1. Đức Thánh Cha bế mạc tuần hiệp nhất Kitô Giáo
Lúc 5 giờ rưỡi chiều Chúa Nhật 25 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
Tuần lễ này đã tiến hành từ 18 đến 25 tháng Giêng vừa qua với chủ đề là câu Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria: “Bà hãy cho tôi uống nước” (Xc Ga 4,7)
Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 Hồng Y, các Giám Mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Genadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, Đức Giám Mục David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
“Bao nhiêu tranh luận giữa các tín hữu Kitô do quá khứ để lại có thể được vượt thắng nếu chúng ta loại bỏ thái độ tranh cãi hoặc hộ giáo, đồng thời cùng nhau tìm cách đón nhận trong chiều sâu những gì liên kết chúng ta, nghĩa là ơn gọi tham dự vào mầu nhiệm tình thương của Chúa Cha được Chúa Con biểu lộ cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Linh”.
Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng “Sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô không phải là kết quả của những tranh luận lý thuyết tinh vi trong đó mỗi người tìm cách thuyết phục người khác về nền tảng vững chắc ý kiến của mình. Con Người sẽ đến và sẽ thấy chúng ta còn tranh luận như thế. Chúng ta phải nhìn nhận rằng để đạt đến chiều sâu mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta cần nhau, gặp gỡ nhau và đối chiếu với nhau dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh là Đấng làm cho những khác biệt được hòa hợp và vượt thắng các xung đột”.
Nhắc đến chủ đề tuần hiệp nhất năm nay, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng Chúa Giêsu, trên đường từ Giuđêa tiến về Galilea, đã không ngại xin người phụ nữ xứ Samaria nước uống. Cái khát ấy không phải chỉ là cái khát thể lý, nhưng cũng là sự ước mong gặp gỡ để có thể cống hiến cho người phụ nữ ấy một hành trình hoán cải nội tâm.. Cũng vậy, ngày nay có rất nhiều người nam nữ đang mệt mỏi và khát, xin các tín hữu Kitô chúng ta cho họ uống. Đó là một yêu cầu mà chúng ta không thể tránh né”.
Từ đó, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Trong ơn gọi trở thành những người loan báo Tin Mừng, tất cả các Giáo Hội và các Cộng đồng Giáo Hội tìm được một lãnh vực thiết yếu để cộng tác với nhau chặt chẽ hơn. Để có thể chu toàn hữu hiệu công tác ấy, cần tránh khép mình trong thái độ cục bộ và loại bỏ người khác, cũng như cần tránh áp đặt những hình thức đồng nhất theo những kế hoạch hoàn toàn là phàm nhân”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô không phải là công việc riêng của một ít người. Tất cả chúng ta đều phục vụ cùng một Tin Mừng duy nhất. Vì Tin Mừng ấy, bao nhiêu Kitô hữu bị bách hại và tàn sát.. Đó chính là phong trào đại kết bằng máu”.
Cuối kinh chiều, Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Kinh Chiều này.
2. Công bố sứ điệp ngày truyền thông xã hội
Sáng thứ Sáu 23 tháng Giêng, Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Truyền thông xã hội lần thứ 49 đã được công bố với chủ đề: “Truyền thông trong gia đình, môi trường ưu tiên để gặp gỡ trong tình yêu nhưng không”.
Ngày Truyền thông xã hội lần thứ 49 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 17 tháng 5.
Sứ điệp đã được Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, cùng với 2 giáo sư, giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.
Đức Thánh Cha cho biết đã chọn đề tài này vì Giáo Hội đang ở trong tiến trình Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình. Ngài nhận xét rằng “các cơ quan truyền thông có xu hướng trình bày gia đình như thể đó là một kiểu mẫu trừu tượng cần chấp nhận hay từ khước, cần bảo vệ hoặc tấn công, thực ra, gia đình là một thực tại cụ thể để sống; giới truyền thông cũng thường trình bày gia đình như thể đó là một ý thức hệ của người này chống người khác, thực tế gia đình là nơi mà tất cả chúng ta học biết ý nghĩa việc liên lạc trong tình yêu được lãnh nhận và trao ban”.
Sau khi trình bày các khía cạnh của việc truyền thông, liên lạc trong gia đình, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến các phương tiện truyền thông hiện đại nhất và ảnh hưởng của chúng đối với việc liên lạc, đả thông, trong gia đình và giữa các gia đình, vì các phương tiện ấy có thể cản trở hoặc trợ giúp. Ngài nhấn mạnh rằng cần tái khám phá sự kiện cha mẹ là những người đầu tiên giáo dục con cái, cha mẹ ngày càng phải hiện diện hơn nữa trong thế giới kỹ thuật số để hướng dẫn con cái.
Đức Thánh Cha cũng cảnh giác chống lại nguy cơ lớn, đó là trẻ em hoặc thiếu niên khép kín, tự cô lập trong thế giới ảo, lơ là với nhu cầu cần phải hội nhập vào đời sống thường nhật, trong những liên hệ với người khác. Sau cùng người trẻ cũng được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong môi trường kỹ thuật số và trong các mạng xã hội.
3. Công bố sứ điệp Sứ điệp Mùa Chay
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi thành phần Giáo Hội vượt thắng hiện tượng “hoàn cầu hóa sự dửng dưng” đối với những người nghèo khổ.
Đây là ý tưởng được Đức Thánh Cha nhấn mạnh và khai triển nhiều nhất trong Sứ điệp Mùa Chay bắt đầu từ ngày 18 tháng Hai tới đây. Sứ điệp được Đức Ông Giampietro Dal Toso, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), cùng vị phụ tá và ông Michel Roy, Tổng thư ký Caritas quốc tế, giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo sáng ngày 27 tháng Giêng, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha có chủ đề là một câu trích từ thư thánh Giacôbê “Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc 5,8). Sau khi nhắc lại sự kiện Thiên Chúa ”không dửng dưng đối với chúng ta, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Chúa biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Chúa. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta.. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái, thì thường chúng ta quên những người khác, không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu.”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng sự dửng dưng vừa nói có chiều kích hoàn vũ và người ta có thể nói ngày nay đang có một thứ ”hoàn cầu hóa sự dửng dưng”. Để giúp các tín hữu khắc phục tệ nạn này, Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo Hội ý thức rằng ”Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau”
4. Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn thẩm phán Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma
Sáng thứ Sáu 23 tháng Giêng, trong buổi tiếp kiến dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi để ý đến những bối cảnh con người và văn hóa có ảnh hưởng tới ý định kết hôn, hay khiến cho hôn nhân vô hiệu.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến có khoảng 200 người, trong đó có hơn 20 vị thẩm phán của tòa Rota thuộc nhiều quốc tịch, các luật sư và viên chức khác, dưới sự điều động của vị niên trưởng là Đức Ông Pio Vito Pinto. Các phán quyết của tòa Rota thường được coi như án lệ đối với các tòa án hôn phối trong toàn Giáo Hội và huấn dụ của Đức Thánh Cha dành cho tòa này hướng đến toàn thể các tòa án của Hội Thánh trên thế giới.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
“Cuộc khủng hoảng hôn nhân ngày nay nhiều khi có căn cội là cuộc khủng hoảng về nhận thức được đức tin soi sáng, nghĩa là được soi sáng nhờ lòng gắn bó với Thiên Chúa và ý định yêu thương của Chúa được thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô.. Kinh nghiệm mục vụ cho thấy một số lớn các tín hữu ở trong tình trạng hôn phối bất hợp lệ, vì họ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của não trạng thế tục lan tràn.. khiến họ thay vì tìm kiếm vinh danh Chúa, thì chỉ theo đuổi cuộc sống thoải mái cho bản thân. Một trong những hậu quả của thái độ đó là “một đức tin khép kín trong thái độ chủ quan..”.
Vì thế, – Đức Thánh Cha nói – “Vị thẩm phán, khi cân nhắc xem sự ưng thuận kết hôn của đôi vợ chồng có thành sự hay không, cần phải để ý đến bối cảnh các giá trị và đức tin, – hoặc sự thiếu sót hay vắng bóng các giá trị và đức tin ấy, – trong đó ý hướng kết hôn của họ được thành hình. Thực vậy, sự thiếu ý thức về nội dung đức tin có thể đưa tới điều mà giáo luật gọi là “lầm lẫn chi phối ý chí kết hôn” (errore determinante la volontà, Xc GL 1099). Tình trạng này không phải là điều ngoại lệ như trong quá khứ, xét vì tư tưởng trần tục thường lướt thắng giáo huấn của Giáo Hội. Sự lầm lẫn ấy không những đe dọa sự ổn định của hôn nhân, đặc tính một vợ một chồng và sinh sản con cái của hôn phối, nhưng còn đe dọa sự kiện hôn nhân hướng đến thiện ích của tha nhân, tình yêu vợ chồng như ‘nguyên lý sinh tử’ của sự đồng ý kết hôn, sự hiến thân cho nhau để kiến tạo một sự sống chung”.
Trong ý hướng trên đây, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các vị thẩm phán về sự cần thiết phải có sự “hoán cải các cơ cấu của Giáo Hội theo tinh thần mục vụ, để thi hành công lý cho những người xin Giáo Hội làm sáng tỏ tình trạng hôn phối của họ… Các thẩm phán đừng khép kín ơn cứu độ con người trong những hẹp hòi của thái độ duy luật pháp. Mục đích tối hậu của giáo luật là phần rỗi các linh hồn.” Đó cũng là mục tiêu tối hậu của các tổ chức, luật pháp và các qui luật.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở các vị thẩm rằng ở các tòa án hôn phối của Giáo Hội, nên có những người thiện nguyện có khả năng làm cố vấn cho các tín hữu về việc có thể đệ đơn xin tòa cứu xét sự vô hiệu hôn phối của họ, tuy rằng vẫn cần phải có các luật sư do chính tòa án trả lương, làm sao để tất cả các tín hữu có thể tìm tới công lý của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha bày tỏ hài lòng vì tại tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, có nhiều vụ xin giải hôn phối được miễn phí đối với những tín hữu ở trong tình cảnh kinh tế khó khăn, không thể kiếm được một luật sư.
Hồi năm ngoái, 2014, Đức Thánh Cha đã thành lập một Ủy ban nghiên cứu việc đẩy nhanh và đơn giản hóa các thủ tục cứu xét đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, để tránh tình trạng các tín hữu phải chờ đợi quá lâu. Ủy ban dự kiến sẽ trình lên Đức Thánh Cha vào mùa xuân năm nay các đề nghị giải quyết tình trạng này.
5. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói thật là kinh ngạc khi có những báo cáo nói có những mâu thuẫn giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Bênêđíctô thứ 16
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người đã từng là thư ký riêng cho cả Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nói rằng thật là kinh ngạc khi có những báo cáo nói có những bất đồng giữa hai triều đại giáo hoàng.
“Tôi không biết một khẳng định tín lý nào của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại trái với các giáo huấn của người tiền nhiệm ngài”.
Vị Tổng Giám Mục người Đức hiện nay là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn dài với tạp chí Đức, Christ und Welt, nghĩa là “Chúa Kitô và thế giới”.
Ngài nói chuyện thẳng thắn về những thay đổi trong cách tiếp cận những vấn đề dưới triều Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc họp gây nhiều tranh cãi của Thượng Hội Đồng Giám Mục hồi tháng 10 năm ngoái, và bài diễn văn hôm 22 tháng 12 trong đó Đức Giáo Hoàng chỉ trích thẳng thừng 15 căn bệnh của Giáo triều Rôma.
Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng hôm 22 tháng 12, ngài đã được ngồi bên cạnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đọc diễn văn Giáng sinh trước giáo triều Rôma, liệt kê một loạt những căn bệnh mà những vị làm việc trong giáo triều Rôma có thể mắc phải và cần phải thanh tẩy.
Vị Tổng Giám Mục người Đức nói: “Trong suốt cuộc nói chuyện, tôi đã có thể mường tượng ra các hàng tít lớn trên báo chí sau đó”
Mô tả quang cảnh buổi họp, Đức Tổng Giám Mục cho biết:
“Những phản ứng của các vị trong giáo triều dao động giữa bất ngờ, kinh ngạc và cảm thấy khó hiểu”. Ngài thừa nhận rằng nhiều viên chức Vatican đã đặt câu hỏi về giọng điệu của bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, ngài kết luận: “Rõ ràng là Đức Thánh Cha nghĩ rằng cần thiết để nói mọi chuyện rõ ràng và tạo ra một cuộc duyệt xét lương tâm.”
Khi được hỏi tổng quát hơn về sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài liên tục nghe những câu hỏi về ưu tiên của Đức Giáo Hoàng. Đức Tổng Giám Mục xác tín rằng “Tôi nói mà không sợ nhầm lẫn rằng ưu tiên quan trọng nhất là truyền giáo, là rao giảng Tin Mừng”
Tuy nhiên, khi được hỏi ai là cố vấn thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra một câu trả lời khá chấn động: “Tôi không biết.”
Đức Tổng Giám mục Gänswein bác bỏ ý tưởng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc đẩy một sự thay đổi trong giáo huấn của Giáo Hội về ly dị, hoặc chấp nhận cho người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ. Ngài chỉ ra rằng Đức Giáo Hoàng là người phải bảo vệ những tín lý chính thống của Công Giáo. Ngài nói thêm: “Tín Lý và việc chăm sóc mục vụ không đối lập, đó là hai anh em sinh đôi”.
Khi được hỏi về một báo cáo trên báo chí Ý nói rằng trong thời gian Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình, một số giám mục đã tiếp xúc với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 để thúc giục ngài phải can thiệp, Đức Tổng Giám Mục nói rằng báo cáo ấy là “thêu dệt từ Alpha đến Omega, không hề có những tiếp xúc như thế”.
Về việc xuất bản một bài báo của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, trong đó thẳng thừng bác bỏ những đề nghị cho người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ, Đức Tổng Giám mục Gänswein nói rằng Đức Giáo Hoàng danh dự đã viết bài này nhiều tháng trước khi Thượng Hội Đồng được triệu tập.
6. Đức Thánh Cha buồn vì báo chí giải thích xuyên tạc
Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ Tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha “ngỡ ngàng và buồn” vì nhiều gia đình đông con hoang mang trước những tin tức báo chí loan đi không đúng về những lời nói của ngài.
Trong những ngày qua, nhiều báo chí Italia và quốc tế đăng tin với những tựa đề như: “Đức Giáo Hoàng dạy: điều lý tưởng là mỗi gia đình có 3 con”, hoặc “Đức Giáo Hoàng nói: các gia đình đừng sinh sản như thỏ!” Đó là những điều hầu như duy nhất được các báo nhấn mạnh từ cuộc họp báo của Đức Thánh Cha trên máy bay hôm 19 tháng Giêng trên đường từ Manila về Roma.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo Tương Lai (Avvenire) số ra ngày 22 tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Becciu cho biết đã trình cho Đức Thánh Cha các bài báo ấy. Ngài tỏ ra ngạc nhiên và buồn vì sự giải thích không đúng của nhiều báo chí về lập trường của ngài. Đức Thánh Cha không hề nói điều lý tưởng là mỗi gia đình chỉ nên có 3 ngừơi con. “Đây là con số mà các nhà xã hội và dân số học coi là mức tối thiểu để dân số được ổn định. Đức Giáo Hoàng không hề muốn nói đó là con số ‘đúng’ mà mỗi gia đình nên có. Mỗi gia đình Công Giáo, dưới ánh sáng ơn thánh, được kêu gọi phân định theo một loạt các mô thức của con người và Thiên Chúa để xác định đâu là số con mà mình phải có”.
Đức Tổng Giám Mục Becciu nhấn mạnh rằng:
“Chính vì muốn làm sáng tỏ sự việc, nên trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 21 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha đã mau lẹ gửi những lời quí mến và khích lệ đến các gia đình đông con. Ngài khẳng định rằng sự sống luôn luôn là một thiện ích và sự kiện có nhiều con là một hồng ân của Thiên Chúa và phải luôn cảm tạ Chúa”. Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha cũng tái khẳng định giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 trong Thông điệp “Humanae Vitae” (Sự Sống Con người) về sự sinh sản có trách nhiệm.
Theo Đức Tổng Giám Mục Becciu, câu Đức Thánh Cha nói “không thể sinh sản như thỏ” phải được giải thích theo nghĩa: việc sinh sản của con người không thể theo tiêu chuẩn bản năng như động vật, nhưng là kết quả của một hành vi trách nhiệm, bắt nguồn trong tình yêu và trong sự hiến thân cho nhau. Rất tiếc là nền văn hóa hiện đại có xu hướng làm giảm thiểu vẻ đẹp chân chính và giá trị cao cả của tình yêu vợ chồng, với tất cả những hậu quả tiêu cực theo sau đó”
7. Đức Thánh Cha cổ võ Tin Lành và Công Giáo cộng tác với nhau
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cổ võ sự cộng tác giữa các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther trong việc làm chứng về lòng từ bi của Thiên Chúa trong xã hội ngày nay.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây sáng ngày 22 tháng Giêng trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn Tin Lành Luther và Công Giáo Phần Lan về Roma hành hương thường niên nhân dịp lễ kính thánh Henrico bổn mạng nước này, dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục Tin Lành Vikstroem và Đức Giám Mục Công Giáo Temu Sippo.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha ghi nhận cuộc viếng thăm của phái đoàn diễn ra trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô với chủ đề là lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria: “Bà hãy cho tôi uống” (Ga 4,7).
Ngài nói:
“Tuần cầu nguyện này nhắc nhở chúng ta rằng nguồn mạch mọi ơn thánh chính là Chúa và các hồng ân của Chúa biến đổi những người lãnh nhận, làm cho họ trở thành chứng nhân về sự sống đích thực đến từ một mình Chúa Kitô. Như Tin Mừng kể lại cho chúng ta, nhiều người xứ Samaria tin nơi Chúa Giêsu nhờ chứng từ của người phụ nữ (Xc Ga 4,39). Và như Đức Giám Mục Vikstrom đã nhận xét, các tín hữu Công Giáo và Luther có thể cộng tác nhiều với nhau để làm chứng về lòng từ bi của Chúa trong xã hội chúng ta.”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Chứng tá chung của các tín hữu Kitô là điều đặc biệt cần thiết ngày nay đứng trước sự nghi kỵ, bất an, những vụ bách hại và đau khổ mà bao nhiêu người đang phải chịu trên thế giới ngày nay. Chứng tá chung này có thể được nâng đỡ và khích lệ nhờ những tiến bộ trong việc đối thoại thần học giữa các Giáo Hội. Tuyên ngôn chung về đạo lý công chính hóa, do Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Luther thế giới và Giáo Hội Công Giáo, ký kết cách đây 15 năm, có thể tiếp tục mang lại những thành quả hòa giải và cộng tác giữa hai bên.”
Trong số 5,2 triệu dân Phần lan hiện nay, có 78,4% là tín hữu Tin Lành Luther, 1,1% là tín hữu Chính Thống. Công Giáo chỉ có khoảng 8 ngàn tín hữu họp thành một giáo phận là giáo phận Helsinki.
8. Chứng tá anh hùng của các Giám Mục Ba Lan
Trong một diễn biến có liên quan, hãng tin Zenit, trích thuật các nghiên cứu của học giả Reytel Andrianik cho biết hầu hết các Giám Mục Ba Lan thời Thế Chiến Thứ Hai đã liều mạng cứu người Do Thái.
Vào thời điểm Đức Quốc Xã xâm lược Ba Lan vào năm 1939, Giáo Hội tại nước này có 21 giáo phận trong đó có 8 giáo phận trống tòa vì các Giám Mục bị giết, trốn thoát hay bị trục xuất.
Một trong những vị trốn ra nước ngoài là Đức Cha Karol Radoński, người đã tố cáo trên đài truyền thanh Luân Đôn hôm 14 tháng 12 năm 1942 về thảm hoạ Holocaust tức là chính sách diệt chủng người Do Thái tập thể: bắn chết, cho vào phòng hơi ngạt, bỏ đói …
Trong 13 giáo phận có các Giám Mục coi sóc, các nghiên cứu đã chứng minh được tại 11 giáo phận các Giám Mục đã âm thầm giúp người Do Thái bằng cách che dấu trong các chủng viện, dòng tu, cấp giấy chứng nhận rửa tội giả để phù hợp với căn cước giả…Hai giáo phận còn lại vẫn còn đang được nghiên cứu.
Việc nghiên cứu các chứng tá anh hùng của các Giám Mục Ba Lan gặp nhiều trở ngại vì theo luật của Đức Quốc Xã những ai che dấu người Do Thái thì bị tàn sát cả gia đình nên các Giám Mục thường hết sức cẩn thận và kín đáo để bảo vệ các dòng tu, chủng viện và các giáo xứ khỏi bị tàn sát tập thể.
Hôm 21 tháng Giêng, viện Yad Vashem, là nơi tưởng niệm các nạn nhân Holocaust cũng đưa ra những tài liệu cho thấy một linh mục vào thời đó đã hô hào giáo dân giúp che dấu người Do Thái và chính ngài cũng liều mình đích thân giúp người Do Thái trốn sự lùng bắt của Đức Quốc Xã. Vị linh mục ấy là cha Stefan Wyszynski, sau này là Hồng Y Giáo Chủ Ba Lan.
9. Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân Hồng Y: Mũ đỏ Hồng Y không phải là một phần thưởng
Trong một bức thư gửi cho mỗi Giám Mục và Tổng Giám Mục trong số 20 vị sẽ được nâng lên hàng Hồng Y đoàn trong công nghị Hồng Y vào ngày 14 tháng Hai tới đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở các vị Hồng Y rằng chiếc mũ đỏ không nên được xem như là “một phần thưởng, hay đỉnh cao sự nghiệp của một người”, nhưng là một lời mời gọi để phục vụ.
“Luôn khiêm tốn trong khi phục vụ không phải là dễ dàng,” Đức Giáo Hoàng viết. Ngài kêu gọi các vị để tránh các lễ mừng xa hoa thường xuyên được tổ chức bởi các tân Hồng Y. Những buổi tiệc xa hoa như thế có thể dễ dàng tạo ra một cảm giác say mê quyền lực thế gian, và có thể tách chúng ra khỏi Thánh Giá của Đức Kitô.
10. Thảm họa Charlie Hebdo: Toàn bộ hoạt động tông đồ của Giáo Hội Công Giáo Niger bị đình chỉ vô thời hạn
Trích dẫn sự tàn phá trên một quy mô quá rộng lớn các nhà thờ và các tổ chức Công Giáo khác và tình hình mất an ninh nghiêm trọng trên toàn lãnh thổ, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Niger đành phải đưa ra một biện pháp đau lòng là đình chỉ vô thời hạn các hoạt động của tất cả các trường Công Giáo, trung tâm y tế, từ thiện và các cơ quan phát triển trên cả nước.
Các giám mục yêu cầu anh chị em giáo dân cầu nguyện và suy niệm trên “sự kiện đau đớn mà chúng ta đã chỉ chịu đựng.”
Quốc gia Tây Phi này 17,1 triệu dân, trong đó 80% là người Hồi giáo và chỉ có 0,1% là người Công Giáo.
Hồi cuối tuần qua nhiều vụ biểu tình bạo động đã nổ ra để phản đối vụ báo Charlie Hebdo ở Pháp đăng các bức hí họa xúc phạm đến ngôn sứ Mohamet của Hồi giáo. Những người biểu tình đã đốt phá ít nhất 45 thánh đường, hàng quán và cơ sở của Kitô giáo và ít nhất có 10 người bị thiệt mạng, 50 người bị thương, một số phụ nữ Kitô bị hãm hiếp.
11. Đức Thánh Cha làm phép chiên con dùng để lấy len dệt dây Pallium
Hôm 22 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đánh dấu ngày lễ Thánh Agnes với một nghi thức có từ hơn một thế kỷ trước là làm phép các chiên con để lấy len dệt dây Pallium.
Theo truyền thống, hai con chiên nhỏ dưới một năm tuổi, đã được mang đến nhà trọ Santa Marta trong những chiếc giỏ.
Đến mùa hè những con chiên này sẽ được xén lông để lấy len. Các nữ tu sẽ dùng len ấy dệt nên các dây pallium.
Agnes có nghĩa là “con chiên” trong tiếng Latin. Thánh Agnes là một vị đồng trinh tử đạo sống ở thế kỷ thứ 4. Thánh nữ đã bị giết khi còn là một cô gái trẻ vì từ chối thờ phượng một vị thần ngoại giáo.
Cô được chôn cất trong nhà thờ được đặt theo tên cô, là nhà thờ thánh Agnes, nằm trên Via Nomentana của Rôma. Để tượng trưng cho sự tinh khiết của Thánh Agnes, khi được ban phép lành bởi Đức Giáo Hoàng một trong những con chiên sẽ đeo vương miện kết bằng hoa trắng, trong khi con thứ hai đeo một vòng hoa màu đỏ để tiêu biểu cho sự trung thành của thánh nữ cho đến chết.
Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.
Ngày 29 tháng 6 hàng năm, nhân lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha sẽ trao dây Pallium cho các tân Tổng Giám Mục được tấn phong trong vòng một năm.
12. Vua Abdullah của Ả rập Saudi qua đời
Hoàng gia Ả rập Saudi công bố là vua Abdullah bin Abdulaziz, 90 tuổi đã qua đời đúng 01:00 giờ sáng giờ địa phương, sau nhiều tuần lễ điều trị tại bệnh viện vì bị nhiễm trùng phổi.
Em trai cùng cha khác mẹ với ông là Salman, 79 tuổi, đã nối ngôi vua.
Abdullah lên ngôi vào năm 2005 nhưng đã thường xuyên phải chịu đựng bệnh tật trong những năm gần đây.
Vua Abdullah là vị vua Ả rập Saudi đầu tiên đến thăm Tòa Thánh. Biến cố lịch sử này đã diễn ra vào trưa thứ Ba 6/11/2007 giữa vị hoàng đế và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16
Theo truyền thống, vị vua Ả rập Saudi được xem là người Quản Thủ các Thánh Địa Mecca và Medina của Hồi Giáo.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nồng nhiệt đón chào vua Abdullah và dẫn vào trong thư viện của ngài. Hai vị đã bàn bạc trong vòng 30 phút. Cuộc hội kiến này đã được diễn ra theo thỉnh cầu của vua Abdullah trong khuôn khổ chuyến công du Âu Châu của nhà vua.
Trong cuộc hội kiến, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thẳng thắn nêu lên những vấn đề liên quan đến tình trạng của một triệu Kitô hữu đang sống tại Ả rập Saudi. Hiện nay, các tín hữu Kitô tại Ả rập Saudi không được quyền thờ phượng công khai, không được có những biểu tượng Kitô Giáo, không được có những tài liệu liên quan đến Kitô Giáo và thường xuyên bị công an tôn giáo bách hại. Tình hình cho đến nay vẫn không hề được cải thiện.
Vua Salman lên ngôi trong một hoàn cảnh khó khăn. Phía Bắc Ả rập Saudi là quân khủng bố Hồi Giáo IS ở Iraq và Syria, phía Nam là bọn khủng bố al-Qaeda hoạt động mạnh tại Yemen. Cả hai nhóm khủng bố này đều có nhiều cảm tình viên tại Ả rập Saudi.
13. Đức Giáo Hoàng tiếp các nhân viên an ninh công cộng tại Vatican
Hôm thứ Năm 22 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các nhân viên an ninh công cộng tại Vatican. Công việc của họ là giám sát những điạ điểm quan trọng nhất trên thế giới của Giáo Hội Công Giáo, nơi đón tiếp hàng triệu người hành hương mỗi năm.
Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha nói:
“Cuộc họp truyền thống này mang đến cho tôi cơ hội để thăm hỏi anh chị em và đích thân bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của tôi với công việc anh chị em thực hiện mỗi ngày, một cách rất chuyên nghiệp.”
Tên chính thức của họ là Đoàn thanh tra an ninh công cộng Vatican. Năm nay, họ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình và cũng là lần đầu tiên, đoàn được lãnh đạo bởi một người phụ nữ.
Maria Rosaria Maiorino, lãnh đạo đoàn nói:
“Con được vinh dự bày tỏ lòng biết ơn của anh chị em chúng con vì một lần nữa, chúng con có buổi triều yết đặc biệt này với Đức Thánh Cha.”
Cùng với lực lượng ngự lâm quân Thụy Sĩ và đội Hiến Binh Vatican, đoàn thanh tra an ninh công cộng Vatican giúp bảo đảm an ninh Đền Thờ Thánh Phêrô, quảng trường, Đức Giáo Hoàng và các khách hành hương trong các biến cố công cộng.
14. Vua Abdullah II của Jordan ca ngợi lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô trong vụ Charlie Hebdo
Vua Abdullah II của Jordan đã lên tiếng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô về nhận xét ngài đã đưa ra trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Colombo sang Manila hôm 15 tháng Giêng.
Đức Tổng Giám Mục Maroun Lahham, đại diện Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem, tại Jordan nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm Thứ Năm 22 tháng Giêng như sau:
“Vua Abdullah đã nhắc lại rõ ràng những lời của Đức Giáo Hoàng theo đó tự do ngôn luận là một quyền, và trong một số trường hợp thậm chí còn là một nghĩa vụ, nhưng đồng thời nó cũng có giới hạn, và không thể xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của người khác. Quốc vương Abdullah II khẳng định đây là những nhận xét rất tích cực “
Thủ tướng Anh David Cameron là một trong những người không đồng ý với Đức Thánh Cha. Ông nói rằng tự do ngôn luận không thể có giới hạn và có thể đi xa đến mức sỉ nhục bất cứ ai.
Ông nói: “Tôi là một Kitô hữu. Nhưng nếu có ai nói điều gì đó tấn công Chúa Giêsu, tôi có thể cảm thấy khó chịu, nhưng trong một xã hội tự do, tôi không có quyền trả thù người ta. Chúng ta phải chấp nhận rằng những tờ báo, và tạp chí có thể xuất bản những điều gây khó chịu cho một số người miễn là nó hợp với luật pháp.”
Vua Abdullah đã lên án chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, và nói rằng những người thực hiện các cuộc tấn công, chẳng hạn như tại tòa soạn báo Charlie Hebdo, không đại diện cho Hồi giáo chân chính. Đồng thời, ông cũng nói rằng danh tiếng của người Hồi giáo phải được bảo vệ. Vua Abdullah đã là một trong 40 nhà lãnh đạo thế giới tham gia cuộc tuần hành ở Paris để thể hiện tình đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Sau khi Charlie Hebdo vẽ một bức họa châm biếm tiên tri Muhammad trong ấn bản đầu tiên của mình sau cuộc tấn công khủng bố, Vua Abdullah mạnh mẽ lên án quyết định này là “một sự xúc phạm đến tình cảm của người Hồi giáo ở khắp mọi nơi.”
Đó là một “sự thiếu trách nhiệm, một hành động thiếu thận trọng và thiếu suy nghĩ”.
Bức họa châm biếm tiên tri Muhammad đã kích động hàng loạt những cuộc biểu tình của người Hồi Giáo trên toàn thế giới. Đặc biệt, nghiêm trọng là tại thủ đô Niamey của Niger. 45 nhà thờ đã bị tấn công và đốt cháy, 10 Kitô hữu bị giết trong các vụ tấn công.
15. Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan kêu gọi người Công Giáo bảo vệ các di sản Do Thái Giáo
Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan đã kêu gọi người Công Giáo chăm sóc nghĩa trang của người Do Thái, các hội đường, và các tàn tích khác của người Do Thái trước chiến tranh, cũng như mộ phần của các nạn nhân Holocaust. Các giám mục Ba Lan đã đưa ra lời mời gọi này nhân kỷ niệm lần thứ 18 ngày Do Thái giáo tại Ba Lan. Đây là một sáng kiến được cử hành hàng năm vào ngày 27 tháng Giêng, nhằm thúc đẩy đối thoại cũng như củng cố các mối quan hệ Công Giáo và Do Thái giáo.
“Trách nhiệm đạo đức của chúng ta là chăm sóc những nơi mà những anh chị em láng giềng của chúng ta đã bị sát hại và chôn cất”, Đức Cha Mieczysław Cisło, Chủ tịch Ủy ban đối thoại với Do Thái giáo của Hội đồng Giám mục của Ba Lan về Đối thoại liên tôn cho biết như trên. Thông báo cũng kêu gọi các linh mục đề ra những sáng kiến “để tưởng niệm các cộng đồng Do Thái tại những nơi mà họ đã từng sinh sống”
Các giám mục nói không có ai có thể nhún vai và nói đây không phải là việc của họ vì thực ra đó là một “nhiệm vụ của lương tâm” ngõ hầu các hội đường, nghĩa trang của người Do Thái, và các ngôi mộ của những nạn nhân của Holocaust “không đi vào quên lãng.”
Đức Quốc Xã đã giết 90% trong tổng số 3.3 triệu người Do Thái sinh sống tại Ba Lan trước thế chiến thứ Hai. Ngày nay, cộng đồng Do Thái tại đây chỉ còn khoảng 7,000 người.
16. Đức Thánh Cha khuyến khích tìm hiểu, gặp gỡ và đối thoại với Hồi giáo.
Trong buổi tiếp kiến sáng 24 tháng Giêng, dành cho 250 tham dự viên hội nghị quốc tế ở Roma nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Hoàng Học viện về Ảrập và Hồi giáo học, gọi tắt là PISAI, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của sự lắng nghe, như điều kiện cần thiết trong tiến trình cảm thông lẫn nhau và sống chung hòa bình.
Ngài ca ngợi hoạt động của Học viện PISAI “như một thuốc giải độc chống lại mọi hình thức bạo lực, vì giáo dục về việc khám phá và chấp nhận sự khác biệt như sự phong phú…. Cuộc đối thoại giữa Kitô và Hồi giáo đặc biệt đòi hỏi kiên nhẫn và khiêm tốn tháp tùng một nghiên cứu sâu rộng, vì sự phỏng chừng và ứng khẩu có thể gây hiệu quả ngược lại hoặc tạo nên sự khó chịu và bối rối. Cần có sự dấn thân lâu dài và liên tục để tránh tình trạng không được chuẩn bị đứng trước những hoàn cảnh và bối cảnh khác nhau”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng Học viện Pisai cần được biết đến nhiều hơn trong số các Đại học và Học viện giáo hoàng ở Roma. Ngài mong ước Học viện này ngày càng trở thành điểm tham chiếu cho việc huấn luyện các tín hữu Kitô hoạt động trong lãnh vực đối thoại liên tôn, dưới sự hướng dẫn của Bộ giáo dục Công Giáo và với sự cộng tác chặt chẽ của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn.
17. Đức Thánh Cha cổ võ các cộng đoàn dòng tu dấn thân đại kết
Đức Thánh Cha Phanxicô cổ võ các cộng đoàn dòng tu dấn thân cầu nguyện và hoạt động cho chính nghĩa đại kết các tín hữu Kitô.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 24 tháng Giêng dành cho 50 tham dự viên cuộc hội thảo đại kết các tu sĩ nam nữ, do Bộ các dòng tu tổ chức từ ngày 22 đến 25 tháng Giêng này trong khuôn khổ tuần hiệp nhất và Năm Đời Sống Thánh Hiến. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có Đức Hồng Y Tổng trưởng João Braz de Aviz, các chức sắc của Bộ cùng với nhiều đan sĩ và tu sĩ Công Giáo, Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của phong trào đại kết tu đức, cũng như của đời sống thánh hiến đối với sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Đời tu trì có một ơn gọi đặc thù trong việc thăng tiến sự hiệp nhất ấy. Hiện nay có nhiều cộng đoàn dòng tu hăng say dấn thân cho đối tượng ấy và cũng là những nơi ưu tiên gặp gỡ giữa các tín hữu Kitô thuộc các truyền thống khác nhau, như tu viện đại kết Taizé bên Pháp và Đan viện Bose ở bắc Italia.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng:
“Không có hiệp nhất nếu không có sự hoán cải, kinh nguyện, đời sống thánh thiện. Đời sống thánh hiến là môi trường rất thuận tiện để thăng tiến 3 yếu tố vừa nói và vì thế có thể góp phần rất lớn cho chính nghĩa đại kết Kitô. Một trong những người tiên phong trong phong trào đại kết Kitô và là người cổ võ tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô là Cha Paul Couturier. Cha đã ví tất cả những người cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô, cũng như phong trào đại kết nói chung, như ‘một đan viện vô hình’ liên kết các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội, các nước và đại lục khác nhau.”
Và Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em chính là những người linh hoạt đầu tiên của ‘Đan viện vô hình này’. Tôi khích lệ anh chị em cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô và diễn đạt kinh nguyện này qua các thái độ và cử chỉ thường nhật”.
Nguồn: Vietcatholic News