Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XV TN – B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XV TN – B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại lời chỉ thị của Chúa Giêsu cho các tông đồ trước khi sai các ông đi truyền giáo. Những lời đó xem ra khó hiểu đối với chúng ta ngày nay vì hình như đã tước đoạt tất cả các phương tiện sinh sống của người truyền giáo thí dụ như : không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo… Hình như các nhà truyền giáo ngày hôm nay trang bị cho mình nhiều phương tiện hơn ngày xưa về nhà cửa xe cộ…
Tuy nhiên lịch sử cho thấy rằng không phải lúc nào những phương tiện đó cũng ích lợi cho việc truyền giáo. Câu chuyện của Thánh Tử đạo An cho thấy điều đó : 
Đức Cha An tên là Giuse Diaz Sanjurjo sinh ngày 26 tháng 10 năm 1818 tại Tây Ban Nha. Lúc còn nhỏ, Giuse Diaz Sanjurjo đã tìm đến với tỉnh dòng Đa Minh Rất Thánh Mân Côi là tỉnh dòng đặc trách lo việc truyền giáo tại Viễn Đông. Tuyên khấn ngày 24-9-1843, Cha đến địa phận Đông Đàng Ngoài ngày 19-9-1845 với tên Việt Nam là An. Sau đó, cha An được giao nhiệm vụ coi sóc chủng viện tại Nam An. 
Dưới thời vua Tự Đức cấm đạo gắt gao năm 1848, cha An đã phải đau lòng gấp rút giải tán chủng sinh, chôn giấu các đồ thờ phượng và nhìn chủng viện bị tàn phá. Trong thư gởi một bạn ở Tây Ban Nha, cha An viết: “Chúng tôi chẳng còn nhà, chẳng còn sách vở và áo quần, chẳng còn gì nữa… nhưng chúng tôi vẫn an tâm vì nhớ lời Thầy Chí Thánh nói “Con Người không có chỗ gối đầu…”
Sau khi được Đức Cha Gia chọn làm giám mục phó, Đức Cha An trở về Cao Xá tiếp tục coi sóc chủng viện. Trong thư gởi gia đình, đức Tân giám mục viết: “Ở đây thì chức vụ cao chỉ thêm công việc, con thường phải đi bộ, có khi phải đi chân không, nhiều lần phải lội bùn đến đầu gối, để trốn tránh những người lùng bắt.” 
Tháng 3 năm 1850, Đức Cha An giao chủng viện cho cha Sampedro Xuyên coi sóc rồi đi kinh lý toàn tỉnh Hưng Yên. Cuộc kinh lý bị bỏ dở. Hai linh mục Việt Nam cùng đi với Đức Cha bị bắt. Hai năm sau, Đức Cha Marti Gia lâm bệnh nặng và qua đời tại Hương Cảng ngày 26-4-1852. Đức Cha An phải đến ở toà giám mục Bùi Chu để điều khiển công việc giáo phận mà mũi nhọn là công cuộc truyền giáo. Số người được chịu phép rửa tội năm 1852 lên tới 28.355 người. Đức Cha An viết: “Đó quả là phần thưởng đầy khích lệ để các nhà truyền giáo tiếp tục trách nhiệm tông đồ bất chấp âm mưu của thần dữ. Không nản lòng trước những cơ cực thiếu thốn, trước nguy hiểm vây quanh và những nghịch cảnh có thể xảy đến…” 
Ngày 20 tháng 7 năm 1857, Đức Cha bị giải ra pháp trường. Trước khi chết người nói với viên chỉ huy rằng : “Tôi xin gửi quan 30 đồng tiền để xin quan một ân huệ: xin đừng chém tôi một nhát, nhưng chém ba nhát. Nhát thứ nhất, tôi tạ ơn Chúa đã dựng nên tôi, và đưa tôi đến đất Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ sinh thành nên tôi. Còn nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí trong đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình. Và như thế họ đáng lãnh phần phúc cùng các thánh trên trời.” 
Kể lại câu chuyện như thế cho chúng ta hiểu thêm về sự liên hệ giữa mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay và kết quả việc truyền giáo. Hình như có một sự liên kết chặt chẻ nào đó giữa đời sống của nhà truyền giáo bị tước đoạt hết mọi phương tiện sinh sống với kết quả truyền giáo. Nhiều khi người ta tưởng lầm rằng thời gian bị bách hại, thời gian bị cấm cách, bị thiếu phương tiện là thời gian khó khăn nhất cho việc truyền giáo. Thế nhưng nhiều trường hợp trong lịch sử cho thấy ngược lại. Chính trong thời gian bị tước đoạt hết mọi phương tiện, chính khi người ra đi truyền giáo rao giảng bằng chính đời sống của mình với tất cả nhiệt tâm của mình thì người ta thấy rằng khi ấy đức tin người chấp nhận tin theo Đức Kitô là tinh tuyền nhất, có một chất lượng cao nhất.
Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi rao giảng sau một thời gian sống bên Người để được huấn luyện. Đức Giêsu cho thấy họ có sứ mạng khử trừ các thần ô uế (c.7). Họ còn được hướng dẫn về cách ăn vận, về đồ vật nào được mang theo, về nơi nào nên ở lại, về cách xử trí khi bị khước từ… Điều quan trọng là họ phải trở nên nhẹ nhàng cho việc di chuyển và phải đặt mình dưới sự săn sóc của Thiên Chúa. Huấn thị của Chúa Giêsu không nhằm bày tỏ nghèo nàn hay cuộc sống khắc khổ, nhưng mang tính cách thiết thực : công tác ngắn gọn, đừng quá kềnh càng nhưng phải đơn giản mau lẹ. 
Ngày nay cũng thế. Đức Giêsu hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi vẫn là một (Dt 13,8). Chính Người đứng đầu Giáo Hội. Người điều khiển mọi người nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh thần là Đấng làm vang lên tiếng gọi của Chúa Giêsu nơi những tâm hồn quảng đại. Chúa Thánh thần cũng là Đấng làm cho cuộc huấn luyện các môn đệ vẫn còn tiếp tục trong Giáo Hội. Thư Do Thái nói rõ tính chất của cuộc huấn luyện đó khi nói “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo của anh em, họ là những người làm cho anh em được nghe lời của Thiên Chúa và hãy xem cuộc đời của họ kết thúc như thế nào, để noi theo lòng tin của họ” (Dt 13,7). 
Và trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thế giới luôn có những tâm hồn quảng đại, tim đầy nhiệt huyết hiến thân đời mình để mang Tin Mừng Cứu Rỗi cho muôn dân. Tuy nhiên, họ phải là những tiên tri chân chính luôn hiến trọn cuộc đời mình cho công việc của Thiên Chúa. Họ không ngại hy sinh gian khổ. Họ không đòi hỏi quá đáng cho cuộc sống vật chất vì thực ra đôi khi họ sẳn sàng hy sinh ngay cả mạng sống mình để lo rao giảng tin mừng.
Vì thế, trong thánh lễ hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho những người nhận được lệnh Chúa sai đi, cũng biết sống phù hợp với những chỉ dẫn Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN