Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY, NĂM B CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY, NĂM B CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

 

 

(Ga 3, 14 – 21)

GIƯƠNG CAO

 

Giương cao là một động từ tỏ rõ sự minh bạch, sự công khai, sự biểu lộ tỏ tường của một điều tốt lành, sự thánh thiện. Giương cao sự thật, tình yêu là một ân ban nhưng không bởi Thiên Chúa. Có những hình thức tỏ rõ sự giương cao trong vũ trụ tự nhiên, đó là toàn thể tinh tú, trong đó có  Mặt Trời và Mặt Trăng.

Vâng, thưa quý vị, đó là sự hữu thể bởi nguyên lý tự nhiên, nhưng được bắt nguồn từ siêu nhiên. Đó là Thiên Chúa.

Hôm nay, Tin Mừng (Ga 3, 14 -21) cho chúng ta thấy, sự siêu nhiên biểu lộ một cách cụ thể, một cách lạ lùng, nhưng duy nhất, cũng như hành tinh Mặt Trời được giương cao trên bầu trời thế nào, thì Thiên Chúa cũng “GIƯƠNG CAO” tình yêu của Ngài cho nhân loại như vậy. Đó là, Đức Giêsu- Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Vâng, đoạn Tin Mừng hôm nay nằm ở chương 03, Ga,:  “Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Ni-cô-đê-mô”.

Vâng, chúng ta thấy câu khởi đầu (Ga 3, 14)  của đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một sự so sánh cụ thể, bởi vì trong quá khứ Thiên Chúa cũng đã biểu lộ tình thương của Ngài cho chúng ta, đó là: “Như ông Moisen đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc như thế nào, thì Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, …”

Một sự so sánh rõ ràng. cụ thể, Thiên Chúa đã biểu trưng tình thương cứu độ từ ngàn xưa, qua muôn thế hệ và đến giờ sau hết. Chúng ta, hãy đặt mình vào tâm trạng, vào thời gian nguy khốn của người Dothai xưa, khi được ông Môise vâng lời Thiên Chúa “giương cao” biểu tượng con rắn đồng, đồng thời là biểu tượng tình thương của Thiên Chúa, thì chúng ta mới hiểu được ơn Thiên Sai của Đấng cứu thế dành cho nhân loại. Sự so sánh thì khác nhau, nhưng cùng một ý nghĩa đó là Thiên Ý của Thiên Chúa.

Vì con rắn đồng ngày xưa không thể mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nếu con rắn mang lại ơn cứu độ cho phàm nhân, thì điều ấy là huyễn hoặc, dị đoan, dối trá, là ngẫu tượng, là tà thần. Nhưng, biểu tượng rắn đồng chính là sức mạnh và tình thương từ Thiên Chúa. Như vậy, ý nghĩa của việc giương cao là gì? Thưa, là cho mọi người được nhìn thấy, được hưởng nhờ, được tin tưởng thì được cứu thoát.

Nhưng, tình yêu được bắt nguồn từ Thiên Chúa là chân lý, vì thế việc giương cao con rắn đồng trong sa mạc chỉ là một ý nghĩa tiên trưng cho Đấng Cứu Thế làm Người. Vì việc giương cao “CON NGƯỜI”, có nghĩa là Đấng Cứu Thế lên, thì điều đó mới có ý nghĩa của việc “GIƯƠNG CAO” tình thương của Thiên Chúa. Để làm gì, thưa quý vị? Thưa,

“ … để  ai TIN vào Người thì được sống muôn đời” (c 15).

Vâng, đây là lý do của việc “giương cao” tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa giương cao chính Người Con yêu dấu của Ngài, là Đức Giêsu–Kitô. Vì sao như vậy? Thưa, vì: “Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (c 16).

Vâng, sự sống muôn đời, đó là Thiên Chúa, ngoài Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu, thì không ai hằng hữu cả. Nhưng, Thiên Chúa đã muốn thông ban sự hằng hữu của Ngài cho nhân loại, thì đó là “TÌNH YÊU”. Vì, chính nhân mạng là ”Sự Sống” hằng hữu từ Thiên Chúa. Có linh hồn, tức tính thiêng liêng từ Thiên Chúa, có thân xác tức sự hữu hình Thiên Chúa đã tạo thành. Theo đó, con rắn đồng là vật tượng trưng, chứ không phải là Đấng Cứu Thế. Đó là lý do, Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại.

Theo đó, Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay là Chúa Nhật vui mừng, bởi vì Thiên Chúa đã “GIƯƠNG CAO” tình yêu của Ngài cho thế gian, đó là sự  “Tha thứ”. Vâng, sự tha thứ mà thánh Gioan Tông Đồ đã đúc kết như sau: “Quả thật, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (c 17).

Vâng, quả thật là như vậy, vì  yêu thế gian nên Thiên Chúa muốn “Cứu “ thế gian, cứu là “giải thoát”, giải thoát là ”tha thứ”. Vâng, Thiên Chúa đã tha thứ cho thế gian qua việc ban Con Một của Ngài cho thế gian. Nhưng, việc ban tặng ấy phải được “GIƯƠNG CAO” cho thế gian nhìn thấy. Điều ấy có nghĩa là, Thiên Chúa đã tặng ban cách dồi dào ân sủng cho chúng ta. Như vậy, há chẳng phải là niềm vui hay sao?

Nhưng, nhân loại đã, đang và vẫn lên án “Con Người” bằng tội lỗi của mình. Vì, sự không tin vào con Người. Nếu, họ tin vào Người thì không bị lên án. Qùa tặng, phải đi kèm với niềm tin. Vì không ai “trao ban” ân sủng cho kẻ thất tín, thất trung. Vì vậy, “Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh Con Một của Thiên Chúa” (c 18).

Mặc nhiên, điều kiện để được “CỨU“ là ”TIN“, một điều kiện dễ dàng thực hiện, và hợp lý. Vì, không ai ban tặng cho kẻ “nghi ngờ”. Vì, nhân loại cũng chỉ là thụ tạo, tức kẻ vốn được thụ hưởng tình thương mà thôi. Vì vậy, nếu đòi ân sủng mà ”không tin“ vào ân sủng thì thật nghịch lý.

Như vậy, có ân thưởng, thì có luận phạt, vì ân thưởng càng cao, sự sự luận phạt càng lớn.

“Và đây là bản án: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (c 19).

Vâng, rõ ràng Chúa Giêsu là ánh sáng, ánh sáng đã đến thế gian, ánh sáng cứu độ. Ánh Sáng vĩnh cửu, ánh sáng không hề tắt. Vì Người là Mặt Trời công chính, mặt Trời  hành tinh mà Thiên Chúa dựng nên cũng thật kỳ diệu, cũng được giương cao để soi sáng, để chiếu tỏa muôn phương. Nhưng, không thể sánh được với Mặt Trời chân lý là Đức Kitô- Giêsu. Sự giương cao để tỏa sáng một mầu nhiệm tình yêu từ Thiên Chúa. Đó là lý do, Thiên Chúa đã ban Người Con Một cho thế gian, nhưng, Người Con ấy không phải đến để lên án thế gian, mà là đến để  được “GIƯƠNG CAO”, để tỏa sáng cho nhân loại bởi một chân lý là nguồn sống. Vì vậy, ân sủng đã trao ban hết thảy tận cùng cho kẻ tin. Mặc nhiên, ai không đón nhận, thì nơi người ấy không có ánh sáng.

Bản án dành cho kẻ không đón nhận ánh sáng, không phải là sự hủy diệt bởi Thiên Chúa, mà là một sự sáng soi không có nơi bóng tối. Đó là quy luật, đó là điều hiển nhiên. Quy luật ánh sáng và bóng tối thể hiện rõ ràng, không thể lập lờ đánh lận con đen. Khi nghe đến “bản án“ chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa luận phạt chúng ta, nhưng không phải vậy, vì như bóng tối không tiếp nhận ánh sáng thì nơi nó không có ánh sáng, nghĩa là nó tối. Còn ánh sáng không tiếp nhận bóng tối, bởi nơi ánh sáng là sự sáng. Nhưng, ánh sáng tiếp nhận bóng tối thì nơi bóng tối không còn tối nữa. Như vậy, ánh sáng chiếm ưu thế và mãi mãi như vậy.

Câu 20 -21 của Tin Mừng Gioan hôm nay cho chúng ta ý nghĩa trên:

“Qủa thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (c 21)

Bóng tối là hiện thân của điều gian ác, mặc nhiên không thích điều thiện, đó là ánh sáng. Ánh sáng là tình yêu, bởi vì tình yêu là hiện thân cho điều thiện hảo. Muôn ngàn đời, đây là chân lý, dù chúng ta thấy người lành cũng phải chết, nhưng họ chết cho chân lý. Còn kẻ ác cũng phải chết, nhưng nó chết cho tội ác và vì tội ác. Từ cổ chí kim vẫn vậy, vì đó là chân lý. Chân lý thì không thay đổi.

Rõ ràng như vậy, bởi vì không gì phân định rạch ròi bằng chân lý ánh sáng và bóng tối. Vì ánh sáng là sự thật, là sự thiện hảo, còn bóng tối là điều gian ác. Chúng ta thấy, dù điều ác vẫn cứ xảy ra từng giờ, từng phút. Nhưng, nó không thắng được ánh sáng, sự nóng giận chính là điều xấu, là bóng tối, nó không thể thắng nổi điều thiện, nhưng nó vẫn xảy ra, vì khi nào còn ánh sáng thì bóng tối vẫn xuất hiện. Người Việt Nam có câu tục ngữ rất chí lý: “ Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ“. Biết vậy, nhưng bóng tối vẫn xảy ra, vì nó không tiếp nhận ánh sáng.

Vâng, đó là ánh sáng và bóng tối, theo đó, thánh Gioan trình thuật tiếp: “Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (c 21). Đây có thể nói là chương hay nhất trong Tin Mừng theo thánh Gioan, khi Chúa Giêsu tuyên bố về ánh sáng, sự thật và việc lành.

Để minh chứng điều đã được chia sẻ trên đây, chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói: “Đèn phải được đặt trên giá, để mọi người cùng xem thấy các việc lành của các con mà ngợi khen Cha ở trên trời” (Mt 5, 15-16; Mc 4, 21–22; Lc 8, 16-17; Lc 11, 33-34).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa  đã đến trần gian để đem ánh sáng của Thiên Chúa hầu chiếu soi muôn dân. Và chính Chúa là ánh sáng vĩnh cửu đã được giương lên cao, để chiếu soi bóng tối tội lỗi là ma quỷ. Xin cho những ai biết lắng nghe Chúa cũng biết đường tìm về sự thật . Chúa là Đấng hằng sống, hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần muôn đời./. Amen.

15/03/2015

P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …