(Đnl 4, 1-2. 6-8; Gc 1, 17-18. 21-22. 27; Mc 7, 1-8. 14-15. 21-23)
“Các ông gạt bỏ điều răn của Chúa,
mà duy trì truyền thống của người phàm”
Tin mừng Marco 7, 1-8. 14-15. 21-23:
Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”. Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.
Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe Tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”.
Suy niệm:
Tuân giữ lề luật của Thiên chúa với tấm lòng là chủ đề của phụng vụ lời Chúa Chúa nhật XXII hôm nay. Ông Môsê trong bài đọc I đã nói với dân Irael: “Anh em phải tuân giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, anh em phải giữ và đem ra thực hành”. Bài đọc II thánh Giacôbê tông đồ khuyên giáo dân hãy khiêm tốn đón nhận lời Chúa và sống lời Chúa để được cứu độ: “Anh em hãy đem lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”.
Trong bài Tin mừng hôm nay, qua cuộc tranh luận với các biệt phái và luật sĩ về việc rửa tay trước khi ăn, Chúa Giêsu đã nghêm khắc cảnh cáo luật sĩ và biệt phái chỉ biết chú trọng tới giữ những tập tục truyền thống cảu cha ông mà bỏ qua lề luật của Thiên Chúa “Các ông bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.
Sống đạo đích thực là tuân giữ điều răn của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã có lần nói: “Ai yêu mến Thầy, thì tuân giữ giới răn của Thầy”. Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng lề luật chỉ là hình thức diễn tả tấm lòng. Tấm lòng mới quan trọng, còn hình thức bên ngoài không quan trọng. Người Do Thái giữ luật rất nghiêm, rất chi tiết, vụ hình thức, nhưng thiếu tấm lòng đối với Chúa. Họ đã biến việc rửa tay trước bữa ăn chỉ là một việc giữ vệ sinh bình thường thành một luật tôn giáo có tính bắt buộc, có tính luân lý. Đây là một lệch chuẩn tinh thần nghiêm trọng, vì thế Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm người ta ra ô uế”. (Mc 7, 15).
Tư tưởng phát ra hành động, dơ hay sạch là do tấm lòng bên trong… Nếu lòng dạ dơ dáy, xấu xa, đầy tà tâm, ác ý thì cho dù hình thức bên ngoài có đẹp đẽ mấy thì cũng chỉ là vô ích, giả hình. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình…”.
Chúa Giêsu nhìn thấy người Pharisiêu và luật sĩ rửa tay để an tâm vì đã giữ luật, rửa tay vì giả hình. Thật ra, tâm hồn sạch hay dơ không phải vì những điều phụ thuộc bên ngoài, mà do những quyết định, ý muốn con người chọn lấy một cách ý thức và tự do trong tâm hồn của mình… điều xấu, cái ô uế nằm ngay trong con tim và cõi lòng của con người. Rửa tay, rửa chén bát thì quá dễ, nhưng rửa sạch tâm hồn, đổi mới con tim, cõi lòng là một việc làm vô cùng khó.
Điều quan trọng đối với người Kitô hữu là phải đổi mới con tim với thiện tâm, thiện ý, lòng sạch, tư tưởng ngay lành… để toát ra những việc làm tốt, đạo đức, yêu thương, giúp đỡ, phục vụ… trong cuộc sống gia đình và xã hội. Như thế, đổi mới được con tim là đổi mới được tất cả. Khi đã có tấm lòng thì chẳng cần lề luật. Khi đã không có lòng, không có tình thì người ta phải dùng lề luật. Tất cả những việc chúng ta làm chỉ trở nên thánh thiện, hữu ích, tốt đẹp, khi phát xuất từ tấm lòng yêu mến: “Mến Chúa và yêu người”. Không có đức bác ái, thì tất cả sẽ vô ích! (1Cr 13, 3).
Ngày nay, trong gia đình, trong các trường học, người ta thường chú ý huấn luyện cái đầu hơn là trái tim, cho học sinh những kiến thức khoa học kỹ thuật, không quan tâm tới đạo đức nhân bản… Người ta đào tạo nên những đứa trẻ giỏi, tài ba hơn là đứa trẻ tốt, đạo đức, những công dân trí thức, tay nghề cao nhưng thiếu đạo đức bất lương… Kết quả của lối giáo dục trên là nền văn minh khoa học kỹ thuật rất hiệu quả, tạo ra nhiều của cải vất chất cho xã hội, nhưng cũng rất lạnh lùng, ích kỷ và tàn nhẫn vì thiếu đạo đức, thiếu tình thương. Nhờ kỹ nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật mà trái đất này đã thành “làng thế giới”, mọi người gẫn gũi nhau hơn, nhưng không trở nên anh em với nhau. Người ta dùng khoa học kỹ thuật để làm giầu cho cá nhân, cho đất nước mà quên rằng trái đất này là của chung, nước giầu phải giúp đỡ nước nghèo, người giầu chia sẻ cho người nghèo. Thí dụ: Trung Quốc đã tạo ra nhưgx quả trứng gà, những thứ thuốc hóa học làm cho trái cây, rau xanh tươi lâu hơn, tạo ra những thứ thuốc từ con đỉa, sữa pha chất Melamin để có lợi nhuận cao bất kể gây thiệt hại, bệnh tật cho người tiêu dùng…
Tuy nhiên, trong trường đời thì trái tim quan trọng hơn: đức luôn quan trọng hơn tài. Có tài mà không có đức sẽ đưa đến những hậu quả nguy hại cho con người. Sống ở đời, được việc mà thôi chưa đủ, còn phải được người nữa. Nền văn minh mang lại hạnh phúc cho con người không phải là nền văn minh khoa học kỹ thuật mà là nền văn minh tình thương.
Qua bài Tin mừng, Chúa Giêsu nhắc nhở người Kitô hữu:
– Luật lệ, tập tục, truyền thống là cần thiết, nhưng cốt lõi của đạo Công giáo là tình yêu. Mọi hành động phải xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa mới có giá trị. Sống lời Chúa, giữ lề luật với tất cả tấm lòng yêu mến.
– Cần phải canh tân tâm hồn, đổi mới con tim, đổi mới cõi lòng chan chứa tình thương để phát sinh những việc làm tốt lành cho gia đình và cho mọi người.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam