra, trong đó có việc ra chỉ thị cho các vị giám mục thế giới thi hành thủ tục mới. 

New Yrok Times trích dẫn lời John Thavis, một tác giả và là một chuyên viên về Tòa Thánh, nói rằng “Các cải tổ lần này muốn nói ‘nếu bạn nghĩ cuộc hôn nhân của bạn không thành sự, thì đừng để thủ tục làm bạn phát khiếp’”. 

Tờ này thuật lại thủ tục hiện thời: thủ tục bắt đầu khi một người phối ngẫu, thường được sự trợ giúp của một luật sư, nạp đơn xin tuyên bố vô hiệu. Người phối ngẫu kia được tiếp xúc bởi một tòa án các giáo sĩ; người này có thể hợp tác, nhưng điều này không chủ yếu. Chúng cớ được trình bầy và các nhân chứng ra làm chứng, rồi một người bào chữa cho Giáo Hội, gọi là người bảo vệ dây hôn phối, xem xét chứng cớ và lý luận rằng không nên tiêu hủy cuộc hôn nhân. Toà ban hành một phán quyết và phán quyết này cần được xác nhận tại một phiên xử khác thì án vô hiệu mới được ban cấp. 

Hơn nửa số án vô hiệu được ban cấp là của Giáo Hội Hoa Kỳ. Nhưng ngay tại đây, thủ tục cũng khá khó khăn, đòi phải có chứng từ và nhiều giấy tờ khác và thường mất hơn cả một năm. Và việc này khiến nhiều người không muốn nạp đơn xin tuyên bố vô hiệu như trên đã nói. 

New York Times cho rằng vấn đề rước lễ của người Công Giáo ly dị và kết hôn dân sự bị tranh cãi gay gắt, còn về việc đơn giản hóa thủ tục tuyên bố vô hiệu, “các nhà phân tích cho rằng có một đồng thuận khá lớn, và đây là lý do khiến Đức Giáo Hoàng tiến hành”. 

Theo Catholic World News, về sự hiểu lầm hay cố ý hiểu lầm của báo giới về ý nghĩa thực sự của án vô hiệu hôn nhân Công Giáo, Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Bản Văn Luật Pháp, cơ quan có nhiệm vụ giải thích bộ giáo luật, nhấn mạnh với các ký giả rằng hạn từ “vô hiệu hóa” (annulment) có thể gây hiểu lầm, khiến người ta cho rằng vô hiệu hóa là tiêu hủy một cuộc hôn nhân. 

Thực ra không phải vậy: đây là một diễn trình dẫn tới việc tuyên bố tính vô hiệu (nullity), nói cách khác trước nhất nó dẫn tới việc xác định xem có nên tuyên bố một cuộc hôn nhân là vô hiệu lực (null) hay không, và nếu đúng như thế, thì tuyên bố tính vô hiệu của nó.

Theo cha Thomas Rosica, tuyên bố vô hiệu là một phán quyết của tòa án Giáo Hội nói rằng cuộc kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, dù được kết ước trong một hôn lễ của Giáo Hội, không phải là cuộc hôn nhân thành sự vì khi kết ước, nó thiếu những đòi hỏi có tính yếu tính như ưng thuận đúng nghĩa, khả năng tâm lý đảm nhiệm các bổn phận, không muốn có con…

Một thành viên khác của Ủy Ban là Đức TGM Luis Ladaria Ferrer, Dòng Tên, thư ký của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho hay: việc quần chúng thiếu hiểu biết về hôn nhân đã dẫn tới việc gia tăng đáng kể những người Công Giáo đi kết hôn mà không hiểu biết gì về cuộc hôn nhân Kitô Giáo. 

Việc thiếu hiểu biết ấy có thể là nguyên nhân khiến nhiều người hoài nghi không biết liệu tất cả những người kết hôn trong Giáo Hội có hiểu đủ các giáo huấn này không, và do đó, liệu sự ưng thuận kết hôn của họ có tham chiếu các giáo huấn này hay không. Trong tình huống như thế, cuộc hôn nhân của họ có thể vô hiệu. 

Tác dụng đối với Thượng Hội Đồng sắp tới

World Catholic News cho rằng thủ tục đơn giản hóa này không biết có hiệu quả gì quan trọng đối với Giáo Hội Hoa Kỳ hay không, vì phần lớn các cải tổ, như trên đã nói, đã được Giáo Hội này áp dụng rồi, nhưng chắc chắn nó có tác động lớn đối với Thượng Hội Đồng về Gia Đình sắp tới khi Thượng Hội Đồng bàn tới việc cho phép người ly dị và táihôn dân sự được rước lễ, một việc sẽ bớt bị áp lực để phải diễn ra. 

John Allen của tập san Crux viết rằng: “Quyết định này sẽ hiệu chuẩn lại cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng vào tháng Mười về gia đình, chắc chắn sẽ không còn nhấn mạnh nhiều vào việc cho người Công Giáo ly dị và tái hôn rước lễ nữa mà dành chỗ cho các vấn đề khác”. 

Theo Allen, động thái của Đức Phanxicô lần này hiển nhiên là một biện pháp thỏa hiệp, làm vừa lòng cả hai phe ủng hộ và phản đối việc cho các người Công Giáo ly dị và tái hôn rước lễ. Phe bảo thủ hài lòng vì thấy Đức Phanxicô không dễ dãi với việc ly dị, phe cấp tiến hài lòng vì ít nhất Giáo Hội cũng chứng tỏ một lòng cảm thương lớn hơn nhiều. 

Bằng cách thỏa hiệp trước, tuy Đức Phanxicô không giải quyết cuộc tranh luận về rước lễ, nhưng rõ ràng là ngài làm nó đỡ nóng bỏng hơn. Ngài muốn Thượng Hội Đồng sẽ không bị tắc nghẽn bởi cuộc tranh luận này. Mà sẽ khai phóng hơn đối với nhiều vấn đề quan trọng khác đang đặt ra cho gia đình hiện đại: nghèo khổ, chiến tranh, cưỡng bách di cư… 

Allen có cái nhìn hơi khác về tác dụng của tự sắc đối với Giáo Hội Hoa Kỳ. Ký giả này cho rằng đây là dấu chỉ sự ngưỡng mộ của Đức Phanxicô đối với Giáo Hội này. Trong nhiều năm qua, Giáo Hội này vốn bị mang tiếng là “nhà máy sản xuất án vô hiệu” theo nghĩa quá dễ dãi trong việc ban cấp án vô hiệu. Thực tế, không phải vậy. Giáo Hội này coi trọng thủ tục tuyên bố vô hiệu qua việc đầu tư nhiều tài nguyên vào việc huấn luyện luật sư và thẩm phán và làm cho thủ tục dễ dàng và đỡ tốn kém hơn. Kết quả là Giáo Hội Hoa Kỳ chiếm phân nửa phán quyết vô hiệu trên thế giới dù họ chỉ chiếm 6 phần trăm dân số Công Giáo thế giới. 

Đề cập tới những thay đổi gần đây trong luật dân sự đối với những người đồng tính, Cha Thomas Rosica trích dẫn lời đức HY Cocopalmerio nói rằng các luật lệ này chắc chắn có một tác động đối với giáo luật. Thành thử, chúng ta cần nghiên cứu sâu rộng hơn các vấn đề như Giáo Hội phải phản ứng ra sao đối với các luật lệ này? Khi các cặp đồng tính xin rửa tội cho con cái họ thì Giáo Hội phải làm sao?…

Nhân dịp này, Cha Thomas Rosica nhấn mạnh tới khía cạnh tích cực của án vô hiệu giúp tránh cho những người ly dị mắc cảm thức bị tuyệt thông. Cha cho rằng một giáo huấn tích cực về án vô hiệu cần được giảng dạy tại mỗi giáo xứ. Dù án vô hiệu có thể là một diễn trình đau đớn cho một số người, nhưng nó cũng là phương thế của ơn thánh, của chữa lành, bình an cho tâm trí. 

Nhận định của nhà luật học

Edward Peters, một giáo sư luật tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit, cho rằng việc chỉ cần một phán quyết để quyết định tính vô hiệu của cuộc hôn nhân chắc chắn giúp làm ngắn diễn trình này. Tuy nhiên việc chỉ cần một thẩm phán dưới trách nhiệm của giám mục, theo ông, không thay đổi gì về luật vì theo điều 1425 tiết 4, các vị giám mục vốn đã được ban quyền này, với sự đồng ý của hội đồng giám mục địa phương. Việc chính giám mục làm thẩm phán cũng thế sẽ không thay đổi luật lệ hiện hành bao nhiêu, theo điều 1419 tiết 1. 

Peters cho rằng “thủ tục rút ngắn hơn” chắc chắn là thay đổi hết sức có ý nghĩa. Trong khi các khoản nói về quyền kháng án cũng như lệ phí thì chỉ đem tới các thay đổi không đáng kể, nhất là đối với các giáo phận Hoa Kỳ, nơi hầu hết đã giảm thiểu lệ phí, thậm chí miễn mọi lệ phí nữa. 

Xét kỹ, Peters lo ngại cho rằng từ nay đến ngày thực thi các điều luật mới chỉ còn chừng 3 tháng, không hiểu các vị giám mục giáo phận có được chuẩn bị đầy đủ để đảm nhiệm “gánh nặng” mới hay không. Theo ông, nếu các cải tổ của Đức Phanxicô được coi là hết sức có ý nghĩa trong vòng 300 năm nay, thì thời gian vacatio legis (tức thời gian chuẩn bị giữa luật cũ và luật mới) không thể chỉ là 3 tháng được. Điều này, theo ông, nên để cho Thượng Hội Đồng tháng Mười này quyết định. 

Linh mục Robert J. Kaslyn, Dòng Tên, khoa trưởng khoa giáo luật tại ĐH Công Giáo America, cũng cho rằng hai trong các cải tổ quan trọng nhất chính là việc bỏ thủ tục kháng án tự động và thủ tục rút ngắn trong trường hợp có chứng cớ hiển nhiên. Tuy nhiên, không thấy ngài lo ngại gì về vacation legis như Edward Paters.

Vũ Van An

Nguồn: Vietcatholic news

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN