1. Chúng ta là loại Kitô hữu nào? Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 28 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phân tích bài Tin Mừng kể về câu chuyện người mù Bathimê đang ngồi ăn xin bên vệ đường khi Chúa Giêsu đi qua, và đã kêu xin Chúa chữa lành nhưng nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi. Bài Tin Mừng dẫn Đức Thánh Cha đến những suy tư về ba loại Kitô hữu khác nhau. Trước hết là những Kitô hữu thờ ơ, những người chỉ quan tâm đến mối quan hệ riêng của họ với Chúa Giêsu, một mối quan hệ “khép kín và ích kỷ”. Đó là những người không nghe thấy tiếng kêu của những người khác. Đức Thánh Cha nói: “Nhóm người này, ngay cả ngày hôm nay, không nghe thấy tiếng kêu của biết bao người đang cần đến Chúa Giêsu. Đây là một nhóm những người dửng dưng: họ không nghe, họ nghĩ cuộc sống là dành riêng cho nhóm nhỏ của họ; họ hài lòng; họ ngoảng tai làm ngơ trước tiếng ồn ào của rất nhiều người đang cần đến ơn cứu rỗi, những người cần sự giúp đỡ của Chúa Giêsu, những người cần Giáo Hội. Họ là những con người ích kỷ, họ sống cho bản thân mình mà thôi. Họ không thể nghe thấy tiếng nói của Chúa Giêsu.” Tiếp đến là loại Kitô hữu làm câm nín những tiếng kêu cầu Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có những người nghe thấy tiếng kêu xin giúp đỡ này, nhưng lại muốn làm tắt đi tiếng kêu ấy” như các môn đệ xua các trẻ em đi nơi khác ‘để họ đừng làm phiền Thầy’. Họ hành xử như thể Ngài là Thầy của họ – Ngài dành riêng cho họ, không phải cho tất cả mọi người. Những người này xua đuổi khỏi Chúa Giêsu những người đang kêu gào, những người cần đức tin, những người cần ơn cứu rỗi. Trong nhóm này người ta tìm thấy những người kinh doanh, những người gần gũi với Ngài, những người ở trong đền thờ. Họ có vẻ ‘ngoan đạo’, nhưng Chúa Giêsu đã đuổi họ đi vì họ đã kinh doanh trong ngôi nhà của Thiên Chúa. Có những người ‘không muốn nghe thấy tiếng kêu cứu, nhưng thích chăm sóc cho doanh nghiệp của họ, và sử dụng người của Thiên Chúa, sử dụng cả Giáo Hội cho việc kinh doanh riêng của mình. Trong nhóm này có những Kitô hữu không đưa ra chứng tá nào. “Họ là những Kitô hữu trên danh nghĩa, các Kitô hữu phòng tiếp tân, các Kitô hữu chỉ ở ngoài mặt nhưng đời sống nội tâm của họ không phải là Kitô, nhưng là thế gian. Những ai tự gọi mình là Kitô hữu nhưng sống trần tục đang xua đi những người kêu xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Và tiếp đó là những người hà khắc, những người mà Chúa Giêsu đã quở trách vì đã đặt những gánh quá nặng trên lưng người dân. Chúa Giêsu đã dành toàn bộ chương thứ hai mươi ba của Thánh Matthêu để nói về họ: ‘những kẻ đạo đức giả’, Ngài nói ‘các ngươi bóc lột dân chúng’ Và thay vì đáp lại tiếng kêu của những người kêu cầu ơn cứu rỗi, họ xua đuổi họ đi.” Cuối cùng là những Kitô hữu sống mạch lạc niềm tin Kitô của mình. Đó là “những người giúp đỡ những ai muốn đến gần Chúa Giêsu”. Đức Thánh Cha nói: “Có những nhóm Kitô hữu sống nhất quán với những gì họ tin tưởng, và họ giúp mang đến gần Chúa Giêsu những người đang kêu cầu, tìm kiếm ơn cứu rỗi, tìm kiếm ân sủng, tìm kiếm sức khỏe thiêng liêng cho linh hồn họ” Đức Thánh Cha kết luận: “Thật là tốt nếu chúng ta kiểm điểm lương tâm để xem chúng ta là các Kitô hữu xua đuổi mọi người xa Chúa Giêsu, hay là những người thu hút mọi người đến với Ngài vì chúng ta nghe thấy tiếng kêu xin của nhiều người đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho phần rỗi của họ.” 2. Những Kitô hữu trần tục không thể vừa có cả Thiên Đàng lẫn Thế Gian Thật đáng buồn khi thấy những Kitô hữu vừa muốn “theo Chúa Giêsu vừa muốn những sự thuộc về thế gian này”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 26 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài nhấn mạnh rằng Kitô hữu được mời gọi đưa ra sự chọn lựa quyết liệt trong cuộc sống: anh chị em không thể là một Kitô hữu “nửa vời”, muốn “cả thiên đàng lẫn thế gian”. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha trình bày những suy tư trên câu hỏi thánh Phêrô đưa ra với Chúa Giêsu: ông và các tông đồ sẽ được hồi đáp những gì khi theo Chúa Giêsu? Thánh Phêrô đã đưa ra câu hỏi này sau khi Chúa bảo người thanh niên giàu có hãy bán hết của cải của anh và phân phát cho người nghèo. Một Kitô hữu không thể có cả thiên đàng lẫn thế gian; đừng để mình dính bén vào của cải Đức Thánh Cha ghi nhận rằng, Chúa Giêsu đã trả lời trái với sự mong đợi: Ngài không hứa ban giàu có cho các môn đệ, nhưng là hứa ban Nước Trời đi kèm với “bách hại và thập giá”. Ngài nói: “Khi một Kitô hữu dính bén vào của cải thế gian, người ấy đưa ra một ấn tượng rất xấu về người Kitô hữu muốn được cả hai: cả thiên đàng lẫn thế gian. Tiêu chí lựa chọn [của người môn đệ Chúa] chính xác là điều Chúa Giêsu đã nói: thập giá và bách hại, là từ bỏ mình và vác thánh giá mỗi ngày… Các môn đệ bị cám dỗ để vừa muốn theo Chúa nhưng lại muốn mặc cả. Cuộc mặc cả này kết thúc như thế nào đây?” Đức Thánh Cha nhắc đến một đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu kể lại việc bà mẹ của hai tông đồ Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu bảo đảm cho hai người con bà được hầu cận hai bên Ngài. Đức Thánh Cha khôi hài rằng: “À! cho đứa này làm thủ tướng cho tôi – còn đứa kia làm bộ trưởng kinh tế… Bà đã chọn lợi lộc trần thế khi theo Chúa Giêsu”. Đức Thánh Cha ghi nhận rằng khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống “tâm hồn các môn đệ được thanh tẩy, họ mới hiểu mọi sự. Theo Chúa Giêsu một cách nhưng không là sự đáp lại tình yêu và ơn cứu độ nhưng không của Ngài ban cho chúng ta”. Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng “Khi ta muốn cùng đi cùng ở với cả Chúa Giêsu và thế gian, với cả sự khó nghèo và sự giàu sang thì đó là Kitô giáo nửa vời còn mải mê thu tích của cải đời này. Đó là tinh thần thế gian” Sự giàu có, phù hoa và kiêu ngạo làm cho chúng ta xa Chúa Giêsu Lặp lại những lời của tiên tri Êlia, Đức Thánh Cha Phanxicô ám chỉ những kitô hữu loại này là người “khập khễnh trên hai chân” vì người ấy “không biết mình muốn gì”. Đức Thánh Cha khẳng định rằng để hiểu điều này, chúng ta phải nhớ điều Chúa nói “kẻ trước hết sẽ nên chót hết và người sau hết sẽ nên trước hết”, nghĩa là “ai tin hay ai là người cao trọng nhất” phải là “người tôi tớ và trở nên nhỏ bé nhất”. “Theo Chúa Giêsu, theo quan điểm người ta thường tình, không phải là lựa chọn tốt vì đó là phục vụ như Ngài đã làm. Nếu Chúa ban cho anh chị em cơ hội trở nên người ‘trước hết’, thì anh chị em phải hành động giống như người chót hết, nghĩa là, phục vụ anh chị em mình. Và nếu Chúa ban cho anh chị em khả năng có nhiều của cải, thì anh chị em phải phục vụ, nghĩa là trao ban cho tha nhân. Có ba thứ, ba bước làm cho chúng ta xa Chúa Giêsu là sự giàu có, phù hoa và lòng kiêu ngạo. Đó là tại sao ba điều này rất nguy hiểm! Sự giàu có ngay lập tức tạo nên hư danh và anh chị em nghĩ rằng mình quan trọng. Và khi anh chị em nghĩ mình quan trọng như thế thì anh chị em đánh mất đi cái đầu của mình và đánh mất chính mình”. Một Kitô hữu trần tục là một dấu chỉ phản chứng. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Điều Chúa muốn nơi chúng ta là ‘lột sạch’ những bám víu trần tục. Chúa Giêsu đã mất nhiều thời gian mới làm cho các tông đồ hiểu được điều này ‘bởi vì họ không hiểu’. Chúng ta cũng phải xin Ngài dạy chúng ta “khoa học phục vụ này”, “khoa học về sự khiêm nhường, khoa học để trở nên chót hết hầu phục vụ anh chị em mình trong Giáo Hội”. “Thật là buồn khi thấy một kitô hữu nửa vời cho dù đó là một giáo dân, một linh mục, hay một giám mục. Thật buồn khi anh chị em thấy một người vừa theo Chúa Giêsu vừa đam mê những sự thế gian. Và đây là một dấu chỉ phản chứng làm cho người ta xa Chúa Giêsu. Giờ đây, chúng ta tiếp tục cử hành Hy Tế Thánh Thể, trong khi suy gẫm về câu hỏi của Phêrô. ‘Chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy thì chúng con sẽ nhận được gì?’ Và hãy nghĩ về câu trả lời của Chúa Giêsu. Phần thưởng Ngài sẽ ban cho chúng ta là trở nên giống như Ngài. Đây là “ân thưởng” của chúng ta. Ân thưởng to lớn là được nên giống như Chúa Giêsu!” 3. Câu chuyện ngụ ngôn về sa mạc Kính thưa quý vị và anh chị em, Sa mạc Ả Rập là một sa mạc bao la trải rộng trên hầu hết bán đảo Ả Rập với diện tích 2 triệu 330 ngàn cây số vuông, trải dài từ Yemen đến Vịnh Ba Tư và từ Oman đến Jordan và Iraq. Sa mạc bao la này khiến cho vùng đất nóng quanh năm. Nhiệt độ vào mùa hè thường xuyên là 40 độ bách phân và có thể lên đến 46 độ bách phân hàng tuần lễ. Người Ả Rập giải thích nguồn gốc của sa mạc bằng câu chuyện ngụ ngôn như sau: “Sau khi con người sa ngã và bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, họ tiếp tục phạm những tội lỗi khác. Trong đó có một tội đặc biệt làm mất lòng Thiên Chúa là tội dối trá. Khi người đầu tiên nói dối, Thiên Chúa tập trung ngay loài người lại và tuyên bố: ‘Từ nay, đừng có một người nào phạm thêm một điều dối trá nữa. Nếu không, cứ mỗi lần có một lời dối trá, ta sẽ cho rơi xuống mặt đất một hạt cát’. Trước lời đe dọa của Thiên Chúa, nhiều người cười thầm trong lòng. Một hạt cát có đáng kể là bao sánh với màu xanh trùng trùng điệp điệp của cây cỏ. Thành ra, loài người đã không đếm xỉa đến lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Người thứ hai thêm một lời nói láo mà vẫn đinh ninh đó chỉ là một lời không đáng kể, cũng như thêm một hạt cát trên trái đất cũng không thay đổi được bộ mặt của nó. Cứ thế, người thứ ba, rồi người thứ tư… Người ta nói dối đến độ Thiên Chúa không còn đủ sức để cho cát rơi xuống trên mặt đất nữa… Ngài đành phải dùng đến bàn tay của các thiên thần để cho mưa cát xuống… Không mấy chốc, những đồng cỏ xanh tươi, những vườn cây um tùm biến thành sa mạc khô cằn. Thỉnh thoảng một vài ốc đảo xanh tươi mọc lên, đó là dấu hiệu sự hiện diện của một vài người còn biết tôn trọng sự thật. Nhưng dần dà, ôn dịch dối trá lan tràn khắp nơi, trái đất chỉ còn là một bãi sa mạc. Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thái độ dối trá. Ngài nói: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”. Kẻ dối trá, do đó, tự đặt mình dưới quyền thống trị và điều khiển của ma quỷ. Kính thưa quý vị và anh chị em, Tất cả những ai sống trong một xã hội xây dựng trên dối trá, lừa đảo, đố kỵ lẫn nhau đều là những biểu hiện của sa mạc của tình người. Sa mạc nào cũng là biểu hiện của sự chết: chết của tình người, chết của lòng tin tưởng lẫn nhau, chết của hy sinh phục vụ, chết của lòng quảng đại. Tựu trung, dối trá cũng là tên gọi của ích kỷ. Người dối trá là người chỉ biết sống cho mình. Nếu ơn gọi của con người, nếu sự thật của con người là sống yêu thương, sống cho người, thì kẻ dối trá là người chối bỏ chính mình. Mỗi một thái độ dối trá là một hạt cát rơi xuống trên sa mạc của tình người. Nhưng mỗi một hành động của quảng đại, của yêu thương, của phục vụ là một ốc đảo xanh tươi của Chân lý, đó là Chân lý của tình yêu. 4. Sự giàu có không chia sẻ tạo ra băng hoại Nếu anh chị em giàu có, anh chị em phải chắc chắn rằng sự giàu có của anh chị em phục vụ “công ích”. Một sự dư dật của cải trong lối sống ích kỷ là “buồn bã”, đánh cắp đi “niềm hy vọng”, và là nguồn gốc “của tất cả các loại băng hoại” lớn nhỏ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Hai 25 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư về một trong những đoạn nổi tiếng nhất của Phúc Âm trong đó Chúa Giêsu gặp một người đàn ông trẻ tuổi giàu có. Anh nhiệt tình muốn theo Ngài và bảo đảm với Ngài rằng anh ta sẽ luôn luôn sống đúng theo các điều răn. Nhưng khi Chúa Giêsu nói với anh rằng còn một điều cần thiết cuối cùng là hãy bán đi mọi của cải và bố thí cho người nghèo và sau đó theo Ngài thì thái độ nhiệt thành và sự sẵn sàng của người thanh niên nhanh chóng thay đổi. Đột nhiên, “niềm vui và hy vọng” trong người thanh niên giàu có tan biến đi, vì anh ta không muốn từ bỏ sự giàu có của mình. “Sự dính bén đến của cải là căn nguyên của tất cả các loại băng hoại, ở khắp mọi nơi: băng hoại cá nhân, tham nhũng trong kinh doanh, ngay cả những khoản tiền hối lộ trong thương mại, các loại bớt xén khi mua bán, tham nhũng chính trị, tham nhũng trong giáo dục … Tại sao? Vì những người mà cuộc sống gắn liền với quyền lực và của cải tin rằng họ đang ở trên thiên đường. Họ đang đóng cửa, họ không có chân trời, không có hy vọng. Nhưng cuối cùng họ sẽ phải bỏ lại tất cả mọi thứ.” Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có một bí ẩn trong sự sở hữu của cải. Sự giàu sang có khả năng dụ dỗ, đưa chúng ta đến một sự mê hoặc và làm cho chúng ta tin rằng chúng ta đang ở một thiên đường trên trái đất.” Nhưng thiên đường trần thế là một nơi không có “chân trời”, tương tự như khu phố mà Đức Thánh Cha đã từng thấy vào những năm của thập niên bảy mươi, trong đó những người giàu có đã xây dựng những bức tường và hàng rào để bảo vệ tài sản mình khỏi bị trộm cắp. “Sống mà không có chân trời là một cuộc sống vô sinh, sống không có hy vọng là một cuộc sống buồn tênh. Sự gắn bó với của cải làm cho chúng ta buồn và làm cho chúng ta vô sinh. Tôi nói ‘gắn bó’, tôi không nói về ‘sự quản lý tốt của cải’ cho lợi ích chung, cho tất cả mọi người. Và nếu Chúa ban của cải cho một người thì đó là để chúng được sử dụng vì lợi ích của tất cả, không phải cho bản thân người đó, không phải để người ấy đóng kín con tim, để rồi sau đó trở thành băng hoại và buồn bã.” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Tài sản không đi kèm lòng quảng đại làm cho chúng ta tin rằng chúng ta có quyền năng như Thiên Chúa. Và cuối cùng nó lấy mất đi cái quý nhất là hy vọng” Để kết luận, Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đã chỉ ra trong Tin Mừng con đường đúng để sống. “Mối phúc đầu tiên: ‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó’, nghĩa là lột bỏ sự gắn bó của cải thế gian này và bảo đảm rằng sự giàu có Chúa ban cho chúng ta được dùng cho thiện ích chung. Đó là cách duy nhất. Hãy mở bàn tay anh chị em ra, hãy mở rộng tâm hồn anh chị em, hãy rộng chân trời. Nếu anh chị em có đôi tay khép kín, con tim đóng lại như người phú hộ mở hết tiệc này đến tiệc khác và mặc toàn quần áo đắt tiền, anh chị em không có chân trời, anh chị em không nhìn thấy những người khác đang có nhu cầu và anh chị em sẽ kết thúc như người phú hộ ấy là xa cách Thiên Chúa” 5. Hãy giúp Giáo Hội đừng chiều theo con đường trục lợi Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng đức tin chân thật cởi mở, và tha thứ cho tha nhân, cũng như nài xin Chúa giúp các Kitô hữu và Giáo Hội chống lại một dạng tôn giáo ích kỷ, cằn cỗi và trục lợi. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 29 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Chúa Giêsu lên án chủ nghĩa vị kỷ tôn giáo Lấy ý từ các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha đã suy tư về ba cách sống, sử dụng những hình ảnh như cây vả không sinh trái, những kẻ buôn bán trong đền thờ, và con người có đức tin. Ngài nói rằng cây vả tượng trưng cho đời sống cằn cỗi, không thể đem lại điều gì và chẳng tốt lành gì cho tha nhân. Đức Thánh Cha nói: “Cây vả này sống cho bản thân mình, yên ổn, ích kỷ, không muốn gặp rắc rối gì. Và Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả bởi nó cằn cỗi, bởi nó đã không trao ra chính mình để sinh hoa trái. Nó tượng trưng cho con người chẳng làm gì để giúp đỡ tha nhân, một người luôn chỉ biết sống cho chính mình khi không còn thiếu điều gì. Cuối cùng, những người này trở nên rối loạn tâm thần, tất cả những kẻ ấy đều như thế. Chúa Giêsu đã lên án dạng linh đạo vô sinh, thứ chủ nghĩa vị kỷ tinh thần [hồn ai nấy giữ] trong đó: ‘Tôi sống cho bản thân mình, cầu xin cho tôi đừng thiếu thốn sự gì, còn những kẻ khác thì hãy cứ tự lo cho mình đi’” Đừng biến tôn giáo thành một doanh nghiệp Đức Thánh Cha nói tiếp rằng lối sống thứ hai là của những người trục lợi, những kẻ buôn bán trong đền thờ, bận rộn đổi tiền và bán thú vật dùng cho hiến tế. Ngài nói rằng đây là những người biến tôn giáo thành một doanh nghiệp, bởi họ dùng nơi thánh để mua bán và đổi chác. Có cả chuyện một tư tế thúc giục các tín hữu hãy dâng cúng và thu được khối tiền, kể cả tiền của người nghèo. Ngài nhấn mạnh rằng, Chúa Giêsu đã không nhẹ giọng khi đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ, nhưng mắng rằng, “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, nhưng các ngươi đã biến thành hang trộm cướp.” “Những người hành hương lên đền thờ là để xin Chúa chúc lành, và dâng lễ vật. Những người này đã bị bóc lột! Các tư tế không dạy dỗ họ cầu nguyện cũng chẳng màng huấn giáo họ … bởi đây hang trộm cướp. Trả tiền rồi vào đi … các tư tế thực hiện những nghi lễ một cách vô hồn không có chút lòng đạo đức nào. Tôi không biết… nhưng có lẽ sẽ tốt cho chúng ta nếu cha thử nghĩ xem liệu chúng ta có gặp chuyện thế này ở đâu đó hay không. Chuyện người ta dùng những sự của Chúa để trục lợi cho mình ấy mà.’ Đức tin biết giúp đỡ người khác làm nên những phép lạ Đức Thánh Cha nói tiếp về lối sống thứ ba, là phong cách sống đức tin như Chúa Giêsu đã chỉ ra. Có đức tin và cầu nguyện với Thiên Chúa sẽ giúp mang đến những phép lạ. “Đây là phong cách sống của người có đức tin. ‘Lạy Cha, con phải làm gì?’ Hãy xin cùng Chúa, là Đấng sẽ giúp anh chị em làm việc thiện với đức tin. Nhưng có một điều kiện: khi anh chị em bắt đầu cầu nguyện cho điều này, nếu anh chị em đang nuôi lòng oán giận với ai, hãy tha thứ cho người đó. Đây là điều kiện độc nhất, bởi Cha trên trời cũng tha thứ tội lỗi của chúng ta vậy. Đó là lối sống thứ ba. Đó là đức tin, một đức tin giúp đỡ người khác, và tiến lại gần Chúa. Đức tin này tạo nên những phép lạ.’ Đức Thánh Cha kết luận bài giảng bằng lời cầu nguyện rằng ‘Xin Chúa dạy cho chúng ta phong cách sống đức tin này, xin Ngài giúp tất cả chúng ta và Giáo Hội đừng bao giờ chiều theo lối sống cằn cỗi và trục lợi.’ 6. Đính hôn là thời gian tìm hiểu, học biết và đào sâu tình yêu Đính hôn là thời gian, trong đó hai người nam nữ được mời gọi dấn thân học biết, tìm hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ một dự án, đào sâu tình yêu và nghiêm chỉnh chuẩn bị trước khi thành hôn. Giáo Hội phân biệt giữa việc đính hôn với hôn nhân. Chúng ta đừng nhẹ dạ khinh rẻ giáo huấn khôn ngoan này của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 27 tháng Năm. Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý về việc đính hôn như sau: Đính hôn, fidanzamento là từ có liên hệ với sự tin tưởng, sự tự tin, sự tin cậy. Tự tin với ơn gọi Thiên Chúa ban, bởi vì hôn nhân trước hết là việc khám phá ra một tiếng gọi của Thiên Chúa. Dĩ nhiên thật là một điều xinh đẹp, ngày nay người trẻ có thể lựa chọn lấy nhau trên nền tảng của một tình yêu đối với nhau. Nhưng chính sự tự do của việc ràng buộc đòi hỏi một sự hài hòa quyết định có ý thức, chứ không phải chỉ là một sự thoả thuận đơn sơ của sự hấp dẫn hay của tình cảm, của một lúc, của một thời gian ngắn… nó đòi hỏi một lộ trình. Đức Thánh Cha định nghĩa việc đính hôn như sau: Đính hôn, nói cách khác, là thời gian trong đó hai người đuợc mời gọi làm một công việc đẹp trên tình yêu, một công việc được tham gia và chia sẻ và đi vào chiều sâu. Người ta từ từ khám phá nhau, nghĩa là người nam “học biết” người nữ, bằng cách học biết người đàn bà này, người đính hôn của mình; và người nữ “học biết” người nam bằng cách học biết người đàn ông này, người đính hôn với mình. Chúng ta đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc học hiểu này: nó là một dấn thân đẹp, và chính tình yêu đòi hỏi điều đó, bởi vì nó không phải chỉ là một hạnh phúc vô tư, một cảm xúc thần tiên… Trình thuật kinh thánh nói tới toàn việc tạo dựng như là một công việc tình yêu xinh đẹp của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế nói rằng: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra qủa là rất tốt” (St 1,31). Chỉ sau cùng Thiên Chúa mới “nghỉ ngơi”. Từ hình ảnh này chúng ta hiểu rằng tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng đã khai sinh ra thế giới, đã không phải là một quyết định ngẫu hứng. Không! Nó đã là một công việc xinh đẹp. Tình yêu của Thiên Chúa tạo dựng các điều kiện cụ thể của một giao ước không thể bãi bỏ, vững chắc, được chỉ định kéo dài. Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Giao ước tình yêu giữa người nam và người nữ, giao ước suốt đời không được ngẫu hứng, người ta không làm nó trong một sớm một chiều. Không có hôn nhân tốc hành: cần phải làm việc trên tình yêu, cần phải bước đi. Giao ước tình yêu của người nam và người nữ được học hỏi và gạn lọc. Tôi xin phép được nói rằng nó là một giao ước tiểu công nghệ. Làm cho hai cuộc sống trở thành một, đó cũng hầu như là một phép lạ, một phép lạ của sự tự do và của con tim tín thác cho lòng tin. Có lẽ chúng ta phải dấn thân hơn nữa trên điểm này, bởi vì các “tọa độ tình cảm” của chúng ta đã hơi bị lẫn lộn rồi. Ai yêu sách muốn tất cả và ngay lập tức, thì rồi cũng nhượng bộ tất cả và ngay lập tức trước khó khăn đầu tiên hay vào dịp đầu tiên. Không có hy vọng cho sự tin tưởng và lòng trung thành của việc cho đi chính mình, nếu thói quen tiêu thụ tình yêu như một loại điều hòa sự thoải mái tâm thể lý thắng thế. Đó không phải là tình yêu! Việc đính hôn thử lửa ý chí cùng nhau giữ gìn cái gì đó mà sẽ không được mua hay bán, phản bội hay bỏ rơi, cho dù việc cống hiến có hấp dẫn tới đâu đi nữa. Nhưng cả Thiên Chúa nữa, khi nói về giao ước với dân Ngài, đôi khi Ngài làm với các từ đính hôn. Trong sách ngôn sứ Giêrêmia, khi nói với dân rằng họ đã xa rời Ngài, Thiên Chúa nhắc cho dân biết khi họ đã là “người đã đính hôn” của Thiên Chúa và nói: “Ta nhớ đến ngươi, đến tình thương yêu tuổi thanh xuân của ngươi, đến tình yêu thời đính hôn của ngươi” (Gr 2,2). Và Thiên Chúa đã làm lộ trình đính hôn này, rồi Ngài cũng đã ban một lời hứa, như chúng ta đã nghe đầu buổi tiếp kiến, trong sách Hosea: “Ta sẽ làm cho ngươi thành hôn thê của ta luôn mãi, Ta sẽ làm cho ngươi là hôn thê của Ta trong công minh và chính trực, trong ân tình và thương xót. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành và ngươi sẽ biết Ta là Chúa” (Hs 2,21-23). Đó là một con đường dài mà Chúa đi với dân Ngài trong lộ trình đính hôn. Sau cùng Thiên Chúa thành hôn với dân Ngài trong Đức Giêsu Kitô: hôn thê nơi Đức Giêsu là Giáo Hội. Dân Chúa là hôn thê của Đức Giêsu. Đường dài biết bao! Và hỡi anh chị em người Ý, trong nền văn chương của anh chị em có tác phẩm “Các chồng vợ được hứa” Các người trẻ cần biết tác phẩm này và đọc nó. Đó là một tuyệt tác, trong đó kể lại lịch sử của hai người đã đính hôn phải chịu biết bao đau khổ, đã đi một con đường với biết bao khó khăn cho đến khi tới đích là hôn nhân. Anh chị em đừng bỏ môt bên tuyệt tác này về việc đính hôn, mà nền văn chương Italia đã cống hiến. Hãy tiến tới, hãy đọc nó và anh chị em sẽ thấy vẻ đẹp, nỗi khổ đau, nhưng cũng thấy hạnh phúc của hai người đính hôn. Nói thêm trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha trình bầy quan điểm của Giáo Hội đối với việc đính hôn như sau: Trong sự khôn ngoan của mình Giáo Hội giữ gìn sự phân biệt giữa việc đính hôn và hôn nhân – nó không phải như nhau – chính vì sự tế nhị và sâu xa của việc kiểm thực ấy. Chúng ta hãy chú ý đừng nhẹ dạ khinh rẻ giáo huấn khôn ngoan này của Giáo Hội, cũng được nuôi nấng bởi kinh nghiệm tình yêu hôn nhân được sống hạnh phúc. Các biểu tượng mạnh mẽ của thân xác nắm giữ các chìa khóa của linh hồn: chúng ta không thể coi nhẹ các mối dây ràng buộc của thịt xác, mà không mở ra vài vết thương lâu khỏi trong tinh thần (1 Cr 6,15-20). Dĩ nhiên, nền văn hóa và xã hội ngày nay đã trở nên thờ ơ đối với sự tế nhị và nghiêm chỉnh của việc buớc qua này. Đàng khác, không thể nói rằng nền văn hóa và xã hội quảng đại đối với người trẻ nghiêm chỉnh muốn xây dựng gia đình và sinh con cái! Trái lại chúng thường tạo ra hàng ngàn chướng ngại tâm thần và cụ thể. Việc đính hôn là một lộ trình cuộc sống phải chín mùi như một trái cây, nó là một con đường trưởng thành trong tình yêu, cho tới lúc trở thành hôn nhân. Các khóa chuẩn bị hôn nhân là một diễn tả đặc biệt của việc chuẩn bị này. Và chúng ta thấy biết bao nhiều cặp, đôi khi tới tham dự với một ít không muốn, họ nói: “Mà các linh mục này bắt chúng ta phải theo một khóa học. Tại sao? Chúng ta biết rồi mà!” Và họ đến mà không muốn. Nhưng sau đó họ hài lòng và cám ơn, bởi vì thực sự họ đã tìm thấy ở đó dịp thường khi là duy nhất, giúp suy tư về kinh nghiệm của họ không phải trong các phạm trù tầm thường. Phải, nhiều cặp ở cùng nhau biết bao lâu, có khi cả trong sự thân tình, đôi khi sống chung với nhau, nhưng không hiểu biết nhau thực sự. Xem ra lạ, nhưng kinh nghiệm chứng minh cho thấy nó là như thế. Vì vậy cần đánh giá trở lại việc đính hôn như thời gian của sự hiểu biết nhau, chia sẻ một dự án. Con đường chuẩn bị cho hôn nhân được định hướng trong viễn tượng này, bằng cách cũng hưởng nhờ kinh nghiệm đơn sơ nhưng sâu đậm của các vợ chồng kitô. Và cũng bằng cách chỉ cho thấy ở đây điều nòng cốt: Thánh Kinh cần cùng nhau tái khám phá một cách có ý thức; lời cầu nguyện, trong chiều kích phụng vụ của nó, cũng như cần sống việc cầu nguyện trong gia đình; bí tích Hòa Giải, trong đó Chúa đến chứng minh nơi các người đính hôn và chuẩn bị họ tiếp nhận nhau một cách đích thật với “ơn thánh của Chúa Kitô”; và tình huynh đệ với người nghèo và người cần trợ giúp, thách thức chúng ta sống thanh đạm và chia sẻ. Các người đính hôn mà dấn thân trong điều này, thì cả hai đều lớn lên và tất cả những điều này đưa tới chỗ chuẩn bị cử hành đẹp Hôn Nhân một cách khác, không phải hôn nhân đời nhưng là hôn nhân kiểu kitô! Chúng ta hãy nghĩ tới các lời của Thiên Chúa, mà chúng ta đã nghe khi Ngài nói với dân Ngài như một người nam đính hôn nói với một người nữ đính hôn: “Ta sẽ làm cho ngươi thánh hôn thê của Ta luôn mãi, Ta sẽ làm cho nguơi thành hôn thê của Ta trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ làm cho ngươi thành hôn thê của Ta trong trung thành, và ngươi sẽ biết Ta là Chúa” (Hs 2,21-23). Mỗi cặp đính hôn hãy nghĩ tới điều này và nói với nhau: “Anh sẽ khiến cho em trở thành hiền thê của anh. Em sẽ khiến cho anh trở thành hôn phu của em”. Chờ đợi lúc đó; đó là một lúc, một lộ trình từ từ tiến tới, nhưng là một lộ trình trưởng thành. Không được đốt giai đọan các chặng của lộ trình này. Sự trưởng thành được làm từng bước một. Thời gian đính hôn có thể thực sự trở thành một thời gian khai tâm, cho cái gì? Cho sự kinh ngạc. Cho sự kinh ngạc của các ơn thiêng liêng mà Chúa, qua Giáo Hội, làm giầu chân trời của gia đình mới sẵn sàng sống trong phước lành của Ngài. Bây giờ tôi xin mời anh chị em cầu xin Thánh Gia Nagiarét: cầu nguyện với Chúa Giêsu, cha thánh Giuse và Mẹ Maria. Cầu nguyện để gia đình làm lộ trình chuẩn bị này; cầu nguyện cho các người đính hôn. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, tất cả cũng nhau đọc một Kinh Kính Mừng cho các người đính hôn, để họ hiểu vẻ đẹp của con đường hướng về Hôn Nhân.
Nguồn: Vetcatholic News