(Mc 9, 2-10)
TỪ CÕI CHẾT SỐNG LẠI!
Như chúng ta biết, Chúa Nhật thứ II Mùa Chay hôm nay bước vào tháng Ba, tháng kính Thánh Cả Giuse, Đấng Bảo Trợ Thánh Gia, Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria. Người đã cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa cách tích cực hoàn hảo. Xin ban ơn chuyển cầu cho Giáo Hội Việt Nam, được vững mạnh trong Đức Tin, hòa hợp trong Đức Ái, và tiến bước trong Đức Cậy.
Thưa quý vị, thưa các bạn, Tin Mừng Chúa Nhật thứ II Mùa Chay 2015 (B) (Mc 9, 2-10), có hai phần rõ rệt:
– Phần thứ I: Trình thuật về Biến Cố Chúa Giêsu Biến Hình trên núi Tabor (từ c 2-8)
– Phần Thứ hai: Trình thuật về sự báo trước Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô (c 9-10).
Vâng, biến cố Biến Hình trên núi Tabor của Chúa Giêsu là một ý nghĩa tiên trưng của Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Ý nghĩa biến cố Biến Hình là một động thái biểu lộ quyền năng bởi Thiên Tính của Người. Trước khi tự nguyện nộp mình chịu Nạn, chịu Chết. Sau khi, được Thần Khí “ĐƯA“ vào hoang địa, chịu satan cám dỗ, Người đã chiến thắng thế lực ác thần. Mang Sự chiến thắng phần nhân tính, Đức Giêsu bước vào cõi hiệp thông với bản tính thần linh, mở đầu cho công cuộc cứu độ nhân loại.
Chiến thắng cám dỗ, hay vượt qua cám dỗ là một biểu tượng của sự sống. Đức Kitô nguồn sống từ Thiên Chúa, Người mang nhân tính phàm nhân, vì thế, sự chu toàn sứ vụ Thiên Sai qua nhân tính của Người, là điều phải làm. Dù là Con Thiên Chúa (theo nhân tính) và là Thiên Chúa thật (theo Thiên Tính). Người vẫn tự nguyện trải qua cuộc cám dỗ, và chiến thắng cám dỗ.
Ý nghĩa của việc Người chịu cám dỗ, và chi tiết Thần Khí đẩy Người vào hoang địa chịu ma quỷ cám dỗ không khó hiểu và mâu thuẫn, mà là hoàn toàn phù hợp với sứ vụ Thiên Sai của Người. Bởi, mang nhân tính, nghĩa là Người phải chu toàn thật bản tính nhân loại, chịu những gì mà thân phận làm người của nhân thế phải chịu. Việc Người được Thần Khí đẩy vào hoang địa, ăn chay, chịu satan cám dỗ, sống chung với dã thú và có các thiên thần phụng sự Người. Không khác gì với Mầu Nhiệm Giáng sinh của Người nơi hang đá Bê-lem. Cũng có sự hiện diện của nghèo khó, sự bần cùng, sự hôi hám, sự xua đuổi, sự đơn độc, sự thờ ơ của nhân loại, sự lạnh giá nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng, bên cạnh Người có Đức Maria, thánh Giuse, các mục đồng, những con chiên, bò, và đặc biệt có muôn ngàn thiên sứ loan báo, ca ngợi, tôn vinh, phụng sự Người. Như vậy, việc Người chịu satan cám dỗ cũng không khác chi việc Người Giáng sinh. Cuộc đời Chúa Giêsu là một Mầu Nhiệm, vì vậy, việc Người chịu cám dỗ cũng là một Mầu Nhiệm.
Là Thiên Chúa, Người đứng trên mọi sự, không thế lực tà thần nào dám xúc phạm. Là Con Người, tức nhân tính phàm nhân, Người chịu satan cám dỗ hầu biểu lộ tình thương và dẫn “Đường” cho nhân loại noi theo. Hầu chiến thắng cám dỗ là phương tiện công chính để dẫn vào Nước Trời.
Theo đó, sự Biến Hình trên núi Tabor, nói lên tất yếu cuộc khổ nạn và vinh quang Thiên Quốc, nơi Đức Kitô là “ĐẦU”. Vì nếu không có Tử Nạn thì không có phục sinh.
Vì vậy, cuộc Biến Hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor mà thánh sử Marco trình thuật hôm nay (Mc 9, 2- 8) là một hình thái bày tỏ Thiên Tính, tức vinh quang phục sinh nơi Đức Kitô và mọi kẻ tin vào Người.
Từ ý nghĩa phần thứ nhất, chúng ta sẽ đi đến ý nghĩa của phần thứ hai.
– Phần thứ hai: Tiên báo về Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô (c 9-10)
Chúng ta thấy hai câu 9-10 trong Mc 6, có một cụm từ mang ý nghĩa Mầu Nhiệm, bởi vì không thể hiểu theo ý nghĩa đen được, mà là một ý nghĩa siêu linh. Bởi vì, “từ cõi chết sống lại”, là một cụm từ chỉ dành cho ”Đấng Kitô”. Tại sao vậy? Thưa, vì ngoài Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, có nghĩa là Đấng Cứu Độ, thì không có thế lực nào làm được điều đó. Mặc nhiên, thế lực satan mạnh hơn loài người, nhưng satan là “sự chết”, thì làm sao “từ cõi chết sống lại” được. Chỉ có Thiên Chúa, vì nơi Thiên Chúa là ”Nguồn Sống”, nguồn bất tử, vô biên. Tại sao, con người phải chết? Thưa, bởi vì con người nằm trong “giới hạn”. Điều gì nằm trong giới hạn, thì đó là sự chết. Còn Đấng Cứu độ vượt qua giới hạn, vì Người là Đấng vô biên. Điều gì vô biên là ”bất tử”. Đây là điều tiên quyết để tin vào Đức Giêsu-Kitô.
“Từ cõi chết sống lại“: là mục đích cứu độ, là ý nghĩa bởi cuộc thương khó của Con Thiên Chúa làm Người. Vì thế, ai tin vào Đức Kitô, thì sẽ được sống lại với Người.
Vì vậy, phần thứ nhất của đoạn Tin Mừng hôm nay thật ngoạn mục, thú vị, hấp dẫn như một sự siêu nhiên tưởng tượng thần bí, nếu kẻ không tin thì cho là ảo tưởng. Nhưng, Đức Kitô là Đấng chân thật, theo đó, ý nghĩa của phần hai (chỉ có 2 câu), đã xảy ra hơn hai mươi thế kỷ, minh chứng rằng: ”ĐỨC GIÊSU-KITÔ đã từ CÕI CHẾT SỐNG LẠI“, tức sự Phục Sinh.
Giáo Hội Công Gíao đã tin vào Đấng Phục Sinh. Nhưng, tôn thờ cuộc Tử Nạn của Người, bởi vì Người là Thiên Chúa Thật, và là Người thật.
Bài đọc I hôm nay (St 22, 1-2. 9a. 10-13; 15-18),cho thấy Áp-ra-ham, tổ phụ của lòng tin đã được Thiên Chúa thử thách như thế nào. Vâng, Thiên Chúa không cám dỗ ai hết, nhưng Ngài thử thách những ai muốn theo Ngài.
Thử thách khác với cám dỗ như thế nào? về mặt hình thức thì giống nhau, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
– Thử thách: Cho chịu đau khổ để nên hoàn thiện, hay gọi là thánh hóa, để trở nên giống Thiên Chúa là Đấng vô biên, vĩnh cửu.
– Cám dỗ: Xúi dẫn vào sự giới hạn, giả dối, lừa lọc bằng sự giả trá thế gian, tức sự chóng qua của kiếp người, hầu xa lìa Thiên Chúa.
Theo đó, bài đọc II, (Rm 8, 31 b-34), thánh Phao-lô cho chúng ta một câu tuyệt vời để ca tụng tình yêu của Thiên Chúa như sau: “Có Thiên Chúa bênh vực chúng ta, ai còn chống lại chúng ta được? Đến như Con Một Thiên Chúa đã chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì chúng ta” . (c 31b-32)…
Thánh vịnh 115 hôm nay ca ngợi và cảm tạ Chúa, vì Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, cứu khỏi án phạt phải chết và dẫn đưa đến sự sống muôn đời (c 1, 3-9).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biểu lộ Thần Tính trên núi Tabor, hầu ban cho chúng con một lòng tin vững mạnh vào Chúa. Để chúng con xứng đáng lãnh nhận cuộc Tử Nạn của Chúa, hầu đáng lãnh nhận ơn Phục Sinh bởi Người. Người là Đấng hằng sống, và hiển trị muôn đời ./. Amen.
01/03/2015
P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN