Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/12 – 25/12/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/12 – 25/12/2014

Xin đặc biệt lưu ý quý vị và anh chị em là ngay sau chương trình này chúng tôi sẽ phát phóng sự đặc biệt về Thông Điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài sẽ ban phép lành Tòa Thánh và ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

1. Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh tại Vatican

Lúc 9h30 tối thứ Ba 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ hai ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 30 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường. 

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Dân tộc bước đi trong tối tăm, đã nhìn thấy luồng sáng lớn, những người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9: 1). “Một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng các mục đồng và vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa xung quanh họ” (Lc 2: 9). Phụng vụ đêm Giáng Sinh linh thánh này trình bày cho chúng ta sự ra đời của Chúa Cứu Thế như là ánh sáng xuyên thủng và xua tan bóng tối sâu thẳm. Sự hiện diện của Chúa ở giữa dân Ngài xua tan nỗi buồn của thất bại và những đau khổ trong kiếp nô lệ, đồng thời mở ra ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.

Chúng ta cũng vậy, trong đêm hồng phúc này, chúng ta đã đến nhà của Thiên Chúa. Được hướng dẫn bởi ngọn lửa đức tin soi bước cho chúng ta, và được hun đốt bởi hy vọng tìm kiếm “luồng sáng lớn”, chúng ta đã đi qua bóng tối đang bao phủ trái đất. Khi mở lòng chúng ta ra, chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của hài nhi-mặt trời, đang mọc lên từ trên cao và chiếu sáng đường chân trời.

Nguồn gốc của bóng tối đang bao phủ thế giới này hun hút trong đêm đen của bao thế hệ. Chúng ta hãy truy nguyên lại thời khắc đen tối khi mà tội ác đầu tiên trong nhân loại đã xảy ra, đó là khi bàn tay của Cain, mù quáng vì ghen tị, đã giết em mình là Abel (x. Sáng thế Ký 4: 8). Kết quả là khai mở ra biết bao thế kỷ đánh dấu bởi bạo lực, chiến tranh, hận thù và áp bức.

Nhưng Thiên Chúa, Đấng đã đặt một cảm thức hy vọng bên trong con người được tạo ra theo hình ảnh Ngài, vẫn luôn chờ đợi. Ngài chờ đợi quá lâu đến mức có lẽ ở một thời điểm nào đó dường như Ngài đã thối chí. Nhưng Ngài không thể thối chí bởi vì Ngài không thể chối bỏ chính mình (x 2 Tim 2:13). Do đó, Ngài tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi trước tình trạng băng hoại của con người và các dân tộc.

Qua dòng lịch sử, một luồng ánh sáng đã xé toạc bóng tối để mạc khải cho chúng ta rằng Thiên Chúa là một người Cha nhân từ và lòng trung tín kiên nhẫn của Ngài mạnh hơn bóng tối và tội lỗi. Đây là thông điệp của đêm Giáng Sinh. Thiên Chúa không biết bùng nổ những cơn giận hay thiếu kiên nhẫn; Ngài luôn luôn ở đó, giống như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng, chờ đợi để được nhìn thấy từ xa đứa con trai lầm đường lạc lối khi nó trở về.

Lời tiên tri Isaia loan báo sự bùng lên của một luồng sáng lớn xuyên qua đêm đen. Ánh sáng này được sinh ra tại Bethlehem và được chào đón bởi vòng tay yêu thương của Mẹ Maria, bởi tình yêu của Thánh Giuse, bởi sự ngạc nhiên của những người chăn chiên. 

Khi loan báo sự ra đời của Đấng Cứu Chuộc cho các mục đồng, các thiên thần đã nói như thế này: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). “Dấu này” là sự khiêm hạ của Thiên Chúa được thể hiện đến tột độ; đó là tình yêu mà qua đó, trong đêm nay Ngài mặc lấy sự yếu đuối của chúng ta, những đau khổ, lo lắng của chúng ta, những khát vọng và những hạn chế của chúng ta. Thông điệp mà tất cả mọi người đang mong đợi, đang tìm kiếm trong sâu thẳm tâm hồn của họ không gì khác hơn là sự dịu dàng của Thiên Chúa: một Thiên Chúa luôn nhìn đến chúng ta với đôi mắt đầy tình yêu, một Thiên Chúa chấp nhận sự nghèo hèn của chúng ta, một Thiên Chúa yêu thương những nhỏ bé của chúng ta.

Trong đêm linh thánh này, khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Hài Đồng Giêsu mới sinh và được đặt trong máng cỏ, chúng ta được mời gọi để suy tư là chúng ta nên chào đón sự dịu dàng của Thiên Chúa như thế nào đây? Tôi có để cho mình được Thiên Chúa ẵm lên, được Ngài ôm vào lòng, hay tôi chặn lại không cho Chúa kéo tôi tới gần? “Nhưng tôi đang tìm kiếm Chúa mà” – chúng ta có thể trả lời như thế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là tìm kiếm Ngài, nhưng là để cho Ngài tìm thấy ta và vuốt ve ta với sự dịu dàng của Ngài. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta trước sự hiện diện của Chúa Hài Đồng là: Tôi có để cho Thiên Chúa yêu tôi không?

Hơn thế nữa, liệu chúng ta có can đảm để chào đón với sự dịu dàng những khó khăn, và những vấn nạn của những người gần gũi với chúng ta, hay là chúng ta chỉ thích các giải pháp khách quan, có lẽ hiệu quả đấy nhưng không có sự ấm áp của Tin Mừng? Ngày hôm nay thế giới này cần sự dịu dàng biết bao!

Phản ứng của Kitô hữu không thể khác với phản ứng của Thiên Chúa trước sự nhỏ bé của chúng ta. Cuộc sống phải được đáp lại với sự tốt lành, với sự hiền lành. Khi chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa yêu mến cả sự nhỏ bé của chúng ta, đến nỗi Ngài đã tự hạ mình nhỏ lại để gặp gỡ chúng ta tốt hơn, thì chúng ta không thể nào không mở trái tim của chúng ta ra với Ngài, và cầu xin Ngài rằng: “Lạy Chúa, xin giúp con được như Chúa, xin ban cho con ân sủng của sự dịu dàng trong các hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc sống, cho con ân sủng của sự gần gũi khi đối mặt với mọi nhu cầu, của sự hiền lành trong mọi xung đột. “

Anh chị em thân mến, trong đêm linh thánh này chúng ta chiêm ngắm máng cỏ Giáng Sinh nơi “dân tộc bước đi trong tối tăm, đã nhìn thấy luồng sáng lớn ” (Is 9: 1). Những ai khiêm tốn, cởi mở để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, là những người đã nhìn thấy ánh sáng này. Tuy nhiên, những kẻ kiêu ngạo, phường tự phụ, những kẻ đã đặt ra những luật lệ theo phán đoán riêng mình, những kẻ đóng kín với tha nhân thì không nhìn thấy ánh sáng này. Chúng ta hãy nhìn vào hang đá và cầu nguyện, và xin cùng Đức Mẹ: “Lạy Mẹ Maria, xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Giêsu!”

2. Đức Thánh Cha tiếp kiến 7,500 thành viên Cộng đoàn Thánh Gioan 23

Sáng 20 tháng 12, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 7,500 người thuộc Cộng đoàn thánh Gioan 23. Ngài khích lệ các thành viên cộng đoàn tiếp tục chăm sóc việc huấn luyện tinh thần và siêng năng lãnh nhận các bí tích.

Cộng đoàn thánh Gioan 23 do vị Tôi Tớ Chúa Linh mục Oreste Benzi người Italia sáng lập cách đây 46 năm (1968), chuyên giúp cai nghiện ma túy, phục hồi các phụ nữ phải hành nghề mại dâm và trợ giúp những người ở trong hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay cộng đoàn này hiện diện và hoạt động tại 34 quốc gia với các căn nhà gia đình, các hợp tác xã xã hội và giáo dục, các nhà cầu nguyện, các dịch vụ tháp tùng các phụ nữ mang thai gặp vấn đề, và các sáng kiến khác. 6 nước Á châu có các cộng đoàn Gioan 23 là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn độ, Israel Palestine, Népal và Sri Lanka.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha tại thính đường Phaolô 6 sáng 20 tháng 12, cũng có 18 Hồng Y và Giám Mục, 1,800 trẻ vị thành niên từ 10 đến 18 tuổi, 200 trẻ em và người lớn ngồi trên ghế lăn và nhiều người già.

Trước khi Đức Thánh Cha đến, các tham dự viên đã sinh hoạt, ca hát, văn nghệ và nghe trình bày chứng từ. Khi ngài đến lúc quá 12 giờ trưa, sau lời chào mừng vị của vị tổng phụ trách, một phụ nữ đã từng là gái mại dâm người Nigeria được cộng đồng thánh Gioan 23 giải thoát đã kể lại chứng từ. Khi còn là một thiếu nữ 18 tuổi, cô bị thân phụ bán sang Italia cho bọn ma-cô. Trong khi hành nghề mại dâm, cô có thai và sinh con. Sau đó cô được một thành viên cộng đồng Gioan 23 giúp tìm lại được tự do.

Tiếp đến một gia đình người du mục Rom được tiếp đón trong cộng đoàn này đã trình bày chứng từ với Đức Thánh Cha và mọi người.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “những chuyện kể của anh chị em kể lại nói về sự nô lệ và giải thoát, về sự ích kỷ của những người muốn xây dựng cuộc sống của mình bằng cách bóc lột người khác, và về lòng quảng đại của những người giúp đỡ tha nhân trỗi dậy tình trạng lầm than vật chất và luân lý của họ”.

“Những kinh nghiệm đó cho thấy bao nhiêu hình thức nghèo đói làm cho thế giới chúng ta bị thương tổn; chúng cũng tỏ lộ tình trạng lầm than nguy hiểm nhất, nguyên nhân của tất cả những lầm thang khác chính là sự xa lìa Thiên Chúa. Thật là một sự lầm than mù quáng khi coi mục đích đời mình là sự giàu sang vật chất, tìm kiếm quyền lực và lạc thù, nô lệ hóa cuộc sống tha nhân để đạt tới mục tiêu của mình”.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy để cho sự hiện diện của Chúa mở rộng chân trời, chữa lành tư tưởng và cảm xúc của mình. Sự hiện diện ấy mang lại cho chúng ta sức mạnh cần thiết để vượt thắng những khó khăn và thử thách. Nơi nào có Chúa Giêsu, thì có sự sống lại, có sự sống, vì chính Chúa là sự phục sinh và là sự sống”. 

3. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc tái lập quan hệ Hoa Kỳ và Cuba

Về phía Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục Thomas Wenski của tổng giáo phận Miami, một thành phố của Hoa Kỳ nơi hầu hết người Cuba lưu vong sinh sống, cho biết thỏa thuận hôm thứ năm 18/12 giữa Hoa Kỳ và Cuba nhằm khôi phục lại quan hệ ngoại giao có thể “là một sự thay đổi thế cờ “. Ngài cho biết nó chỉ ra một con đường mới cho hai nước đi theo, chính sách của Hoa Kỳ trước đây là cô lập và đối đầu đối với Cuba đã không làm gì để cải thiện hoàn cảnh cho người dân của đảo quốc này.

Trước đó, Đức Giám Mục Oscar Cantu của Las Cruces, New Mexico, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), đã đưa ra một tuyên bố hoan nghênh thông báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc phóng thích Alan Gross và các tù nhân khác, cùng với hành động của chính phủ nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba.

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ: 

Chúng tôi chia sẻ những niềm vui của gia đình Alan Gross và của mọi người dân Mỹ khi nghe tin ông được thả sau hơn 5 năm bị giam giữ tại Cuba, cũng như việc phóng thích nhân đạo các tù nhân khác. Chúng tôi cũng được khích lệ bởi tuyên bố hôm nay của Ủy Ban Hành Động Chiến Lược theo đó chính sách mới là thúc đẩy đối thoại, hòa giải, thương mại, hợp tác và liên hệ giữa hai quốc gia và công dân hai nước chúng ta.

Hội đồng Giám mục chúng tôi từ lâu đã cho rằng nhân quyền phổ quát sẽ được tăng cường thông qua sự dấn thân hơn nữa giữa người dân Cuba và Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã kêu gọi khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc tái xét lại những cáo buộc mô tả Cuba như là một nhà nước tài trợ cho khủng bố.

Chúng tôi tin rằng đã mất quá lâu để Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Cuba, thu hồi tất cả các hạn chế về du lịch tới Cuba, hủy bỏ việc ám chỉ khủng bố nhắm vào Cuba, khuyến khích thương mại sẽ có lợi cho cả hai nước, gỡ bỏ hạn chế trên các giao dịch kinh doanh và tài chính, và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngăn chặn ma túy, buôn người và trao đổi khoa học. Dự phần (thay vì tẩy chay) là con đường để ủng hộ những thay đổi ở Cuba và giúp sức cho người dân Cuba trong hành trình tìm kiếm dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của họ.

4. Hồi Giáo quá khích đe dọa tấn công các Kitô hữu vào dịp Giáng Sinh

Từ đầu tháng 12, những người Hồi Giáo quá khích tại Ai Cập đã bắt đầu đăng tải nhiều lời kêu gọi khuyến khích việc tấn công các nhà thờ Kitô Giáo, nhất là tại các vùng có đông các tín hữu Kitô. Các lời nhắn trên Internet cũng thề sẽ trả thù bất cứ người Hồi Giáo nào giúp các Kitô hữu cử hành Mùa Giáng Sinh.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho hay: tại Ai Cập trong những ngày gần tới Lễ Giáng Sinh, internet thường được sử dụng để đe doạ tấn công các cộng đồng Kitô Giáo địa phương, nhất là tại Minya, Alexandria và Fayyum nơi các nhóm duy Hồi Giáo có liên hệ với Salafis và Huynh Đệ Hồi Giáo được coi là mạnh nhất.

Các đe doạ lần này có tính nghiêm trọng đến nỗi các nhà học thuật có thế giá phải lên tiếng tố cáo chúng. Amna Nosseir, một giáo sư tôn giáo và triết học và là khoa trưởng Phân Khoa Hồi Giáo Học tại Đại Học al-Azhar cho rằng những khẩu hiệu bài Kitô Giáo và những đe dọa chống lại họ nhân dịp Lễ Giáng Sinh chỉ là một phản bội đối với Hồi Giáo chính tông, và kêu gọi “người Kitô Giáo và người Hồi Giáo” bảo vệ các nhà thờ để các Kitô hữu Ai Cập cử hành phụng vụ của họ trong hòa bình. Ngay Fawzi al-Zafzaf, nguyên chủ tịch Ủy Ban Thường Trực Đối Thoại với Tòa Thánh, cũng cho rằng việc khích động hận thù tôn giáo chỉ có thể phát xuất từ “các kẻ thù của Quê Hương” vốn bác bỏ Hồi Giáo chân chính. Ông cũng yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ thích đáng và mở các cuộc điều tra nghiêm chỉnh để tìm ra thủ phạm của những lời đe dọa này.

Những động thái quá khích của duy Hồi Giáo khiến Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa lên tiếng. Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch ủy ban đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng cái gọi là Mùa Xuân Ả Rập đã dẫn tới việc vi phạm các thế cân bằng liên tôn và liên sắc tộc từng là đặc điểm của Trung Đông trong nhiều thế kỷ qua.

“Ngày nay, các lực lượng cực đoan và quá khích đã thò đầu ra và, khoác danh nghĩa tôn giáo, họ đã phạm nhiều tội ác trầm trọng: giết người, chặt đầu, xúc phạm các nơi thánh, triệt hạ các nhà thờ”.

“Kitô hữu ngày nay là nhóm tôn giáo bị bách hại hơn hết tại Trung Đông, họ bị đặt vào thế bị diệt chủng trên thực tế”.

5. Giám Mục Syria kêu gọi các tín hữu Kitô đừng đánh mất hy vọng, nhưng giữ niềm vui giữa muôn đau khổ

Đức Tổng Giám Mục Jean-Clement Jeanbart của Aleppo, Syria, thuộc nghi lễ Melkite, vừa công bố sứ điệp Giáng Sinh của ngài bằng cách khuyến khích tín hữu cử hành ngày lễ trong hân hoan bất chấp mọi đau khổ.

Ngài viết “các khổ cực lớn lao nhất, cũng như chiến tranh và độc ác của những người không biết Thiên Chúa không thể cản trở lượng nhân từ và thương xót mà Chúa Chúa Giêsu tuôn đổ trên các tín hữu của Người”. 

Ngài hy vọng lễ Giáng Sinh sẽ đem “niềm vui và an ủi tới giữa cuộc chiến tranh đáng xấu hổ này”.

Ngài thừa nhận các đau khổ lớn lao của nhân dân Syria: “Nhiều gia đình mất hết mọi sự, đang túng thiếu và chịu đói chịu lạnh, chịu bom đạn tiêu hủy nhà cửa, triệt hạ việc làm ăn buôn bán, khiến họ không một đồng xu dính túi. Đúng là chúng ta đang chịu đau khổ lớn lao vì những gì đang xẩy ra cho chúng ta, nhưng cùng với những người thấp hèn và nghèo nàn nhất, chúng ta lo lắng nhưng kiên nhẫn và đầy hy vọng mong chờ Chúa đem hòa bình tới cho chúng ta vào năm nay”.

Đức Tổng Giám Mục cho hay đang có nhiều dấu hiệu hy vọng cho thấy các quốc gia Tây Phương đang cố gắng vận động chấm dứt việc đánh nhau tại Syria. Ngài tỏ lời cám ơn lòng đại lượng của các Kitô hữu đã hỗ trợ Giáo Hội trong việc làm nhẹ các đau khổ của người tị nạn: “Nhờ lòng tốt đầy đại lượng của các bạn, năm nay chúng tôi đã có thể hỗ trợ được nhiều gia đình hơn trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục trả học phí cho con cái họ. Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều giỏ thực phẩm đầy đủ mỗi tháng. Qũy cứu cấp của chúng tôi sẽ tiếp tục nâng đỡ, vào cuối mỗi tháng, những người chủ gia đình nhưng không có công ăn việc làm và lợi tức. Chúng tôi sẽ trông nom các nhu cầu y tế của họ và đôi khi cả nơi ăn chốn ở khi họ cần tới nữa”.

Ngài nhắn nhủ tín hữu của ngài rằng Giáng Sinh là “ngày lễ của chào đón và hy vọng. Lễ này không thể mừng mà thiếu niềm vui trong tâm hồn, thiếu nụ cười trên môi”.

6. Đức Thượng Phụ Louis Raphael Sako kêu gọi ăn chay, cầu nguyện để mùa Giáng Sinh diễn ra trong an bình

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê lên tiếng kêu gọi “mọi Kitô hữu đừng tổ chức bất cứ thứ cử hành có tính thế gian nào nhân dịp Giáng Sinh hay Năm Mới, vì hoàn cảnh cay đắng hiện nay, để tỏ dấu hiệu liên đới với các anh chị em rời cư của mình đang chịu nhiều đau khổ không thể nào diễn tả được”.

Theo Asia News, ngài kêu gọi họ nên ăn chay vào vọng giáng sinh để cầu xin cho người tị nạn trở về Mosul và đồng bằng Ninivê.

Nhắc tới các cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại các trại tị nạn ở Ankawa và Alqosh, Thượng Phụ cho biết thánh giá của họ hết sức nặng nề. Các nơi này thuộc vùng Kurdistan, nơi hơn 120,000 Kitô hữu đang tị nạn sau khi trốn thoát khỏi Mosul và bình nguyên Ninivê, tránh sự săn đuổi của binh lính Duy Hồi Giáo.

Trong thông điệp, ngài chúc lễ Giáng Sinh mọi người, và khuyên họ sống Mùa Vọng “bằng ăn chay, cầu nguyện, suy niệm và làm việc bác ái”. Ngài đề nghị họ ăn chay từ thứ Hai, 22 tháng 12 tới đêm 24 tháng 12, đừng đụng tới thực phẩm hay thức uống cho tới trưa, “như trong những ngày Ba’utha”, tức lễ kỷ niệm tiên tri Giôna tới Ninivê khuyên người ta hồi tâm.

Ngài cho hay “chúng ta ăn chay cho việc giải phóng Mosul và các làng mạc thuộc bình nguyên Ninivê, để hòa bình và an ninh trở lại các vùng này, và mọi người được trở lại nhà cửa, việc làm và trường học của họ”.

Thực vậy, “ta hãy nhớ điều Chúa Kitô dạy: ‘loại (qủy) này không chịu bỏ đi ngoại trừ bởi cầu nguyện và ăn chay’ (Mt 17:21). Chúng ta chắc chắn rằng việc Chúa Kitô sinh ra, Đấng vốn chung chia lịch sử bản thân ta và lịch sử nhân loại, sẽ lắng nghe lời cầu xin của ta và sẽ chấp nhận việc ăn chay của ta và sẽ thể hiện hy vọng và ước muốn trở về quê hương của ta và được sống cuộc sống bình thường như trước”.

7. Thông điệp Giáng Sinh của Đức Thượng Phụ Fouad Twal

Thượng phụ La Tinh của Giêrusalem, Đức Fouad Twal, nhân dịp Giáng Sinh, gửi sứ điệp nhắc nhở mọi người hãy kiên tâm cầu nguyện cả “lúc gian nan” lẫn “thời hạnh phúc”.

Trong các cao điểm của năm 2014, Thượng Phụ cho rằng có cuộc tông du của Đức GH Phanxicô tới Đất Thánh, tiếp theo là buổi cầu nguyện tại Vatican với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, phong chức cho 9 linh mục, công bố phong thánh sắp tới cho 2 vị thánh người Palestine và Thượng Hội Đồng về gia đình.

Ngài cho biết: “Thượng Hội Đồng tái khẳng định tính đơn nhất và tính bất khả tiêu của định chế hôn nhân. Nếu cần tiến bộ, thì là trên bình diện chăm sóc mục vụ đối với những cặp ly hôn và những cặp bước vào cuộc kết hợp lần thứ hai”.

Năm 2014 cũng là năm phải chứng kiến cảnh gia tăng bạo lực và các phản ứng thù nghịch sau đó. Ngài viết “cuộc chiến tàn phá và việc đổ máu đi kèm tại Gaza, được kể là tàn hại hơn hết… Chúng ta lên án cuộc chiến Gaza và kết án các hậu quả thảm hại của nó: giết chóc và tàn phá; nhưng đồng thời, chúng ta cũng lên án bất cứ loại bạo lực và trả đũa nào chống lại người vô tội như các cuộc sát hại những người đang cầu nguyện tại nguyện đường (Do Thái) và các cuộc tấn công vào đền thờ (Hồi Giáo)”.

Đức Thượng phụ cũng đề cập tới số phận người tị nạn Syria và Iraq và tỏ ý lo ngại đối với hai cộng đoàn Dòng Salêgiêng và 58 gia đình Kitô hữu có đất đai tại Thung Lũng Cremisan bị trưng thu để mở rộng bức tường phân cách ở West Bank.

Ngài kết luận “Trong mọi khó khăn và đau khổ, ta biết ơn nhớ tới tình liên đới của nhiều người, nhiều tổ chức, định chế và chính phủ, đã tới giúp chúng ta nhiều cách và bằng nhiều phương tiện. Việc cử hành ngày sinh của Chúa Giêsu hứa hẹn từ bi, yêu thương, bình an cho rất nhiều người đang sống trong buồn sầu và đau đớn; nhiều người đang thấy cuộc đời họ bị tan nát, các cố gắng của họ bị chặn đứng trong tranh chấp và hận thù hỗn loạn”.

8. Thánh Lễ Nửa Đêm tại Giêrusalem

Chương trình Lễ Nửa Đêm tại Giêrusalem năm nay được bắt đầu vào lúc 1 giờ trưa ngày thứ Tư 24/12. Đúng thế, thưa quý vị và anh chị em. Từ 12 giờ trưa ngày 24 tháng 12, đông đảo các tín hữu và các linh mục, tu sĩ thuộc dòng Anh em hèn mọn quản thủ Thánh Địa đã tề tựu tại mộ bà Rachel cùng với các đại diện của chính quyền Palestine thuộc các khu vực Bethlehem, Beit Jala và Beit Sahour.

Lúc 14 giờ Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo nghi lễ La Tinh đã tiến ra trước những tràng pháo tay của mọi người. Đoàn rước do các hướng đạo sinh hướng dẫn tiến vào quảng trường Máng Cỏ trước khi vào đền thờ Giáng Sinh và nhà nguyện thánh Catêrina nơi diễn ra buổi kinh chiều trọng thể.

Lúc 16 giờ, đoàn rước tiến đến hang Belem nơi ngôi Hai xuống thế làm người và lúc 21 giờ là nghi thức mở các cánh cửa vào đền thờ Giáng Sinh.

Lúc 23 giờ buổi canh thức bắt đầu. Cộng đoàn được nghe lần lượt các bài đọc Cựu Ước tiên báo ngôi Hai Thiên Chúa sẽ xuống thế làm người.

Đúng 0 giờ, thánh lễ nửa Đêm do Đức Thượng Phụ Fouad Twal đã được bắt đầu.

9. Đức Thánh Cha hài lòng vì Hoa Kỳ và Cuba tái lập liên lạc ngoại giao

Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất hài lòng vì Hoa Kỳ và Cuba đã tái lập liên lạc ngoại giao với nhau để thắng vượt các khó khăn đã có trong lịch sử giữa hai nước và vị lợi ích của người dân.

Trong thông cáo công bố ngày 18 tháng 12 Phủ Quốc Vụ Khanh cũng cho biết Đức Thánh Cha đã viết thư cho tổng thống Barack Obama và chủ tịch Raul Castro để mời gọi hai người giải quyết các vấn đề nhân đạo có lợi chung, trong đó có tình trạng của vài tù nhân, hầu bắt đầu một giai đoạn mới trong tương quan giữa hai bên. Hồi tháng 10 năm nay Toà Thánh đã tiếp đón phái đoàn của hai nước và đã cống hiến các văn phòng của mình cho một cuộc đối thoại xây dựng liên quan tới các đề tài tế nhị, từ đó đã nảy sinh các giải pháp thoả đáng cho cả hai bên. Tòa Thánh sẽ tiếp tục bảo đảm sự ủng hộ cho các sáng kiến mà hai nước sẽ đề ra để gia tăng các liên lạc song phương tạo thuận lợi cho hạnh phúc của công dân hai nước.

10. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Giêng

– Ý chung: Cầu cho những thành viên thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau và tất cả mọi người thiện chí biết cùng nhau xây dựng nền hoà bình.

– Ý truyền giáo: Cầu cho các tu sĩ nam nữ, trong năm về đời sống thánh hiến này, biết tái khám phá niềm vui bước theo Chúa Kitô và hăng say phục vụ người nghèo khổ.

11. Đức Thánh Cha gặp gỡ các trẻ em Công Giáo Tiến Hành Italia

Hôm 18/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một phái đoàn các trẻ em thuộc phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia. Ngài nói với các em rằng Chúa Giêsu là của họ “người bạn tốt nhất.”

Đức Thánh Cha đưa ra cho họ năm lời khuyên: đó là đồng hành cùng với cha mẹ, bạn bè, và những người khác trên hành trình tâm linh của họ; có mối quan tâm đến những người nghèo nhất; yêu mến Giáo Hội và các linh mục và phục vụ cộng đồng giáo xứ; cần nhớ rằng “tất cả mọi thứ đều có thể” với Thiên Chúa; và nói chuyện với Chúa Giêsu, người bạn tốt nhất của chúng ta, trong lời cầu nguyện.

12. Đức Thánh Cha tiếp kiến 5 ngàn thành viên Ủy ban Olympic Italia

Sáng 19 tháng 12, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ban lãnh đạo và các vận động viên thuộc Ủy ban quốc gia Italia về thế vận Olympic. Ngài đặc biệt khích lệ công tác giáo dục của Ủy ban này tại các học đường.

Ủy ban thế vận Olympic Italia gọi tắt là CONI, được thành lập cách đây đúng 100 năm.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhắc đến châm ngôn của thế vận Olympic là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” (Citius, altius, fortius). Ngài nói: “Châm ngôn này không phải là một sự kích thích quốc gia này hơn quốc gia khác, dân tộc này hơn dân tộc khác, và cũng không hề nhắm loại trừ những người yếu đuối, ít được bảo vệ hơn. Trái lại nó là một thách đố mà tất cả chúng ta được mời gọi đương đầu, chứ không phải chỉ có các vận động viên mà thôi: đó là thách đố đảm nhận sự vất vả, hy sinh, để đạt tới những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống, chấp nhận những giới hạn của mình, và không để cho chúng ngăn chặn, trái lại tìm cách khắc phục chúng”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tôi mời gọi anh chị em hãy tiếp tục con đường đó. Tôi khuyến khích công tác giáo dục của anh chị em tại các trường học, cũng như trong giúp lao động và tình liên đới, để cổ võ một nền thể thao mà mọi người có thể thực hiện, quan tâm đến những người yếu hơn, tới những giai tầng bấp bênh hơn trong xã hội; một nền thể thao bao gồm cả những người có những khuyết tật khách nhau, người nước ngoài, những người sống bên lề, và cầng được không gian gặp gỡ, có những giao tiếp xã hội, chia sẻ và các trp chơi; một nền thể thao không nhắm tới những gì là hữu ích, nhưng nhắm phá triển con người, trong tinh thần nhưng không”. 

13. Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn của Giáo Hội Luther Đức

Đức Thánh Cha khích lệ tiếp tục dấn thân trên con đường đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Luther.

Ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp phái đoàn Luther và Ủy ban đối thoại đại kết của Hội Đồng Giám Mục Đức tại Vatican sáng 18 tháng 12. Nhắc tới các tiến bộ đạt được sau 50 năm đối thoại làm nền vững chắc cho tình bạn chân thành được sống trong đức in và tinh thần tu đức, Đức Thánh Cha ghi nhận còn có nhiều khó khăn thần học liên quan tới đức tin liên quan tới các giải thích khác biệt về Giáo Hội và sự hiệp nhất, nhưng có sự cộng tác và chung sống huynh đệ giữa hai Giáo Hội. 

Tài liệu “Ut unum sint” của Đức Gioan Phaolô II cũng như “Tuyên ngôn chung về giáo lý của sự công chính hóa” ký kết giữa Liên hiệp Luther thế giới và Hội đồng Tòa Thánh thăng tiến hiệp nhất các tín hữu kitô, tại Augsburg cách đây 15 năm là các mốc quan trọng trên con đường đại kết giúp tin tưởng tiếp tục lộ trình đối thoại, và tập trung vào các bước sắp tới. Đức Thánh Cha chúc mừng Ủy ban đối thoại song phương của Hội Đồng Giám Mục và Giáo Hội Luther Đức đã kết thúc tài liệu về “Thiên Chúa và phẩm giá con người”. Các vấn đề liên quan tới phẩm giá con người từ lúc bắt đầu cho tới lúc chết tự nhiên, cũng như các vấn đề liên quan tới gia đình, hôn nhân, tính dục đều rất thời sự và cần được nói đến. Đức Thánh Cha cầu mong dịp mừng kỷ niệm chung 500 năm cải cách 2017 sẽ là dịp cầu nguyện chung xin Chúa Giêsu tha thứ cho các lỗi lầm đã có đối với nhau và khích lệ hai Giáo Hội có các bước tiếp theo tiến về hiệp nhất.

14. Vài nét lịch sử về Cây Thông Giáng Sinh tại quảng trường Thánh Phêrô

Hàng năm, vào tháng mười hai, một cây Giáng sinh khổng lồ được trang trí tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong nhiều năm qua, những cây thông này đều được đưa đến từ một miền trên đất Ý. Nhưng vào năm 2008, một cây thông khổng lồ cao tới 34m và có tuổi thọ lên đến 120 năm đã đến từ Piesting Valley, Áo. 

Sau Áo, là đến lượt Bỉ. Năm 2009, nước này đã tặng cho Vatican cây thông cao 27m và nặng đến 6 tấn đến từ thị trấn Spa.

Năm 2010, Ý lại có dịp tặng cây thông cho Tòa Thánh với hơn 3,000 quả cầu Giáng Sinh để trang trí chung quanh.

Khi làm phép cây thông này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói:

“Cây thông này sẽ đứng bên cạnh hang đá Giáng sinh cho đến sau kỳ lễ Giáng sinh này, để được ngưỡng mộ bởi các tín hữu hành hương và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Đó là một biểu tượng quan trọng của ánh sáng mà Chúa Kitô đã ban cho nhân loại qua mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngài.”

Ukraine đã tặng một cây Giáng sinh cho Vatican vào năm 2011. Cây thông này đã đến Vatican sau khi du hành một đoạn đường dài đến 1450km từ thị trấn Zakarpattia.

Một số đại diện của các Giáo Hội Công Giáo Ukraine Hy Lạp đã có mặt tại buổi lễ thắp sáng cây thông này.

Cùng năm mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị một cây thông Giáng sinh từ quê hương Bavaria của ngài, ở Đức đã được đưa đến Vatican. Với chiều cao lên đến 31m, đây là một trong những cây thông cao nhất từng được lắp đặt tại Quảng trường Thánh Phêrô.

15. Thắp sáng cây thông Giáng Sinh tại Vatican

Cây Giáng sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô đã được chiếu sáng hôm Thứ Sáu 19 Tháng 12, trong một buổi lễ do Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, thống đốc quốc gia thành Vatican chủ sự.

Cây thông khổng lồ này đến từ vùng Calabria, đã được trang hoàng với những ánh đèn tiết kiệm năng lượng. Loại đèn mới này là cùng một loại đèn LED chiếu sáng đã được lắp đặt dọc theo mặt tiền của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, và khi kết thúc buổi lễ. Đức Hồng Y Angelo Comastri, linh mục trưởng đền thờ cũng bật sáng các ngọn đèn này tạo thành một kỳ quan rất đẹp.

Buổi lễ cũng bao gồm việc cho ra mắt máng cỏ khổng lồ tại Quảng trường Thánh Phêrô. Các tượng trong máng cỏ Chúa giáng sinh, lớn hơn người thật, được cung cấp bởi tỉnh Verona.

Nguồn: Vietcatholic

h3

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN