(Mc 1, 12 -15)
ĐỨC GIÊSU CHỊU CÁM DỖ NƠI HOANG ĐỊA
Vâng, kính thưa quý vị, thưa các bạn! Như chúng ta biết, Tin Mừng thánh Marco rất cô đọng, những biến cố về cuộc đời sứ vụ Thiên Sai của Người rất ngắn gọn. Như đoạn Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ, rất ngắn gọn, chỉ vọn vẹn có hai câu (c 12-13). Kết thúc phần I, phần Dẫn Nhập: Giai đoạn dọn đường cho sứ vụ của Chúa Giêsu, bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai của Người.
Như chúng ta biết, sau khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa, thì “Thần Khí đẩy Người vào hoang địa, ở đó, Người ăn chay bốn mươi đêm ngày, chịu satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, có các thiên sứ hầu hạ Người“ (c 12 -13).
Thánh sử Marco rất kiệm lời, ngài chỉ trình thuật vỏn vẹn hai câu, về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Theo đó, Tin Mừng hôm nay, Chúa Nhật thứ I Mùa chay B (Mc 1, 12- 15) có hai phần, phần đầu từ (câu 12-13), phần hai từ câu (14–15)
– Phần đầu: Trình Thuật Chúa Giêsu chịu cám dỗ (Mc 1, 12 -13)
Chúa Giêsu chịu satan cám dỗ, để nói lên Người là Con Người thật, tức phần nhân tính làm Người của Người. Vì satan không thể cám dỗ được Thiên Chúa, satan chỉ cám dỗ phàm nhân đế chống lại Thiên Chúa, vì satan không thể trực tiếp đối phó với Thiên Chúa được. Vì thế, mới có việc cám dỗ. Vậy, cám dỗ là công việc của satan. Vậy, tại sao Chúa Giêsu cám dỗ bởi satan? Thưa, bởi vì, Chúa Giêsu vì vâng phục Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại. Người mang thân phận phàm nhân, nghĩa là phần nhân tính.
Theo đó, việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ là nói lên sự vâng phục Thiên Chúa, vâng phục sứ vụ Thiên Sai, vâng phục đường lối cứu độ bởi Thiên Chúa. Đồng thời chia sẻ thân phận nhân loại bị satan kìm tỏa, nếu nghe theo nó. Vì vậy, Chúa Giêsu chịu satan cám dỗ và người đã chiến thắng Satan, bởi vì, Thiên Tính của Chúa Giêsu là sự cao cả tuyệt đối, đứng trên tất cả.
Chúng ta thấy, Tin Mừng theo thánh Marco trình thuật việc Chúa Giêsu chịu satan cám dỗ chỉ có hai câu vỏn vẹn. thứ nhất, Thần Khí đẩy Người vào hoang địa.Sau khi, Người lãnh nhận tràn đầy Thần Khí bởi phép rửa tại sông Gio-đan, Thiên Chúa ở cùng Người. Theo đó, tuy mặc nhân tính hữu hình, nhưng, trong nhân tinh của Người, Chúa Giêsu tràn đầy Ngôi Vị Thiên Chúa, vì thế cho nên, satan không thể làm cho Chúa Giêsu sa chước cám dỗ được. Hỏi, vì sao chúng ta biết được như vậy? Đáp, căn cứ vào câu Lời Chúa: ”Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ thờ lạy duy nhất Người mà thôi!” Mt 4, 10).
Sau ba lần chịu cám dỗ, Chúa Giêsu đã trích dẫn Lời Chúa để chống lại satan. Vì đối với Chúa Giêsu, của ăn (ham mê ăn uống), vinh hoa phú quý, (hưởng thụ thế gian) và quyền lực thế gian (sự kiêu ngạo), là những thứ mà Thiên Tính của Người đã khước từ, theo đó, nhân tính của Người không thể chấp nhận bả vinh hoa thế trần. vì, Người là Con Thiên Chúa. Vì, nếu theo những thứ đó, thì phải thờ lạy satan, còn nếu thờ lạy Thiên Chúa thì phải khước từ satan. Khước từ satan là khước từ sự vinh hoa, phú quý của thế gian.
Satan thua Thiên Chúa, bởi vì nó không vĩnh cửu. Satan thua Thiên Chúa, bởi vì nó là thụ tạo thấp hèn, nhưng chỉ vì kiêu ngạo, nên nó trở thành satan. Satan = kẻ chống lại Thiên Chúa.
Ai trong con người, đều bị satan cám dỗ, cám dỗ là một hình thái của satan. Nhưng bị sa chước cám dỗ mới là đau khổ. Chúng ta có Chúa Giêsu, Đấng chịu cám dỗ vì chúng ta, nhưng Chúa đã chiến thắng cám dỗ. Sự chịu cám dỗ là nói lên thân phận yếu đuối của con người, nhưng chiến thắng, tức vượt qua cám dỗ, thì đó là Thiên Chúa. Vì vậy, việc Chúa Giêsu chịu satan cám dỗ nói lên sự yếu đuối của thân phận loài người, nên chi, Người chịu satan cám dỗ thay thế cho chúng ta, và treo gương cho chúng ta để biết vượt qua cám dỗ. Đó là mục đích và ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ.
– Phần thứ hai: Sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1, 15 c)
Như chúng ta biết, đoạn Tin Mừng hôm nay thật ngắn gọn, nhưng gồm hai phần riêng biệt. Mỗi phần chỉ có hai câu. Phần đầu, nói về việc Chúa Giêsu chịu satan cám dỗ. nếu như, việc Người chiến thắng satan không dẫn đến sứ vụ rao giảng Nước Trời, tức Triều Đại Thiên Chúa, thì làm sao phàm nhân “biết đường” mà noi theo để vượt qua cám dỗ của satan.
Theo đó, phương pháp mà Chúa Giêsu muốn công bố cho phàm nhân để được bước theo Người là “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối là nhìn nhận thân phận con người, mỏng giòn, ngắn ngủi, là cảm thấy mình là tội nhân cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Sám hối là hồng ân “giờ chót”, vì Thời kỳ của Thiên Chúa đã đến gần.
Phàm nhân không thể chiến thắng được satan, nếu như không có Lời Tin Mừng. Lời Tin Mừng là Lời Hằng Sống bởi Thiên Chúa mà đến. Lời Tin Mừng cũng chính là ơn cứu độ từ Thiên Chúa qua Đức Giêsu- Kitô. Lời Tin Mừng cũng chính là Đấng đã được sai đến trong thế gian là Đức Giêsu – Kitô.
Khởi đi từ bài đọc I (St 9, 8-15) cho chúng ta thấy, Thiên Chúa lập giao ước với ông Nôe, sau khi lụt đại hồng thủy, Thiên Chúa sẽ không hủy diệt con người trên mặt đất nữa. Vì thế, thay vào đó, Thiên Chúa sẽ ban Đấng Cứu Tinh để cứu độ nhân loại. Qua đó, chúng ta thấy, Thiên Chúa đã thực hiện giao ước của Ngài, đồng thời biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Bài đọc II (1Pr 3,18-22), thánh Phê-rô cho chúng ta biết, Đức Giêsu–Kitô là Đấng cứu độ hết thảy những người đã bị lụt đại hồng thủy dìm chết trong thời ông Nôe. Đức Kitô thiết lập phép rửa hầu tái sinh nhân loại qua sự chết và phục sinh của Người. phép rửa tái sinh là hình ảnh lụt đại hồng thủy mới, nhân loại sẽ được tái sinh trong Đức Kitô để được sự sống mới. Phép rửa là lụt đại hồng thủy mới, nhưng không dìm chết nhân loại, mà là dìm chết tội lỗi nhân loại nhờ Đức Giêsu- Kitô.
Sự cám dỗ của satan đối với con người là việc tất yếu của nó. Nhưng, việc lướt thắng cám dỗ là việc của những ai bước theo Đức Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, bước vào mùa Chay Thánh, mùa luyện tập, chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con biết nương tựa vào Chúa, là ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng. Xin thương ban cho con người mọi thời biết nhận thức và tin theo. Hầu đón nhận ơn cứu độ Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con ./. Amen.
22/02/2015
P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN