Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 06 – 12/08/2015: 70 năm biến cố Hiroshima và Nagasaki

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 06 – 12/08/2015: 70 năm biến cố Hiroshima và Nagasaki

 

1. Đức Thánh Cha kêu gọi quốc tế đừng im lặng trước các Kitô hữu bị bách hại

Đức Thánh Cha tái kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng im lặng trước thảm cảnh các tín hữu Kitô và các nhóm tôn giáo thiểu số bị bách hại.

Ngài bày tỏ lập trường trên trong thư gửi đến Đức Cha Maroun Lahham, Giám Mục Phụ tá của Đức Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem, đặc trách miền Giordani. Thư được Đức Cha Nunzio Galantino, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Italia, đích thân mang đến cho Đức Cha Lahham, nhân dịp đến viếng thăm Giordani từ ngày mùng 6 đến 9-8 này, trùng vào dịp kỷ niệm 1 năm những người tị nạn Iraq chạy đến Giordani, ngày 8-8 năm 2014.

Trong thư Đức Thánh Cha viết: “Nhiều lần tôi đã lên tiếng tố giác những cuộc bách hại tàn khốc, vô nhân đạo và không thể giải thích được mà nhiều người trên thế giới, nhất là các tín hữu Kitô phải chịu. Họ là nạn nhân của sự cuồng tín và bất bao dung, nhiều khi trước mắt và trong sự im lặng của mọi người. Họ là những người tử đạo ngày nay, bị hạ nhục và kỳ thị vì lòng trung thành với Tin Mừng. Sự nhắc nhớ của tôi, cũng là một lời kêu gọi liên đới, và muốn là dấu chỉ một Giáo Hội không quên, không bỏ rơi con cái mình đang bị lưu lạc vì đức tin: họ hãy biết rằng hằng ngày tôi cầu nguyện cho họ đồng thời biết ơn vì chứng tá của họ dành cho chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến các cộng đoàn đón tiếp và giúp đỡ những anh chị em tị nạn và nhắn nhủ rằng “Anh chị em đang loan báo sự phục sinh của Chúa Kitô bằng cách chia sẻ đau khổ và trợ giúp liên đới dành cho hàng trăm ngàn người tị nạn, bằng cách cúi mình trên những đau khổ của họ, những đau khổ có nguy cơ làm cho niềm hy vọng của họ bị bóp nghẹt; anh chị em phục vụ trong tình huynh đệ, chiếu sáng cả trong những lúc rất tối tăm của cuộc sống”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Ước gì dư luận thế giới ngày càng quan tâm hơn, nhạy cảm và chia sẻ, đứng trước các cuộc bách hại chống lại các tín hữu Kitô, và nói chung là chống các nhóm tôn giáo thiểu số. Tôi tái cầu mong cộng đồng quốc tế không im lặng đứng nhìn bất động, trước tội ác không thể chấp nhận được như thế, một tội ác rời xa các quyền căn bản thiết yếu nhất của con người và ngăn cản sự phong phú của cuộc sống chung giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tín ngưỡng”.

2. Tuyên bố của Đức Hồng Y Mueller, tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin

Đức Hồng Y Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, tuyên bố rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới vào tháng 10 tới đây cần tìm những con đường mục vụ giúp những người ở trong tình cảnh gia đình khó khăn.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức và được báo chí Italia truyền đi ngày 3-8 vừa qua, Đức Hồng Y Mueller nói: “Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới sắp tới về gia đình cần tìm được những con đường mục vụ để hội nhập mạnh mẽ hơn vào cộng đồng Giáo Hội những người ở trong tình cảnh gia đình khó khăn, mà không hề coi nhẹ lời Chúa Giêsu và giáo huấn của Hội Thánh rút ra từ đó”. Đức Hồng Y đặc biệt ám chỉ đến những người ly dị tái hôn dân sự, và những người sống chung không kết hôn.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng nhắc đến cuộc viếng thăm hồi tháng 7 vừa qua tại Mỹ châu la tinh và nhận xét rằng cuộc viếng thăm này chứng tỏ “Giáo Hội phải dấn thân cho một nền thần học giải phóng chân chính, một nền thần học không chiều theo ý thức hệ nào, nhưng tìm kiếm thiện ích của con người và xã hội”.

Về cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và những người Công Giáo thủ cựu thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10, Đức Hồng Y cho biết không có gì mới mẻ. Đức Thánh Cha mong muốn rằng vấn đề này được xử lý một cách kiên trì và kiên nhẫn, để kiến tạo một “tiền đề đạo lý” mà Huynh đoàn thánh Piô 10 cần chấp nhận để có thể hòa giải thực sự với Giáo Hội Công Giáo. Trong những tháng gần đây đã có những cuộc gặp gỡ giữa hai bên, giúp củng cố sự tín nhiệm lẫn nhau.

Cho đến nay, Tòa Thánh vẫn yêu cầu Huynh đoàn thánh Piô 10 chấp nhận đạo lý của Công đồng chung Vatican 2 như điều kiện để có thể được hòa giải với Giáo Hội Công Giáo mà họ ly khai từ cuối tháng 6 năm 1988, sau khi Đức Cố Tổng Giám Mục Lefebvre truyền chức 4 Giám Mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng.

Mặt khác về công việc của Ủy ban Tòa Thánh điều tra về những vụ gọi là Đức Mẹ hiện ra từ 3 thập niên ở Medjugorje thuộc Cộng hòa Bosnia Herzegovina, Đức Hồng Y Mueller nói rằng kết quả điều tra của Ủy ban đặc nhiệm do Đức Hồng Y Camillo Ruini làm chủ tịch, sẽ được Bộ giáo lý đức tin cứu xét trong khóa họp thường lệ vào mùa thu tới đây.

Ủy ban này gồm các Hồng Y và thần học gia do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập và đã làm việc từ tháng 3 năm 2010 đến đầu năm 2014. Sau khi cứu xét, Bộ giáo lý đức tin sẽ đệ trình lên Đức Thánh Cha các nhận xét và đề nghị để ngài quyết định.

3. Đức Thánh Cha gặp gỡ các thành viên Giới Trẻ Thánh Thể 

“Chúng ta đang ở giữa một thế giới chiến tranh,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với một nhóm đông đảo những người trẻ hôm 07 tháng Tám. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm “Nhưng cũng có những dấu chỉ của hy vọng và niềm vui.”

Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với 1,500 thành viên của Phong trào Giới Trẻ Thánh Thể , nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập tổ chức này. Theo Đức Thánh Cha, phong trào này là một trong số những dấu chỉ hy vọng cho Giáo Hội và cho tương lai. Đức Thánh Cha cũng khuyến khích anh chị em: “Hãy can đảm, và tiến về phía trước.”

Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi được đặt ra bởi các bạn trẻ. Đáp lại một câu hỏi về những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, ngài nói rằng “một tình huống không có xung đột chỉ được tìm thấy nơi nghĩa trang”. Ngài khích lệ những người trẻ “đừng sợ xung đột”, mặc dù, ngài đặc biệt cảnh báo về tâm lý thích gây ra xung đột để mưu lợi ích riêng cho mình.

Trả lời một câu hỏi về chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, Đức Giáo Hoàng nói rằng cùng tồn tại là chìa khóa để tiếp tục đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Đức Thánh Cha đã trích dẫn trường hợp của những người Rohingya, là những người đã bị xua đuổi khỏi Bangladesh và Myanmar và bị từ chối không cho nhập cảnh vào các nước khác trên Thái Bình Dương. Đức Thánh Cha phàn nàn rằng “Họ bị đuổi khỏi một quốc gia và lang thang từ nước này sang nước khác”, trong khi chỉ trích sự miễn cưỡng tiếp nhận các thuyền nhân.

Khi được hỏi về cách thức phân định đâu là ý Chúa muốn, đâu là ý thế gian và mưu chước của ma quỷ, Đức Thánh Cha nói rằng điều đó luôn luôn là một thách đố. Ngài nhận xét rằng ma quỷ thường đưa ra những khả năng hấp dẫn, nhưng “luôn luôn có một cái bẫy trong đó … ma quỷ là đứa dối trá.” Sống cầu nguyện, kết hiệp với Chúa là cách hữu hiệu giúp ta nhận ra tiếng nói của Ngài trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta.

4. Một tổ chức liên tôn Do Thái gây quỹ tái thiết nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều

Hôm 18 tháng 6, nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều trên bờ biển Galilê đã bị đốt phá gây hư hại nghiêm trọng. Các kẻ đốt nhà thờ còn viết nguệch ngoạc những khẩu hiệu trên tường cho rằng người Công Giáo thờ cúng ngẫu tượng.

Hai thanh niên Yinon Reuveni và Yehud Asraf, đã bị truy tố về các tội ác này. Các công tố viên nhận xét rằng động lực đằng sau các cuộc tấn công này là niềm tin của họ theo đó các Kitô hữu là những người tôn thờ ngẫu tượng.

Ngay sau phiên tòa xử hai thanh niên này, một tổ chức liên tôn Israel đã gây quỹ để giúp phục hồi lại nhà thờ Công Giáo này.

“Lên án thôi thì chưa đủ; cứ lên án suông như thế sau một thời gian người Do Thái chúng ta sẽ mất uy tín của mình” Rabbi Alon Goshen-Gottstein, giám đốc Viện liên tôn Ê-li nói. Ông nhận xét rằng: “Khi người Do Thái móc bóp của họ để hỗ trợ một chuyện gì, thì người ta biết họ nghiêm chỉnh về chuyện ấy.”

Dự án đã được sự ủng hộ của phát ngôn viên Thượng Hội Đồng Do Thái Knesset và 17 giáo sĩ Do Thái Giáo Chính thống, là những người đã mô tả vụ phá hoại này “là vụ phá hoại nhãn tiền nhất cho đến nay trong một loạt các cuộc tấn công vào các địa điểm tôn giáo của các tôn giáo khác.”

Theo báo cáo của tờ Times of Israel, Rabbi Alon nói thêm: “Các chữ viết bậy bạ trên tường dựa theo văn bản từ cuốn sách cầu nguyện của người Do Thái, cho thấy đây là một cuộc tấn công mà động lực được dựa một cách rõ ràng trên niềm tin tôn giáo”.

Vụ phá hoại tại nhà thờ Tabgha là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công vào các nơi thờ phượng Công Giáo ở Israel, trong đó có các mục tiêu quan trọng như nhà thờ Truyền tin tại Nazareth và một nhà thờ gần Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem.

5. Các Giám Mục Hoa Kỳ tranh đấu cho mức lương tối thiểu của công nhân

Trong những ngày vừa qua các Giám Mục Hoa Kỳ đã gửi thư cho Quốc Hội yêu cầu bảo đảm đồng lương tối thiểu cho các công nhân viên trong nước.

Thư mang chữ ký của Đức Cha Thomas Wenski, chủ tịch Ủy ban Công Lý và phát triển nhân bản của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và nữ tu Donna Markham, chủ tịch các tổ chức bác ái Công Giáo Mỹ. Các Giám Mục khẳng định rằng cần bảo đảm một đồng lương tối thiểu, công bằng và đúng đắn cho tất cả mọi công nhân trong cả nước, bằng cách cải tiến an ninh tài chánh, thăng tiến việc đào tạo và ổn định công ăn việc làm cho họ. Các Giám Mục nhấn mạnh rằng một nền kinh tế chỉ thực sự thịnh vượng, khi tập trung nơi phẩm giá và hạnh phúc của các công nhân và gia đình họ. Như là chủ chăn, chúng tôi trông thấy mỗi ngày các hậu quả sự thất bại của một xã hội không chú ý tới ưu tiên này. Thật ra, trong một năm một công nhân với đồng lương tối thiểu không thể kéo con cái mình ra khỏi cảnh nghèo túng. Lý do là vì đồng lương liên bang tối thiểu không thay đổi, nên mỗi năm đối với một công nhân cuộc sống càng khó khăn hơn.

Tình trạng này dẫn đưa tới chỗ gia tăng việc xin các cơ quan bác ái trợ giúp. Các thống kê mới đây cho biết 75% những người nhận sự trợ giúp công cộng thuộc các gia đình chỉ có một người đi làm việc. Vì thế, lấy lại tư tưởng của thánh Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Năm Thứ Một Trăm”chúng tôi khẳng định: “Xã hội và Nhà nưóc phải bảo đảm các mức lương tối thiểu thích đáng cho cuộc sống của công nhân và gia đình họ, bao gồm cả một khả năng tiết kiệm nào đó. Điều này đòi hỏi các cố gắng để cung cấp cho các công nhân các hiểu biết và thái độ ngày càng tốt đẹp hơn, thế nào để khiến cho công việc của họ có phẩm chất sản xuất cao hơn; nhưng nó cũng đòi hỏi việc kiểm soát kiên trì hơn và các biện pháp luật lệ thích hợp để bẻ gẫy các hiện tượng khai thác đáng xấu hổ, gây thiệt hại cho các công nhân yếu đuối, và cho những người di cư hay bị gạt ngoài lề” (s. 15).

Thật ra, việc bảo vệ các công nhân có một đồng lương tối thiểu và thăng tiến khả năng của họ thành lập và nuôi sống một gia đình là một trách nhiệm đuợc chia sẻ và nền tảng cho việc xây dựng một xã hội công bằng hơn. Và một trong các kiểu mà Quốc hội có thể đóng góp cho việc thăng tiến công ích là bảo đảm cho các công nhân toàn nước có đồng lương tối thiểu giúp thăng tiến việc thành lập gia đình và sự ổn định của nó.

6. Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập Ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc bảo vệ thiên nhiên

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chọn ngày 1-9 hằng năm là Ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc bảo vệ thiên nhiên như công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Ngài thông báo quyết định trên đây trong thư đề ngày ngày 6-8-2015 gửi đến Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cùng với Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô. Lá thư này được công bố hôm 10-8-2015 tại Vatican.

Đức Thánh Cha cho biết ngài chia sẻ mối quan tâm của Đức Thượng Phụ đại kết Chính Thống giáo Bathôlômêô đối với tương lai của công trình tạo dựng, đồng thời đón nhận đề nghị của vị Đại diện Đức Thượng Phụ là Đức Tổng Giám Mục Ioannis của giáo phận Pergamo, đưa ra trong buổi giới thiệu thông điệp “Laudato sí” về việc chăm sóc căn nhà chung. 

Đức Thánh Cha quyết định thiết lập trong Giáo Hội Công Giáo Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên, kể từ năm nay và được cử hành lần đầu tiên vào ngày 1-9 sắp tới, giống như từ lâu trong Giáo Hội Chính Thống.

7. Tổ chức Y tế Thế giới ráo riết đào tạo nhân viên y tế phá thai

Đào tạo cấp tốc thêm nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới để tham gia vào việc phá thai là ưu tiên cấp thời của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO. Điều này được đề cập đến trong một báo cáo mới của tổ chức này dài 81 trang được đưa ra vào cuối tháng 7 vừa qua.

Báo cáo này nhận định rằng: “Trong số những rào cản hạn chế việc tiếp cận với khả năng phá thai an toàn, việc thiếu cán bộ được đào tạo chính quy là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Người ta ước tính rằng với nhu cầu phá thai ngày càng gia tăng như hiện nay, sự thiếu hụt toàn cầu của các chuyên gia y tế có kỹ năng phá thai sẽ lên tới con số 12.9 triệu vào năm 2035.”

“Chính sách và rào cản pháp lý, sự kỳ thị hoặc không sẵn lòng của một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể hạn chế thêm khả năng phụ nữ tiếp cận với phá thai và những dịch vụ chăm sóc sau phá thai trong nhiều bối cảnh đa dạng”, báo cáo cho biết thêm. 

WHO cũng không ngần ngại thúc giục các nước cấp viện phương Tây gây sức ép với các nước nghèo tiến hành một chính sách khắt khe về dân số qua việc mở rộng các dịch vụ phá thai và hạn chế sinh sản.

8. Thông điệp Laudato Sí được phát sóng tại Ý 

Đài phát thanh Vatican đã công bố kế hoạch phát sóng thông điệp Laudato Sí, là thông điệp xã hội mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một chương trình gồm 14 phần.

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng sẽ được đọc trong một phiên bản được chuyển thể, với những hiệu ứng âm thanh được sản xuất bởi các nhân viên Đài phát thanh Vatican. Loạt phát sóng, thiết kế đặc biệt để mang thông điệp của Đức Thánh Cha đến với người mù, sẽ được phát sóng trong Ý mỗi buổi tối từ ngày 10 đến ngày 23 Tháng Tám.

Tưởng cũng nên nhắc lại là sáng thứ Năm 18 tháng Sáu vừa qua, trong phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Đức Hồng Y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã giới thiệu Thông điệp “Laudato Sí” của Đức Thánh Cha Phanxicô “về chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta”.

Thông điệp được đặt tên từ một lời cầu của thánh Phanxicô. ‘Laudato sí, mí Signore” (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa), trong bài ca của các thụ tạo có nhắc nhớ rằng trái đất là căn nhà chung của chúng ta, “cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của mẹ”. Chính “chúng ta là đất” (Xc St 2,7). Chính thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước của trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng”.

9. Các Giám Mục Iraq và Syria tố cáo: Hoa Kỳ ưu tiên cho người di dân Hồi Giáo và ra mặt kỳ thị người Công Giáo 

Một vị Tổng Giám Mục Công Giáo Iraq và một vị Tổng Giám Mục Syria đã lên tiếng cáo buộc các quan chức di trú Hoa Kỳ đang phân biệt đối xử những người tị nạn Kitô Giáo từ Trung Đông.

Phát biểu tại Philadelphia trong hội nghị toàn quốc các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của Erbil, Iraq, và Đức Tổng Giám Mục Jean-Clément Jeanbart của Aleppo cáo buộc rằng chỉ có một số lượng rất nhỏ những người tị nạn Kitô Giáo được cấp thị thực đến Hoa Kỳ trong khi những người tị nạn Hồi giáo được phê duyệt với một tốc độ nhanh hơn và với với con số cao hơn một cách đáng kể. 

Đức Tổng Giám mục Warda nói:

“Những người tị nạn tại Erbil đặt câu hỏi: Tại sao chúng tôi nộp đơn xin thị thực vào Mỹ và bị từ chối mà không có những lý do chính đáng” 

Hai vị tổng giám mục đều đồng ý rằng họ thích người dân của mình ở lại Syria và Iraq hơn, nếu có thể. Nhưng khi hoàn cảnh bức bách cần xin trợ giúp để sống ở nước ngoài, người Mỹ nên đối xử với các tín hữu Kitô một cách công bằng. Đức Tổng Giám mục Warda nói thêm với các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố: “Xin hãy nhớ điều này: đây là một phần di sản của anh chị em, đây là một phần của việc là một người Mỹ: đó là hãy nói thay cho những người bị đàn áp trên toàn thế giới, đặc biệt là cho các Kitô hữu ngày nay.”

Cả hai vị Tổng Giám Mục đã cảm ơn các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố về sự hỗ trợ tài chính mà tổ chức này đã trao cho các Kitô hữu tại Trung Đông. Trong hội nghị Philadelphia, Carl Anderson, nhà lãnh đạo trên toàn thế giới của các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, đã công bố việc mở một cổng thông tin trong trang web của các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố để quyên góp cho các Kitô hữu tại Trung Đông. Các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố sẽ trang trải các chi phí hành chính để tất cả số tiền quyên góp được trao toàn bộ cho các Kitô hữu có nhu cầu.

10. Cảnh sát Israel có những động thái tích cực nhằm ngăn chặn việc đốt phá các nhà thờ Kitô Giáo

Cảnh sát Israel đã thực hiện một bước hiếm hoi khi bắt giam một thanh niên cực đoan Do Thái theo luật “bắt giữ để phòng ngừa” vì sự tham gia của thanh niên này trong các cuộc tấn công vào các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Giêrusalem.

Mordechai Ben Gedaliah, một cư dân trong một khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, đã bị bắt giam hôm 4 tháng 8. Việc bắt giữ thanh niên này là một phần trong chiến dịch truy quét các nhóm cực đoan đã được khởi sự sau khi một bé gái sơ sinh người Palestine bị thiệt mạng khi nhà của gia đình em bị đốt cháy. 

Gedaliah đã tham gia vào một loạt các vụ tấn công bao gồm cả vụ đốt nhà thờ Hoá Bánh và Cá ra nhiều trên bờ biển Galilê.

Luật “bắt giữ để phòng ngừa” đã được đưa ra cách đây 10 năm và chủ yếu dùng để bắt những người Palestine tình nghi dính líu vào các hoạt động khủng bố. Đây là lần đầu tiên luật này được viện dẫn để bắt một người Do Thái.

11. Ta là bánh hằng sống ban xuống bởi trời

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 tháng 8, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật 19 thường niên. Ngài nói: Trong Chúa Nhật này, chúng ta tiếp tục bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu, sau khi đã làm phép lạ cả thể hóa bánh ra nhiều, đã giải thích cho dân chúng ý nghĩa của “dấu chỉ” ấy.

Như Ngài đã làm trước đó với người đàn bà xứ Samaria, khởi hành từ kinh nghiệm khát và từ dấu chỉ của nước, ở đây Chúa Giêsu bắt đầu từ kinh nghiệm đói và dấu chỉ của bánh, để vén mở cho thấy những sự thật về chính Ngài và mời gọi tin nơi Ngài.

Dân chúng tìm Chúa và lắng nghe Ngài, bởi vì họ hứng khởi vì phép lạ. Họ muốn tôn Ngài làm vua. Nhưng khi Chúa Giêsu khẳng định rằng bánh thật mà Thiên Chúa ban cho là chính Ngài, nhiều người coi đó là gương mù gương xấu và bắt đầu lẩm bẩm với nhau: “Cha mẹ ông chúng ta lại không biết hay sao? Vậy làm sao ông ấy lại có thể nói: “Tôi là bánh từ trời xuống được?” (Ga 6,42). Khi đó Chúa Giêsu trả lời: “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”, và Ngài thêm: “Ai tin thì có sự sống đời đời”. Đức Thánh Cha giải thích thêm trong bài huấn dụ như sau:

Lời này của Chúa khiến cho chúng ta kinh ngạc, và làm cho chúng ta suy nghĩ. “Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”. Nó khiến cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Lời này dẫn đưa chúng ta vào trong cái năng động của đức tin. Đức tin thật ra là một tương quan: tương quan giữa bản vị con người chúng ta và Con Người của Chúa Giêsu, nơi Ngài Thiên Chúa Cha có một vai trò định đoạt, và dĩ nhiên cả Chúa Thánh Thần nữa. Gặp gỡ Chúa Giêsu để tin nơi Ngài không đủ; đọc Thánh Kinh, đọc Tin Mừng không đủ, điều này quan trọng nhưng không đủ; cả việc chứng kiến một phép lạ, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cũng không đủ… Có biết bao nhiêu người đã tiếp xúc chặt chẽ với Chúa Giêsu và đã không tin nơi Ngài, trái lại, họ đã khinh rẻ và lên án Chúa. Và tôi tự hỏi: tại sao vậy? Họ không được Thiên Chúa Cha lôi kéo hay sao? Không: điều này xảy ra, bởi vì trái tim của họ đã khép kín với hoạt động của Thần Khí của Thiên Chúa. Và nếu bạn có con tim khép kín, thì niềm tin không vào được. Thiên Chúa Cha luôn luôn lôi kéo chúng ta về với Chúa Giêsu: chính chúng ta mở hay đóng kín con tim mình. Trái lại, đức tin giống như một hạt giống gieo sâu trong con tim, nẩy nở, khi chúng ta để cho Thiên Chúa Cha lôi kéo đến với Chúa Giêsu và đi tới với Ngài với tâm hồn rộng mở, với con tim rộng mở, không thành kiến: Khi đó chúng ta nhận ra nơi gương mặt của Ngài Gương Mặt của Thiên Chúa và trong các lời nói của Ngài Lời của Thiên Chúa, bởi vì Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta bước vào trong tương quan tình yêu và sự sống hiện hữu giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Và ở đó chúng ta nhận được ơn, món quà của đức tin.

Khi đó với thái độ này của đức tin, chúng ta cũng có thể hiểu ý nghĩa “Bánh sự sống” mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, và Ngài diễn tả như thế này: “Tôi là bánh hằng sống, từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Nơi Chúa Giêsu, trong “thịt” của Ngài – nghĩa là trong bản tính nhân loại cụ thể của Ngài – hiện diện tất cả tình yêu của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần. Ai để cho mình bị lôi cuốn bởi tình yêu này, thì đi đến với Chúa Giêsu với đức tin và nhận đuợc từ Ngài sự sống, sự sống đời đời.

Đấng đã sống kinh nghiệm này một cách gương mẫu là Đức Maria, Trinh Nữ thành Nagiarét là người đầu tiên đã tin nơi Thiên Chúa, bằng cách tiếp nhận thịt xác của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy học nơi Người, là Mẹ chúng ta, niềm vui và lòng biết ơn đối với ơn đức tin. Một món qùa không phải là “của riêng”, nhưng là một món quà cần chia sẻ: nó là món qùa “cho sự sống của thế giới”!

12. Đức Thánh Cha Phanxicô lên án việc ném bom Hiroshima và Nagasaki

Nhân kỷ niệm 70 năm biến cố Hoa Kỳ ném bom xuống hai thành phố của Nhật Bản thảm sát 129,000 thường dân vô tội, Đức Thánh Cha đã thúc giục toàn thế giới cầu nguyện và dấn thân cho hòa bình, phổ biến trên thế giới một nền luân lý của tình huynh đệ và một bầu khí chung sống thanh thản giữa các dân tộc.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trưa Chúa Nhật 9 tháng 8. Ngài nói:

Cách đây 70 năm ngày mùng 6 và mùng 9 tháng 8 năm 1945 đã xảy ra các vụ bỏ bom nguyên tử kinh khủng trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Sau bao nhiêu năm, biến cố thê thảm này vẫn còn dấy lên sự kinh hoàng và kinh tởm. Nó đã trở thành biểu tượng của quyền lực tàn phá vô độ của con người, khi con người sử dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật một cách sai lạc, và nó là một lời cảnh cáo trường kỳ cho nhân loại, để nhân loại luôn luôn khước từ và bài trừ các vũ khí nguyên tử và mọi vũ khí tàn phá hàng loạt. Dịp kỷ niệm buồn thương này mời gọi chúng ta cầu nguyện và dấn thân cho hòa bình, để phổ biến trên thế giới một nền luân lý của tình huynh đệ và một bầu khí của sự sống chung thanh thản giữa các dân tộc. Ước chi từ mọi miền đều dấy lên một tiếng nói duy nhất: “Không” với chiến tranh và bạo lực và “có” với đối thoại, và “có” với hòa bình.

Với chiến tranh người ta luôn luôn mất mát. Cách duy nhất để chiến thắng một cuộc chiến là đừng gây chiến tranh.

Đức Thánh Cha cũng đã bầy tỏ lo âu trước các tin đến từ El Salvador nơi trong thời gian qua dân chúng đã phải chịu nhiều khó khăn vì đói kém, khủng hoảng kinh tế và các xung khắc xã hội và bạo lực gia tăng, Ngài khích lệ người dân El Salvador kiên trì hiệp nhất trong hy vọng và khuyên nhủ mọi người cầu nguyện để công lý và hòa bình nở hoa trên quê hương của chân phước Oscar Romero.

13. Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu cầu nguyện cho các gia đình trên thế giới

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 5 tháng 8, Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu cũng như từ các nước Nam Phi, Trung Quốc, và cầu mong chuyến viếng thăm Roma củng cố họ trong tình yêu đối với Chúa Kitô, đồng thời là các chứng nhân của Ngài đặc biệt cho các gia đình cảm thấy xa Giáo Hội.

Với các đoàn hành hương Ba Lan Đức Thánh Cha chào đặc biệt các nữ tu dòng thánh nữ Elidabét và tất cả những người sống đời thánh hiến, đang tận dụng mùa hè để tĩnh tâm và đào sâu mối dây liên hệ với Chúa Kitô và dấn thân trong cộng đoàn Giáo Hội. Ngài xin Chúa Thánh Thần ban cho họ các ơn cần thiết cho sứ mệnh họ đã nhận lãnh.

Với các nhóm hành hương Italia Đức Thánh Cha đặc biệt chào các tham dự viên đại hội quốc tế giới trẻ hướng về Assisi, các bạn trẻ Đại nhạc hội dân gian các ca đoàn, hiệp hội liên đới với dân tộc Saharawi.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người nhớ một ngày trước đó là lễ cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả, nơi có tôn kính Ảnh Đức Bà là phần rỗi của dân Roma. Ngài nhắn nhủ người trẻ cầu khẩn Mẹ để cảm nhận được tình yêu dịu dàng của Mẹ; người đau yếu cầu xin Mẹ trong những lúc vác thập giá và khổ đau để được nâng đỡ; và các đôi tân hôn chiêm ngưỡng Mẹ như mô thức con đường của đời sống hôn nhân, tận hiến và chung thuỷ.

14. Hoa Kỳ phải hối hận và ăn năn vì đã ném bom nguyên tử xuống nước Nhật

Đến thăm Hiroshima vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ 70 sự tàn phá kinh hoàng thành phố này bởi một quả bom nguyên tử của Mỹ, Đức Giám Mục Oscar Cantu của Las Cruces, New Mexico, bày tỏ mạnh mẽ sự phản đối của ngài trước tội ác chiến tranh kinh hoàng này và than thở rằng ngày nay người Mỹ đã quên ký ức khủng khiếp này và không còn theo đuổi việc loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Đức Cha nói:

“Sự trở lại với cuộc thảo luận nghiêm túc về giải trừ vũ khí hạt nhân giờ đây có vẻ giống như một chuyện đã lỗi thời. Thật đáng buồn.”

Đức Cha Cantu, chủ tịch Ủy ban tư pháp quốc tế và hòa bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã đến thăm Nhật Bản lần đầu tiên, trong tư cách một thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ tham dự lễ kỷ niệm. Đức Cha nói rằng ngài đến Hiroshima với “nỗi buồn và sự áy náy.” Ngài cũng sẽ tham dự các buổi lễ khác, để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử ở Nagasaki ngày 9 tháng Tám.

15. Các kitô hữu đã ly dị và tái hôn vẫn là thành phần của Giáo Hội

Các người đã ly dị và tái hôn không bị dứt phép thông công và tuyệt đối không bị đối xử như vậy: họ luôn là thành phần của Giáo Hội. Mọi kitô hữu và nhất là các gia đình kitô đều được mời gọi noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, cộng tác với Ngài để săn sóc các gia đình bị thương tích ấy, bằng cách đồng hành với họ trên con đường đức tin của cộng đoàn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 5 tháng 8 trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: lần trước chúng ta đã đề cập đến các gia đình bị thương tích vì sự không hiểu biết của các cặp vợ chồng, hôm nay chúng ta chú ý tới một thực tại khác: đó là làm sao săn sóc những người sau thất bại không thể chuyển đảo được của mối dây hôn nhân đã tái lập một gia đình mới. Đức Thánh Cha nói:

Giáo Hội biết rõ rằng một tình trạng như thế trái ngược với Bí tích kitô. Tuy nhiên, Giáo Hội là thầy dậy, được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, luôn luôn kiếm tìm thiện ích và vẻ đẹp của con người. Vì thế, Giáo Hội cảm thấy có bổn phận , “vì tình yêu đối với sự thật”, phải phân định các tình hình”. Thánh Gioan Phaolô II đã diễn tả như thế trong Tông huấn về Gia Đình “Familiaris consortio” (s. 84) bằng cách đưa ra thí dụ sự khác biệt giữa người chịu sự phân ly đối với người đã gây ra việc phân ly đó. Cần phải có sự phân định này.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: 

Thế rồi nếu chúng ta cũng nhìn các môi dây liên kết mới này với con mắt của các trẻ nhỏ trong gia đình là nạn nhân vô tội của sự phân ly này, chúng ta lại còn thấy hơn nữa sự cấp bách của việc phát triển trong các cộng đoàn của chúng ta một sự tiếp đón thực sự đối với những người sống các tình trạng này. Họ là những người đau khổ nhất, trong các tình trạng ấy.

Vì thế thật là quan trọng, kiểu sống, ngôn từ, các thái độ của cộng đoàn phải luôn luôn chú ý tới các anh chị em này, bắt đầu từ các trẻ nhỏ. Hơn thế nữa, nếu chúng ta giữ họ xa cách với cuộc sống của cộng đoàn, như thể là họ bị dứt phép thông công thì làm sao chúng ta có thể nhắn nhủ các cha mẹ này làm tất cả nhũng gì có thể để giáo dục con cái họ sống đời kitô bằng cách nêu gương sống một đức tin xác tín và thực hành cho con cái họ? Phải làm sao để đừng chồng chất thêm các gánh nặng khác trên các gánh nặng mà con cái đã phải mang trong các tình trạng này! Rất tiếc con số các trẻ em và người trẻ này thật là rất lớn. Thật quan trọng là chúng cảm nhận Giáo Hội như một bà mẹ chú ý tới tất cả mọi người, luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và gặp gỡ.

Thật ra trong các thập niên này Giáo Hội đã không vô cảm cũng không lười biếng. Nhờ việc đào sâu nhiệm vụ của các Chủ Chăn, được các vị Tiền Nhiệm của tôi hướng dẫn và xác nhận, đã lớn lên rất nhiều ý thức cần phải có một sự tiếp đón huynh đệ, trong tình yêu thương đối với các tín hữu đã được rửa tội, đã thiết lập một cuộc sống chung mới sau thất bại của hôn nhân bí tích. Thật ra, các anh chị em này không bị dứt phép thông công, họ không bị dứt phép thông công, và tuyệt đối không bị đối xử như thế: họ luôn luôn là thành phần của Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã can thiệp vào vấn đề này, bằng cách khích lệ một sự phân định chú ý và một việc đồng hành mục vụ khôn ngoan, vì biết rằng không có các “thí dụ như đơn thuốc” (Diễn văn tại Cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới lần thứ VII, Milano 2-6-2012, câu trả lời 5). Và Đức Thánh Cha minh xác thêm thái độ Giáo Hội cần có như sau:

Từ đó có việc lập đi lập lại lời mời gọi các Chủ Chăn bầy tỏ công khai và trung thực sự sẵn sàng của cộng đoàn tiếp đón họ và khích lệ họ, để họ sống và luôn ngày càng phát triển sự tuỳ thuộc của họ vào Chúa Kitô và Giáo Hội bằng lời cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, tham dự phụng vụ, giáo dục con cái sống đời kitô, bác ái và phục vụ người nghèo, dấn thân cho công lý và hòa bình.

Hình ảnh kinh thánh về vị Mục Tử Nhân Lành (Ga 10.11-18) tóm tắt sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã nhận được từ Thiên Chúa Cha: đó là trao ban sự sống cho đoàn chiên. Thái độ đó cũng là một mô thức cho Giáo Hội, tiếp đón con cái mình như một bà mẹ ban sự sống mình cho chúng. “Giáo Hội được mời gọi luôn luôn là căn nhà rộng mở của Thiên Chúa Cha… Không có chuyện đóng cửa! Không có chuyện đóng cửa! Tất cả mọi người đều có thể tham dự trong một cách thức nào đó vào cuộc sống Giáo Hội, tất cả đều có thể là thành phần của cộng đoàn. Giáo Hội… là nhà cha, nơi có chỗ cho từng người với cuộc sống nhọc nhằn của mình” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, s. 47).

Cũng thế, tất cả mọi kitô hữu đều được mời gọi noi gương Vị Mục Tử Nhân Lành. Nhất là các gia đình kitô có thể cộng tác vói Ngài bằng cách lo lắng cho các gia đình bị thương tích, bằng cách đồng hành với họ trong cuộc sống đức tin của cộng đoàn. Mỗi người hãy làm phần mình trong việc nhận lấy thái độ của Vị Mục Tử Nhân Lành, là Đấng biết từng con chiên một và không loại trừ con nào hết khỏi tình yêu thương vô biên của Ngài.

16. Tình yêu của Chúa Kitô vượt thắng sự gian ác của quân khủng bố Hồi Giáo IS

Một năm sau khi 120,000 Kitô hữu trong vùng đồng bằng Nineveh chạy trốn trước đà tiến công vũ bão của quân khủng bố Hồi Giáo IS, một vị Giám Mục Iraq đã nói về những thách thức phải đối mặt hàng ngày của những người tị nạn ở Erbil, một thành phố có 1.5 triệu dân là thủ phủ của vùng tự trị của người Kurd.

“Hôm nay chúng tôi có thể nói rằng Iraq Kurdistan là an toàn và chính phủ đã giúp đỡ rất nhiều cho chúng tôi,” Đức Tổng Giám mục Bashar Warda của Erbil nói. “Bây giờ chúng tôi mong đợi vùng đất của chúng tôi được giải phóng, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi mong đợi các thành phố, và làng mạc của mình an toàn trước khi chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng lại.”

“Là một giám mục tôi phải chăm sóc những nhu cầu hàng ngày của người dân mình và cho họ thấy rằng tình yêu của Chúa Kitô vượt thắng sự gian ác của Nhà nước Hồi giáo”

Mặc dù bị thế giới bỏ rơi không chỉ trong sự thiếu vắng những bài báo nói về cuộc sống cơ cực và lầm than của họ, nhưng còn trong sự trợ giúp nhỏ giọt và hiếm hoi của các cơ quan cứu trợ quốc tế, những người tị nạn giờ đây không còn sống trong các lều trại nữa và 11 trường học đã được xây dựng cho con em họ.

Đức Tổng Giám mục Warda, người sáng lập một trường đại học Công Giáo ở Erbil, nói với AsiaNews rằng “Tổ tiên của chúng tôi đã lựa chọn giáo dục như một phương tiện thúc đẩy nền văn hóa ở vùng đất Lưỡng Hà, nơi đã từng là vùng đất của họ trước khi bị xâm lược bởi những người Hồi Giáo sa mạc tại thời điểm hưng thịnh của Hồi giáo. Tình hình này rất tương tự những gì đang diễn ra ngày hôm nay, khi các Kitô hữu phải đối mặt với sự tấn công của các nước Hồi giáo.”

17. Diễn biến bi đát: 250 Kitô hữu bị khủng bố Hồi Giáo IS bắt tại al-Qaryatayn

Hôm thứ Năm 6 tháng 8, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bất ngờ mở cuộc tấn công dữ dội vào al-Qaryatayn, một thị trấn miền trung Syria nơi có 15,000 dân phần lớn là các tín hữu Kitô, và bắt đi hàng trăm cư dân của thị trấn này.

Tờ International Business Times số ra thứ Hai 10 tháng 8 cho biết, ít nhất 150 tín hữu Kitô đã bị bắt khi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được thị trấn này.

Đức Cha Antoine Audo, Giám Mục Công Giáo nghi lễ Chanđê của Aleppo than thở với Radio Vatican rằng các tín hữu Kitô trong vùng đang bị thảm sát trước sự thờ ơ của thế giới. Ngài nói: “Mục tiêu của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo là buộc Kitô hữu phải di cư.”

“Nếu chiến tranh tiếp tục như thế này thì cuối cùng tất cả các Kitô hữu sẽ phải rời khỏi Syria.”

Quân khủng bố Hồi Giáo IS hiện kiểm soát 1/3 lãnh thổ của Iraq và hơn một nửa lãnh thổ Syria. Chúng đang tiến về phía Sadad, một thị trấn 3,500 dân cách al-Qaryatayn 20 dặm, tạo ra một làn sóng chạy nạn mới.

Nguồn Vietcatholic News

h1

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …