Home / Giáo Dục Kito Giáo / Giáo dục là phục vụ

Giáo dục là phục vụ

Gioankim Trương Đình Giai

Ngày nay, người ta nói nhiều đến những tiêu cực trong giáo dục. Sự tôn sư trọng đạo càng lúc càng xuống cấp. Học sinh vô lễ với thầy cô và thậm chí còn có trường hợp trò đánh thầy… Đương nhiên có nhiều nguyên nhân được đưa ra phân tích nhưng có lẽ cũng phải thấy nơi đó sự xuống cấp của đạo đức người thầy mà gần đây báo chí đề cập đến, việc thầy cô đánh đập, chửi mắng, hành hạ học sinh cũng không còn là chuyện họa hiếm nữa.

Con cái, học sinh, giáo dân phải chăng là một thứ sở hữu của cha mẹ, thầy cô, linh mục để có thể áp đặt, sai khiến, hành hạ theo ý muốn của riêng mình?

Tôi chợt nhớ lại những hình ảnh không bao giờ quên mà tôi tận mắt chứng kiến ở Québec, Canada: một người thầy qùy xổm dưới chân một sinh viên của ông để trao đổi và hướng dẩn cho cậu trong phòng vi tính, một vị Tổng Giám mục, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada sắp hàng để nhận phần ăn trong một cuộc hội nghị về truyền giáo, một Tổng Giám mục khác cúi xuống bắt tay chào hỏi một em bé không quen biết…

Tất cả mọi điều đó làm cho tôi có thể hình dung dễ dàng hơn hình ảnh của Thầy Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình với lời truyền dạy: “Thầy rửa chân cho anh em thế nào, thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau như thế.” Đức Giêsu qua đó muốn nói với các nhà giáo dục nói chung và các nhà giáo dục Kitô giáo nói riêng: giáo dục chính là phục vụ.

        Giáo dục là phục vụ nghĩa là: Trước hết các nhà giáo dục (cha mẹ, thầy cô, linh mục) phải nhận thấy rằng mình chỉ là tôi tớ. Nói như các Giáo hoàng thường tự xưng là “tôi tớ của các tôi tớ”, mình chỉ là nhân viên phục vụ mà thôi. Nghĩa là trong suy nghĩ, trong cách ăn nói và ứng xử không bao giờ được đặt mình trên, trước đối tượng giáo dục của mình: con cái, học sinh, giáo dân, mà theo một nghĩa nào đó, là những ông bà chủ của mình, ngược lại phải đặt mình ở vị trí thấp nhất.   

Kế đến, các nhà giáo dục ý thức rằng mình có mặt chỉ là để lắng nghe, khơi dậy và đáp ứng những nhu cầu và khát vọng của đối tượng giáo dục của mình chứ không phải áp đặt lên họ ý muốn dự định, toan tính riêng tư của mình. Vì thế nhà giáo dục phải là người biết rõ đối tượng mình giáo dục, mọi khuynh hướng, khả năng tiềm tàng, ưu điểm cũng như khuyết điểm để mang lại cho họ điều tốt nhất, nghĩa là thích hợp nhất với họ để giúp họ triển nở trọn vẹn theo dự định của Thiên Chúa.

Ngoài ra, nhà giáo dục phải biết rõ từng đối tượng mình giáo dục như Đức Giêsu Mục tử biết rõ từng con chiên của mình để có chương trình, phương pháp, cách ứng xử thích hợp với từng đối tượng riêng biệt cụ thể chứ không  hài lòng với việc giáo dục đại trà, áp dụng theo khuôn mẫu định sẵn, cá mè một lứa, biết phát huy khả năng riêng của từng đối tượng.

Hơn nữa, nhà giáo dục luôn biết kiên trì, tận tụy, nhẫn nại, quên mình, tự xoá, hy sinh vì đối tượng mình giáo dục cũng như Đức Giêsu Mục tử hy sinh vì đàn chiên của mình, hay như thánh Gioan Baotixita nói: “Người cần phải lớn lên, còn tôi cần phải nhỏ đi”.

Trên hết, nhà giáo dục phải biết chọn lựa ưu tiên, quan tâm phục vụ đặc biệt những người thấp hèn nhất về mọi mặt: trí tuệ, đạo đức, điều kiện, hoàn cảnh… như Đức Kitô được sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó đã nói: “Tôi đến để cứu những gì đã hư mất”, “Người bệnh mới cần đến thầy thuốc”.

        Nhà giáo dục phục vụ theo tinh thần Kitô giáo không  tìm hư danh, là người sẳn sàng rút lui vào bóng tối sau khi hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của mình như một đầy tớ vô dụng chỉ phải hoàn thành công việc giao, là người sẵn sàng cho đối tượng của mình mọi điều mình có nhưng đồng thời vui mừng thậm chí khi thấy đối tượng mà mình giáo dục vượt trội hơn mình, thành công hơn mình như Thánh Gioan Baotixita, như Đức Giêsu.

Xem thêm

Bai115

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 115

BÀI 115 BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – CHĂM CHỈ VÀ BIẾT CẦU TIẾN LỜI …