Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Hiển Linh của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Lễ Hiển Linh của LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

CHÚA NHẬT HIỂN LINH

(Mt 2, 1-12)

Lễ Giáng sinh cho chúng ta thấy qua việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người, con người có thể gặp Thiên Chúa không chỉ trong đền thờ Jêrusalem uy nghi tráng lệ mà còn ở tại nơi máng cỏ, tức là ở ngay nơi con người sinh sống, ở ngay nơi con người đổ mồ hôi làm việc. Đàng khác, gặp gỡ Thiên Chúa không dành riêng cho một hạng người nào, không dành riêng cho tư tế mà còn cho những người bình thường như các mục đồng chẳng hạn.

Trong lễ Hiển linh hôm nay, Giáo Hội muốn gợi cho chúng ta một sự thật khác: Gặp gỡ Thiên Chúa không dành riêng cho dân riêng của Thiên Chúa nhưng còn cho các đạo sĩ, những người từ phương đông, những người không thuộc dân riêng của Thiên Chúa. Chính thánh Phaolo đã nói rõ hơn chân lý ấy qua bài đọc thứ hai: “Nhờ tin mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần với lời hứa của Ngài trong Chúa Giêsu Kitô”. Thánh Phaolo như muốn nói mọi người dù là Do thái hay dân ngoại cũng có thể đến với Thiên Chúa một cách bình đẳng.

Như thế, lễ Hiển linh chính là lễ Giáng sinh trọn vẹn, là lễ Thiên Chúa đến với con người, đến với tất cả mọi người. Với việc Con Thiên Chúa Giáng sinh tại Bêlem, Thiên Chúa như phá đổ những bức tường ngăn cách con người với nhau. Những bức tường như chủng tộc, tôn giáo, giai cấp, những bức tường như địa phương, màu da, tiếng nói đều không phải là những trở ngại cho những người muốn tìm đến Chúa. Bài đọc Thứ nhất chứng minh điều ấy: “Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi” Giêrusalem được phủ ánh vinh quang của Thiên Chúa và các chư dân sẽ đến mà ca ngợi Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của tất cả và ước mơ lớn nhất vẫn là sự tập hợp muôn dân nước trong ánh sáng của Chúa.

Bài Phúc âm hôm nay nói tới biến cố con người đi tìm Thiên Chúa. Thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng trong mầu nhiệm nhập thể, không phải là chuyện con người đi tìm Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đích thân đến nói cho con người biết về mình và chỉ cho con người thấy con đường để họ có thể đi đến với Thiên Chúa. Bài Phúc âm cho thấy các đạo sĩ bước theo dấu chỉ là ánh sao để đến với Đức Giêsu. 

Bài Phúc âm cũng cho thấy Thiên Chúa đến với con người nhưng không phải mọi người đều muốn đến với Thiên Chúa. Bài Phúc âm cho chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau. Một bên là các đạo sĩ, là những dân ngoại, tuy ở xa, nhưng cùng lên đường tìm đến thủ đô Do Thái là Giêrusalem để tìm hỏi cho biết Vua dân Do thái mới sinh ở đâu (Mt 2, 2). Còn các lãnh tụ đạo đời tại thành Giêrusalem thì không hề nhúc nhích. Các nhà lãnh đạo tôn giáo của dân thì xem ra đã thỏa mãn với những hiểu biết của họ về Thiên Chúa. Dân thành Giêrusalem thì bối rối nhưng bất động. Riêng vua Hêrôđê tuy bên ngoài nói đến việc bái lạy Hài Nhi mới sinh nhưng thực ra lại hoảng sợ vị vua này sẽ chiếm mất địa vị của mình nên âm mưu giết Hài Nhi để trừ hậu hoạn.

Kết quả là các đạo sĩ thành tâm đi tìm Chúa Giêsu và họ đã gặp Người như lòng mong ước. Trái lại Hêrôđê định lợi dụng các Đạo sĩ này để thực hiện âm mưu đen tối của mình thì đã thất bại. Và ông lại phạm thêm tội ác khác là sát hại tất cả các hài nhi trong vùng từ hai tuổi trở xuống. Đó là điều chúng ta vẫn thường thấy: tội ác nầy kéo theo tội ác khác.

Mừng lễ Hiển linh, chắc chắn là không ai trong chúng ta muốn theo gương Hêrođê. Thế nhưng liệu chúng ta có thành tâm tìm Chúa như các Đạo sĩ hay không? Chúng ta có chấp nhận hy sinh như họ: chấp nhận rời xa quê hương, chấp nhận khó khăn nguy hiểm dọc đường và khiêm tốn dâng cho Chúa những lễ vật là chính cuộc đời chúng ta chưa? Đó là những câu hỏi mời gọi chúng ta trả lời nhân ngày lễ hôm nay.

Thiên Chúa nhập thể đã muốn gặp gỡ con người dưới hình một hài nhi bé tí, yếu đuối. Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi lên đường đến với Chúa Giêsu Giáng sinh. Lên đường ở đây là từ bỏ những bảo đảm có sẳn để tiến về phía trước. Lên đường không phải là đi trong đêm tối mịt mùng, không phương hướng, nhưng là đi theo ánh sao tức là đi theo ánh sáng của Đức Giêsu, ánh sáng của thập giá, ánh sáng của sự Phục sinh, ánh sáng của Lời Chúa.

Như thế Lễ Hiển linh cho thấy niềm vui lớn lao của Giáo Hội sơ khai khi thấy dân ngoại sẵn sàng đón nhận Tin Mừng qua ánh sao, qua lời rao giảng của các Tông đồ, của những người làm chứng. Lời nói của các vị đạo sĩ gợi lên cho chúng ta một trách nhiệm: “Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở phương Đông và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2: 2) Trách nhiệm ở đây chính là người Kitô hữu có trở nên là ngôi sao sáng cho thế giới hôm nay chưa? Nếu xưa kia, Chúa dùng ngôi sao để dẫn đường cho những người thiện tâm biết đến thờ lạy Chúa thì ngày nay, không thiếu gì người đến dược với Chúa là nhờ những ngôi sao sống động của các Kitô hữu. Đời sống, gương lành, nhân đức của các Kitô hữu làm cho họ trở nên những ngôi sao sáng. Ánh sáng đó tỏa ra qua những công việc hằng ngày, nhờ vậy người ta nhận biết Thiên Chúa hiện diện trong các Kitô hữu.

Trong những năm gần đây Giáo Hội nhấn mạnh về việc truyền giáo, mang tin mừng Thiên Chúa đến cho người khác. Tin mừng đó có thể hiểu là sách Phúc Âm ghi lại những lời nói và việc làm của Đức Giêsu, nhưng cũng có thể hiểu là cuốn Phúc Âm sống, là chính cuộc đời của các kitô hữu. Niềm vui của mọi Kitô hữu là Thiên Chúa được tôn vinh trong mọi người, nghĩa là mọi người đón nhận mạc khải của Thiên Chúa và đến với Chúa như các đạo sĩ hôm nay.

Vì thế lễ Hiển Linh không chỉ là việc họp mừng kỷ niệm biến cố các đạo sĩ tìm đến Bêlem để thờ lạy Chúa Giêsu, nhưng là cuộc họp mừng Chúa Giêsu tỏ mình ra. Xin cho mọi người biết nhận ra ánh sao để đến nhận phúc lành mà Thiên Chúa dành cho những ai biết đón nhận Người.

LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …