Hỏi: Nhiều nước trên thế giới bây giờ đã chấp thuận cho “hôn nhân đồng tính”, vậy giáo hội Công giáo có chấp nhận hôn nhân đồng tính không?
Đáp:
1/ Hôn nhân đồng tính (same-sex marriage), nghĩa là nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ.
2/ Đã có những nước Bỉ, Hòa lan, Canada, Tây ban nha… cho phép kết hôn đồng tính. Về phía đạo, có United Church, một giáo hội Tin lành có rất đông tín đồ đã hỏi ý kiến tín đồ mình, kết quả là đa số chấp nhận hôn nhân đồng tính.
3/ Những người theo Kitô giáo, đã học biết Kinh thánh nên để ý:
3.1- Trong Kinh thánh Cựu ước, Thiên Chúa Giavê đã phạt dân thành Sodoma vì tội giao hợp cùng phái này…(Sách Sáng thế 19,1-29)
3.2- Theo Kinh thánh Tân ước, Chúa Giêsu phán với những người Pharisêu rằng, “Từ đầu tiên Thiên Chúa đã dựng nên loài người có nam có nữ, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình…” (Matthêu 19,3-6). Đó là định nghĩa hôn nhân là một nam một nữ, chứ không phải là đồng tính như ngày nay người ta muốn định nghĩa: “Hôn nhân là sự kết hợp giữa 2 người”.
Thử hỏi: Nếu cha mẹ những người ủng hộ “hôn nhân đồng tính” cũng lấy nhau đồng tính thì ngày nay họ có mặt trên đời để ủng hộ hôn nhân đồng tính không?
Những người tin theo Kinh thánh, những tôn giáo theo Chúa Kitô dựa vào đâu để cho phép hôn nhân đồng tính.
Luật luân lý phải dựa vào Kinh thánh của Thiên Chúa là tiêu chuẩn tối cao, chứ không dựa vào ý kiến đa số, bất toàn của loài người.
Nếu mục đích của hôn nhân là sinh con cái “hãy sinh sản đầy mặt đất” (Sáng thế 1,28), thì hôn nhân đồng tính không phải là tự nhiên, nhưng chỉ là bệnh hoạn, chỉ là cách giải quyết sinh lý, tình dục với nhau, chứ không nhằm thể hiện ý Đấng Tạo hóa, cho dù có xin con nuôi. Con nuôi đâu phải con đẻ tự nhiên do vợ chồng yêu nhau mà sinh ra.
Với những lý do trên, và những lý do khác như giáo luật quy định, và các Đức Giáo Hoàng, nhất là đức Gioan Phaolô 2 trình bày, Giáo hội Công giáo sẽ không bao giờ đi ngược lại Kinh thánh mà chấp nhận hôn nhân đồng tính.
—
Nhưng trong tinh thần bác ái của đạo, Sách Giáo lý Công giáo khuyên người Công giáo không nên tỏ ra kì thị đối với những người đồng tính, nhưng nên “đón nhận, thông cảm và cư xử tế nhị” với những người bệnh hoạn bất đắc dĩ này, họ không muốn, cha mẹ, gia đình họ không muốn con em họ có xu hướng đồng tính đâu. Gia đình nên xử đối với nhau sao cho khôn khéo, hợp lẽ đạo, đừng để mất con, em mình.
Sách Giáo lý do Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 viết:
Khiết tịnh và đồng tính luyến ái
2357
Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hoặc những người nữ với nhau: họ cảm thấy sức quyến dũ về tính dục một cách mạnh hơn hẳn, hoặc một cách độc chiếm đối với những người cùng giới tính. Nó đã mặc lấy những hình thức rất khác nhau qua các thế kỷ và nơi những văn hoá khác nhau. Sự phát sinh về tâm thần của nó vẫn còn nhiều điểm chưa lý giải được. Dựa trên Thánh Kinh vẫn lên án chúng là những hành vi suy đồi nghiêm trọng, Truyền thống luôn luôn tuyên bố “những hành vi đồng tính luyến ái là thác loạn từ bản chất của chúng”. Những hành vi này nghịch với luật tự nhiên. Chúng đóng cửa không cho hành vi tính dục ban tặng sự sống. Chúng không xuất phát từ một sự bổ khuyết cho sinh hoạt tình cảm và tính dục thật sự. Chúng không thể được chấp nhận trong bất cứ trường hợp nào.
2358
Một con số không nhỏ những đàn ông và phụ nữ cho thấy có những khuynh hướng đồng tính luyến ái sâu xa. Họ đã không chọn lấy thân phận đồng tính luyến ái của họ; đối với đa số trong bọn họ, đây là một thử thách. Họ phải được người ta đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Người ta phải tránh tất cả những dấu hiệu của sự kỳ thị bất công đối với họ.Những người này được gọi thực thi ý Chúa trong đời sống của họ, và nếu họ là những Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp với hy sinh Thập giá của Chúa những khó khăn mà họ gặp phải trong thân phận của họ.
2359
Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi giữ sự khiết tịnh. Nhờ những nhân đức của sự tự làm chủ được mình, tức những nhân đức giáo dục cho tự do nội tâm, và đôi khi nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi, nhờ lời cầu nguyện và ân sủng các bí tích, họ có thể và phải dần dần và cương quyết tới gần sự trọn hảo Kitô giáo.
Lm. Đoàn Quang, CMC.