Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVIII TN, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XVIII TN, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

(Ga 6,2 4-35)

Nhu cầu thiết yếu của con người là “cơm bánh”. Những ưu tư lo lắng, tiền bạc, sức lực, thì giờ, tất cả tập trung giải quyết vấn đề ăn uống. Để đối phó với nạn đói người ta tìm cách làm cho có nhiều sản phẩm mới nhanh hơn, chất lượng cao hơn. Ở Việt Nam hay ở tại Thành phố HCM, nhà nước vẫn luôn luôn phấn đấu cho việc xóa đói giảm nghèo, làm sao cho mọi người được ăn no. Vậy mà với những cố gắng đó, thông tin hằng ngày cũng cho chúng ta biết trên thế giới hằng năm có rất nhiều người chết vì đói, có rất nhiều người sống thiếu dinh dưỡng. Đồng thời, đôi khi, chúng ta cũng nghe thấy một loại đói khác là đói thông tin. Nhiều xí nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận với thị trường thế giới vì thiếu thông tin kinh tế của thế giới, nhiều nông dân của nước Việt Nam bị thiệt hại chỉ vì đua nhau trồng một thứ cây và làm cho sản phẩm của nó bị dư thừa trên thị trường và bị sụt giá. Những điều đó cho thấy người ta không chỉ đói cơm bánh mà thôi nhưng còn đói nhiều thứ khác. 
Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy con người không chỉ đói cơm bánh, hay là không chỉ sống bằng cơm bánh. Con người đói, chưa hẳn đã đói cơm, con người khát chưa hẳn đã khát nước… vì con người còn có một kiểu đói khát thiêng liêng như Lời Chúa nói : “Ai đến với Ta, sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ ” (Yn. 6, 35) 
Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy một lần nữa rằng những lời dạy của Chúa Giêsu thường đi từ thực tại vật chất. Ở đây, đi từ bánh, lương thực hàng ngày đến bánh hằng sống. Hình như phương pháp đó cũng được áp dụng trong Cựu Ước. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiểu điều đó. Bài đọc thứ nhất hôm nay cho thấy dân bị đói khát và kêu cầu lên Môisen. Môisen chỉ cho họ manna để họ ăn cầm cự cho đến lúc ra khỏi sa mạc. Nếu chỉ dừng lại ở đây, thì chúng ta chưa hiểu Kinh thánh bao nhiêu. 
Kinh Thánh là Lời Chúa, nên khi đọc, người ta phải tự hỏi Chúa muốn nói gì qua câu chuyện Manna. Thực ra, điều cốt yếu ở đây không phải ở tại giá trị của Manna nhưng là ở chỗ Do thái thường hay kêu trách Chúa, và lần nầy Ngài cho loại của ăn đặc biệt là Manna, để xem họ có trung thành với Ngài không. Manna trở thành một thực phẩm đặc biệt từ trời rơi xuống. Tác giả Xuất hành đã thuật lại việc dân chúng ngạc nhiên kêu lên “manhu” có nghĩa “cái gì vậy” như để tỏ sự ngạc nhiên của dân chúng mà thâm sâu hơn là sự ngạc nhiên vì lòng nhân hậu của Chúa bất chấp sự bất trung của dân. 
Những lệnh truyền sau đó cho thấy không được tham lam quá mức. Thời sa mạc là thời lý tưởng, ai ai cũng được nuôi dưỡng theo nhu cầu, không ai hơn ai ; mọi người sống hằng ngày dùng đủ ; người ta phải có nếp sống phó thác cho Thiên Chúa, không được lo làm giàu làm có, mà chỉ hướng về đất hứa… Chúa muốn dạy dân Do thái và cả chúng ta là đừng dừng lại ở vật chất, nhưng hãy tin vào Lời hằng sống để được sống đời đời. 
Điều đó được Chúa Giêsu làm rõ hơn qua câu nói của bài Phúc Âm hôm nay. Khi thấy dân chúng vất vả tìm Người, Chúa Giêsu biết họ muốn theo Người chỉ vì được ăn uống no nê, nên Người nói : “Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời”. 
Chúa Giêsu muốn nâng cao tâm hồn dân chúng, qui hướng tâm trí họ về một điểm : tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến. Đấng đó chính là Người. Thế nhưng, lời dạy nầy vấp phải sự nghi ngờ vì dân chúng trông mong vào một điều khác. Đối với họ, Chúa Giêsu phải làm cái gì vĩ đại họ mới tin. Chẳng hạn như Môisen đã cho dân Manna, thì Đấng Cứu thế phải cho dân được thứ lương thực mỹ vị và lâu dài hơn : một lần hóa bánh ra nhiều, đối với họ chưa bảo đảm đủ.
Như thế, cho dù bị Chúa Giêsu khước từ ý muốn tôn Người lên làm vua, dù bị bỏ rơi một đêm để có giờ suy nghĩ thấu đáo, dân chúng vẫn còn ước mơ một tiên tri hoàn toàn với những vinh quang trần thế. Vì thế, một lần nữa, Đức Giêsu lại phải phủ nhận lập trường của họ. Người cho họ thấy lập trường ấy sai từ căn bản. Họ nhắc lại chuyện Manna, nhưng họ không đọc được ý tác giả Thánh kinh. Hơn nữa họ còn vật chất hoá lời Kinh thánh : ” Người đã ban bánh bởi trời cho họ ăn ” Họ hiểu là Môisen cho họ bánh, tức Manna. Chúa Giêsu cho biết không phải chỉ có vậy vì chính Chúa Cha mới có thể ban bánh bởi trời cho họ. Bánh ấy chính là Đức Giêsu, là Người đang dạy đường chỉ nẻo họ về cõi trường sinh. 
Sai lầm của người Do thái nhiều khi cũng là sai lầm của chúng ta. Nhiều khi chúng ta choáng ngợp trước vẻ bên ngoài, nhiều khi nước sơn bóng lộn thường làm chúng ta quên thực chất căn bản ẩn núp bên trong. Cũng như con người thời nay, chúng ta thường thích thú tìm thoả mãn với những cái chóng qua nơi đời này. Tuy nhiên, ăn mãi rồi cũng thấy đói, càng uống lại càng thấy khát. Những của cải trần thế cũng không bao giờ lấp đầy được lòng tham không đáy của con người. Cũng vậy, trên bình diện thiêng liêng, nếu chúng ta sống đạo hay dâng mình cho Chúa với những hậu ý trục lợi, tìm kíếm tiện nghi hay của cải, thì chúng ta cũng như người Do thái xưa, mặc dầu đã trông thấy phép lạ Chúa làm, chúng ta không thể thoả mãn và biến Chúa thành dụng cụ thoả mãn những nhu cầu riêng tư, ích kỷ của mình.
Vì thế, thay vì chỉ đòi hỏi của ăn vật chất là thứ mà chúng ta có thể tự kiếm lấy bằng đôi bàn tay, bằng khả năng Chúa ban cho chúng ta, chúng ta còn cần phải tìm kiếm của ăn giúp chúng ta sống đời đời, là của ăn biến đổi chúng ta thành những người sống chính đời sống của Thiên Chúa, thông hiệp vào chính nguồn sống. Của ăn đó là “Tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến”. 
Xin Chúa giúp chúng ta biết cởi mở tâm hồn cho Thiên Chúa để chúng ta biết đón nhận hoạt động của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta được sống đời đời.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN