Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH, NĂM B CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH, NĂM B CỦA LM GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

 

 (Cv 4, 34a. 37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9)

“Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”

 

Tin mừng Gioan 20, 1-9:

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

Suy niệm:

Các Tin mừng đều tường thuật biến cố Chúa Giêsu Phục sinh và trưng dẫn những chứng nhân về biến cố Chúa Phục sinh. Phụng vụ Lời Chúa lễ Phục Sinh hôm nay đưa ra những nhân chứng cụ thể:

– Maria Madalena, người phụ nữ đã đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu, chứng kiến Đức Giêsu đã chết. Bà đi đến mộ từ sáng sớm không phải để xức dầu thi hài Chúa, bởi là việc chôn cất “theo tục lệ của người Do Thái đã hoàn tất”. Có lẽ là lòng mến với Thầy Giêsu, vì con tim thúc đẩy, mà bà không sợ hãi đi một mình tới mộ, không sợ kẻ thù của Chúa. Maria Madalena đã chứng kiến ngôi mộ trống, tảng đá lấp cửa mộ đã lăn ra một bên. Lúc đó không thấy xác Chúa, bà không biết làm gì hơn là báo tin cho Phêrô và Gioan. Sau đó chính Chúa Phục Sinh đã hiện ra với bà, gọi tên bà và bà đã nhận ra Thầy mình đã Phục sinh.

– Nhân chứng thứ hai là Phêrô. Ông đã đễn và vào trong mồ: mồ trống và khăn liệm sắp lại gọn ghẽ. Như vậy là giả thuyết Maria Madalena đưa ra “người ta đã lấy xác Thầy”  không có cơ sở nữa, vì “kẻ trộm sẽ chẳng tội gì mà lấy băng vải cuốn lại rồi đặt riêng ra một nơi”. Luca thì nhận xét: “Ông rất đỗi ngạc nhiên”. Phêrô còn bán tin bán nghi. Nhưng khi chứng kiến nhiều lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện đến. Phêrô đã tin và trở thành chứng nhân đặc biệt về Đức Giêsu Phục sinh. Ngài đã tuyên bố: Đức Giêsu đã bị giết chết nay đã sống lại thật Phêrô đã giảng tại nhà ông Cornelio:

“Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 40-41).

– Nhân chứng thứ ba là Gioan, người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến đã đến và vào trong mồ. Bằng trực giác của tình yêu, ông đã thấy cảnh mồ trống và khăn vải liệm sắp xếp ngăn nắp dấu chỉ của thực tại khác mà chỉ lòng tin mới cảm nhận được “Ông đã thấy và ông đã tin”. Theo Gioan, không phải người ta đã lấy trộm xác Đức Giêsu mà chính là quyền lực của sự sống tiêu diệt hết quyền lực của sự chết. “Nghĩa là Đức Giêsu đã toàn thắng sự chết và theo Kinh thánh thì Đức Kitô phải sống lại từ cõi chết”. (Ga 20, 9).

Phục sinh là tin vui cho chúng ta. Đức Giêsu phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta, cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hôm nay như hai môn đệ trên đường về làng Emmaus (x.Lc 24, 13-35)

Phục sinh là tin vui cho biết Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ, sự dữ và sự chết để đem ơn cứu độ cho nhân loại và trở thành Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Phục sinh là tin vui hy vọng cho người Kitô hữu sau này sẽ được phục sinh với Đức Kitô, được hưởng hạnh phúc quê trời khi chúng ta biết vui nhận thập giá như Đức Giêsu Kitô, biết chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

Phục sinh là tin vui mặc khải cho ta biết rằng không có gì ở trên đời tiêu diệt được chúng ta, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và qua mầu nhiệm Phục sinh kêu gọi chúng ta đến sự sống mới. Sự sống trong ân sủng, nghĩa là luôn sống trong tương quan hài hòa với Chúa và anh em.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta xác tín mạnh mẽ Đức Kitô Phục sinh là nền tảng cho niềm tin Kitô giáo và ý thức hơn khi đọc lời tuyên xưng sau khi truyền phép “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Nghĩa là chúng ta pjải sống mầu nhiệm vượt qua như Đức Kitô: Chết đi cho tội lỗi, chết đi cho con người cũ để được sống lại với Chúa trong vinh quang.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

 

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …