1. Buổi triều yết chung thứ Tư 30 tháng 10.
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 30 tháng 10, tức là hai ngày trước lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả sự hiệp thông của các thánh như tình huynh đệ siêu nhiên giữa các ngài. Nhưng Đức Thánh Cha nói thêm sự hiệp thông này mở rộng cả cho người Công Giáo đang sống ngày hôm nay và những người đã qua đời trong Đức Kitô, để tất cả hiệp nhất thành Nhiệm Thể Chúa Kitô. Vì sự hiệp thông này, người Công Giáo có nghĩa vụ nâng đỡ lẫn nhau về tinh thần.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta suy tư về sự hiệp thông của các thánh. Như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở chúng ta, đây là một sự hiệp thông “những điều thánh thiêng” giữa “những con người thánh thiện” ( số 948 ).
Sự hiệp thông của các thánh là thực tại sâu xa nhất của Giáo Hội, bởi vì trong Chúa Kitô, và qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được nên người thông phần trong sự hiệp thông của cuộc sống và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như vậy, chúng ta hiệp nhất với nhau trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Thông qua tình hiệp thông huynh đệ này, chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa và chúng ta được mời gọi để hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần.
Sự hiệp thông các thánh không chỉ bao gồm Giáo Hội tại thế, nhưng cũng bao gồm tất cả những người đã chết trong Đức Kitô, các linh hồn trong luyện ngục và các thánh ở trên trời .
Chúng ta cảm nghiệm được sự hiệp thông này giữa trời và đất trong lời cầu xin của chúng ta, đặc biệt trong ngày lễ Các Thánh và Lễ các linh hồn mà chúng ta sắp cử hành.
Khi chúng ta vui mừng với mầu nhiệm cao cả này, chúng ta hãy cầu xin Chúa kéo chúng ta tiến gần hơn với Ngài và với tất cả anh chị em của chúng ta trong Giáo Hội.
2. Ý nghĩa ngày lễ các Thánh
Lễ trọng kính Các Thánh là cơ hội để chúng ta hướng cái nhìn xa hơn những thực tại trần thế ghi dấu bởi thời gian, để hướng đến chiều kích của Thiên Chúa, đến chiều kích của vĩnh cửu và sự thánh thiện. Phụng vụ ngày lễ các Thánh nhắc chúng ta rằng sự thánh thiện là ơn gọi nguyên thủy của những ai đã được rửa tội.
Trong cuộc sống vội vã thường nhật, nhiều khi chúng ta quên rằng mục đích đời sống chúng ta là “cuộc gặp gỡ diện đối diện với Thiên Chúa.. Chúng ta đạt tới mục đích đó qua sự thánh thiện. Sự thánh thiện này không phải là một đặc ân dành cho ít người được tuyển chọn, nhưng là nghĩa vụ của mỗi người”.
Sự thánh thiện không hệ tại nơi những hoạt động hoặc công trình lạ lùng, cũng không phải là có được những đoàn sủng ngoại thường. Nên thánh có nghĩa phụng sự Chúa Giêsu, lắng nghe và theo Chúa, không thất đảm trước những khó khăn. Sự thánh thiện đòi hỏi một cố gắng trường kỳ, nhưng đó cũng là điều mà mọi người có thể thực hiện được. Sự thánh thiện trước tiên là một hồng ân của Thiên Chúa, hơn là công trình của con người. Lễ trọng kính Các Thánh nhắc nhở chúng ta rằng trong hành trình nên thánh, không bao giờ chúng ta lẻ loi, nhưng được các thánh trong mọi thời đại tháp tùng.
3. Ý nghĩa ngày lễ các đẳng linh hồn
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustinô viết, “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.
Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.
Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với những vết tích tội lỗi, do đó, cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết nhờ vào Lòng Thương Xót Chúa. Năm 2000, trong sắc lệnh thiết đặt Lễ Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị nhấn mạnh rằng tội lỗi chúng ta quá lớn đến mức ngoài Lòng Thương Xót Chúa, chẳng còn biết trông cậy vào điều gì.
Cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ sự chia lìa với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.
4. Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong cho hai vị giám mục đầu tiên của triều Giáo Hoàng của ngài
Hôm 24 Tháng 10, Hiệu trưởng trường ngoại giao uy tín của Vatican và tân sứ thần Toà Thánh tại Ghana đã là hai vị linh mục đầu tiên được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong giám mục trong triều đại giáo hoàng của ngài.
Tân Giám Mục Giampiero Gloder, là một linh mục người Ý 55 tuổi, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng của Trường Ngoại Giao Tòa Thánh cách đây một tháng. Vị tân Giám Mục thứ hai Jean-Marie Speich, là linh mục người Pháp 58 tuổi, sứ thần Toà Thánh tại Ghana kể từ tháng Tám vừa qua.
Buổi lễ đã diễn ra bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.
5. Đức Thánh Cha trao giải thưởng Thần Học Ratzinger
Giải thưởng Ratzinger đã nổi lên như một giải thưởng uy tín nhất về thần học. Giải thưởng này đã được trao cuối tuần qua. Nhưng đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã không có mặt.
Vào đầu buổi lễ, tiếp theo lời chào mừng của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Tôi hạnh phúc khi được hiện diện nơi đây với tất cả các bạn, trên tất cả, là để cho thấy sự đánh giá cao của chúng ta và tình cảm của chúng ta dành cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.”
Trong lễ trao giải, Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh đến những cuốn sách cuối cùng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, đó là một bộ gồm ba cuốn về cuộc đời của Đức Giêsu Thành Nadarét.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Tôi nhớ rằng khi tập đầu tiên được công bố, một số người cho biết , “Cái gì đây? Một vị Giáo hoàng không nên viết sách thần học, ngài chỉ nên viết thông điệp thôi!” Chắc chắn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã xem xét vấn đề này. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, như mọi khi, ngài đã đi theo tiếng nói của Chúa chúng ta trong lương tâm được chiếu sáng của mình.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết then chốt của tuyển tập ba cuốn này là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết nó dựa trên các nghiên cứu thần học của ngài, cũng như những lời cầu nguyện cá nhân của mình.
Đức Giáo Hoàng sau đó trao giải thưởng Ratzinger cho hiệu trưởng của Đại học King ở London, và thần học gia Christian Schaller, là một trong những học giả chủ yếu đang giúp đỡ công bố các tác phẩm hoàn chỉnh của Đức Joseph Ratzinger.
Đây là lần trao giải thưởng thứ ba của Hội Joseph Ratzinger – Bênêđictô 16, là tổ chức giữ bản quyền các tác phẩm của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Giải thưởng được trao cho các “học giả trong những lãnh nhất định của thần học” và bao gồm một chi phiếu $70.000 để giúp họ tiếp tục các nghiên cứu của mình.
6. Đức Thánh Cha gặp gỡ Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình
Trong cuộc gặp gỡ diễn ra hôm thứ Sáu 25 tháng 10 với Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, Đức Thánh Cha đã khích lệ các vị chủ chăn trên thế giới hãy tôn trọng và can đảm nhiệt thành trợ giúp các gia đình đang phải đối mặt với những tình huống khó khăn, giúp đỡ các cuộc hôn nhân đang gặp khủng hoảng và những người đã ly hôn. Ngài cũng khích lệ các Kitô hữu sử dụng cuộc sống hàng ngày của họ để trình bày trước thế giới “vẻ đẹp của hôn nhân và gia đình Kitô giáo”
Đức Thánh Cha nói:
“Gia đình là nơi chúng ta học cách yêu thương, là trung tâm tự nhiên của đời sống con người. Gia đình được hình thành bởi những khuôn mặt của những người yêu thương, trò chuyện, hy sinh cho nhau, và bảo vệ sự sống, đặc biệt của những người mong manh nhất, yếu nhất.”
Đức Giáo Hoàng cũng yêu cầu các bậc cha mẹ phải chịu “mất thời gian” với con cái của họ, để con cái có thể nhận ra tình yêu cha mẹ dành cho chúng là một tình yêu không điều kiện, và vô vị lợi.
Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, là Đức Tổng Giám Mục Vicenzo Paglia, đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một hình ảnh về Thánh Gia.
“Hình ảnh này đại diện cho mối quan hệ giữa các thế hệ.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất vui mừng với thông điệp của bức ảnh. Ngài nhắc nhở các tham dự viên nhiều lần là “khi xã hội bỏ rơi con cái mình và gạt bỏ những người cao tuổi nó không chỉ thực hiện một hành động bất công, nhưng cũng tạo ra những tiền đề cho sự thất bại của xã hội đó.”
Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đã nhóm họp từ ngày 23 đến 25-10, trong đó ngoài một số Hồng Y và Giám Mục còn có điều đôi vợ chồng thành viên. Khóa họp này được tiếp nối với cuộc hành hương của các gia đình thế giới trong Năm Đức Tin ở Roma: các gia đình sẽ gặp Đức Thánh Cha chiều thứ Bẩy 26-10-2013 và tham dự thánh lễ với ngài sáng Chúa Nhật 27-10-2013.
7. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các vị tuyên úy nhà tù Ý: Không có phòng giam nào có thể cô lập con người với Thiên Chúa
Hôm 23/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các vị tuyên uý tham dự Hội nghị Toàn Quốc các Tuyên uý nhà tù Ý. Ngài nêu bật công việc của họ trong việc biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa và mang niềm hy vọng đến cho những người cần nhất.
Đức Thánh Cha cho hay, khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, ngài thường gọi điện thoại cho các tù nhân vào những lúc rảnh rỗi ngày Chúa Nhật. Ngài nói thêm rằng những cuộc đàm thoại này thường đặt ra cho Đức Giáo Hoàng câu hỏi “tại sao lại là anh ta mà không phải là tôi?”. Những cuộc chuyện trò như thế làm cho ngài gần gũi các tù nhân hơn.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Mới đây, anh em nói về một nền công lý của hòa giải, nhưng cũng là một nền công lý của hy vọng, về những cánh cửa mở ra những chân trời. Đây không phải là điều vọng tưởng. Mà là những gì thực tế có thể thực hiện được!”.
Trong diễn từ ngắn của mình, Đức Thánh Cha cũng nói rằng Thiên Chúa gần gũi với mọi người, trong đó có cả những tù nhân. Ngài nói thêm rằng không có phòng giam nào có thể cô lập con người với Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng yêu cầu các vị tuyên úy chuyển lời chào của ngài đến tất cả các tù nhân. Ngài nói rằng ngài cầu nguyện cho họ, để “họ có thể tích cực vượt qua giai đoạn khó khăn này trong đời mình”.
8. Đức Thánh Cha gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới
Chiều thứ Bẩy 26 tháng 10, Đức Thánh ChaPhanxicô đã gặp gỡ 150,000 tín hữu tham gia cuộc hành hương của các gia đình tại Roma nhân dịp Năm Đức Tin.
Cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân tổ chức với chủ đề “Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin”.
Từ 2 giờ chiều, Quảng trường Thánh Phêrô đã được mở ra để đón tiếp các gia đình với con cháu, từ 75 nước tựu về. Trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ tiếp đó, họ đã tham gia buổi sinh hoạt, cầu nguyện, ca hát, và với phần trình bày chứng từ của nhiều gia đình, cả những cặp bị khủng hoảng và tan vỡ, nhưng đã cố gắng vượt thắng những tình trạng đau thương này.
Như trường hợp ông bà Daniele và Sabrina del Brusco ở Roma với hai con 12 và 9 tuổi. Sau 7 năm hôn phối, họ lâm vào trình trạng khủng hoảng. Daniele không muốn ở với Sabrina nữa. Sabrina nhờ bạn bè, cha mẹ, thân nhân giúp đỡ nhưng không thành công. Sau đó, Daniele được mời đi gặp một linh mục. Ông không muốn đi vì nghĩ rằng linh mục là người độc thân thì làm sao hiểu được những vấn đề của cuộc sống vợ chồng.
Nhưng rồi Daniele cũng đi gặp vị linh mục. Cha đã nói về một Thiên Chúa tình thương, một vị Thiên Chúa gần gũi con người, và mời gọi Daniele hãy tín thác vào Chúa, và để cho Chúa hành động. Và dần dần nơi Daniele đã có một sự thay đổi sâu xa. Ông khởi sự với Sabrina một hành trình mới trong đời sống hôn nhân: họ để cho Chúa Giêsu đi vào trung tâm cuộc sống của họ. Họ tái khám phá tình yêu đối với nhau, chấp nhận và tha thứ cho nhau.
Daniele nói: “Chúng tôi hiểu rằng hôn phối của chúng tôi là một hồng ân vô biên; ơn thánh của bí tích hôn phối canh tân chúng tôi mỗi ngày và đôi vợ chồng không bao giờ lẻ loi, vì Chúa đồng hành với chúng ta”.
Dưới sự hướng dẫn của hoạt náo viên, rất nhiều gia đình đã dùng điện thoại di động gửi một tín hiệu ngắn SMS 1 Euro để trợ giúp các gia đình đang gặp khó khăn ở Siria, qua trung gian của Caritas Italia.
Lúc gần 5 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha Phanxicô từ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô, cầm tay một em bé, tiến ra lễ đài ở thềm Đền Thờ giữa tiếng vỗ tay chào mừng của các tín hữu, mọi người vẫy bong bóng mầu hân hoan.. Đức Thánh Chađã bắt tay chào thăm các cha mẹ và ông bà đứng gần ngài trên lễ đài. Cạnh lễ đài là bức ảnh Chúa Giêsu được song thân dâng vào Đền Thờ của Chúa và gặp gỡ ông Simeon và bà Anna.
Bé Francesca đã đại diện mọi người chào Đức Thánh Cha, trước khi Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, giới thiệu các thành phần gia đình tham dự cuộc gặp gỡ. Ngài không quên gửi lời chào thăm các gia đình đang gặp khó khăn tại nhiều nơi ở Siria.
Cuộc gặp gỡ tiến hành với những màn diễn xiệc, âm nhạc, chứng tá của các cặp sắp kết hôn, những đôi vợ chồng trẻ, những gia đình đông con. Đặc biệt có chứng từ của một gia đình Siria tị nạn, đã trải qua cảnh đau thương của chiến tranh, gia đình bị phân tán; chứng từ của gia đình ra đi truyền giáo, của các ông bà.
9. Thánh Lễ Ngày Gia Đình trong năm Đức Tin
Năm Đức Tin bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 sẽ kết thúc vào ngày 24 tháng 11 tới đây. Ngày Gia Đình trong Năm Đức Tin diễn ra vào hai ngày thứ Bẩy 26 và Chúa Nhật 27 tháng 10 được xem là biến cố trọng đại sau cùng thu hút đông đảo các tín hữu.
Sáng Chúa Nhật 27 tháng 10, 150 ngàn tín hữu đã tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành với các gia đình đến từ 75 nước trên thế giới, kết thúc tốt đẹp cuộc hành hương của các gia đình tại Roma trong Năm Đức Tin.
Tối thứ Bẩy trước đó, các gia đình này đã gặp gỡ với Đức Thánh Cha, chia sẻ chứng từ và tuyên xưng đức tin, cũng tại quảng trường thánh Phêrô. Trong số các tín hữu có nhiều người thuộc các phong trào như Công Giáo Tiến hành, Canh tân trong Thánh Linh, Con đường tân dự tòng, v.v. Đồng tế với Đức Thánh Cha có hơn 60 Hồng Y và Giám Mục, cùng với 500 linh mục.
Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã dựa vào các bài đọc để rút ra những bài học thực tế cho đời sống gia đình, đó là gia đình cầu nguyện, gia đình bảo tồn đức tin và gia đình sống niềm vui. Ngài nói:
Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về một vài đặc tính cơ bản của gia đình Kitô.
1. Thứ Nhất: Gia đình cầu nguyện. Đoạn sách Tin Mừng làm nổi bật hai cách thức cầu nguyện, một cách sai lầm như người biệt phái – và một cách đúng đắn là cách của người thu thuế. Người biệt phái là hiện thân của một thái độ không biểu lộ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì những ơn lành và lòng từ bi của Ngài, nhưng đúng hơn tỏ ra tự mãn. Người biệt phải cảm thấy mình là người công chính, thấy mình hoàn hảo, và hãnh diện đoán xét người khác từ trên bệ cao của mình. Trái lại, người thu thuế không nói nhiều lời. Kinh nguyện của ông là một sự điều độ khiêm tốn, ý thức về sự bất xứng và tình trạng lầm than của mình: người ấy nhìn nhận mình cần ơn tha thứ và lòng từ bi của Thiên Chúa.
Kinh nguyện của người thu thuế là kinh nguyện của người nghèo, và là kinh nguyện làm hài lòng Thiên Chúa, như bài đọc thứ I đã nói, kinh nguyện ấy “bay tới mây trời” (Hc 35,20), trong khi kinh nguyện của người biệt phái nặng nề vì những kiêu căng thừa thãi.
Hỡi các gia đình thân mến, dưới ánh sáng Lời Chúa, tôi muốn hỏi anh chị em: thỉnh thoảng anh chị em có cầu nguyện trong gia đình không? Tôi biết một số gia đình có cầu nguyện chung. Nhưng cũng có nhiều người nói với tôi: làm sao mà cầu nguyện chung được? Vì dường như kinh nguyện là chuyện cá nhân, vả lại chẳng bao giờ có lúc thuận thiện, yên tĩnh.. Đúng thế, nhưng vấn đề ở đây là khiêm tốn, nhìn nhận rằng chúng ta cần Thiên Chúa, giống như người biệt phái! và cần có sự đơn sơ! Cùng nhau đọc kinh “Lạy Cha” quanh bàn ăn, ta có thể làm được. Và cầu nguyện chung với kinh Mân Côi trong gia đình, đó là điều thật đẹp và mang lại bao nhiêu sức mạnh! Và cầu nguyện cho nhau! Chồng cầu cho vợ, vợ cầu cho chồng, cả hai cầu cho con cái, và con cái cầu cho cha mẹ, ông bà. Cầu nguyện cho nhau, đó là cầu nguyện trong gia đình, và điều làm cho gia đình mạnh mẽ chính là lời cầu nguyện.
2. Bài đọc thứ hai gợi cho chúng ta một điểm khác nữa: gia đình gìn giữ đức tin. Thánh Phaolô Tông Đồ, vào cuối đời, đã làm một bản kết toán cơ bản: “Tôi đã bảo tồn đức tin” (2 Tm 4,7). Nhưng làm sao bảo tồn đức tin? Không phải trong một tủ sắt! Không phải chôn vùi đức tin dưới đất, như người đầy tớ lười biếng. Thánh Phaolô so sánh cuộc sống của ngài với một cuộc trận chiến và một cuộc chạy đua. Ngài đã bảo tồn đức tin vì ngài không phải chỉ thu hẹp vào việc bảo vệ đức tin, nhưng loan báo, chiếu tỏa và đưa đức tin đi xa. Ngài quyết liệt chống lại những người muốn bảo tồn, “tẩm liệm” đóng khung sứ điệp của Chúa Kitô trong biên cương Palestine. Vì thế, thánh nhân đã thực hiện những chọn lựa can đảm, là đi tới những lãnh thổ thù địch, để cho mình bị những người xa xăm, những nền văn hóa khác, khiêu khích, ngài đã rao giảng một cách thẳng thắn không sợ hãi. Thánh Phaolô đã bảo tồn đức tin vì, như ngài đã nhận lãnh, đã trao ban, đẩy mình tới những vùng ngoại biên, không bám vào những vị trí tự vệ.
Ở đây chúng ta cũng có thể tự hỏi: chúng ta có thể giữ gìn đức tin như thế nào? Phải chăng chúng ta giữ đức tin cho mình, trong gia đình chúng ta, như một tư sản, hay chúng ta biết chia sẻ đức tin bằng chứng tá, bằng sự tiếp đón, cởi mở đối với tha nhân? Tất cả chúng ta biết rằng các gia đình, nhất là những gia đình trẻ, thường “chạy”, quá nhiều công việc; nhưng đôi khi anh chị em có nghĩ rằng sự chạy đi vậy có thể cũng là một cuộc chạy đua đức tin? Các gia đình Kitô là những gia đình thừa sai, trong đời sống hằng ngày, làm những công việc hằng ngày, đặt muối và men đức tin trong mọi sự!
3. Một khía cạnh chúng ta rút được từ Lời Chúa, đó là gia đình sống niềm vui. Trong thánh vịnh đáp ca có thành ngữ này: “Những người nghèo hãy lắng nghe và vui mừng” (33/34,3). Trọn thánh vịnh này là một bài ca chúc tụng Chúa là nguồn mạch vui mừng và an bình. Đâu là lý do để vui mừng? Thưa đó là: Chúa ở gần, Ngài lắng nghe tiếng kêu của những người khiêm hạ và giải thoát họ khỏi sự ác. Thánh Phaolô cũng viết: “Anh chị em hãy luôn vui tươi.. Chúa đang ở gần!” (Pl 4,4-5). Hôm nay tôi muốn hỏi mỗi người trong anh chị em, như một bài tập cần làm: ở nhà có niềm vui không? Niềm vui trong gia đình bạn như thế nào? Mỗi người hãy tự trả lời!
Hỡi các gia đình thân mến, anh chị em biết rõ điều này: niềm vui chân thực mà ta nếm hưởng trong gia đình không phải là một cái gì hời hợt, không đến từ sự vật, từ những hoàn cảnh thuận tiện. Niềm vui chân thực đến từ một sự hòa hợp sâu xa giữa con người, mà mọi người đều cảm thấy trong tâm hồn, nâng đỡ nhau trên con đường đời. Nhưng ở căn cội tâm tình vui mừng sâu xa ấy có sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình, có tình thương đón tiếp, của Ngài, tình yêu từ bi, tôn trọng mọi người. Và nhất là một tình yêu kiên nhẫn: kiên nhẫn là một đức tính của Thiên Chúa và Chúa dạy rằng trong gia đình phải có tình yêu kiên nhẫn như thế, mỗi người đối với nhau. Chỉ mình Thiên Chúa biết kiến tạo sự hòa hợp giữa những khác biệt. Nếu thiếu tình thương của Thiên Chúa, thì cả gia đình cũng mất đi sự hòa hợp, và thái độ duy cá nhân chủ nghĩa sẽ trổi vượt, và niềm vui bị tắt lịm. Trái lại, gia đình nào sống niềm vui đức tin thì tự nhiên cũng thông truyền đức tin, cũng là muối đất và là ánh sáng thế gian, là men cho xã hội.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:
Hỡi các gia đình thân mến, anh chị em hãy luôn sống với niềm tin và với tinh thần đơn sơ, như Thánh Gia Nazareth. Ước gì niềm vui và an bình của Chúa luôn ở cùng anh chị em!
10. Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 27 tháng 10
Cuối thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha.
Tiếp đó, Đức Thánh Cha tiến đến trước ảnh Thánh Gia và đọc kinh cầu nguyện với Thánh Gia Thất.
Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, hôm nay chúng con muốn nhìn lên Thánh Gia Thất Nazareth với lòng ngưỡng mộ và tín thác; nơi Thánh Gia, chúng con chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự hiệp thông trong tình yêu chân thực; chúng con phó thác cho các Ngài tất cả các gia đình chúng con, để những kỳ công của ân thánh được đổi mới trong họ.
Lạy Thánh Gia Nazareth, là trường dạy Thánh Tin Mừng đầy sức thu hút: xin dạy chúng con noi gương nhân đức của các Ngài nhờ một kỷ luật tinh thần khôn ngoan, xin ban cho chúng con cái nhìn trong sáng biết nhận ra công trình của Chúa Quan Phòng trong những thực tại hằng ngày của cuộc sống.
Lạy Thánh Gia Nazareth, đã trung thành gìn giữ mầu nhiệm cứu độ, xin làm tái sinh nơi chúng con lòng quí mến sự thinh lặng, xin làm cho gia đình chúng con thành Nhà Tiệc Ly cầu nguyện và biến thành những Giáo Hội tại gia nhỏ bé, xin canh tân ước muốn nên thánh, nâng đỡ những vất vả cao thượng của lao công, giáo dục, lắng nghe, cảm thông lẫn nhau và tha thứ.
Lạy Thánh Gia Nazareth, xin khơi dậy trong xã hội chúng con ý thức về tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình, là thiện ích vô giá và không thể thay thế được. Ước gì mỗi gia đình trở thành nhà ở niềm nở tốt lành và an bình cho các trẻ em và người già, cho người bệnh và cô đơn, cho người nghèo túng.
Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, cùng với các ngài chúng con tín thác cầu nguyện, và hân hoan phó thác nơi các ngài.
Trước khi đọc kinh truyền tin kết thúc, Đức Thánh Cha còn ngỏ lời chào và cám ơn tất cả các tín hữu hành hương, đặc biệt là các gia đình đến từ bao nhiêu quốc gia!
Ngài cũng chào thăm các Giám Mục và tín hữu từ nước Guinê Xích Đạo bên Phi châu đến Roma này nhân dịp trao đổi văn kiện phê chuẩn hiệp định với Tòa Thánh. Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm nguyên tội bảo vệ quốc dân yêu quí của anh chị em, và giúp anh chị em tiến triển trên con đường hòa hợp và công lý.
Đức Thánh Cha mời các tín hữu, qua kinh Truyền Tin, cầu xin Mẹ Maria bảo vệ các gia đình trên toàn thế giới, đặc biệt là các gia đình đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn.
Đức Thánh Cha và các tín hữu đã lập lại 3 lần lời khẩn nguyện: Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương các gia đình, xin cầu cho chúng con.
11. Đức Thánh Cha tiếp đoàn đại biểu các tôn giáo tại Iraq
Vào cuối buổi triều yết chung Thứ Tư 30 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các đại biểu của các nhóm tôn giáo tại Iraq, Hồi giáo và Kitô giáo bao gồm Shia và Sunni, cũng như Sa-bê và Yazidis.
Một vị đại diện nói:
“Khi chúng tôi đến, chúng tôi đã rất lạc quan. Nhưng những gì chúng tôi trải qua đã vượt quá cả sự mong đợi. “
Đoàn đại biểu đã tham dự một cuộc họp do Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn là Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran tổ chức.
Đức Giáo Hoàng chào đón và nói chuyện với từng người một. Trong tất cả những món quà mà các vị đã tặng Đức Thánh Cha, có lẽ kẹo là món quà đặc biệt nhất.
“Đây là loại kẹo truyền thống Iraq.”
“Toàn bộ chuyến thăm này là ngọt ngào.”
Đây là cuộc họp đầu tiên của đoàn với Vatican. Mục đích là để tăng cường đối thoại giữa tất cả các nhóm tôn giáo tại quốc gia này.
12. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp bà Aung San Suu Kyi
Hôm thứ Hai 28 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập của Miến Điện, là người đã được giải Nobel Hòa bình.
Bà Aung San Suu Kyi đang đi một vòng thăm các nước châu Âu và đã có một chặng dừng tại Vatican để gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là người đã mô tả bà như là một “biểu tượng” của nền dân chủ và hòa bình.
Đức Thánh Cha nói với bà Aung San Suu Kyi
“Thật là một niềm vui để chào đón bà nơi đây.”
Bà Aung San Suu Kyi và Đức Giáo Hoàng đã gặp nhau hai mươi phút. Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của ngài đối với sự bất khuất của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc chiến đấu lâu dài cho dân chủ và hòa bình tại Miến Điện.
Ngài nói rằng, ngài luôn cầu nguyện cho đất nước Miến Điện. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến giá trị của tình yêu đặc biệt và sự hiểu biết lẫn nhau để cải thiện cuộc sống của người dân. Sau khi chấm dứt chế độ độc tài, Miến Điện lại rơi vào tình trạng xung đột tôn giáo giữa Phật Giáo và Hồi Giáo gây ra cái chết của hàng ngàn người.
Phòng báo chí Tòa Thánh ghi nhận rằng cuộc họp của hai vị là kết quả của sự đánh giá cao của Đức Giáo Hoàng trước quyết tâm và cam kết không bạo lực của bà Aung San Suu Kyi.
Sau cuộc họp giữa hai vị bà Aung San Suu Kyi đã giới thiệu những người cùng. Đức Giáo Hoàng đã trao tặng họ mỗi người một huy chương triều đại giáo hoàng của ngài.
Giáo Hội Công Giáo nhỏ bé tại Miến Điện được xem là một Giáo Hội rất năng động trong vùng. Các Giám Mục nước này đã chủ động kêu gọi cải cách rộng rãi hơn, và đặc biệt là giúp đỡ những người nghèo nhất trong xã hội, bất kể sự khác biệt tôn giáo hay dân tộc .
Đó là một điểm Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh. Ngài nói với bà Suu Kyi rằng đối thoại giữa các tôn giáo là một phần quan trọng trong việc thăng tiến đất nước
13. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống nước Guinea Xích đạo
Đúng ngày hiệp ước song phương giữa hai nước có hiệu lực, hôm thứ Sáu 25 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo, của nước Guinea Xích đạo, là đất nước duy nhất tại Phi Châu nói tiếng Tây Ban Nha.
– “Tôi hy vọng bạn cảm thấy như ở nhà .”
– “Cảm ơn, Đức Thánh Cha.”
Hai vị đã gặp nhau tại Dinh Tông Tòa của Vatican. Họ nói về những đóng góp của Giáo Hội tại quốc gia nhỏ bé ở châu Phi. Tổng thống đã bày tỏ niềm tự hào của mình đã được tiếp kiến nhiều vị Đức Giáo Hoàng.
“Con hân hạnh đã được Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô thứ 16, và bây giờ là Đức Thánh Cha tiếp kiến”
Hai vị đã thảo luận về một thỏa thuận vừa có hiệu lực công nhận Giáo Hội và các tổ chức của Giáo Hội tại Guinea Xích Đạo. Thoả thuận này cũng đảm bảo quyền Giáo Hội được hoạt động trong lãnh vực công cộng như trường học, bệnh viện và nhà tù .
Sau cuộc họp riêng với Đức Thánh Cha, tổng thống đã giới thiệu gia đình và những vị đi cùng, trong đó có hầu hết các vị bộ trưởng chính phủ. Tổng thống đã trao tặng Đức Thánh Cha một tác phẩm điêu khắc làm bằng gỗ quý.
“Tất cả các bộ lạc của chúng con đều được thể hiện nơi đây: những người nam nữ của mọi thời đại. “
Ông cũng đã tặng Đức Thánh Cha một hình Đức Mẹ Bisila .
– “Tại đất nước ngài, dân chúng có lòng sùng mộ với Đức Mẹ không? “
– “Thưa có ạ, họ rất tôn sùng Đức Mẹ”
Đáp lại Đức Giáo Hoàng tặng lại cho tổng thống một huy chương triều đại giáo hoàng của ngài, cũng như một bản vẽ lớn của Quảng trường Thánh Phêrô .
Khi họ nói lời tạm biệt, phu nhân tổng thống xin Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho đất nước của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận lời và tổng thống đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước châu Phi trong tương lai.
14. Đức Giáo Hoàng lên án những vụ bách hại các Kitô hữu và chủ nghĩa bài Do Thái
Hôm thứ Năm 24 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một phái đoàn của Trung tâm Wiesenthal Simon, là một tổ chức nhân quyền Do Thái có trụ sở tại Hoa Kỳ, là tổ chức được thành lập để chiến đấu chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, não trạng bất khoan dung và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Cuộc tiếp kiến đã diễn ra tại đại sảnh đường Clementine của Vatican .
Dịp này Đức Giáo Hoàng đã lên án việc bách hại bất kỳ nhóm thiểu số nào “vì niềm tin tôn giáo của họ hoặc bản sắc dân tộc.”
Ngài đặc biệt chỉ ra sự đau khổ của nhiều Kitô hữu trên toàn thế giới, sống dưới sự đe dọa của khủng bố. Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó đưa ra lời mời gọi cho một nền văn hóa của gặp gỡ và tôn trọng. Ngài ca ngợi công việc của Viện Simon Wiesenthal, và kêu gọi họ tiếp tục sứ mạng của mình ngõ hầu có thể “chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bất khoan dung và bài Do Thái, và duy trì ký ức về nạn diệt chủng, và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau thông qua giáo dục và những dấn thân vì thiện ích của xã hội.”
Đức Giáo Hoàng cũng yêu cầu đoàn đại biểu làm sao để thúc đẩy sự tham gia của những người trẻ tuổi và giáo dục họ. Ngài cho biết điều quan trọng là phải dạy cho thanh thiếu niên biết làm việc chung với nhau phá đổ các bức tường và xây dựng các cầu nối.
Sau bài phát biểu của Đức Thánh Cha, phái đoàn đã trao tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một món quà đặc biệt từ Jerusalem. Một thành phố, mà theo họ, Đức Thánh Cha sẽ nhận biết trong chuyến đi của ngài đến Đất Thánh năm tới đây. Hàng chữ trên khung ảnh mang một ý nghĩa rất đặc biệt.
“Sự công chính và công lý là nền tảng triều đại ngài , từ Sách Thánh Vịnh , gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô, như dấu chỉ lòng quý mến và thân hữu của chúng tôi. “
15. Hoàng tử Luxembourg thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần đầu tiên
Một trong những đôi vợ chồng hoàng gia trẻ nhất ở Âu Châu đã đến thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần đầu tiên vào hôm thứ Năm 24 tháng 10. Đức Giáo Hoàng tiếp đón Hoàng tử William, 31 tuổi là người thừa kế ngai vàng Luxembourg, và phu nhân Stéphanie de Lannoy, tại Dinh Tông Toà.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Chào mừng quý vị, thật hân hạnh được gặp quý vị”.
Nhưng đây không phải là chuyến thăm đầu tiên của họ tới Vatican. Đôi vợ chồng kết hôn vào năm ngoái này cũng đã tham dự Thánh Lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trên cương vị Giáo Hoàng.
Hoàng tử đã tặng Đức Thánh Cha một bức tranh điêu khắc từ Luxembourg, và ngược lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng cho họ một cây viết và một chuỗi tràng hạt.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Để quý vị có thể cầu nguyện cho tôi. Tôi cần điều đó”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiễn họ ra đến cửa văn phòng của ngài, và trước khi nói lời tạm biệt, ngài ban phép lành cho họ.
16. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Panama
Tổng thống Panama, ông Ricardo Martinelli đã gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican trong gần nửa tiếng đồng hồ sáng thứ Ba 29 tháng 10. Hai vị đã nói về sự đóng góp của Giáo Hội cho đất nước và cuộc chiến chống đói nghèo.
Mặc dù đây là buổi tiếp kiến chính thức, nhưng Đức Giáo Hoàng và tổng thống Panama đã rất cởi mở. Hai vị thậm chí đã nói về vị thế của đội bóng đá San Lorenzo, là đội bóng Đức Giáo Hoàng rất hâm mộ.
“Chúng tôi đã thua trận bữa trước rồi.”, Đức Thánh Cha nói.
Tổng thống Martinelli đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô các hiện vật thời tiền Tây Ban Nha tại Panama. Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng đã tặng tổng thống một bức tranh mô tả một thiết kế cổ cho quảng trường Thánh Phêrô, cũng như một huy chương triều đại giáo hoàng của ngài, và các tài liệu Aparecida, là các văn bản mục vụ ngài thường tặng cho các nhà lãnh đạo Mỹ Châu Latinh.
Nhà lãnh đạo Panama cũng đã tận dụng dịp này để xin Đức Thánh Cha cho đất nước này có một vị Hồng Y.
“Đức Thánh Cha có thể tấn phong một Hồng Y cho Panama không?”
Đức Thánh Cha quay sang phu nhân tổng thống
“Chồng bà đúng là biết cái gì để xin.”
Trước buổi tiếp kiến này, tổng thống đã đặt một tượng Đức Mẹ thành Antigua, là quan thầy của Panama tại Vườn Vatican để đánh dấu kỷ niệm 500 năm thành lập Giáo phận Panama, là giáo phận đầu tiên ở châu Mỹ.
Đây là tác phẩm điêu khắc Mỹ Châu Latinh thứ ba về Đức Mẹ được đặt tại Vườn Vatican. Hai tượng khác là Đức Mẹ Guadalupe của Mẫ Tây Cơ, và Đức Mẹ Suyapa , bổn mạng của Honduras.
17. Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng chống lại “Kitô hữu nửa vời”
Trong bài giảng thường nhật của mình tại Nhà trọ Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng người ta không thể là một Kitô hữu, nhưng lại sống như một người ngoại giáo. Nói cách khác, người ta không thể là một “Kitô hữu nửa vời”.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích:
“Đôi khi chúng ta gặp phải các ‘Kitô hữu nửa vời’, là những người không làm tròn bổn phận Kitô hữu một cách nghiêm túc. Chúng ta là dân thánh thiện, công chính, được thánh hóa bởi máu của Chúa Kitô: Hãy giữ sự thánh hoá này và tiến lên! Nhưng có những người không tuân giữ điều này một cách nghiêm túc! Đó là những Kitô hữu thờ ơ: “Không được, cũng được, đúng hay sai cứ loạn cả lên. Như các bà mẹ của chúng ta thường nói đó là các Kitô hữu nước hoa hồng. Có chút lớp sơn Kitô hữu, một chút ‘lớp sơn giáo lý’ – nhưng bên trong không có biến đổi thực sự, không có niềm tin như Thánh Phaolô: ‘Tôi xem mọi sự là rác rưởi miễn là tôi có được Đức Kitô và được tìm thấy trong Ngài’”
Đức Thánh Cha yêu cầu các Kitô hữu có can đảm để bỏ qua một bên những điều làm họ xa rời Chúa Giêsu Kitô.
18. Đức Thánh Cha nói về niềm hy vọng Kitô
Trong bài giảng của sáng thứ Ba 29 tháng 10 tại Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hy vọng không chỉ là một trạng thái lạc quan về tâm lý. Hy vọng, theo Đức Thánh Cha, là một “kỳ vọng mãnh liệt.”
Đức Thánh Cha nói:
“Chúng ta phải sống với niềm hy vọng Kitô, bởi vì thông qua hy vọng ấy chúng ta được cứu độ, và có thể sống như những Kitô hữu tốt, không hơn không kém. Khi một người phụ nữ mang thai, cô ấy vẫn là một người phụ nữ. Nhưng cô ấy là nhiều hơn thế: cô ấy là một người mẹ. Và hy vọng là như vậy. Nó thay đổi thái độ của chúng ta: chúng ta vẫn là chính mình, nhưng hơn mình. Đó là chúng ta, đang tìm kiếm những gì vượt lên chính mình”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng hy vọng đem lại sự sống, vì thế các Kitô hữu phải bước ra khỏi những tiện nghi để đem lại hy vọng cho những người khác.
Nguồn: Vietcatholic