Home / Tiêu Điểm / Chúng ta không thể hiểu Đức Thánh Cha Phanxicô nếu không biết gì về Juan Perón – và Evita

Chúng ta không thể hiểu Đức Thánh Cha Phanxicô nếu không biết gì về Juan Perón – và Evita

 

BUENOS AIRES — Vài năm trước đây, khi chưa trở thành giáo hoàng, Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám Mục Buenos Aires, viếng thăm một tu viện nơi ngài được học tại vườn trẻ trong khu xóm Flores của thành phố. Các nữ tu kéo đến quanh ngài. Ngài hỏi một trong các cô giáo đầu tiên của ngài: “Sơ Rosa, hồi ấy sơ thấy tôi thế nào?” Sơ ấy la to: “Một tiểu quỷ!” Tất cả các sơ phá lên cười. Sơ Martha Rabibo, 74 tuổi, mẹ bề trên nói: “Jorge là một đứa trẻ không bao giờ ngồi yên, luôn luôn chạy loanh quanh.”
Đứa trẻ không chịu ngồi yên bây giờ là một giáo hoàng không thể ngồi yên. Trong hai năm từ khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô, 78 tuổi đã đem đến cho ngai vị của Thánh Phêrô một hướng đi rõ ràng là cách mạng. Các nhà quan sát Vatican tiên đoán rằng ngài sẽ làm lung lay hệ thống phẩm trật tại Tòa Thánh. Ít người nghĩ rằng ngài sẽ lao mình vào chính trường quốc tế với tinh thần hăng say của Phúc Âm.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng trước Quốc Hội Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc trong chuyến tông du Hoa Kỳ lần đầu tiên từ ngày 22 đến 27 tháng 9, những xác tín của ngài về các vấn đề luân lý và chính trị sẽ được bầy tỏ rõ ràng hơn bao giờ hết. Trong những tháng vừa qua, Đức Thánh Cha đã lên án chủ nghĩa tư bản, và kêu gọi phải có những thay đổi toàn diện về văn hóa và lối sống, và giảm thiểu tình trạng tăng nhiệt độ của khí quyển trên toàn thế giới đã khiến cho một số những người bảo thủ cho rằng ngài thuộc phe tả.
Tại Á Căn Đình, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô nổi tiếng là một nhà bảo thủ, những ai đã biết ngài trong nhiều thập niên, cho rằng những nhận xét đó nực cười. Họ nói Đức Thánh Cha là một người theo chính sách của Perón. Tướng Juan Perón lãnh đạo Á Căn Đình từ năm 1946 đến 1955, và một thời gian ngắn trong thập niên 70, và chính sách Perón đã là một sức mạnh lâu dài trong đời sống chính trị của quốc gia này. Perón đã cố gắng san bằng những ngăn cách về giai cấp với một đường lối lãnh đạo chuyên chế, một hệ thống an sinh xã hội quảng đại và quy về trung ương, và một tinh thần quốc gia hầu như thiên về tôn giáo. Ngay cả sau khi bà vợ của Perón là Evita qua đời năm 1952, Evita vẫn còn là một nhân vật được giới người nghèo tại Á Căn Đình thương mến.
Đạo Công Giáo và chính sách Perón có nhiều điểm tương đồng, và thiếu niên Phanxicô đã tiêm nhiễm cả hai. Ba của Đức Thánh Cha Phanxicô là một kế toán viên trong một cơ sở thương mại tại Flores. Ông cưới bà Regina Maria Sivori, con gái của một người Ý di cư, năm 1935, Jorge Mario, người con đầu lòng của năm đứa con ra đời năm 1936. Flores là một khu ngoại ô cách xa trung tâm thành phố, vẫn còn những mảnh đất trồng cỏ nuôi xúc vật và những vườn trồng rau. Gia đình Bergoglios cư ngụ tại một căn nhà trong phố Membrillar nơi Phanxicô sống toàn thể thời thơ ấu, đi bộ tới trường và và lớp học giáo lý, rồi chơi túc cầu cho đến khi mặt trời lặn hay khi bị cảnh sát đuổi trẻ con ra khỏi công viên.
Flores là một cộng đồng trung lưu đa số là công nhân, gồm có các người di dân từ Ý, Tây Ban Nha, Do Thái và Armenia. Các người đi dạo bán sữa, rau, trái cây và bánh mì trên những xe đẩy, và cá tươi mỗi ngày thứ năm. Có rất ít xe hơi, mọi người đều đi bộ hay đi xe điện. Phanxicô học trường tiểu học công lập cách nhà hai con phố. Ernesto Lach, là người bạn ngồi cạnh Phanxicô trong lớp Năm, năm 1948, nói: “Tôi còn nhớ ngài là một đứa trẻ thông minh, chăm chỉ và có cung cách cư xử đứng đắn.” Thầy giáo của họ năm đó là Roberto Brusa, một nhà hóa học, và vì thế Phanxicô cũng theo đuổi môn hóa học trên bậc trung học.
Bernardo “Nano” Gandulla, một trong những cầu thủ túc cầu nổi danh thời đó, đã về hưu và sống tại một căn phố kế cận. Ông Lach nói: “Ông bầu Gandulla thường dậy chúng tôi đá banh mỗi buổi chiều.” Mặc dầu gầy gò, và không đá banh giỏi lắm, Phanxicô đã là một cầu thủ trung thành của đội banh San Lorenzo, một trong những đội banh được biết tiếng tại Buenos Aires. “Ngài luôn luôn theo dõi chính trị và túc cầu, vì đây là hai điều các giáo dân của ngài ưa thích.”
Căn nhà của gia đình Phanxicô rất sạch sẽ. trật tự và sơ sài. Osvaldo Devries, một bạn thân thời thơ ấu nói: “Chúng tôi thường đến nhà Bergoglio sau khi tan học để làm bài, rồi đá banh tại công viên. Cha mẹ Phanxicô rất nghiêm khắc và đạo đức. Tôi chưa hề thấy họ bầy tỏ những cử chỉ yêu thương đối với con cái. Có cái gì hơi xa cách.”
Chủng sinh
Phanxicô nói ngài đã thấm nhuần tư tưởng tôn giáo qua bà ngoại của ngài là Rosa. Khi còn là một thiếu nữ tại Ý, bà là một thành viên của PhongTrào Công Giáo Tiến Hành, đã bảo vệ Giáo Hội chống sự nổi giậy của phong trào Phát Xít. Phanxicô cũng gia nhập một chi hội Công Giáo Tiến Hành tại địa phương khi còn trẻ tuổi, khi đoàn thể này có liên hệ mật thiết với Perón.
Phanxicô học biết chơi bida và khiêu vũ với các thiếu nữ trong các buổi tiệc. Ngài thích điệu khiêu vũ Tango có tên là milonga, và sau đó làm việc canh giữ cửa cho các quán rượu tại địa phương ban đêm. Phanxicô học môn hóa học trong một trường trung học công lập nhỏ bé, theo đường hướng của Perón là đẩy mạnh Á Căn Đình thành một cường quốc về kỹ nghệ. Sau đó ngài đã làm việc bán thời như một tập sự viên tại một phòng thí nghiệm.
Vào khoảng thời gian này, Phanxicô gần được 17 tuổi, ngài đi ngang qua Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse tại Flores, một trong những nhà thờ chánh tòa hoành tráng nhất, với những cột bằng cẩm thạch cao vút và những bức họa bằng đá ghép mầu tuyệt vời. Ngài đang đi gặp các bạn, nhưng có một sức mạnh gì lôi cuốn ngài bước vào nhà thờ. Ngài lại gần một tòa giải tội và ngài nói rằng ngay khi đó ngài có ý định trở nên một linh mục. Ngài mô tả giây phút đó hết sức mạnh mẽ, y như ngài bị ngã ngựa. Mẹ ngài đã mong muốn ngài trở thành một bác sĩ, do đó ngài phải dấu các sách thần học tại phòng ngủ, trong khi chuẩn bị vào chủng viện..
Đường lối khiêm tốn
Phanxicô theo học tại chủng viện Colegio Máximo, là trường đại học Dòng Tên tại San Miguel, cách Buenos Aires một tiếng đồng hồ, nơi ngài sẽ sống 25 năm như một sinh viên, rồi như một giáo sư và sau cùng là giám đốc. Chính tại nơi đây ngài chịu ảnh hưởng của Juan Carlos Scannone và một nhóm linh mục trẻ bênh vực cho ‘thần học dân giã” (teologia del pueblo) thay thế cho thần học giải phóng do chủ nghĩa Mác-xít thúc đẩy. Đây là đường lối mục vụ Phanxicô theo đuổi, nhấn mạnh sự khiêm tốn, giản dị và tiếp xúc mật thiết với những người nghèo khó và yếu đuối của xã hội. Một thần học của người dân có nghĩa là sống giữa những người nghèo khó, và không chỉ nói về họ một cách trừu tượng. Scannone ngày nay đã 83 tuổi và vẫn còn sống tại Colegio Máximo, nơi ông tham dự lễ truyền chức thánh cho Phanxicô. Ông nói: “Không! Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là một người chống chế độ tư bản.
Sống theo niềm tin
Scannone nói: “Ngài không chỉ trích nền kinh tế thị trường, nhưng chỉ trích việc trân quý đồng tiền và thị trường tự do.” Tại Colegio Máximo, Phanxicô sống theo niềm tin của mình và làm gương cho kẻ khác bằng việc thực hành đường lối khiêm tốn, khắc khổ và hành động thay vì lời nói. Mario Rausch, một thầy Dòng Tên nay vẫn còn sống tại Colegio Maximo nói: “Ngài dậy sớm tự giặt quần áo trước khi nhân viên đến làm việc. Có nhiều khu nghèo khó kế cận, ngài thường đi ngang các cánh đồng bùn lầy để dâng Thánh Lễ tại các nơi này vào cuối tuần. Rồi ngài mới trở về chủng viện để nấu một bữa ăn thật to cho toàn thể mọi người. Ngài sống trong một căn phòng nhỏ bé với một chiếc giường gỗ thật giản dị.

Chủng viện này sẽ mừng lễ kỷ niệm 100 năm vào tháng Chín, vài ngày trước khi Phanxicô tới thăm Hoa Kỳ. Các lớp học có vẻ tồi tàn hơn trong thời đại Perón khi Phanxicô còn trẻ tuổi. Ngài muốn tham dự ngày kỷ niệm 100 năm của chủng viện nhưng ngài nói ngài sẽ nhớ giúp đỡ cho nhà trường. Ngài viết: “Tôi sẽ phục vụ các bạn, xin cầu nguyện cho tôi.”

Bùi Hữu Thư

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …