Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIV QUANH NĂM, NĂM B, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIV QUANH NĂM, NĂM B, CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

 

(Ed 2, 2-5; 2Cr 12, 7-10; Mc 6, 1-6)

“Thân phận người ngôn sứ”

 

Tin mừng Marcô 6, 1-6:

Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”. Và họ vấp ngã vì Người. Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.

Suy niệm:

Đức Giêsu trở về quê hương mình là Nazareth. Theo thời gian vào ngày sa-bát, Ngài vào hội đường và rao giảng lời Chúa. Những người đồng hương rất ngạc nhiên về lời rao giảng của Ngài, sự khôn ngoan của Ngài và nhất là những phép lạ Ngài làm ở khắp nơi mà họ đã nghe biết và họ đã thán phục Ngài: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan như vậy? Ông ta làm được những phép lạ như thế?”.

Nhưng khi nhớ đến nguồn gốc của Ngài là một bác thợ mộc tầm thường bà con với những dân làng nghèo miền Nazareth… Họ không tin Ngài, không đón nhận gióa lý của Ngài, họ coi thường Ngài. Chính vì thái độ không tin ấy, Đức Giêsu không làm phép lạ ở Nazareth. Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn đối với người đồng hương. Ngài đã nói lên một thân phận người ngôn sứ ở trong xã hội thời xưa cũng như hôm nay: “Không có một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương của mình”.

Ngôn sứ là một người nói thay cho Thiên Chúa, nói lời của Thiên Chúa. Tiếng nói của những ngôn sứ rất lạ thường, bởi nói lên những chân lý về Thiên Chúa. Loài người thường “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Còn lời của Thiên Chúa mà các ngôn sứ loan truyền thì luôn nói thẳng nói thật để dạy dỗ, răn đe, sửa lỗi. Sự thật mất lòng, cho nên tiếng nói của Thiên Chúa nhiều khi chói tai, khó chấp nhận. Trường hợp của Chúa Giêsu tại hội đường Nazareth là một điển hình.

Ngôn sứ nói lời của Thiên Chúa, nên nhiều khi chẳng những không được người ta nghe mà còn bị người ta ghét, loại trừ, bách hại. Ngôn sứ Êdêkien thay mặt Chúa kêu gọi dân Do Thái sám hối tội lỗi, đừng ỷ lại vào sự kiện họ có đền thờ Giêrusalem và cũng đừng nương tựa vào thế lực ngoại bang. Những lời nói này đã khiến dân Do Thái kết tội ông phạm thánh và phản quốc. Họ đã nhiều lần bách hại ông, ông chỉ thoát chết trong đường dây kẽ tóc. Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê chém đầu vì nói lên sự thật, tố cáo sự loạn luân của vua. Rất nhiều ngôn sứ cũng không thoát khỏi cảnh bách hại do sứ mạng nói lời của Thiên Chúa. Thân phận của người ngôn sứ là như thế!

Ngày hôm nay trong một xã hôi duy vật vô thần, nền đạo đức xuống cấp trầm trọng ở gia đình, học đường, xã hội… Biết bao nhiêu sự thật đau lòng, bất công, tham nhũng hối lộ, người có quyền đàn áp chiếm đoạt đất đai, tài sản của nhân dân, nạn cướp của giết người ở khắp nơi… trong Giáo hội cũng xảy ra nhiều vấn đề đau buồn: linh mục, tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, đánh cắp những tài liệu mật ở Vatican, nhiều tiêu cực. Thiên Chúa cần những ngôn sứ can đảm nói lên sự thật để làm cho xã hội và Giáo hội được phục hồi, được thăng tiến về mọi mặt. Nhưng đáng buồn, đa số Kitô hữu, các cán bộ tin mừng, những linh mục tu sĩ đã chọn thái độ làm ngơ, im lặng. chỉ vì muốn được yên thân, an phận. Như thế là không thi hành chức năng ngôn sứ của mình.

Nhiều Kitô hữu không ý thức chức năng ngôn sứ của mình khi lãnh nhận bí tích Rửa tội được làm con Chúa, được tham dự vào 3 chức năng của Đức Giêsu Kitô là Ngôn sứ – Tư tế – Vương đế. Đáng buồn có những tín hữu chối bỏ đức tin khi làm lý lịch khai là không tôn giáo, không dám xưng mình là người có đạo, không dám làm dấu Thánh giá khi ăn cơm chung với nhiều người, đối xử thiếu nhân đạo, thiếu bác ái với anh em, bất công với người khác… Đó là những biểu hiện không thi hành chức vụ ngôn sứ trong xã hội.

Sống đạo là sống chứng nhân cho Chúa giữa đời: Sống đạo đức, lương thiện, bác ái, hy sinh phục vụ… để anh em lương dân nhìn thấy những việc làm tốt lành mà ngợi khen Thiên Chúa.

Thái độ thiên kiến, định kiến “Bụt nhà không thiêng”. “gần chùa gọi bụt bằng anh, thấy bụt hiền lành cõng bụt đi chơi”. Chỉ nhìn quá khứ với con mắt chủ quan của người đồng hương đối với Chúa làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Khi đánh giá một sự kiện, nhất là một con người cần phải có thái độ khách quan, trung thực nhìn nhận sự kiện, con người như hôm nay, bây giờ, hiện thực thì mới chính xác. Không nên nhìn quá khứ với những khuyết điểm nơi con người mà phải nhìn con người hôm nay với cái nhìn lạc quan hướng về một tương lai tốt đẹp, dĩ nhiên ai cũng có khuyết điểm, giới hạn của mình “nhân vô thập toàn”. Người đồng hương Nazareth không có cái nhìn này mà chỉ nghĩ về quá khứ: Ông Giêsu, một bác thợ mộc nghèo, tầm thường, vô danh tiểu tốt, cha mẹ Ngài cùng xóm ấp với mình. Vì thế họ không thấy được những điều hay, việc làm tốt, phi thường của Đức Giêsu nên họ không tin, mặc dù họ khâm phục Ngài. Trước thái độ của người Nazareth, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Không một tiên tri nào được đón nhận nơi quê hương mình”.

Khách quan nhìn nhận sự thật về mình, về người khác và công nhận con người có thể biến đổi trở nên tốt mới có thể tạo được niềm tin giữa con người trong xã hội và giúp nhau thăng tiến về đạo cũng như đời. Hãy bỏ qua quá khứ và nhìn về tương lai tốt đẹp!

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

 

 

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …