Home / Tiêu Điểm / Hai năm đầu triều đại Đức Phanxicô

Hai năm đầu triều đại Đức Phanxicô

 

Tuần này, Đức Phanxicô mừng hai năm lên ngôi giáo hoàng. Và theo John Thavis, đây là thời điểm chín mùi cho chương trình giản dị hóa bàn giấy và phục hồi sinh lực mục vụ của ngài. Đức Giáo Hoàng đã định ra các hướng đi và các ưu tiên mới phản ảnh viễn kiến của ngài về việc Vatican phải hoạt động ra sao và Giáo Hội nên phúc âm hóa như thế nào. Nhà bình luận này cho rằng ngài thực sự thành công trong một số phạm vi và cũng đã gặp trở ngại ở một số lãnh vực. 

Theo Thavis, sau đây là một vài nét tóm lược:

— Các cải tổ tài chánh tại Vatican. Với việc củng cố gần đây của Văn Phòng Kinh Tế, Đức Phanxicô đặt để một hệ thống bảo vệ tài chánh chưa hề có trong lịch sử Vatican. Các cải cách của ngài thực sự đã quét sạch các trương mục bí ẩn và những ngân sách vô nguyên tắc, và giảm thiểu ảnh hưởng Ý trên các vấn đề tài chánh nói chung. 

Nhưng bên cạnh đó, có người cho rằng vẫn có những tranh chấp nội bộ đối với vị đứng đầu Văn Phòng Kinh Tế cùng với nhiều cuộc tranh chấp âm ỉ khác ở phía sau. Cho thấy nền văn hóa tranh giành quyền lực vẫn chưa được kết liễu. 

— Cải cách Giáo Triều Rôma. Việc đơn giản hóa guồng máy hành chánh của Vatican đến nay đã đi được nửa đường. Cuối cùng, ta sẽ thấy ít bộ sở hơn và nhiều phối hợp hơn, nhất là ở các bộ sở phụ trách về truyền thông. Tất cả đều rất tốt. 

Tuy nhiên, điều cũng rõ ràng là Đức Phanxicô không có ý thách thức “hệ thống” của Giáo Triều Rôma, tức mạng lưới các bộ sở quản trị nhiều thế lực, do các vị Hồng Y đứng đầu, trong đó, việc đưa ra quyết định phần lớn là việc của giáo phẩm, còn các giáo dân thì hành xử trong các vai trò phụ thuộc. 

Đức Giáo Hoàng từng kêu gọi nhiều lần phải có tác phong phục vụ trong Giáo Triều, nhưng theo Thavis, cho tới nay rất ít cải cách về cơ cấu đã được thi hành nhằm chấm dứt não trạng duy nghề nghiệp tại Vatican. 

— Đức Giáo Hoàng trong tư cách nhà truyền thông. Nhờ ăn nói thẳng thắn và bộc trực, không có những e dè thường lệ của Vatican, Đức Phanxicô đã cách mạng hóa lối truyền đạt của vị giáo hoàng và theo Thavis, cả cách tông huấn nữa. Không chỉ vì Đức Phanxicô sẵn sàng chuyện trò tự nhiên với các nhà báo và khách tới thăm; ngài còn biến lối ăn nói trực tiếp này thành phương pháp hàng đầu trong việc huấn giáo tín hữu. 

Tuy nhiên, bộc trực đôi khi cũng đem tới những kiểu nói không thích đáng hoặc bị hiểu lầm. Và cuộc chiến giải thích các lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng là việc có thật giữa những người bảo thủ và cấp tiến trong Giáo Hội. 

— “Tính công đồng” và tính hợp đoàn. Qua việc thách thức Thượng Hội Đồng Giám Mục thảo luận thực sự cởi mở về một loạt các vấn đề mục vụ (trong đó có vấn đề người Công Giáo ly dị và tái hôn), Đức Phanxicô quả đang cố gắng giải quyết tính hợp đoàn từ dưới đi lên, bắt đầu với việc các vị giám mục phải liên hệ với nhau ra sao. Còn việc các ngài chia sẻ ra sao trách nhiệm lớn hơn cùng với Đức Giáo Hoàng cai quản Giáo Hội và chăm sóc mục vụ thì tuy là một vấn đề có liên hệ, nhưng cho tới nay, ít khi được nêu ra. 

Cũng có nhận định cho rằng Đức Phanxicô phải hành động trong những giới hạn không do ngài tạo ra. Đành rằng ngài muốn cai quản Giáo Hội một cách hợp đoàn nhiều hơn, nhưng phẩm trật do hai vị tiền nhiệm để lại phần lớn theo tinh thần bảo thủ, không chấp nhận những phương thức mục vụ xem ra vượt quá các giới hạn cổ truyền. 

— Sự nổi tiếng của Đức Giáo Hoàng. Tuần trước, dư luận tại Hoa Kỳ dành cho Đức Phanxicô tỷ lệ ủng hộ lên tới 90 phần trăm. Sự lưu tâm của truyền thông hoàn cầu cũng rất cao. Phần lớn hoan nghinh việc ngài sẵn sàng đương đầu với các vấn đề xã hội và môi trường như thay đổi khí hậu, và các tuyên bố gần đây hơn của ngài cho rằng nền luân lý và thần học Công Giáo nếu không có từ bi và trực diện tiếp xúc với nhân loại đau khổ thì là điều vô ích. 

Đối với nhiều người, những lời trên là một thay đổi đáng hoan nghinh đối với phương thức của mấy thập niên gần đây về tín lý. Nhưng các lời lẽ ấy liệu có được diễn dịch thành năng lực và dấn thân hơn ở bình diện giáo xứ khắp thế giới hay không? Bởi vì đó là điều Đức Phanxicô lưu tâm. Nếu kết quả thuần chỉ là một “cái thích” tập thể, thì điều đó chắc chắn chưa đủ đối với ngài. 

Về một số phương diện nào đó, lên năng lực cho người Công Giáo vẫn còn là một thách thức lớn nhất của Đức Phanxicô. Và về phương diện này, theo Thavis, đây là một nghịch lý khác của ngài: từ đầu, Đức Phanxicô vốn cho rằng ngài muốn di chuyển Giáo Hội ra khỏi cuộc tranh luận qui chiếu về chính mình, chỉ lưu tâm tới các cơ cấu của riêng mình, mà không chịu giao tiếp với thế giới. Tuy nhiên, trong hai năm đầu tiên, triều đại của ngài phần lớn chú mục vào chính những vấn đề đó: cải tổ cơ cấu và tranh luận về chính sách mục vụ. 

Chính vì thế, nhiều người mong trong những năm kế tiếp, Giáo Hội sẽ chuyển mình như viễn kiến của Đức Phanxicô trong Niềm Vui Tin Mừng: 

“Tôi mơ ước một ‘giải pháp truyền giáo’nghĩa là một thúc đẩy truyền giáo có khả năng biến cải mọi sự, để các phong tục của Giáo Hội, các cách làm việc, thì giờ và thời khóa biểu, ngôn ngữ và cơ cấu có thể được vận dụng một cách thích đáng để phúc âm hóa thế giới ngày nay, hơn là để duy trì chính mình. Việc canh tân các cơ cấu do hồi hướng mục vụ đòi hỏi chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng này: như một thành phần của việc qui hướng chúng về việc truyền giáo nhiều hơn, làm cho các sinh hoạt mục vụ thông thường ở mọi bình diện trở thành bao hàm và cởi mở hơn, để gợi nơi các nhân viên mục vụ một uớc nguyện liên lỉ muốn lên đường và nhờ cách này rút được những đáp ứng tích cực từ nơi mọi người vốn được Chúa Giêsu mời gọi vào tình bạn với chính Người”.

Vũ Van An

Nguồn: Vietcatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN