KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
(Cv 4, 32-35; 1Ga 5, 1-6; Ga 20, 19-31)
“Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa
và để nhờ tin mà được sống nhờ danh Người”
Tin mừng Gioan 20, 19-31:
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.
Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Suy niệm:
Chúa nhật II Phục Sinh là ngày Giáo hội mừng kính tuyên dương lòng Chúa Thương Xót. Đức Chân phước Giáo hoàng G. Phaolô 2 đã thiết lập lễ này ngày 30/4/2000, dịp lễ tuyên phong Chân phước Faustina Kowalska lên bậc Hiển thánh. Thánh nữ là người có lòng sùng kính và truyền bá Lòng Chúa Thương Xót. Đặc sủng này của Thánh Faustina được Đức Giáo Hoàng G. Phaolô 2 ngưỡng mộ và đề cao. Vì thế, việc ấn định Chúa nhật II Phục Sinh được dành để tôn kính Lòng Chúa Thương Xót đã trở thành định hướng suy niệm mầu nhiệm Phục Sinh. Mầu nhiệm Phục Sinh là tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và biểu lộ trọn vẹn Lòng Chúa Thương Xót và muốn cứu con người khỏi thân phận phải chết, khỏi ách thống trị của ma quỷ để nhân loại được cứu độ, được sống muôn đời.
Bài Tin mừng hôm nay soi sáng cho chúng ta thấy ý nghĩa sâu sa về Lòng Chúa Thương Xót và hành trình đức tin của tông đồ Thomas.
Lòng Chúa Thương Xót được biểu lộ qua việc Chúa Giêsu Phục sinh đến ban bình an cho các tông đồ, ban Thần Khí của Ngài cho các ông:
“Bình an cho anh em,
Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Sự kiện Thầy bị bắt, bị kết án tử hành và chết trên thập giá một cách thê thảm, khiến các ông kinh hoàng sợ hãi “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái”.
Giữa lúc các Tông đồ sợ hãi, tuyệt vọng. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng đã tan biến. Tâm hồn các ông giờ đây nặng trĩu ưu phiền thất vọng. Đức Giêsu Phục sinh vì yêu thương đã hiện đến với các ông để phá tan u buồn thất vọng đem lại niềm vui an bình cho các môn đệ. Đức Giêsu muốn các ông an lành, bình an, hạnh phúc, Ngài cho các ông xem “tay và cạnh sườn” những dấu vết cụ thể của cuộc khổ nạn, những dấu tích liên quan tới cái chết để minh chứng Ngài đang sống, đang hiện diện bằng xương thịt giữa các ông. Đó là bình an của Chúa Giêsu Phục sinh. Bình an của Đấng đã chiến thắng sự chết. Sự chết, điều đáng sợ nhất của loài người, sẽ đem lại sức mạnh giúp các tông đồ thắng vượt mọi lo sợ, khó khăn, đe dọa. Đó là dấu chỉ của Lòng Chúa Thương Xót. Đem lại bình an cho tâm hồn những người theo Chúa, chính là ơn thương xót Chúa dành cho con người.
Bình an là khát vọng của con người hôm nay đang sống trong một thế giới luôn âu lo vì nạn khủng bố khắp nơi. Khi bình an, người ta hỏi thi hào Dante người Italia:
– Đâu là điều ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống?
– Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: Đó là sự Bình An.
Bình an đích thực chỉ có được nơi Đức Kitô Phục sinh dựa trên nền tảng tình thương và công lý.
Đức Giêsu Ohục sinh đến ban Thần Khí cho các Tông đồ và sai các ông ra đi loan báo Tin mừng về sự tha thứ.
“Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
Đức Giêsu Phục sinh đã tái tạo đổi mới các tông đồ bằng hơi thở Thần Khí. Qua hơi thở của Đấng Phục sinh, vũ trụ và con người cũng được tái sinh, đổi mới, được sống. Đó là cuộc sống đích thực của các tâm hồn không còn sợ hãi nữa nhưng mạnh mẽ, can đảm lên đường, loan báo và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót qua việc nhân danh Chúa ban ơn tha tội cho con người.
Như vậy, Ơn Thánh Thần, bình an và ơn tha tội chính là kết quả sung mãn của mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm của Lòng Thương Xót Chúa. Chính thần khí của Đức Giêsu Kitô phục sinh ban cho chúng ta sự bình an, sự sống mới như thánh Phaolô nói: “Thần khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới”. (Rm 8, 11)
Gặp Đức Giêsu Kitô phục sinh và tiếp nhận Thần khí của Ngài, các tông đồ trở nên can đảm, an vui, hăng say làm chứng vì Tin mừng Đức Kitô phục sinh. Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô phục sinh là nguyên lý của cuộc sống nhân loại.
Nội dung thứ hai của bài Tin mừng hôm nay là hành trình đức tin của tông đồ Thomas.
Ông Thomas vắng mặt vào buổi chiều Chúa hiện ra với 10 tông đồ. Vì không có hơi thở của Thần khí do không gặp Đức Giêsu Kitô phục sinh, tâm hồn Thomas vẫn cứng tin. Ông muốn kiểm chứng Chúa có sống lại thật không? Những điều các tông đồ thuật lại không thuyết phục Thomas?
Chúa Giêsu phục sinh đã chiều theo ý muốn của Thomas. Chúa hiện ra với ông tám ngày sau. Thiên Chúa rất kiên nhẫn và rất mực yêu thương. Khi gặp Đức Giêsu phục sinh, Thomas được nhìn thấy con người của Chúa bằng xương, bằng thịt, một vị Thầy ngày nào đầy khoan dung và nhẫn nại. Một người Thầy đầy Lòng Thương Xót. Khi gặp Đức Giêsu Kitô phục sinh, được ban Thần khí, Thomas mới sống trong con người mới và tin vào Thầy: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Thomas đã tin. Tin Thầy Giêsu là Chúa, Đấng chiếm trọn cuộc sống của ông. Tin Thầy Giêsu là Thiên Chúa, Đấng ban sự sống vĩnh cửu. Hành trình niềm tin của Thomas vào Đấng phục sinh không chỉ do nhìn thấy những dấu đinh nơi chân tay, vết đòng đâm thâu nơi cạnh sườn, mà chính là được cảm nhận sự nhẫn nại của một tình thương chờ đợi của Chúa.
“Phúc thay những người không thấy mà tin”. Đức tin là một hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa ban để ta gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và chấp nhận những chân lý mà Thiên Chúa mặc khải để chúng ta được cứu độ. Tin mừng thánh Gioan quả quyết:
“Anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, mà để nhờ tin mà sống nhờ danh Người”.
Đức tin là cần thiết để được cứu độ. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 6).
Xin Đức Giêsu Kitô củng cố niềm tin cho chúng ta để chúng ta sống chứng nhân về Lòng Chúa Thương Xót.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam