Home / Chia Sẻ / Cuộc Khổ Nạn nội tâm của Chúa Giêsu

Cuộc Khổ Nạn nội tâm của Chúa Giêsu

 

ALEXANDRA REIS

Chúng ta được thánh hóa là nhờ Giá Máu cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Nhưng chúng ta thường chỉ “chăm chú” vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa về phương diện thể lý chứ không đi sâu vào ý nghĩ và nỗi đau nội tâm mà Chúa Giêsu phải chịu đựng vì chúng ta. Suy tư của tác giả Alexandra Reis hay quá! Xin được giới thiệu với quý vị.

CuocKhoNan NoiTam cua ChuaGiesuCHÚA GIÊSU TẠI VƯỜN DẦU

Một điểm để suy nghĩ là khi Chúa Giêsu phát hiện các đệ tử ngủ hết trơn. Ngài hỏi ông Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” (Mt 26:40). Trong sự khôn ngoan vô cùng của Ngài, Chúa Giêsu không bao giờ muốn chúng ta nói: “Thầy không cảm thấy thế nào sao?”. Do đó, Ngài vẫn để cho các môn đệ thân tín bỏ rơi Ngài. Ngài có thể làm cho họ tỉnh thức, nhưng Ngài muốn cho chúng ta thhấy rằng luôn có ai đó tỉnh thức trong đêm tối, người đó chia sẻ những nỗi đau của chúng ta và an ủi chúng ta trong mọi nỗi đau khổ hằng ngày. Ngài muốn nói rằng trong những lúc đen tối nhất và lầm lẫn nhất, Ngài luôn có ở đó, ngay cả khi cả thế giới đang ngủ yên.

CHÚA GIÊSU BỊ XÉT XỬ

“Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Câu hỏi này được Phi-la-tô hỏi Chúa Giêsu khi xét xử Ngài. Lúc đó, Chúa Giêsu trả lời mọi câu hỏi dành cho Ngài, nhưng Ngài không trả lời câu hỏi này: “Ông là ai, là vua ư?”. Tại sao? Vì Ngài là Sự Thật. Thiên Chúa biết chúng ta thường nghi ngờ chính Ngài và Ý Ngài, nên Ngài muốn cho chúng ta thấy cái gì đó hữu hình: Ngài sai Chúa Con tới thế gian. Có thể Ngài không trả lời vì biế tầm hiểu của Phi-la-tô có giới hạn. Cũng như sau khi chữa lành người mù, Chúa Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9:39). Ngài chỉ trao ban Sự Thật cho những ai xin được biết, chứ không ban cho những người cho là mình biết rồi. Ngài im lặng để những người thấy mà tin.

CHÚA GIÊSU BỊ TRÓI VÀO CỘT ĐÁ VÀ BỊ ĐÁNH ĐÒN

Lúc này, “Vua các vua” bị hành hạ dữ dội khi hai tay bị trói chặt vào cột đá, nhưng Ngài nghĩ gì? Ngài bị giết chết vì chúng ta, tất nhiên Ngài nghĩ về chúng ta. Nhưng không chỉ là nhân loại nói chung, mà nghĩ một cách đặc biệt. Ngài vô thủy vô chung, nên Ngài cũng nghĩ tới riêng từng người sẽ xuất hiện trên thế gian này. Thánh Tâm Ngài bị đè nặng vì tội lỗi của cả thế giới, với thân thể trần truồng và yếu đuối bị treo trên Thập Giá, Ngài vẫn luôn nghĩ tới chúng ta, hy vọng một ngày ngày nào đó mỗi chúng ta đều trở thành đại thánh nhân. Với ý nghĩ này, Ngài không nề đổ máu đến giọt cuối cùng vì Ngài quá dỗi yêu thương chúng ta. Tại sao chúng ta sợ khi cuộc sống gặp trắc trở? Ngài vẫn đợi chúng ta ở đó để được nghe chúng ta kêu xin. Đừng để Ngài phải chờ đợi lâu! Chúng ta hãy cố gằng đáp lại tình yêu của Ngài luôn dành cho chúng ta!

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐỘI VÒNG GAI

Bao đau khổ vẫn chưa đủ với Chúa Giêsu. Ngài biết chúng ta không đủ can đảm khi bị người ta khinh miệt và vu khống, thế nên Ngài quyết định “bù lỗ” cho chúng ta. Đức cố TGM Fulton Sheen nói rằng không chỉ Thánh Thể hóa tiều tụy mà còn chịu tơi tả thảm thương, vòng gai nhọn đặt lên đầu Ngài, những chiếc gai sắc đâm thấu óc đến nỗi có thể chết ngay được. Không chỉ vậy, Ngài còn bị mỉa mai vì yêu thương chúng ta. Cứ tưởng tượng cũng thấy nổi gai óc, nổi da gà rồi! Ngài muốn cảnh báo chúng ta rằng chúng ta cũng sẽ bị mỉa mai nếu chúng ta bảo vệ Sự Thật và Công Lý, nhưng Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng (đức cậy) và mặc khải rằng thế gian này không phải là nơi ở của chúng ta.

CHÚA GIÊSU VÁC THẬP GIÁ

Sau khi bị lột áo, Ngài còn phải vác Thập Giá. Thập Giá này không chỉ để đóng đinh Ngài cho tới chết, mà Ngài còn vác thập giá của cả nhân loại, của mỗi chúng ta. Trên Thập Giá, Ngài hy sinh vì chúng ta, và qua đó, Ngài thánh hóa bổn phận hằng ngày của chúng ta, cho chúng ta biết con đường thập giá gian nan lắm. Ngài đã phải ngã ba lần, nhưng Ngài vẫn cố đứng dậy để chúng ta biết rằng chúng ta cũng nhiều lần quỵ ngã vì phạm tội, nhưng chúng ta phải đứng dậy ngay. Sức khỏe Ngài rất yếu khi Ngài vác Thập Giá, ông Simon (người Ky-rê-nê) bị bọn thủ ác “bắt cóc” vác đỡ Thập Giá cho Ngài. Điều này cho thấy rằng thập giá không bao giờ là quá nhiều để chúng ta không thể vác nổi, chúng ta vẫn luôn được vác đỡ. Qua đó, Ngài cho chúng ta thấy rằng chúng ta phải cố gắng sống kiên trì, hy vọng và yêu thương.

CHÚA GIÊSU BỊ ĐÓNG ĐINH

Cuối cùng là cao điểm của sự hành hạ. Bị treo trên Thập Giá rồi mà Ngài vẫn đại lượng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23:34). Chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi điều này. Tình yêu phải rất lớn thì mới có thể tha thứ kẻ thù. Nhưng đó cũng là “tiêu chuẩn vào Nước Trời”. Ngài tha thứ như vậy vì Ngài nghĩ tốt cho những người hành hạ và nguyền rủa Ngài, nghĩ tốt cho chúng ta, rằng họ đang ăn năn và đã lỡ “quá tay”. Đây là lý do chính mà Chúa Giêsu chịu chết vì chúng ta, Ngài nghĩ về chúng ta, Ngài muốn thể hiện tình yêu trọn vẹn và sự tha thứ trọn vẹn cho những người thành tâm sám hối đền tội mình, Ngài cũng nói như vậy với chúng ta và chúc lành cho những người sám hối. Ngài bênh vực rằng chúng ta lầm mà thôi. Lạy Chúa của con!

CHÚA GIÊSU CHỊU CÔ ĐƠN

“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34). Đó là động thái cuối cùng của Lòng Thương Xót dành cho chúng ta trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Qua đó, Ngài đền bù và sửa chữa mọi trái tim bị bỏ rơi trên thế giới. Ngài chịu cảm giác đơn độc đến nỗi chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Ngài cô độc và vô vọng để trao niềm hy vọng cho những người bị khinh miệt, không có bạn, bị bỏ rơi, bị mỉa mai, nhưng không ban niềm an ủi cho những người kiêu căng và tự phụ. Tại sao? Vì “họ đã được phần thưởng rồi” (Mt 6:2, 5 & 16). Chúng ta hãy hướng về Chúa trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời và hãy cố gắng sống thánh thiện để đáp lại tình yêu của Ngài.

CHÚA GIÊSU TRÚT HƠI THỞ

Và thế là hoàn tất. Đỉnh cao của Cuộc Khổ Nạn là lúc Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng. Sự hy sinh vô hạn được Ngài dành cho chúng ta để cứu độ chúng ta. Vì thế, chúng ta phải cố gắng hy sinh để ngày mai xứng đáng vào Nước Trời, Vương quốc Vĩnh hằng. Bạn muốn nên thánh tới mức nào khi suy niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu? Mùa Chay là dịp nhắc nhở chúng ta Về Quê Thật. Trước tiên, chúng ta phải đi xuyên suốt Hành Trình Khổ Nạn để đạt tới Đích Phục Sinh. Như vậy, chúng ta hãy cố gắng nên thánh trong Mùa Chay Thánh này. Hãy trao chính mình cho Thiên Chúa, đừng bắt Ngài chờ đợi trong Vườn Dầu Linh Hồn chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta trong Tuần Thánh này để hoàn thiện như Ngài!

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …