Yêu và cách yêu
(Thứ Năm Tuần Thánh, năm 2015)
Tình yêu là danh từ trừu tượng, thuộc lĩnh vực vô hình, nghĩa là không thể thấy, cũng không thể sờ, thế nhưng lại khả dĩ cảm nhận. Yêu là một động từ có vẻ dễ thực hiện nhưng lại rất khó sống trọn vẹn. Rất kỳ lạ!
Hôm nay là ngày vui mừng, với ba sự kiện lạ, cũng là ba bài học sâu sắc: Bí tích Thánh Thể, chức linh mục, và việc rửa chân. Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta phải hy sinh, quên mình vì người khác; chức linh mục dạy chúng ta phải dấn thân phục vụ tha nhân; và việc rửa chân dạy chúng ta phải yêu thương bất cứ ai, nhất là đối với những người hèn mọn. Bài học nào cũng vô giá.
Đó là tình yêu ba-trong-một. Tất cả tóm gọn chỉ bằng một chữ YÊU. Tuy nhiên, yêu cũng phải biết cách, yêu cũng có phương pháp vậy.
Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday) còn gọi là Thứ Năm Giao Ước, Thứ Năm Tuyệt Đối, hoặc Thứ Năm của các Mầu Nhiệm. Theo La ngữ, chữ Maundy nghĩa là “mệnh lệnh”. Thứ Năm Tuần Thánh muốn nói tới mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: “Hãy yêu thương nhau” (Ga 13:34; Ga 15:12; Ga 15:17). Và Ngài gọi đó là Điều Răn Mới. Có thể gọi Thứ Năm Tuần Thánh là Ngày Tình Yêu Thánh của các Kitô hữu.
Về cách mừng lễ, Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon trên đất Ai Cập: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên” (Xh 12:1-4). Con chiên đó phải có các đặc điểm: toàn vẹn, giống đực, không quá một tuổi. Nếu không tìm được con chiên đủ các điều kiện đó thì có thể thay thế bằng con dê.
Về cách thực hiện, Đức Chúa cho biết: “Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng” (Xh 12:6-8).
Cách ăn mừng lễ cũng khác hẳn, “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy, và ăn vội vã” (Xh 12:11). Lý do đơn giản: Đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Và Đức Chúa còn cho biết thêm: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời” (Xh 12:12-14). Vết máu là dấu chỉ “chuyện chẳng lành”, nhưng ở đây, vết máu lại là điềm tốt lành cho dân chúng.
Bữa Tiệc Ly là dạ tiệc, nhưng không chỉ là dạ tiệc mừng lễ Vượt Qua bình thường, mà là Dạ Tiệc Thánh – Tiệc Thánh Thể. Thánh Phaolô nói: “Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô” (1 Cr 10:16).
Ăn và uống là hai hành động không thể tách rời, Việt ngữ gọi là ăn uống. Ăn uống để duy trì sự sống, nhưng vào thời điểm này hơn hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã cho chúng ta loại ẩm thực đặc biệt, không chỉ nuôi sống thể lý mà còn nuôi dưỡng linh hồn: Mình Máu Thánh. Quả là đại hồng ân đối với chúng ta, nhưng chúng ta chỉ là những kẻ trắng tay: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho?” (Tv 116:12). Chắc hẳn không gì hơn là “nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa” (Tv 116:13).
Biết ơn và muốn cảm tạ, nhưng lại không có gì để chứng tỏ. Thật buồn cho kiếp con người. Thế nhưng cũng với tâm trạng đó, học giả Rabindranath Tagore (Rabīndranātha Thākura, 1861-1941, Ấn Độ) lại có ước mong rất tuyệt vời: “Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người. Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người, và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi”. Ước gì mỗi chúng ta cũng thực sự có ước muốn như vậy, nhất là trong Đêm Thánh hôm nay, khi chúng ta lặng lẽ chầu kính Thánh Thể.
Chắc hẳn đêm nay rất kỳ diệu, cảm giác rất khó tả, nhất là khi chúng ta kiệu Mình Thánh và cùng chúc tụng Chúa qua bài thánh ca Pange Lingua (*) của Thánh Thomas Aquinas (1225-1274), Linh mục, Tiến sĩ Giáo hội.
Thánh Phaolô vừa chia sẻ cảm nghiệm vừa xác nhận việc làm chứng nhân: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:23-25). Những lời này không lạ, nếu không muốn nói là quen, nhưng hôm nay nghe hoặc đọc lại, chúng ta thấy có điều khác lạ.
Điều quan trọng cần lưu ý là lời cảnh báo của Thánh Phaolô: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1 Cr 11:26-27). Nghe rất bình thường mà lại rất khác thường, vì liên quan “vận mệnh” của chúng ta ngày sau!
Trình thuật Ga 13:1-15 nói về tình yêu thương và cách yêu thương mà Chúa Giêsu thể hiện, nhưng có ý nghĩa mạnh mẽ hơn: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Điểm nhấn mạnh ở đâu? Đó là tình yêu tuyệt đối của Chúa Giêsu, với cách yêu thương là “yêu thương đến cùng”. Đã yêu là mãi yêu, dù người được yêu hoàn toàn bất xứng, và Ngài luôn cho họ có nhiều cơ hội chấn chỉnh chứ không chỉ một cơ hội. Phàm nhân có mấy ai?
Mỗi năm chúng ta nghe đoạn Phúc Âm này ít nhất một lần vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Nhưng có lẽ chúng ta ít khi cảm thấy “sự lạ” trong đó. Con người chúng ta thật phức tạp, và cũng thật tệ! Chúng ta chưa xin mà Thiên Chúa vẫn cho chúng ta có thêm cơ hội để tu tâm sửa tính.
Cảnh vui chưa trọn, cảnh buồn vội nối theo. Đêm định mệnh năm xưa, ma quỷ đã gieo ý định nộp Đức Giêsu vào lòng môn đệ Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Đức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Ngài, Ngài bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa.
Cũng trong đêm định mệnh đó, khi Thầy trò cùng ăn mừng lễ, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu, Ngài bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
Khi Ngài đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông ngạc nhiên và nói: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô nhất định không chịu. Nhưng Đức Giêsu nghiêm giọng: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Ôi, thế thì không ổn rồi! Thế là ông liền phấn khởi nói: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa”. Chả trật đi đâu, y như rằng người nóng tính là người mau mắn.
Tuy nhiên, Đức Giêsu lại khác hẳn, không như người ta tưởng. Ngài phân tích: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”. Câu nói thật là thâm thúy, vì Ngài biết ai sẽ nộp Ngài. Với tính từ “sạch”, người ta chỉ hiểu theo nghĩa đen, nhưng Chúa Giêsu nói theo nghĩa bóng.
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào và về chỗ. Ngài âu yếm nhìn các môn đệ và ôn tồn nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
Đoạn Phúc Âm dừng lại như màn kéo che sân khấu sau mỗi cảnh. Câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra vẫn còn vang vọng mãi: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?”. Và mỗi người phải tự trả lời với Ngài về chữ YÊU và CÁCH YÊU của chính mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương tha thứ về việc chúng con chưa thực sự yêu mến Thánh Thể Ngài và chưa thực hiện đúng “Điều Răn Mới” mà Ngài truyền dạy. Xin biến đổi chúng con và giúp chúng con biết cách yêu cho đúng ý Ngài muốn. Nhờ đó, chúng con biết loan báo về Ngài và xứng đáng là môn đệ của Ngài tại trần gian này. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU