Home / Giáo Dục Kito Giáo / Tính dục và hôn nhân theo nhãn quan Kitô giáo

Tính dục và hôn nhân theo nhãn quan Kitô giáo

Gioakim Trương Đình Giai

     “Sách Thánh có chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh.”  (Ep 5, 31-32)

 

Tính dục gắn liền với con người

  • § Gặp người yêu của mình, ta thở nhanh, dồn dập, tim đập mạnh, loạn nhịp, chân tay bủn rủn, run run, mặt mày ửng đỏ, nóng rang…Tất cả điều đó là biểu hiện của tính dục. Nhưng không chỉ có thế. Tính dục là một nhu cầu tâm lý ảnh hưởng đến tương quan xã hội, là nguồn mạch của những tương quan cảm xúc với người khác: nhu cầu giúp đỡ, lệ thuộc, thống trị…
  • § Tính dục chi phối toàn bộ cuộc sống con người, từ khi mới sinh, thời thơ ấu, tuổi teen và đi theo suốt cuộc đời con người. Đặc biệt Freud, ông tổ của ngành phân tâm học người Áo, cho rằng tính dục giữ vai trò quyết định, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống con người.

Tính dục: kết hợp và truyền sinh

  • § Khi nói đến tính dục người ta thường nghĩ ngay đến cơ quan sinh dục. Thật ra tính dục không chỉ là bản năng tính dục, hệ tại ở cơ quan sinh dục thể hiện sự khác biệt nam nữ về mặt sinh học mà trong toàn bộ con người của ta.
  • § Đó chính là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người với một thân xác, có linh hồn và giới tính trên hết và trước hết để thiết lập tương quan, để kết hợp trong tình yêu vợ chồng và thực hiện sứ mạng truyền sinh, tham dự vào công trình sáng tạo của Chúa với mệnh lệnh “Hãy sinh sôi khắp mặt đất.” 

1, Tính dục gắn liền với thân xác.

  • § Nói đến tính dục, là nói đến thân xác. Thiên Chúa tự thân vốn không có thân xác nhưng để thiết lập tương quan với con người, nhằm lộ tình yêu thương của Người đối với chúng ta, Người đã mang lấy một thân xác, “mặc lấy xác phàm”, đã làm người. Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa làm người.
  • § Khi nói về một con người nào đó, tên một người nào đó là ta hình dung ngay tức khắc thân xác của người ấy. Nhờ thân xác ta phân biệt người này với người nọ. Không có người nào hiện diện trên trái đất này mà không có thân xác. Để nhắc nhớ về một người đã qua đời, hay còn sống người ta dùng một bức hình, một bức tượng, tượng trưng cho người đó.

Chạm đến thân xác là chạm đến cả con người

  • § Giữa đám đông một phụ nữ băng huyết lâu năm đụng vào gấu áo Chúa Giêsu, ngài liền hỏi: “Ai đã chạm đến tôi?” Ngài không nói: Ai đụng vào người tôi? Khi bị một tên đầy tớ của thượng tế tát vào mặt, Đức Giêsu hỏi: “Tại sao anh đánh tôi” chứ không nói “Tại sao anh tát vào má tôi”. Gặp Đức Giêsu sau phục sinh, Madalêna, giữ chân/tay Người, Người bảo: “Đừng giữ Thầy lại”, chứ không nói “Đừng giữ chân/tay Thầy lại”.
  • § Như thế thân xác không chỉ là một phần, là biểu tượng của con người mà liên quan đến chính con người. Như vậy khi sử dụng thân xác của mình là ta đụng chạm đến cả con người của mình. Khi ta động chạm một phần thân xác của ai đó là ta đi vào tương giao với chính người đó.

2. Mối liên hệ giữa thân xác, linh hồn và giới tính.

  • § Tuy nhiên, thân xác tuy chỉ cả con người, nhưng con người lại không chỉ có thân xác và không chỉ là thân xác, mà còn là linh hồn. Nếu thân xác con người làm cho linh hồn của mình được tỏ lộ, để diễn tả hình ảnh của Thiên Chúa, mối tương quan yêu thương và hiệp thông thì linh hồn mang lại sức sống cho thân xác, làm cho thân xác trở nên sống động.
  • § Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa thân xác và linh hồn. Thân xác đau yếu thì linh hồn cũng trở nên yếu đuối. Linh hồn tội lỗi, không lành mạnh cũng làm cho thân xác trở nên suy yếu, cằn cổi. (“Mens sana in corpore sano”)

Chạm đến thân xác là chạm đến linh hồn và giới tính

  • § Không ai thấy được linh hồn nếu nó không được thể hiện qua một thân xác, và không ai mê một cái xác chết, một cái xác không hồn. Do đó không thể tách rời thân xác với linh hồn. Thân xác con người như thế gắn bó mật thiết với linh hồn không thể tách rời với linh hồn.
  • § Mặt khác, khi nói đến thân xác, là nói đến giới tính, nghĩa là thân xác của một người nam hay của một người nữ, chứ không thể nào là một thân xác vô giới tính.
  • § Khi đụng chạm giao tiếp với một thân xác, là đụng chạm đến giới tính của nó, là thiết lập tương quan với một người nam hay một người nữ bằng xương bằng thịt.

Liên hệ thân xác, linh hồn và giới tính

  • § Như thế khi bạn yêu một ai đó, kết hợp với một ai đó, thì không chỉ bạn yêu, và kết hợp với một phần thân thể của người đó, yêu hay kết hợp với thân xác người đó mà yêu và kết hợp với cả con người đó, nghĩa là bao hàm cả thân xác, linh hồn và giới tính của con người đó. 

3. Ý nghĩa thánh thiêng của thân xác và tính dục.

  • §“Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Ðức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Ðức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.

Thân xác của ta là Ðền Thờ của Thánh Thần

  • § Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.
  • § Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.
  • § 1 Cor 6, 14-20. 

Hiệp thông và truyền sinh

  • § Khi Thánh Kinh nói về Chúa: Chúng ta hãy tạo dựng con người nên giống hình ảnh chúng ta, giống chúng ta (St 1, 26), điều đó được hiểu rằng giống hình ảnh của Chúa không phải về thân xác, hay tính dục vì Thiên Chúa không hiện diện trong thân xác, không có giới tính, nhưng giống hình ảnh của Người ở khả năng tương quan, yêu thương, hiệp thông (kết hợp) và làm thông truyền sự sống (truyền sinh).
  • § Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, với thân xác linh hồn và giới tính để thiết lập tương quan, để yêu thương đặc biệt là để kết hợp và trao ban sự sống đặc biệt trong đời sống vợ chồng.

Phản ánh tương quan Ba ngôi

  • § Vì thế trong đời sống vợ chồng, tính dục con người được tạo nên để yêu thương, để hiện thực hóa hai ý nghĩa chính yếu, không thể tách rời: kết hiệp (“Và người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà luyến ái với vợ mình và cả hai trở nên một xác thịt” St 2, 24) và truyền sinh (Các ngươi hãy sinh sôi nẩy nở và làm tràn mặt đất St 1,28).
  • § Yêu thương, trở nên một xương một thịt và trao ban sự sống như chính hình ảnh của Chúa Ba Ngôi, tổ ấm tình yêu: Cha Con và Thánh Thần. Chính trong ý nghĩa kết hiệp và trao ban sự sống mà đời sống hôn nhân trở nên phản ánh tuyệt vời về tương quan mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ý định của Thiên Chúa

  • § Thân xác của người nam và người nữ mà Thiên Chúa tạo ra với cấu tạo sinh lý tuyệt vời đã được lập trình một cách kỳ diệu để thực hiện chức năng tính dục: kết hợp và truyền sinh.
  • § Chính vì thế, mọi chủ ý và hành động có chủ ý tách rời hai chức năng trên là đi ngược lại với quy luật tạo hóa, với trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập, với ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa đối với con người.

Liên hệ chặt chẽ giữa kết hợp và truyền sinh

  • § Hành vi giao hợp được coi là chính đáng và thánh thiêng khi nó phản ánh tình yêu đích thực của vợ chồng khao khát nên một trong thân xác và tâm hồn, cam kết suốt đời thủy chung trong sự bất khả phân ly của đời sống hôn nhân chứ không phải là sự thỏa mãn bản năng. Điều này không chỉ phù hợp với quy luật tạo hóa Thiên Chúa mà còn phản ánh tương quan mật thiết của Ba Ngôi.
  • § Mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời giữa hai chức năng kết hợp và truyền sinh không có nghĩa rằng mọi hành vi giao hợp đều dẫn đến truyền sinh, điều không thể xảy ra do chính cơ chế sinh lý tự nhiên của người nữ được lập trình theo một chu kỳ đặc biệt, nhưng loại trừ mọi toan tính cắt đứt hai chức năng này.

Khuynh hướng tách rời tính dục với hôn nhân

  • § Ngày nay do ảnh hưởng của nền văn hóa sự chết, đề cao chủ nghĩa cá nhân, con người có khuynh hướng hưởng thụ nhưng từ chối trách nhiệm, tách rời giao hợp với tình yêu hôn nhân và truyền sinh, thân xác của con người đặc biệt của người nữ bị giảm thiểu hóa, phàm tục hóa, biến thành một thứ phương tiện để hưởng thụ, hàng hóa mua vui làm mất đi ý nghĩa đích thực của nó theo ý định của Thiên Chúa.
  • § Chính vì thế mới có tệ nạn quan hệ bừa bãi, sống thử như thiệt, phá thai, một đại thảm họa của nhân loại, gây ra biết bao hậu quả tai hại về thể xác, tinh thần và tâm linh cho chính bản thân, gia đình và xã hội hoặc mọi hình thức ngừa thai nhân tạo với những hệ lụy nguy hại không kém về sức khỏe. 

4. Lạm dụng thân xác và tính dục.

  • § Thân xác chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, được tạo dựng để phụng sự Thiên Chúa, để tôn vinh ngài chứ không phải để gian dâm. Chính vì thế mọi việc sử dụng hay lạm dụng, tính dục, thân xác mình hay anh chị em mình đi ngược lại với quy luật, trật tự, ý định của Thiên Chúa theo đó tình dục phản ánh sự toàn vẹn của con người, phục vụ cho sự kết hợp tình yêu không thể chia sẻ trong đời sống vợ chồng, và truyền sinh, đều được coi là những tội phạm đến thân xác: thủ dâm, tà dâm, xâm phạm tình dục trẻ em, ngoại tình, loạn luân, hiếp dâm, bán dâm, mua dâm, quan hệ đồng tính, khiêu dâm…

Thành kiến đối với Công giáo liên quan đến tính dục

  • § Kitô giáo, đặc biệt Công Giáo thường bị coi là tôn giáo chống lại hay dị ứng với tính dục. Vì sao?
  • § Có nhiều lý do: trong Kitô giáo, đặc biệt Công Giáo, người ta tôn sùng Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu như một trinh nữ. Thánh Giuse, chồng bà tuy không được chính thức tuyên bố là trinh nam, nhưng theo truyền thống Công giáo, người ta vẫn tin như thế nên có khuynh hướng biểu tượng ngài như một ông già… Giáo sĩ công giáo từ linh mục đến giáo hoàng đều vẫn buộc giữ độc thân. Ơn gọi tu trì dành cho những người sống độc thân luôn được đề cao ở mọi thời.

Sự thật thế nào?

  • § Ta không thể phủ nhận, Giáo hội công giáo vẫn mãi ca ngợi sự độc thân trinh khiết vì Nước Trời nhưng hoàn toàn không có việc Giáo hội chống lại tính dục, vì chống lại với tính dục là chống lại chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con người là nam và nữ, là chống lại Bí tích Hôn nhân.
  • § Đặc biệt với Công Đồng Vaticanô II, Giáo hội khẳng định ơn gọi hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi thánh thiện như bao ơn gọi khác. Việc giao hợp đúng nghĩa của vợ chồng không chỉ là lành mạnh, phù hợp với quy luật tạo hóa mà còn là một cử chỉ thánh thiêng phản ánh tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, là biểu tượng của Giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người, giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
    Điều gì Thiên Chúa đã liên kết con người không  được phân ly
  • § Nếu có lên án, đó là lên án sự phàm tục hóa, lạm dụng tính dục, việc sử dụng tính dục đi ngược lại với ý định tạo dựng của Thiên Chúa mà thôi.
  • § Đừng nghĩ rằng sự khác nhau giữa cái nhìn của người Kitô hữu và người ngoại là sự khác nhau giữa linh hồn và thân xác, hay chọn lựa giữa tình dục và tình yêu như thể một trong hai có thể bị loại trừ hoàn toàn, vì chống lại hay thần thánh hóa thân xác hay tình dục đều là đi ngược lại tinh thần Kitô giáo cũng như chống lại linh hồn và tình yêu là phản Kitô giáo vậy.

5. Căng thẳng tính dục trong đời sống hôn nhân (dựa vào sách Three to get married của ĐứcTổng Giám mục Fulton Sheen)

  • § Người ta thường đưa nhau ra tòa ly dị viện lý do không hòa hợp, và quan trọng nhất là chuyện chăn gối, lý do không hòa hợp về tình dục.
  • § Sống trong một thế giới ảnh hưởng của nền văn minh sự chết, nặng mùi hưởng thụ nên người ta có khuynh hướng thần thánh hóa tình dục.
  • § Phải chăng tình dục đóng vai trò quyết định trong hạnh phúc hôn nhân?

Xác thịt hiệp nhất, cách biệt

  • § Mọi tình yêu đều khát khao hiệp nhất, mong mỏi một sự hòa quyện giữa hai thực thể.
  • § Xác thịt dù là phương tiện tạo hiệp nhất khi kết hợp với linh hồn, bản thân nó là một trở ngại vì vật chất không thể thâm nhập được. Một khối đá cẩm thạch không thể trở nên một với một khối cẩm thạch khác mà không bị mất đi tính cách riêng biệt của mình. Nhưng linh hồn là mối dây hiệp nhất. Hai người học thi ca không đánh mất nơi nhau sự hiểu biết của họ, thi ca trở nên mối dây hiệp nhất nơi họ.

Tuy hai mà một, tuy một mà hai!

  • § Xác thịt là một phương tiện tạo hiệp nhất vì nó gắn liền với linh hồn của người sống đến mức độ nếu tình yêu đánh mất linh hồn của mình, thì cũng đánh mất luôn sự hiệp nhất của mình. Khi tinh thần biến mất, chỉ còn lại sự gần gũi thể xác. Điều này tạo ra nhàm chán.
  • § Ước muốn tăng thêm thân mật đến mức độ cả hai trở nên một không thể thỏa mãn hoàn toàn được về thể lý vì sau khi giao hợp vẫn là hai nhân cách khác biệt, với những bí ẩn riêng của mình.

Xác thịt không thể đạt được sự hiệp nhất

  • § Thật rõ là nghịch lý: tâm hồn của những người yêu khát khao hiệp nhất, nhưng chỉ có thân xác qua biểu trưng tức thời của sự hiệp nhất ấy là độc nhất đối với nó. Xác thịt không thể đạt được sự hiệp nhất này trong khi chỉ có một mình sự hiệp nhất mới thỏa mãn được tinh thần.
  • § Không có cuộc hôn nhân nào thoát khỏi sự căng thẳng này. Mối căng thẳng này gia tăng nếu thân xác đi qua những chuyển động yêu không có linh hồn và giảm đi khi linh hồn yêu qua thân xác.

Thỏa mãn xác thịt tự thân không thể làm vui thỏa tâm hồn

  • § Nguyên nhân căn bản vì sao những trải nghiệm xác thịt ngoài hôn nhân gây nên căng thẳng tâm lý là vì người ta cảm thấy rõ ràng hơn sự trống vắng giữa tinh thần và xác thịt.
  • § Đây là mấu chốt giải thích tình trạng tinh thần khác nhau kéo theo giữa việc kết hợp do hôn nhân thực sự với sự phấn khích do ngoại tình. Hành động đầu tiên này là cái được gọi là sự trả “nợ”. “Vợ chồng có quyền trên thân xác của nhau” (1 Cr 7, 14).

Quan hệ vợ chồng và quan hệ ngoài hôn nhân

  • § Sự kết hợp đúng đắn giữa vợ chồng bao hàm một món nợ tình, điều này thỏa mãn tinh thần còn tình trạng thứ hai vì nó không bao hàm sự công bằng nào cả mà chỉ là sự giao hợp thân xác không có tình yêu thường nó không bao giờ nuôi dưỡng tinh thần nhưng chỉ để lại cảm giác trống vắng và nổi căm ghét tiềm tàng.
  • § Tình trạng thứ nhất tổng hợp quan hệ xác hồn, tình trạng thứ hai làm cho quan hệ ấy trở nên căng thẳng. Trong khi tinh thần khát khao hiệp nhất, xác thịt hướng đến sự chia cắt qua tình trạng chung chạ của nó.
    Thần thánh hóa tình dục là tách biệt tình dục với linh hồn và Thiên Chúa
  • § Thánh Kinh ghi lại những người xưa thần thánh hóa cái bụng của mình, còn thời đại của ta thì thần thánh hóa tình dục. Con người ngày nay được mô tả như một cái túi sinh lý chứa đầy dục tính tâm lý.
  • § Thần thánh hóa tình dục là biến nó thành mục đích thay vì coi nó là phương tiện, là tách biệt nó với linh hồn và Thiên Chúa.

Khao khát và nhàm chán

  • § Tình dục luôn bị giằng co giữa khao khát và hụt hẫng giữa thèm muốn no thỏa, và chán chường, giữa ước muốn và thỏa mãn, con tim con người thắc mắc: Tại sao mình phải ở trong tình trạng này? Khi đã no thỏa, “anh” hay “em” biến mất theo nghĩa là không còn cần “anh” hay “em”. Khi thèm muốn tái xuất hiện, “anh” hay “em” lại trở thành nhu cầu. Thật bạc bẽo!
  • § Khi được yêu quá nhiều thì cảm thấy dư thừa, còn ít lại cảm thấy hụt hẫng, trống vắng. Thật nghịch lý!
  • § Thật ra no thỏa là ngôn ngữ của tình dục thuần túy xác thịt tách biệt khỏi tình yêu còn tinh yêu vốn là vị tha, trao ban không bao giờ có giới hạn.

Quả tim chúng ta được tạo nên cho Thiên Chúa và nó chỉ có thể thỏa mãn trong Ngài mà thôi”.

  • § Câu trả lời cho mối căng thẳng này thật hiển nhiên: quả tim con người được tạo nên cho Thánh Tâm Tình yêu, nên không ai và không gì ngoài Thiên Chúa có thể thỏa mãn được con người. Con tim có lý khi khao khát sự vô hạn. Con tim sai lầm khi tìm cách thay thế sự vô hạn bằng người yêu, bạn đời, hay tình dục hữu hạn.
  • § Để giải quyết mối căng thẳng này cần phải nhận ra rằng sự nhàm chán mà mối căng thẳng này mang lại nhắc nhỡ chúng ta rằng chúng ta đang trên cuộc lữ hành tiến đến Tình yêu đích thực.

Thú vui xác thịt có thể tạo nên niềm vui tâm hồn nếu…

  • § Sự giằng co giữa điều tức thời và điều bên trong biến mất vì sự hưởng thụ thú vui xác thịt tức thời trở nên cơ hội vui tươi trong tâm hồn vì biết rằng ta dùng nó vì ý muốn của Thiên Chúa và vì phần rỗi của cả hai linh hồn.
  • § Việc tổng hợp đời sống được hoàn tất khi mọi bản năng hợp thành một thể thống nhất với tinh thần và được biến trở nên hữu ích cho những lý tưởng của tinh thần.

Hôn nhân là ơn gọi để Thiên Chúa thâm nhập tình yêu

  • § Đối với Kitô hữu trong hôn nhân, không có chuyện chọn lựa giữa thân xác và linh hồn hay tình dục và tình yêu. Kitô hữu phải chọn lựa cả hai cùng lúc.
  • § Hôn nhân là một ơn gọi để Thiên Chúa thâm nhập tình yêu. Bằng cách này, ước mơ hạnh phúc của cô dâu và chú rể thực sự trở thành hiện thực không chỉ trong họ nhưng qua họ. Giờ đây hai người yêu nhau không phải như họ mơ mộng họ sẽ là mà như Thiên Chúa mong ước họ là.
  • § Muốn giải tỏa mối căng thẳng đó cần phải ý thức rằng cần phải có ba để thực hiện tình yêu.

Chức năng sinh dục không thể thỏa mãn con tim

  • § Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban điều con tim khát khao. Trong tình yêu người Kitô hữu thực sự, người vợ chồng nhìn thấy Chúa đến qua tình yêu của họ. Nhưng không có Thiên Chúa, sự vô hạn phải được tìm kiếm nơi sự hữu hạn nghĩa là thu quả sung từ cây khế. Sự đời đời hiện hữu trong linh hồn và mọi chủ thuyết duy vật của thế gian không thể bứng nó ra được.
  • § Thảm kịch của những chủ trương duy vật của thời đại chúng ta xuất phát từ việc cố tìm làm sao khiến chức năng sinh dục thỏa mãn khát vọng vô hạn của linh hồn.

Ta có thể chối bỏ Chúa nhưng không thể không cần đến Ngài

  • § Chính điều đó gây ra những mặc cảm và những tâm trí bất ổn và những tòa án ly hôn. Nó giống như là từ chối để mọi từ ngữ của một cuốn sách trên bìa. Loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tình yêu nhân loại, chỉ còn là sự thay thế sự vô hạn bằng sự lặp lại ác nghiệt.
  • § Nhu cầu về Thiên Chúa không bao giờ biến mất. Những ai chối bỏ sự hiện hữu của nước vẫn khát, và những ai phủ nhận Thiên Chúa vẫn ước muốn Ngài trong sự thèm muốn Chân Thiện, Mỹ, là chính Ngài.

“Anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa

  • § Con người đầu đội trời chân đạp đất, chân ở trong bùn đất nhưng cánh thì lại trên trời. Con người có cảm giác giống như thú vật và ý tưởng giống thiên thần, nhưng chẳng phải thuần túy thú vật và cũng chẳng phải thuần tinh thần như Pascal nói: “Con người không phải là thiên thần cũng chẳng phải là thú vật” (“L’homme n’est ni ange ni bête”). Con người là một sự kết hợp mầu nhiệm giữa thân xác và linh hồn, với một thân xác thuộc về một linh hồn, và linh hồn bất toàn nêu không có thân xác.
  • § Trật tự đúng đắn là thân xác tùng phục linh hồn và cả con người tùng phục Thiên Chúa.

Hoặc ưu tiên tinh thần, hoặc ưu tiên thể xác

  • § Chỉ có hai câu thái độ khả dĩ: một là dành cho thân xác thế thượng phong, trong trường hợp đó linh hồn đau khổ; hoặc là dành cho linh hồn thế thượng phong trong trường hợp đó thân xác phải tuân theo kỷ luật.
  • § Trong trường hợp thứ nhất, lý trí thăng hoa thân xác và tạo cảm hứng cho linh hồn tôn vinh Thiên Chúa về công trình tạo dựng; nhưng trong trường hợp thứ hai, thân xác là một con ma cà rồng chống lại tinh thần và chống lại sự bình an của nó, được diều kiện hóa bằng việc gìn giữ trật tự của vũ trụ, nói một cách nôm na là mối tương quan thân xác-linh hồn-Thiên Chúa.

Hai thứ tình yêu

  • § Vì mối căng thẳng thân xác-linh hồn, thú tính-tinh thần này nơi con người, có thể hiểu được tình yêu theo một trong hai cách: như là tối thương-thân xác hay tối thượng-tinh thần. Trong trường hợp đầu, tình yêu mang tính xác thịt và đồng hóa với điều mà thế giới hiện đại gọi là sex.
  • § Trong trường hợp thứ hai, tình yêu vừa là tinh thần vừa là thể xác. Các nhà triết gia tên tuổi gọi trường hợp đầu tiên là “yêu nhục dục”, hay sự tối thượng của cảm giác, và trường hợp thứ hai là tình yêu thiện hảo, hay là tình yêu vị tha.

Eros và Agape

  • § Theo ngôn ngữ của Hy Lạp, Eros là một mong ước đam mê mãnh liệt chiếm hữu và hưởng  thụ thân xác của người khác. Agape là tình yêu dựa trên sự tôn trọng nhân cách, niềm vui thăng tiến sự sung túc của kẻ khác, niềm vui của nó là sự chiêm ngắm hơn là sở hữu.
  • § Cả hai tình yêu này đều tốt nếu được hiểu. Lệnh truyền của Chúa yêu thương người thân cận như chính mình bao hàm một sự yêu thương bản thân hợp pháp.
  • § Ở đây cũng như ở nơi khác cần phải có ba để yêu. Tình yêu đối với bản thân và tình yêu đối với kẻ khác cả hai đều đòi hỏi tình yêu đối với Thiên Chúa.

Sự khôn ngoan thế gian là thù nghịch với Thiên Chúa” (Rm 8, 7)

  • § Dục năng theo tâm lý học hiện đại là Eros hay tình yêu nhục dục tách khỏi Agape, hay tình yêu vị kỷ, thân xác chối bỏ linh hồn, và cái tôi tự khẳng định mình chống lại Thiên Chúa. Đó là thứ tình yêu mà Thánh Phaolô lên án: “Vì sự khôn ngoan thế gian là thù nghịch với Thiên Chúa” (Rm 8, 7).
  • § Sex được hiểu theo kiểu tân thời là Tình yêu-Eros cắt đứt với trách nhiệm, cắt đứt với hôn nhân; đó là ham muốn không có nghĩa vụ. Vì đó là ham muốn vô luân nên đó là ham muốn không có Thiên Chúa. Chính vì thế chủ nghĩa tình dục và chủ nghĩa vô thần luôn đi đôi với nhau.
    Tình yêu nhân loại thuần túy là phôi thai của Tình yêu Thần linh
    .
  • § Ngay khi ai đó lên án việc giảm thiểu từ yêu vào trật tự sinh lý, họ liền bị phái chủ trương nhục dục nói rằng Kitô giáo chống lại tình dục. Kitô giáo không chống lại tình dục, vì nếu sự thật như vậy thì đâu có bí tích hôn nhân.
  • § Lập trường của Kitô giáo có thể được khẳng định như sau: Tình yêu nhục dục là chiếc cầu dẫn đến Tình yêu Thiên Chúa. Eros là hành lang dẫn đến Agape. Tình yêu nhân loại thuần túy là phôi thai của Tình yêu Thần linh.

Tình dục là chiếc cầu để băng qua

  • § Người ta tìm được một sự gợi ý nào đó nơi Platon, lý luận rằng tình yêu là bước đầu tiên dẫn đến tôn giáo. Ông hình dung tình yêu dành cho người đẹp được biến thành tình yêu đối với những tâm hồn đẹp, rồi biến thành tình yêu công lý, sự thiện và Thiên Chúa, Đấng là nguồn của mọi sự thiện hảo.
  • § Do đó tình dục là một chiếc cầu mà người ta băng qua đó, chứ không phải là một chổ tựa mà người ta ngồi và nghỉ lại. Nó không phải là phi trường, nhưng là máy bay; nó luôn luôn lên đường chứ không dừng lại. Sex chỉ là bộ khởi động của cá nhân cho động cơ gia đình.

Tình dục được kêu gọi hướng đến hoàn hảo và bất tử

  • § Mọi thứ tình dục đều bao hàm sự bất toàn, thiếu thốn, khao khát nên trọn vẹn, hướng đến sự phong phú hóa; vì mọi tình yêu đều hướng đến bất tử.
  • § Mọi hình thức tình dục đều diễn tả khao khát Tình yêu thần linh, như hồ nước phản chiếu mặt trăng. Tình yêu đối với những tâm hồn khác được đạt đển để hướng đến tình yêu Thiên Chúa. Như thức ăn dành cho thân xác, thân xác phục vụ linh hồn, và linh hồn hướng đến Thiên Chúa.

Từ tình yêu nhục dục đến tình yêu thần linh

  • § Trong Kitô giáo có nhiều trường hợp biến hình từ tình yêu nhục dục đến Tình yêu thần linh.
  • § Đấng Cứu Thế không tiêu hủy dập tắt ngọn lửa tình dục đốt cháy trong tâm hồn của Madalêna, nhưng Ngài biến lửa đó thành lửa tình yêu. Việc Chúa để một người nữ đổ dầu thơm xức chân Chúa Cứu Thế nhắc cho người phụ nữ ấy rằng tình yêu trong đó người ta tìm khoái lạc của riêng mình có thể được biến thành tình yêu sẳn sàng chết cho người mình yêu. Chính vì lý do này, mà Chúa nói đến việc chôn cất Ngài vào lúc bà ấy đổ dầu thơm, khi ý nghĩ của bà gần nhất với sự sống.

Eros dẫn đến Agape

  • § Ở mức độ cao hơn, chúng ta thấy rằng nhờ sự biến hóa tôn giáo nhiệm mầu này, tình yêu cao cả mà mẹ Maria dành cho người Con của mình nơi xác thịt được mở rộng đến tình yêu rộng hơn đến độ ngài trở thành mẹ của mọi người.
  • § Trong hôn nhân, Eros dẫn đến Agape, cũng như con cái kéo vợ chồng ra khỏi sự hổ tương khép kín của họ để đưa họ đến tình yêu đối với một người khác.

Tình dục giảm, tình yêu thiêng liêng tăng

  • § Như mục đích của lời khấn khiết tịnh đó là sự loại bỏ sự ích kỷ của xác thịt vì mục đích phục vụ lớn hơn trong Nước Thiên Chúa, cũng vậy theo một cách giảm thiểu hơn, việc sinh con cái mở rộng lĩnh vực phục vụ và hy sinh yêu thương vì lợi ích của nhân loại.
  • § Trong một tâm hồn được hướng dẫn theo luân lý đúng đắn, với thời gian tình yêu xác thịt giảm thiểu và tình yêu thiêng liêng tăng thêm. Trong hôn nhân Kitô giáo thực sự, tình yêu Chúa tăng thêm với năm tháng, không phải theo nghĩa là vợ chồng yêu nhau ít hơn nhưng là họ yêu Chúa nhiều hơn.

Từ tình dục đến tình Chúa

  • § Tình yêu đi từ cảm mến những cái vỏ bên ngoài đến các chiều sâu thẳm bên trong về nhân cách bao gồm Thần khí.
  • § Trong cuộc sống, có ít thứ đẹp hơn là nhìn thấy sự đam mê sâu xa của người nam dành cho người nữ, sinh con, được biến thành sự đam mê sâu xa hơn đối với Thần khí Chúa. Đôi khi điều này xảy ra trong một cuộc hôn nhân Kitô giáo khi một trong hai người phói ngẫu qua đời, người kia không  tái giá, trừ phi có sự đi xuống từ lĩnh vực cao hơn đến lĩnh vực thấp hơn, từ Agape đến Eros.

Tình yêu đạt đến đỉnh cao là Thập giá.

  • § Sự tiến triển của Eros đến Agape trong tình yêu thực sự có hai thời điểm. Trong thời điểm đầu thân xác dẫn đến linh hồn. Trong thời điểm thứ hai, linh hồn dẫn đến thân xác. Lúc đầu, thân xác chế ngự linh hồn cho đến mức như thể nó bị lôi kéo bởi cơn lốc đam mê. Trong thời điểm thứ hai, linh hồn ngự trị, ngay cả gợi ý cho thân xác đóng vai trò Chúa giao cho nó. Tình yêu giờ đây trở nên thiêng liêng hơn.
  • § Thường sự chuyển hóa từ thế thượng phong Eros sang thế thượng phong Agape diễn ra trong hy sinh. Tình yêu nằm mãi trên chiều ngang sẽ chết.

Tình yêu được biến hình

  • § Trong đời sống gia đình, sự biến hình này thường diễn ra khi sinh con, khi một điều gì đó thấp hơn chết đi và một điều gì đó cao hơn ra đời. Sư ra đời của con cái về mặt tâm lý giải thoát  cả hai vợ chồng khỏi sự ích kỷ của Eros. Lời nói yêu thương bớt đi nhưng hành động yêu thương trở nên thường xuyên hơn với sự vị tha, tử tế và thiện cảm.
  • § Khi hôn nhân chỉ là tình dục, người ta thường có khuynh hướng biến người phối ngẩu thành đối tượng của sự tôn thờ thế chổ cho Thiên Chúa. Đây là cốt yếu của việc tôn thờ ngẫu tượng, tôn thờ hình ảnh thay cho thực tại, lầm lẫn giữa bản sao và bản chính, khung hình với bức ảnh.

Ngẫu tượng tình dục chỉ tạo thêm căng thẳng

  • § Khi kẻ khác trở thành thần tượng và ngẫu tượng vì không còn Chúa để tôn thờ, tình dục quay lại chống lại chính những người đã lạm dụng nó. Mỗi người phối ngẫu sẽ cảm thấy mâu thuẩn xâu xé giữa khao khát vô hạn Tình yêu Thiên Chúa bị từ khước, và những điều đạt được hữu hạn và nghèo nàn dưới hình thức nhân loại.
  • § Cả hai cố sống cái thời điểm mà trong đó điều Satan hứa sẽ được thực hiện: “Các người sẽ trở nên như thần thánh”. Nhưng điều gì xảy ra khi họ nhận ra không có ai là thần thánh?
    Tình dục có thể biến tình yêu thành căm ghét và hận thù.
  • § Nếu không có Agape để hãm Eros, nhưng cơn giận dữ sẽ bùng nổ khi người ta khám phá ra người phối ngẫu của mình không phải là Chúa, cũng chẳng phải là thiên thần, ngay cả một thiên thần sa ngã. Vì người kia không mang lại được tất cả những gì mà người ấy hứa mang lại (điều mà người ấy không thể mang lại chỉ vì người ấy không phải là Chúa), người ta sẽ cảm thấy bị phản bội, thất vọng, bị lừa dối.
  • § Và do đó từ tình yêu có thể biến thành căm ghét và hận thù.

Chỉ có Thiên Chúa là Tình yêu!

  • § Không ai là Tình yêu cả, mà chỉ có thể đáng yêu mà thôi. Vì thế, khi tạo vật chiếm chổ của ĐấngTạo hóa và được biến thành cái thay thế tình yêu, tình dục sẽ trở thành hận thù: người ta khám phá người phối ngẫu chân đạp bùn, là một người phụ nữ chứ không phải là thiên thần, là người đàn ông chứ không phải là thần thánh.
  • § Khi sự xuất thần chấm dứt, khi ban nhạc ngưng chơi, và rươu champagne mất đi sự lấp lánh, người phối ngẫu bị coi là kẻ lừa bịp và tên trộm cướp, và sau cùng người ta đòi ra tòa ly dị lấy lý do không hòa hợp. Có lý do nào ngu xuẩn hơn thế vì làm sao có hai người lúc nào cũng hợp với nhau một cách hoàn hảo cơ chứ ?

Không ai khác có thể mang lại điều Chúa độc quyền

  • § Thế rồi người ta bắt đầu tìm một người phối ngẫu mới với một cuộc phiêu lưu tình dục mới, lầm tưởng rằng một ai khác có thể mang lại điều chỉ có Chúa độc quyền: hôn nhân mới chỉ tạo thêm cơ hội khao khát và hụt hẫng. Thay vì nhận ra lý do căn bản của thất bại là vì không dùng hôn nhân như con đường dẫn đến Tình yêu Thiên Chúa, người ly dị nghĩ rằng cuộc hôn nhân thứ hai có thể mang lại điều mà cuộc hôn nhân thứ nhất thiếu.
  • § Ngay cả việc tìm một người khác cho thấy chưa bao giờ có tình yêu, vì dù sex có thể thay thế, tình yêu không thể thay thế.

Tình yêu bất toàn dẫn đến hụt hẫng

  • § Nếu tình yêu chỉ ở lại trong xác thịt, tình yêu sẽ trở nên khốn đốn biết chừng nào vì tình yêu lúc ấy chỉ là sự tìm kiếm chứ không phải là sự hiệp thông. Tình yêu mà chỉ là tìm kiếm thì bất toàn. Và mọi sự bất toàn đều kết thúc bằng hụt hẫng.
  • § Sự khó khăn mà tất cả những ai kết hôn đều cảm nhận đó là nghịch lý của tình dục và hôn nhân, của săn lùng và chinh phục. Tình dục mong muốn giải thoát khỏi hôn nhân. Hôn nhân giới hạn tình dục. Cả hai đều mang lại niềm vui. Nhưng chúng không thể kết hợp hoàn hảo trên đơi này.

Nhận chân sự thật

  • § Làm sao giải quyết mâu thuẩn này đây? Chỉ có một cách không làm cho linh hồn khô héo, đó là nhận ra rằng cả hôn nhân và tình dục đều bất toàn.
  • § Tình dục tìm kiếm sự vô hạn của cực khoái, của hưởng thụ trong khi hôn nhân là sống với sự hữu hạn, và giới hạn. Người ta tìm kiếm cả một khu vườn; để rồi chỉ ăn được có mỗi trái táo. Người ta tìm cả giai điệu, mà kết cục chỉ khám phá được một nốt nhạc.

Hôn nhân là đưa nhau đến Tình yêu đích thực

  • § Đừng nghĩ rằng cuộc sống chỉ là cái bẩy và ảo tưởng. Nó chỉ là thế nếu không sự vô hạn để thỏa mãn những khát khao của ta.
  • § Đúng ra cả hai phải tự nhủ: chúng ta mong muốn một tình yêu không bao giờ phai tàn, hụt hẫng hay no thỏa. Tình yêu ấy nằm bên kia của cả hai chúng ta. Ta phải đưa nhau đến tình yêu hoàn hảo, hanh phúc chính là Thiên Chúa. Khi đó tình yêu không còn là vỡ mộng mà sẽ là một bí tích, một cái kênh dẫn đến Tình yêu thiêng liêng và thần linh. Tình yêu nhân loại là một tia sáng phản chiếu vô biên.

Tình yêu đích thực là chính Chúa

  • § Hạnh phúc đến từ sự hiệp nhất của hai người trong một thân xác là khúc dạo đầu dẫn đến một sự hiệp thông lớn hơn giữa hai người trong một tinh thần. Theo cách này, hôn nhân trở thành sông chảy ra biển cả. Vì chỉ có Thiên Chúa là Tình yêu vĩnh cữu không giới hạn, cần phải có một cuộc săn đuổi vĩnh cữu và xuất thần để dò thấu được chiều sâu của Tình yêu ấy.
  • § Như thế Eros dẫn đến Agape và cả hai tiến tới đạt đến mạc khải đã được ban cho thế giới: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU.
  • § Thiên Chúa không làm cho tình yêu mất đi nhưng mở ra đến vô tận.

Sinh con: phương thuốc hiệu nghiệm giảm căng thẳng

  • § Phương thuốc hiệu nghiệm nhất để giảm đi mối căng thẳng này là việc sinh con vì khi sinh con sự mất cân đối bên ngoài giữa khao khát hiệp nhất và sự thất bại trong việc không thể thể hiện điều này một cách thường xuyên được bù đắp bởi người con, mối liên kết giữa cha và mẹ.
  • § Vợ chồng sẽ không cảm thấy trống vắng trong quan hệ của họ khi sự trống vắng ấy được lắp đầy bằng một thân xác mới, một linh hồn được Thiên Chúa Đấng tạo hóa trực tiếp thổi vào.

Con cái, sự hiện diện của Chúa trong hôn nhân

“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận tính dục Chúa ban như một quà tặng để trao ban cho nhau trong đời sống hôn nhân để kết hợp mật thiết với nhau trong đời sống vợ chồng và cộng tác với Chúa trong việc phát sinh sự sống mới.”

 

Xem thêm

Bai115

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 115

BÀI 115 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN LỜI …