Đời sống thiêng liêng của Chúa Giêsu
(Mc 1, 32-39)
Điều không chối cãi là Chúa Giêsu có một đời sống lấp đầy: Chúa giảng Tin Mừng cho các tông đồ, cho dân chúng, săn sóc kẻ đau ốm, trừ quỷ, trả lời các câu hỏi của bạn bè, của kẻ thù và đặc biệt không bao giờ ở lâu một chỗ.
“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những người bị quỷ ám đến cho Người, cả thành xúm lại trước cửa.
Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ.
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi vào nơi hoang vắng và cầu nguyện. Simon và các bạn kéo nhau đi tìm.
Khi gặp Người, các ông thưa: ”Mọi người đang tìm Thầy đấy!”
Người bảo các ông: ”Chúng ta hãy đi đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”
Rồi Người đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ quỷ” (Mc 1, 32-39).
Tất cả những gì chúng ta biết về Chúa Giêsu đều nói lên một điều quan trọng là làm theo ý Chúa Cha.
Điểm nổi bật trong Phúc Âm là sự vâng lời tuyệt đối này.
Từ những lời đầu tiên Chúa nói trong Đền Thánh: ”Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 4, 9), cho đến những lời cuối cùng: ”Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Mối lo duy nhất của Chúa Giêsu là hoàn thành ý Chúa Cha.
Người nói: ”Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm” (Jn 19).
Công việc của Chúa Giêsu làm là sứ mạng Chúa Cha giao phó để hoàn thành, và những lời Chúa rao giảng là những lời Chúa Cha truyền. Người đã nói rõ rằng: ‘‘Nếu tôi không làm việc của cha tôi, các ông đừng tin tôi (Jn 10, 37)”, và “lời anh em nghe đây không phải của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Jn 14, 24).
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc không chỉ do những gì Ngài rao giảng hay những gì Ngài làm cho chúng ta, nhưng còn vì Ngài đã rao giảng và thi hành đúng theo ý muốn của Chúa Cha.
Mối quan hệ do sự vâng lời Chúa Cha là trọng tâm đời sống Chúa Giêsu. Điều này khó hiểu đối với chúng ta, bởi vì ở xã hội chúng ta đang sống, chữ vâng lời có nhiều nghĩa tiêu cực.
Vâng lời làm ta nghĩ đến nhà cầm quyền áp đặt ý chí của họ trên ước muốn của chúng ta, nhắc ta nhớ đến những kỷ niệm khó khăn thuở thơ ấu, vâng lời dưới sự đe dọa của hình phạt. Nhưng vâng lời này không tương ứng với vâng lời của Chúa Giêsu.
Vâng lời của Chúa Giêsu là sự lắng nghe hoàn toàn và không hề nghi ngờ vào Người Cha yêu quý. Giữa Người Cha và Người Con chỉ có tình yêu.
Tất cả những gì thuộc về Người Cha, Người Cha giao phó cho Người Con, và tất cả những gì Người Con nhận, Người Con dâng lại cho Người Cha.
Người Cha giao phó hoàn toàn cho Người Con và đặt mọi sự trong tay Người Con:
tất cả sự hiểu biết (Jn 12, 50), tất cả vinh quang (Jn 8, 54), tất cả quyền lực (Jn 5,19-21). Và Người Con phó thác hoàn toàn cho Người Cha và hoàn lại tất cả trong tay Người Cha.
”Thầy từ Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Jn 16, 28).
Tình yêu không thể cạn giữa Người Cha và Người Con,
Tình yêu này đã ôm trọn tất cả các dạng thức tình yêu.
Tình yêu này bao gồm tình yêu của cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thầy và người bạn. Nó vượt xa tình yêu của con người vốn là một tình yêu có giới hạn.
Đây là một tình yêu chăm chú và đòi hỏi, một tình yêu vị nghĩa nhưng nghiêm khắc, một tình yêu êm dịu nhưng mạnh mẽ. Đó là một tình yêu cho sự sống và chấp nhận sự chết.
Chính trong tình yêu thần thánh này mà Chúa Giêsu nhập thể làm người và chịu chết trên cây Thánh Giá.
Tình yêu này, bao gồm tất cả và thể hiện mối liên hệ giữa Người Cha và Người Con, là một Đấng Thánh, ngang hàng với Người Cha và Người Con.
Đấng có một danh hiệu riêng, đó là Chúa Thánh Thần.
Người Cha yêu Người Con và tỏa lan trong Người Con.
Người Con được Người Cha yêu thương và trả lại tất cả những gì thuộc về Người Con cho Người Cha.
Chúa Thánh Thần chính là tình yêu, bao gồm muôn đời Người Cha và Người Con.
Cộng đồng tình yêu muôn đời này là trọng tâm và cội nguồn đời sống thiêng liêng của Chúa Giêsu, một đời sống chăm chú liên tục vào Người Cha, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.
Chính đời sống này đã nuôi dưỡng cuộc đời Chúa Giêsu.
Dù lúc ăn, lúc uống, lúc nhịn đói, lúc cầu nguyện hay hành động, lúc di chuyển hay nghỉ ngơi, lúc rao giảng hay dạy bảo, lúc trừ quỷ hay chữa bệnh, Chúa đã làm trong Chúa Thánh Thần.
Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu toàn diện ý nghĩa chức vụ dồi dào, biến thiên của Chúa Giêsu nếu chúng ta không thấy tất cả mọi sự bám rễ sâu trong điều này:
Lắng nghe Chúa Cha trong mối liên hệ yêu thương vẹn toàn.
Chỉ lúc nào chúng ta hiểu được sự bám rễ này thì lúc đó chúng ta mới hiểu mục đích của Chúa Giêsu là đưa chúng ta vào cộng đồng này, đi vào một cách mật thiết nhất.[1]
Đức Giêsu là câu trả lời cho sự hiện hữu có vẻ tràn đầy nhưng thật thông thoáng, có vẻ tất bật nhưng thật sự cắt đứt với thế giới, sống mọi nơi nhưng không bao giờ ở tại nhà mình.
Chúa muốn dẫn chúng ta vào nơi cư trú thật.
Nhưng tiếng gọi của Người kéo chúng ta lại với đời sống thiêng liêng chỉ có thể được thực hiện khi chúng ta sẵn sàng cáo mình, thẳng thắn nhìn nhận chúng ta đã kéo lê một đời sống thật ưu phiền, hoàn toàn mất trọng tâm và nhận biết đời sống này đã cắt vụn đời sống của chúng ta ra từng mảnh.[2]
Chỉ lúc đó ước muốn gặp lại nơi cư trú thật mới có thể phát triển trong chúng ta.
Chính ước muốn này mà Đức Giêsu nói với chúng ta:
“Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự sẽ đến dồi dào với con sau”. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy