CHÚA GIÊSU LÀ ĐẤNG CẦM GIỮ CHÂN LÝ
(Mc 7, 31 -37)
Thưa quý vị, các bạn, Tin Mừng Chúa Nhật XXIII TN hôm nay cho chúng ta một sự trình thuật về biến cố “Ephatha”, có địa điểm cụ thể, có con người cụ thể, có nhân chứng cụ thể. Trước diễn biến của câu chuyện, được thánh Marco trình thuật thật ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, tuy ngắn gọn, nhưng thật chi tiết.
Ngày nay, khi đọc đoạn Tin Mừng trên, người khuyết tật, khiếm thị, hay khiếm thính, khiếm khẩu…v.v… Đều mong muốn gặp được Chúa Giêsu để cầu xin Người “chữa trị“ cho họ. Có lẽ, tình tiết trong Tin Mừng theo thánh Marco ghi lại hôm nay. Cho chúng ta một sự “bái phục“, “ái mộ” Chúa Giêsu như một “Ông lang” tài giỏi, hay một “nhà ảo thuật” đầy tài năng.
Nhưng, trước tiên, thật tình mà nói, người Dothai thử Chúa Giêsu hoặc gài bẫy người. Vì, sứ mạng Cứu Thế của Chúa Giêsu không phải đến trần thế như một Thầy lang, càng không phải là một ảo thuật gia, mà là ĐẤNG CẦM GIỮ CHÂN LÝ.
Vâng, thưa quý vị, không ai có thể không say mê một điều gì, lại có thể nói về điều ấy được. Cũng như, chúng ta không biết Chúa Giêsu, thì không thể rao giảng về Người được. Vâng, cuộc sống nói chung, và cuộc sống trần thế, tại sao bị đảo lộn? Bị, muôn vàn nghịch cảnh khống chế? Thưa, bởi vì thiếu công lý. Công lý là chân lý đến từ Thiên Chúa. Nếu cuộc sống thiếu chân lý, thì như nước biển thiếu vị mặn. Vì, công lý là điều cần thiết cho cuộc sống xã hội. Dù là xã hội nào, nếu mất đi công lý, hay thiếu công lý thì xã hội ấy sẽ tàn lụi. Vì, công lý là chân lý, ngoài Thiên Chúa ra, thì không có chân lý.
Vâng, để hiểu hơn quan điểm trên theo yếu tố Tin Mừng, chúng ta cùng nhau suy niệm Lời Chúa qua Bài Đọc I hôm nay (Is 35, 4 -7a). Có thể, ngôn sứ Isaia là vị ngôn sứ nói tiên tri về Đấng Cứu Thế hay nhất. Tại sao vậy, thưa quý vị? Thưa, bởi vì, những ngôn từ của Isaia theo sát nghĩa về Chúa Giêsu, dù người Giáng sính sau ngôn sứ Isaia khoảng hai ngàn năm.
Vâng, xin trở lại ý nghĩa Tin Mừng, từ đó, ngày nay, chúng ta mới có cụm từ “TIN MỪNG“. Tin Mừng có nghĩa là: “Ơn Cứu Độ” được ban tặng bởi Thiên Chúa. Vâng, Thiên Chúa vốn dĩ siêu nhiện cực Thánh, nhưng đã biểu lộ cách hữu hình, hiệu hữu nơi trần thế, sự mặc khải, hay tự hạ của Đấng cầm giữ chân lý, đã làm cho con người ngỡ ngàng.
“Can đảm lên đừng sợ nữa!“ (Is 35, 4a) là một cụm từ biểu lộ chân lý. Vì ở đâu có chân lý ngự trị, thì ở đó có bình an. Ở đâu có an bình, thì ở đấy có tình thương, và ngược lại.
Đến đây chúng ta nhớ lại lời nhắc nhở của thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II: “Các con đừng sợ…!” Tại sao vậy? Thưa, bởi vì chúng ta có Chúa Giêsu là Đấng cầm giữ chân lý.
Nhưng, ai là người thực thi công lý, nếu không phải là Thiên Chúa. Vâng, Chúa Giêsu đến trần gian hầu mang chân lý của Thiên Chúa đến với nhân loại. Người chữa bệnh thân xác cho người câm điếc hôm nay trong Tin Mừng, là dấu chỉ giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm là satan. “Hãy mở ra” là một sự truyền lệnh cho sự u ám, sự mê mụôi của nhân loại. Satan đóng chặt miệng lưỡi của thế nhân, hầu làm cho nhân loại câm điếc. Về mặt thân xác, chúng ta thấy sự tác hại của satan như thế nào, chỉ đối với một người câm điếc, thì xã hội đã thua thiệt, bản thân người bệnh đã đành, huống chi cả nhân loại bị câm điếc. Như vậy, chúng ta thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đấng cứu thế thật cần thiết cho con người biết bao!
Nếu như, mọi miệng lưỡi bị satan khóa chặt, thì con người không thể ca tụng Thiên Chúa qua cuộc sống hằng ngày.
Qua hình ảnh hữu hình, Chúa Giêsu mở miệng người câm điếc, chúng ta suy tưởng đến giá trị siêu nhiên, là chúng ta có biết mở miệng ra để nói Lời chân lý của Thiên Chúa không? Qua hình ảnh tâm linh, rất nhiều lần chúng ta được Chúa Giêsu mở tai, mở mắt, miệng lưỡi ra để ca tụng Thiên Chúa. Nhưng, chúng ta có thật lòng đón nhận và cao rao miệng lưỡi như người bị câm điếc trong Tin Mừng hôm nay không? Người Kitô hữu nhận lãnh vai trò ngôn sứ trong ngày chịu phép Rửa Tội, là lúc chính Chúa Giêsu mở miệng lưỡi ra để chúng ta biết nói Lời của Thiên Chúa và ca ngợi những kỳ công của Ngài.
Bài đọc II hôm nay (Gc 2, 1-5), thánh Giacobe cho chúng ta biếtt ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu-Kitô, chính là ơn giải thoát người nghèo. Như vậy, người nghèo được đón nhận và nghe Tin Mừng. Hình ảnh người câm điếc được Chúa Giêsu chữa lành là một minh chứng, người nghèo được giàu có và phong phú về tinh thần là giá trị ân sủng Đức Tin. Vì Tin là đón nhận và truyền rao. Chúng ta có theo gương đức tin của người câm điếc trong Tin Mừng không?
Như vậy, “HÃY MỞ RA“ chính là sự ra lệnh, sự kêu gọi đón nhận chân lý của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, Đấng cầm giữ chân lý. Vì, cuộc sống rất cần chân lý, hay nói cách khác, chân lý là nguồn và bảo vệ sự sống.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống. Vì chính Chúa là Lời ban sự sống đời đời cho nhân loại. Xin Chúa thương hãy mở tai, mắt, miệng lưỡi của những ai kêu cầu, để họ được đón nhận ân sủng là chân lý của Chúa./. Amen.
23/09/2015
P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN