1. Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Lúc 7 giờ chiều ngày thứ Năm 4 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại thềm Đền thờ thánh Gioan Laterano. Tham dự thánh lễ có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục, cùng với các vị Giám Chức, linh mục và hàng chục ngàn tín hữu.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu ban cho chúng ta Mình và Máu Người dưới hình bánh và rượu, để lưu lại cho chúng ta ký ức về sự hy sinh trong tình yêu vô biên của Ngài. Với của ăn đàng đầy đủ tràn đầy ân sủng này, các môn đệ đã có mọi thứ cần thiết cho cuộc hành trình dài xuyên suốt lịch sử, để mở rộng vương quốc Thiên Chúa cho mọi người. Hy tế tự nguyện của Chúa Giêsu trên thánh giá mang lại ánh sáng và sức mạnh cho các môn đệ người. Bánh hằng sống đã được truyền lại cho chúng ta! Giáo Hội kinh ngạc bất tận trước thực tại này – một sự kinh ngạc không ngừng nuôi dưỡng sự chiêm ngưỡng, tôn thờ, và ký ức. Điều này được thấy trong bản văn đẹp của Phụng Vụ ngày hôm nay là đáp ca của bài đọc hai trong Giờ Kinh Sách: “Hãy nhìn nơi bánh này, Mình của Đức Kitô bị treo trên thập giá, và trong chén này Máu chảy ra từ cạnh sườn Ngài. Hãy cầm lấy Mình Ngài mà ăn, Máu Ngài mà uống, và anh chị em sẽ trở thành thành viên của Ngài. Mình Chúa Kitô là mối dây liên kết anh chị em với Ngài: hãy cầm lấy mà ăn, nếu không anh chị em sẽ không là một phần trong Ngài. Máu Ngài là giá cho sự cứu chuộc cho anh chị em: hãy uống, nếu không anh chị em sẽ tuyệt vọng vì tình trạng tội lỗi của mình”.
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Chúng ta tự hỏi đâu là ý nghĩa ngày hôm nay của việc bị tách ra từ Ngài, của tuyệt vọng – như những kẻ hèn nhát – trước tình trạng tội lỗi của chúng ta?
Chúng ta bị tách ra khỏi Chúa Kitô khi chúng ta không vâng phục Lời Chúa, khi chúng ta không sống tình huynh đệ với nhau, khi chúng ta cạnh tranh để chiếm chỗ nhất, khi chúng ta không có can đảm để đưa ra các chứng tá bác ái, khi chúng ta không thể mang đến hy vọng. Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta không thể bị tách khỏi Ngài, vì đó là mối dây hiệp thông, là sự viên mãn của Giao ước, là dấu chỉ sống động về tình yêu của Chúa Kitô Đấng đã tự hạ mình và tự hủy mình đi vì chúng ta, để chúng ta được lưu lại trong tình hiệp nhất. Khi tham dự Thánh Lễ, và được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào một hành trình không chấp nhận chia rẽ. Chúa Kitô hiện diện trong chúng ta qua hình bánh và hình rượu, đòi hỏi rằng sức mạnh của tình thương phải vượt thắng mọi xâu xé, và đồng thời trở thành sự hiệp thông với người nghèo, nâng đỡ người yếu, quan tâm huynh đệ đến những người vất vả trong khi chịu đựng gánh nặng của đời sống thường nhật.
Và ngày nay, “svilirci” – tự hạ giá – có nghĩa là gì? là hèn nhát, là tuyệt vọng trước tội lỗi chúng ta, nghĩa là làm tan loãng phẩm giá Kitô của chúng ta. Nó có nghĩa là chúng ta để cho mình bị các thần tượng thời nay tấn công: hư danh, tiêu thụ, đặt cái tôi ở trung tâm mọi sự; cạnh tranh, kiêu hãnh như thái độ của kẻ chiến thắng, không bao giờ nhận mình lầm lỗi hay bất cần một ai. Tất cả những điều đó hạ giá chúng ta, làm cho chúng ta trở thành những Kitô hữu tầm thường, nguội lạnh, nhạt nhẽo.
Chúa Giêsu đã đổ máu mình ra như giá cứu chuộc và như nước thanh tẩy, để chúng ta được tẩy rửa khỏi mọi tội lỗi, để chúng ta không tuyệt vọng vì tội lỗi, để chúng ta không trở nên hèn yếu, chúng ta hãy nhìn lên Chúa, hãy uống những ngụm sâu nơi nguồn mạch của Ngài, để được giữ gìn khỏi nguy cơ hư hỏng. Khi ấy, chúng ta sẽ cảm nghiệm được hồng ân được biến đổi: chúng ta sẽ luôn tiếp tục là người tội lỗi khốn nạn, nhưng Máu Chúa Kitô sẽ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và trả lại phẩm giá cho chúng ta. Dù không có công đức riêng nào nhưng với sự khiêm tốn chân thành, chúng ta vẫn có thể mang đến cho anh em chúng ta tình yêu của Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta. Chúng ta sẽ là đôi mắt của Ngài dõi tìm Giakêu và và Mađalêna; chúng ta sẽ là bàn tay của Ngài là Đấng chữa lành các bệnh nhân về thể lý và tinh thần; chúng ta sẽ là trái tim của Ngài yêu thương những ai cần đến sự hòa giải và sự hiểu biết.
Như vậy, Thánh Thể đem đến giữa chúng ta sự hiện diện của Giao ước thánh hóa, thanh tẩy chúng ta và liên kết chúng ta trong sự hiệp thông tuyệt diệu với Thiên Chúa.
Hôm nay, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta không chỉ có niềm vui cử hành mầu nhiệm này, nhưng còn có dịp ca ngợi Ngài và ca hát trên các đường phố của thành phố chúng ta. Xin cho cuộc rước chúng ta sẽ thực hiện vào cuối thánh lễ này thể hiện lòng biết ơn của chúng ta đối với tất cả các hành trình Chúa đã cho chúng ta thực hiện ngang qua các sa mạc của nghèo đói, để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ, qua việc nuôi dưỡng chúng ta với tình yêu của Ngài qua Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa.
Chút nữa đây, chúng ta sẽ đi bộ dọc theo những con đường, chúng ta cảm nhận được chính mình trong sự hiệp thông với nhiều anh chị em không có quyền tự do bày tỏ đức tin của họ nơi Chúa Giêsu. Chúng ta hãy kết hiệp với họ, chúng ta hãy hát với họ, khen ngợi với họ, yêu mến với họ. Và chúng ta tôn vinh trong tâm hồn chúng ta những anh chị em đã phải hy sinh mạng sống mình vì sự trung tín với Chúa Kitô. Xin cho máu các vị khi kết hợp với máu Chúa sẽ là một bảo chứng cho hòa bình và hòa giải cho toàn thế giới.
2. Tình yêu Thiên Chúa dành cho dân người thể hiện nơi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá
Sau khước từ và cái chết là đến vinh quanh Phục sinh. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai mùng 1 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.
Trình bày những suy tư về bài Tin Mừng trong ngày, ngài nói phiến đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở thành đá tảng góc tường; và tảng đá lớn, mà lính canh đậy lại ngôi mồ sau cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu, xem ra chấm dứt mọi hy vọng, nhưng đã ghi dấu sự khởi đầu của ơn cứu rỗi cho nhân loại.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta được thể hiện nơi điều xem ra là “sự thất bại” của Thánh Giá.
Lấy ý từ bài Tin Mừng kể về câu chuyện của những tá điền gian ác, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng dụ ngôn này chuyển tải một cách phong phú những sự thật quan trọng về Thiên Chúa và cách thức Ngài đối xử với dân Ngài trong sự kiên nhẫn và công lý.
Nhưng trên tất cả, Đức Giáo Hoàng nói, câu chuyện này cho chúng ta thấy cái chết của Chúa Giêsu đã dẫn đến chiến thắng cuối cùng của Ngài như thế nào.
Chúng ta đừng quên Thánh Giá, bởi vì chính tại đây cái luận lý về “sự thất bại” được lật ngược lại.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
Chúa Giêsu nhắc nhở các thầy tư tế, các thầy thông luật và các vị trưởng lão trong dân rằng mặc dù chúng ta có thể gặp phải những gian truân và bị khước từ, cuối cùng chúng ta sẽ thấy chiến thắng và Ngài trích dẫn Thánh Kinh: “Phiến đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường”.
“Các tiên tri – những người được Thiên Chúa sai đến nói với dân và đã bị dân khước từ, không lắng nghe – sẽ là vinh hiển của Ngài. Người Con, đặc phái viên cuối cùng của Thiên Chúa, đã bị bắt giữ, bị giết và ném ra ngoài, đã trở thành đá tảng”.
“Câu chuyện bắt đầu như một giấc mơ tình yêu, xem ra là một câu chuyện tình thơ mộng, dường như đã kết thúc với đầy những thất bại, nhưng thực ra câu chuyện ấy có một kết cục tuyệt vời là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta ơn Cứu Rỗi thông qua sự từ khước Con Ngài là Đấng cứu độ tất cả chúng ta”.
Đức Thánh Cha nói với cộng đoàn rằng “con đường cứu độ chúng ta là một con đường được đánh dấu bởi sự thất bại.”
Nhưng đó chính là nơi tình yêu chiến thắng. “Chúng ta không bao giờ được quên con đường của chúng ta là một con đường gian lao”.
Ngài nói tiếp rằng, nếu mỗi người trong chúng ta duyệt xét lương tâm mình, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng thường khi chúng ta đã từ chối các tiên tri: “bao nhiêu lần chúng ta nói với Chúa Giêsu ‘Thôi, hãy đi đi!’ Đã bao nhiêu lần chúng ta tự muốn cứu lấy mình khi nghĩ mình là đúng”
Đức Giáo Hoàng kết luận bài giảng của ngài bằng cách mời gọi các tín hữu đừng bao giờ quên rằng chính trong cái chết trên thập giá của Chúa Con mà tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Ngài được thể hiện.
3. Câu chuyện về lịch sử Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới đã cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay còn gọi là lễ Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 4 tháng Sáu, là ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.
Tại nhiều nước Âu Châu, các tín hữu tham gia trong đoàn rước trong những trang phục truyền thống rất đẹp khi họ rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố. Chẳng hạn như tại thành phố Appenzell của Thụy Sĩ, các thiếu nữ và những phụ nữ mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố. Trong khi đó, các cô gái trẻ, đặc biệt trong cộng đồng Sorbian ăn mặc như phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng hát thánh ca chào đón đòn rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố.
Như Ý xin thuật hầu quý vị và anh chị em một vài nét lịch sử về biến cố này với hình ảnh minh họa là cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa tại thành phố Appenzell của Thụy Sĩ và cuộc rước truyền thống từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma hôm thứ Năm 4 tháng Sáu vừ qua.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.
Lẽ đương nhiên, vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về nguyên nhân hay động lực thúc đẩy làm nên lời thỉnh cầu. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo Hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài.
Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này:
Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;
Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu kín múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;
Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.
Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh).
Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo Hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo Hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.
Tập quán trên đã được nắm giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.
Tuy cũng có những người chống đối và tìm cách loại trừ ngày lễ này khỏi lòng tín hữu, nhưng những cố gắng đó cũng chỉ hoài công. Lịch sử có ghi nhận: trong cuộc Chiến tranh Ba Mươi Ngày bên Châu Âu, quân đội Thuỵ Điển đã bao vây một làng Wuerzburg tại Bavaria. Vị quan chỉ huy đã đưa ra nhiều nghiêm lệnh nhằm khống chế dân chúng. Trong đó có lệnh cấm tổ chức rước kiệu trong ngày lễ Corpus Christi sắp đến. Các thầy Dòng Camêlô đang cư ngụ trong làng đã phải đối diện với tình hình tiến thoái lưỡng nan: trong khi Thiên Chúa Cha muốn cử hành ngày lễ tôn kính Con Ngài thì vị chỉ huy quân đội Thuỵ Điển lại ngăn cấm, nếu không muốn bị tử hình. Nhưng cuối cùng các vị tu sĩ đã chọn vâng theo ý Thiên Chúa. Thế là một cuộc rước long trọng với linh mục kiệu Thánh Thể từ nhà thờ qua cổng làng đã diễn ra. Lập tức quân đội được phái đến. Súng ống, gươm giáo dàn ra đe doạ. Không sợ hãi, thầy Agapytus hiên ngang rẽ đám đông tiến lên. Đứng trước hàng quân đang lăm le vũ khí, thầy bảo họ hãy quỳ gối xuống trước Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá. Lạ lùng thay, cả đoàn binh đã đồng loạt quỳ xuống, không ai dám thi hành lệnh phá hoại cuộc rước của quan chỉ huy! Thế là dân chúng lại tiếp tục hồ hởi cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các nẻo đường đã định.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thánh Bênađô từng nói: “Tình yêu không phân biệt giai cấp.” Còn Thánh Phêrô Kim khẩu thì viết: “Khi yêu, người ta bất luận giàu nghèo, cũng không màng cân xứng, không ngại khó khăn, nhưng miễn sao thoả lòng ao ước là được.” Khi yêu chẳng ai nói với nhau: “Tôi là con nhà giàu, có bằng tiến sĩ vật lý, còn em chỉ là con bé nhà quê ít học, cho nên em phải biết thân biết phận của mình”. Không thế được! Không thể có thái độ kênh kiệu như thế trong tình yêu chân thật.
Lễ Corpus Christi được lập ra để nhắc nhở với người giáo hữu về một tình mến bao la vô tận. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban người Con yêu dấu của Ngài, để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Sự hạ mình từ một Thiên Chúa cao sang xuống mang kiếp người để chia sẻ thân phận khốn cùng và cứu chuộc nhân loại đã là một lối tỏ tình quá sức tưởng tượng. Ấy thế mà, làm như chưa thoả, Thiên Chúa lại còn hạ mình trở thành tấm bánh, vật vô tri vô giác, còn thấp hơn bất cứ một loài thụ sinh nào. Lắm người cảm nhận mình như là quả banh, cây chổi, viết chì trong tay Chúa. Quả là những tâm tình khiêm hạ đáng quí. Nhưng khi so với sự khiêm hạ của Thiên Chúa khi trở nên tấm bánh nuôi dưỡng tâm hồn người ta thì vẫn là một cách biệt không thể đo lường.
Xin cho chúng ta biết quý trọng tình yêu của Thiên Chúa và đừng bao giờ rước Chúa vào lòng một cách không xứng đáng.
4. Lễ Mình Máu Thánh Chúa mời gọi dấn thân tiếp đón và liên đới
Ước chi Lễ Mình Máu Thánh Chúa luôn linh hứng và nuôi dưỡng nơi từng người chúng ta ước muốn dấn thân cho một xã hội tiếp đón và liên đới hơn, đặc biệt đối với các anh chị em nghèo nàn, đói khát, không có thực phẩm nuôi thân.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 7 tháng Sáu. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Hôm nay tại nhiều quốc gia trong đó có Italia, người ta mừng lễ trọng Mình và Máu cực thánh Chúa Kitô, hay theo kiểu nói latinh quen biết nhất là Corpus Domini lễ Mình Chúa.
Phúc Âm giới thiệu trình thuật việc thành lập Thánh Thể, do Chúa Giêsu thành toàn trong Bữa Tiệc Ly, tại Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem. Hôm trước ngày chết cứu độ trên thập giá, Ngài đã thực hiện trước điều Ngài đã nói: “Ta là bánh hằng sống, từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời và bánh Ta sẽ ban là thịt Ta cho sự sống của trần gian… Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy” (Ga 6,14-22). Chúa Giêsu cầm lấy bánh trong tay và nói: “Hãy nhận lấy, này là mình Thầy” (Mc 14,22).
Đức Thánh Cha giải thích lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu như sau:
Với cử chỉ và các lời nói này Chúa ban cho bánh một nhiệm vụ không còn là nhiệm vụ đơn sơ nuôi thân xác nữa, mà là nhiệm vụ khiến cho Con Người của Ngài hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu.
Bữa Tiệc Ly diễn tả điểm tới của toàn cuộc sống Chúa Kitô. Nó không chỉ là việc thực hiện trước hiến tế của Ngài sẽ thành toàn trên thập giá, nhưng cũng là tổng hợp của một cuộc sống hiến dâng cho ơn cứu rỗi của toàn nhân loại. Vì thế khẳng định rằng Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể thì không đủ, mà cần phải trông thấy trong đó sự hiện diện của một cuộc sống cho đi và tham dự vào đó nữa. Khi chúng ta cầm và ăn Bánh ấy, chúng ta được sáp nhập vào sự sống của Chúa Giêsu, chúng ta bước vào sự hiệp thông với Ngài, chúng ta dấn thân hiện thực sự hiệp thông giữa chúng ta, để biến dổi cuộc sống chúng ta thành quà tặng, nhất là cho người nghèo.
Ngày lễ hôm nay gợi lại sứ điệp liên đới đó và thúc đẩy chúng ta tiếp nhận lời mời gọi thân tình hoán cải và phục vụ, yêu thương và tha thứ. Nó khích lệ chúng ta bắt chước điều chúng ta cử hành trong phụng vụ với cuộc sống. Chúa Kitô dưỡng nuôi chúng ta dưới hình bánh và rượu cũng chính là Chúa Kitô đến gặp gỡ chúng ta trong các biến cố thường ngày; Ngài ở trong người nghèo mà chúng ta giang tay cho, trong người đau khổ van nài sự trợ giúp, trong người anh em xin sự sẵn sàng của chúng ta và chờ đợi sự tiếp đón của chúng ta. Ngài ở trong em bé không biết gì về Chúa Giêsu, về ơn cứu rỗi, không có đức tin. Ngài ở trong mọi người, cả nơi người bé nhỏ và không được bênh đỡ nhất.
Thánh Thể, suối nguồn tình yêu của cuộc sống Giáo Hội là trường học của tình bác ái và liên đới. Ai nuôi mình bằng Bánh của Chúa Kitô thì không thể thờ ơ trước biết bao người không có bánh ăn hằng ngày. Và ngày nay chúng ta biết đây là một vấn đề ngày càng trầm trọng hơn.
Ước chi lễ Mình Chúa Kitô luôn ngày càng linh hứng và nuôi dưỡng ước muốn và dấn thân cho một xã hội tiếp đón và liên đới hơn. Chúng ta hãy đặt để các cầu chúc này trong con tim của Trinh Nữ Maria, Phụ Nữ của Thánh Thể. Xin Mẹ dấy lên trong tất cả chúng ta niềm vui tham dự vào Thánh Lễ, đặc biệt trong ngày Chúa Nhật, và lòng can đảm tươi vui làm chứng cho tình bác ái vô cùng của Chúa Kitô.
5. Nghèo túng và bần cùng đả thương và hủy hoại gia đình
Kitô hữu chúng ta phải luôn luôn gần gũi các gia đình bị nghèo túng thử thách. Sự bần cùng trong xã hội đả thương gia đình và đôi khi phá hủy nó. Việc thiếu hay mất công ăn việc làm hoặc tình trạng bấp bênh ảnh hưởng sâu đậm trên cuôc sống gia đình và thử thách các tương quan của nó một cách nặng nề. Chúng ta còn lại gì, nếu nhượng bộ thần tiền bạc, bạo lực và từ bỏ cả tình thương yêu gia đình?
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng thứ Tư mùng 3 tháng Sáu. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý liên quan tới tính cách dễ bị tổn thương của gia đình trong các điều kiện thử thách của cuộc sống.
Ngài nói:
Gia đình có biết bao nhiếu vấn đề thử thách nó. Một trong những thử thách đó là sự nghèo túng. Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu gia đình sống trong các vùng ngoại biên của các thành phố lớn, nhưng cả trong các vùng quê nữa… Có biết bao nhiêu bần cùng, biết bao nhiêu đồi tệ! Thế rồi còn có cả chiến tranh khiến cho hoàn cảnh thêm trầm trọng hơn.
Đức Thánh Cha đề cập đến chiến tranh như sau:
Chiến tranh luôn luôn là một điều kinh khủng. Ngoài ra nó còn gây thiệt hại, đặc biệt cho các thường dân, các gia đình. Nó khiến cho gia đình nghèo đi. Qủa thật, chiến tranh là “mẹ của tất cả mọi nghèo túng”, là kẻ ăn cướp sự sống, linh hồn và các tình thương mến thánh thiêng và thân yêu nhất.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
Bất chấp tất cả những điều đó vẫn có các gia đình tuy nghèo túng những vẫn tiếp tục giữ vững phẩm giá trong cuộc sống thường ngày của mình, và thường công khai tín thác nơi ân sủng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều này không được biện minh cho sự thờ ơ của chúng ta, nếu không phải là gia tăng sự xấu hổ của chúng ta! Có biết bao nghèo túng!
Hầu như là một phép lạ, khi cả trong cảnh nghèo túng gia đình tiếp tục thành hình và tới chỗ giữ gìn được – như có thể – tình nhân bản trong các tương quan của nó. Sự kiện này gây khó chịu cho các chuyên viên đề ra các chương trình hạnh phúc coi các tình thương mến, việc sinh sản con cái, các liên hệ gia đình như là một yếu tố thay đổi phụ thuộc của phẩm chất cuộc sống. Họ không hiểu gì hết! Trái lại, chúng ta phải qùy gối xuống trước các gia đình ấy, là một trường học nhân bản cứu vớt các xã hội khỏi sự man rợ.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thật vậy chúng ta còn lại gì, nếu nhượng bộ sự tống tiền của Cesar và thần Mammona, bạo lực và tiền bạc, và khước từ cả các thương mến gia đình? Một nền luân lý đạo đức dân sự sẽ chí có thể đến, khi các giới chức trách nhiệm cuộc sống công cộng tái tổ chức trở lại mối dây tương quan xã hội, và khởi hành từ cuộc chiến đấu chống lại vòng xoáy tồi bại giữa gia đình với nghèo túng, dẫn đưa chúng ta tới vực thẳm.
Nền kinh tế hiện nay thường chuyên môn trong hưởng thụ hạnh phúc cá nhân, nhưng lại rộng rãi thực thi việc khai thác bóc lột các liên hệ gia đình. Đó là một mâu thuẫn trầm trọng! Công việc mênh mông của gia đình không được đưa ra trong các ngân sách, dĩ nhiên! Thật vậy, kinh tế và chính trị hà tiện các thừa nhận liên quan tới điều này. Thế nhưng việc đào tạo nội tại của con người và sự chuyển động các tình thương mến của xã hội lại có cột trụ của chúng tại đây. Nếu bạn lấy nó đi, thì tất cả sụp đổ.
Đây không phải chỉ là vấn đề cơm bánh. Chúng ta nói tới công ăn việc làm, chúng ta nói tới giáo dục, chúng ta nói tới y tế. Hiểu biết điều này thật là quan trọng. Chúng ta luôn luôn cảm động, khi trông thấy hình ảnh của các trẻ em thiếu dinh dưỡng và bệnh tật được chỉ cho chúng ta thấy tại biết bao nhiêu vùng trên thế giới này. Đồng thời chúng ta cũng cảm động trước cái nhìn rạng rỡ của nhiều trẻ em, tuy thiếu thốn mọi sự, ở trong các trường học không có gì hết, nhưng hãnh diện cho chúng ta thấy cái viết chì và cuốn tập của chúng. Và các em nhìn thầy cô của các em với biết bao tình thương mến! Thật thế, các trẻ em biết rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà thôi! Nhưng cả tình yêu thương gia đình nữa. Khi có sự bần cùng, các trẻ em đau khổ, bởi vì các em muốn tình yêu, muốn các tương quan gia đình.
Nói thêm trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhiệm vụ của các kitô hữu như sau:
Chúng ta các kitô hữu, chúng ta phải luôn luôn gần gũi các gia đình bị nghèo túng thử thách. Anh chị em hãy nghĩ coi, tất cả anh chị em đều biết một ai đó: người cha không việc làm, người mẹ không việc làm, và gia đình đau khổ, các liện hệ suy yếu. Điều này thật xấu xa! Sự bần cùng xã hội đả thương gia đình, và đôi khi phá hủy nó. Việc thiếu hay mất công ăn việc làm, hoặc tình trạng bấp bênh ảnh hưởng sâu đậm trên cuôc sống gia đình và thử thách các tương quan của nó một cách nặng nề. Các điều kiện cuộc sống trong các khu phố nghèo thiếu tiện nghi nhất, với các vấn đề nhà ở và di chuyển, cũng như việc giảm thiểu các phục vụ xã hội, y tế, và trường học gây ra các khó khăn sau đó. Thêm vào các yếu tố vật chất này là sự thiệt hại gây ra cho gia đình bởi các mô thức giả dối, do các phương tiện truyền thông phổ biến, dựa trên chủ thuyết tiêu thụ và tôn thờ dáng vẻ bề ngoại, ảnh hưởng trên các giai tầng xã hội nghèo hơn, và gia tăng việc đập nát các tương quan gia đình. Săn sóc các gia đình, săn sóc tình thương mến, nhưng sự bần cùng thử thách gia đình.
Giáo Hội là mẹ, và không được quên thảm cảnh này của con cái mình. Cả Giáo Hội cũng phải nghèo, để trở nên phong phú và trả lời cho biết bao nhiêu bần cùng ấy. Một Giáo Hội nghèo là một Giáo Hội cố ý thực thi một sự đơn sơ trong cuộc sống của mình – trong chính các cơ quan của mình, trong chính kiểu sống của các chi thể mình. Cần phải cầu nguyện và hành động. Chúng ta hãy mạnh mẽ cầu xin Chúa lay động chúng ta, để khiến cho các gia đình kitô của chúng ta trở thành các tác nhân cuộc cách mạng này của sự gần gũi gia đình, giờ đây cần thiết hơn bao giờ hết! Ngay từ đầu Giáo Hội được làm thành bởi sự gân gũi ấy của gia đình. Và chúng ta đừng quên rằng sự phán xử của những người cần được giúp đỡ, của những người bé nhỏ, của những người nghèo đi trước sự phán xử của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên điều này và chúng ta hãy làm tất cả, tất cả những gì chúng ta có thể làm để trọ giúp các gia đình tiếp tục đi tới trong thử thách của nghèo túng và bần cùng đả thương các tình thương mến, các liên hệ gia đình. Tôi muôn đọc lại một lần nữa văn bàn Thánh Kinh mà chúng ta đã nghe ban đầu và mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ tới các gia đình găp thử thách, bị thử thách bởi nghèo túng. Thánh Kinh nói như thế này: “Con ơi, đừng từ chối người nghèo điều cần thiết cho cuộc sống, đừng vô cảm trước cái nhìn của người thiếu thốn”. Chúng ta hãy nghĩ tới từng chữ một nhé! “Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo, kẻ khốn khổ nài xin con đừng từ chối, gặp người nghèo con đừng ngoảnh mặt đi. Đừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con”, bởi vì đó là điều Chúa sẽ làm”. Phúc Âm đã đưa ra lời cảnh cáo đó, nếu chúng ta không thực thi những điều này.
Nguồn: Vietcatholic News