Home / Suy Niệm Lời Chúa / Bài giảng Chúa Nhật Lễ Hiển Linh của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Bài giảng Chúa Nhật Lễ Hiển Linh của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho thấy: Ngay khi Chúa Giêsu giáng sinh thì đã có ba nhóm người tiêu biểu cho ba thái độ của cả nhân loại đối với Chúa Giêsu trong suốt dòng lịch sử, ba thái độ đó là:

 1. Phản ứng của vua Hêrôđê: ganh ghét và thù địch.

Hêrôđê sợ Hài Nhi sẽ can thiệp vào đời sống của kinh đô, vào quyền thế và ảnh hưởng của mình. Bởi vậy, thôi thúc đầu tiên trong ông là tìm cách giết Ngài.

Ngày nay cũng vậy vẫn còn nhiều người muốn tiêu diệt Chúa Giêsu, vì họ chỉ thấy Ngài là người xen vào đời sống họ, không cho họ làm theo điều mình thích nên họ muốn giết Ngài.

2. Phản ứng của các thượng tế và các kinh sư:

Họ chỉ quan tâm đến lễ nghi tế tự trong đền thờ và những thảo luận về luật, đến nỗi họ hoàn toàn không để ý gì đến Chúa Giêsu. Ngài chẳng có nghĩa lý gì đối với họ.

Ngày nay vẫn còn những người chỉ quan tâm đến việc riêng của mình đến nỗi Chúa Giêsu trở thành vô nghĩa đối với họ, không ảnh hưởng gì trên họ. Quả thật, các thượng tế và kinh sư tại Giê-ru-sa-lem là những bậc thông thái, hiểu biết Kinh Thánh, thông thạo các lẽ đạo của tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập. Vì thế, họ đại diện cho những người chính đạo. Họ là những người có Kinh Thánh trong tay, nắm vững giáo lý của đạo Chúa, họ rao giảng và bảo vệ chân lý của Thiên Chúa. Nhưng khi Đức Giêsu đến, những hiểu biết của họ chẳng giúp ích gì cho việc tìm gặp Chúa. Họ biết rất rõ Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem, nhưng họ biết để mà biết, biết để mà dạy người khác, biết để tự hào rằng mình biết, chứ không phải biết để áp dụng vào đời sống, để đem ra thực hành. Vì thế, cái biết của họ trở nên vô dụng cho họ.   

Cũng vậy, rất nhiều Kitô hữu hiểu biết rất sâu xa về Thiên Chúa, nhưng họ biết chỉ để biết, để khoe khoang, để dạy đời chứ không phải để áp dụng vào đời sống. Vì thế, sự hiểu biết ấy không đem lại sự cứu rỗi cho họ. Chính vì vậy Chúa Giêsu cảnh báo:

Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá…

Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát (Mt 7, 24-26).

3. Phản ứng của các nhà đạo sĩ:

Với thái độ thành tâm thiện chí, họ ao ước được đặt nơi chân Chúa Giêsu những tặng vật cao quý nhất.

Khi một người đã nhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu thì chắc phải đắm chìm trong sự kinh ngạc, yêu mến và ca ngợi Ngài.

Vậy đạo sĩ, họ là ai?

Họ là những Magi. Theo Herodotus (1,101,132), Magi nguyên là một chi phái Mêđi. Người Mêđi là một phần dân thuộc đế quốc Ba Tư. Họ cố gắng lật đổ người Ba Tư đem chính quyền về cho người Mêđi. Mưu toan thất bại, từ đó người Magi từ bỏ mọi tham vọng về quyền hành hoặc uy tín và trở nên chi phái tư tế.

Các Magi đối với dân Ba Tư cũng giống như hàng Lêvi đối với dân Israel vậy. Họ trở thành thầy dạy và giáo dục cho các vua Ba Tư. Tại Ba Tư không được dâng lễ vật nếu không có một Magi hiện diện, họ là người của sự thánh thiện và khôn ngoan. Những người Magi này rất giỏi về triết học, y khoa và khoa học tự nhiên. Họ cũng là những thầy bói và người giải mộng.

Về sau, chữ Magi càng ngày càng mang nghĩa thấp kém hơn và trở thành chữ thầy bói, phù thủy và lang băm, như Êlyma, thuật sĩ (Cv 13,6.8), Nhưng thực ra, các Magi không như vậy, họ là những bậc thánh hiền, là những nhà hiền triết đi tìm chân lý.

Câu chuyện về những mẫu người trên cho chúng ta một bài học quí giá.

Những người tưởng rằng mình đang nắm được Thiên Chúa thì lại chẳng bao giờ gặp được Ngài.Cho nên muốn gặp Thiên Chúa, ta phải không ngừng lên đường tìm kiếm, ra sức thực hiện những điều Chúa dạy,thì mới hy vọng gặp được Chúa. Thật vậy, những ai dù đang theo chính đạo, tự hào tự mãn về chính đạo của mình, tưởng mình đang nắm được chân lý trong tay, nhưng trong thực tế lại không sống đạo của mình, họ sẽ trở thành những kẻ tự lừa dối chính mình:

“Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1, 22).

Những ai chỉ biết rao giảng Lời Chúa cho người khác, còn chính bản thân mình lại không thèm áp dụng, hãy lo ngại cho số phận mình như thánh Phao-lô:

“Tôi phải bắt thân thể tôi chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại bỏ” (1Cr 9, 27).

Quả thực có một sự thật vô cùng trớ trêu là: khi vị Cứu Tinh xuất hiện sau bao thế kỷ đợi chờ, dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm, các thượng tế và kinh sư thì dửng dưng, Hêrôđê lại hoảng hốt vì sợ ngai vàng của mình bị lung lay, thì các đạo sĩ, đại diện cho lương dân lại hăng hái lên đường, hăm hở tìm kiếm, cho dù cuộc kiếm tìm đầy phiêu lưu trắc trở. Và khi tìm được rồi, Đấng Cứu Thế cũng chẳng có vẻ gì là một vị quân vương, không uy nghi trong cung điện đền vàng, nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận, xin được bái kiến và dâng lễ vật quý giá với tất cả tấm lòng thành. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …