(Lc 1, 26-38)
TÂM TÌNH CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA!
Thưa quý vị, thưa các bạn, Thiên Chúa là nguồn vui, nguồn vui bất tận, bởi vì Thiên Chúa là vô biên. Nơi Thiên Chúa không có sự buồn sầu, tang tóc. Chính vì vậy, Thiên Chúa muốn che chở, muốn an ủi, muốn khích lệ, muốn chăm sóc con người. Tại sao vậy? Thưa, vì đó là Thiên Chúa. Vì thế, khi con người sa ngã, Thiên Chúa muốn nâng dậy, và Thiên Chúa đã làm như vậy. Từ đó, Thiên Chúa có một “KẾ HOẠCH” nhiệm mầu là “CỨU ĐỘ” con người sa ngã.
Vâng, ơn cứu độ của Thiên Chúa xuất phát từ Thiên Chúa để bắt nguồn từ một sự “KHIÊM HẠ, VÂNG LỜI, HY SINH“ của một Ngôi Vị Thiên Chúa, đó là Ngôi Hai nhập thể và nhập thế. Từ đó được gọi Là ”TIN MỪNG CỨU ĐỘ”. Vâng, có thể nói Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng (B) hôm nay (Lc 1, 26 -38) cho chúng ta ý nghĩa đó.
Có thể nói đoạn (Lc 1, 26 -38) là đoạn Lời Chúa mở đầu cho chương trình loan báo TIN MỪNG CỨU ĐỘ, dù “Lời Hứa” ban Đấng Cứu Thế đã có từ ngàn xưa, nhưng từ đây, từ giây phút “TRUYỀN TIN“ LOAN BÁO ƠN CỨU ĐỘ cho loài người chính là ở đoạn Lời Chúa hôm nay.
Vâng, chính vì thế, được gọi Là ”TIN MỪNG”. Lời Chúa là Tin Mừng, bởi vì Lời của niềm vui, Lời mang niềm vui đến cho nhân loại. Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật vui, nhưng hôm nay còn vui hơn nữa, hay nói cách khác Chúa Nhật IV Mùa Vọng, mới đúng là “Vui”.
Vâng, Tin Mừng thuật lại rằng: “Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gap-bi-el đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-za-ret, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là MARIA“ (c 26-27).
Như vậy, khởi đầu đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy ngập tràn niềm vui. Niềm vui kế tiếp niềm vui. Bà Ê-li-sa-bét là thân mẫu Gioan Tiền Hô, Đấng dọn đường cho Đấng cứu thế. Là một người phụ nữ son sẻ, tâm trạng buồn sầu vì không có con, nhưng nay được Thiên Chúa ban cho niềm vui to lớn là được “làm mẹ”, mà là “mẹ” của một sứ giả Tin Mừng. Như vậy, không vui sao được, hay nói cách khác, còn niềm vui nào như vậy không? Tâm trạng nầy cũng giống như tâm trạng của những bà mẹ có con làm “linh mục”.
Như vậy, chúng ta thấy, khởi đầu đoạn Tin Mừng Truyền Tin, được công bố vào thứ IV Mùa Vọng, là đoạn Tin Mừng đúng nghĩa. Như vậy, ngay từ đầu đoạn Tin Mừng nầy, chúng ta thấy sự kiện Truyền Tin có đầy đủ không gian, thời gian, nhân vật cụ thể.
Như vậy, Thiên Chúa sai sứ thần đến với Đức Trinh nữ Maria để làm gì? Chúng ta sẽ nghe tiếp. Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (c 28). Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi, lời chào ấy (như vậy) có ý nghĩa gì? (c 29). Vâng, chính sứ thần cũng xưng là: Mừng vui lên! Nhưng Đức Maria thì “lúng túng”, chưa “biết”, chưa hiểu kịp “niềm vui trọng đại” ấy là gì? Như vậy, hôm nay chúng ta cùng suy niệm về “Tâm Tình của Đức Mẹ“ nhân ngày Truyền Tin. Có thể, Mẹ đã am tường Thánh Kinh, Mẹ hiểu được “Lời Hứa” trong Cựu Ước của Thiên Chúa đối vối dân tộc Israel, nhưng sự bất ngờ, hay là ”niềm vui” trọng đại lại xảy ra cho Mẹ. Một thiếu nữ còn đang tuổi trăng tròn, nhưng đã có đính ước hôn sự với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít. Sự đính ước ở đây là theo tục lệ, chứ chưa chính thức là vợ chồng. Vì thời lúc bấy giờ, việc thiếu nữ đến tuổi trưởng thành là như vậy, việc tu trì và khấn giữ mình đồng trinh lúc bấy giờ chưa có sự thuận lợi cho đương sự. Vì cộng đồng xã hội lúc đó không đề cao việc giữ mình đồng trinh cho nữ giới khi tới tuổi trưởng thành. Không có hệ thống tu hành như sau nầy. Người phụ nữ khó có thể không đính ước hôn sự mà có thể ở một mình, vì sự an toàn, tự vệ của họ là không có, rất nguy hiểm.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đã đẹp lòng Thiên Chúa. Và nầy đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là “GIÊ-SU”. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người, ngai vàng Vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng, vô tận“ (c 30 -33).
Vâng, đây chính là cao điểm của “Truyền Tin“, sứ vụ Thiên Sai của Đấng Cứu Thế, mục đích của ơn cứu chuộc chính ở điểm nầy. Có thể nói, đây là “chìa khóa” của ơn cứu chuộc, trọng tâm của ơn cứu chuộc. Như vậy, đây là Tin Vui trọng đại của loài người. Chính vì vậy, phải có một nhân vật đai diện để đón nhận Tin Vui đó, cũng là nhân vật được nhận “Truyền Tin”, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria. Theo đó, chúng ta thấy, một sự kiện vĩ đại của cả nhân loại bởi một kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa được trao cho một thiếu nữ tại làng Nazaret, tên là Maria, thật là tuyệt vời và lạ lùng đó sao!
Đến đây, chúng ta thấy “tâm trạng“ của Đức Mẹ như thế nào? Mẹ không vồn vả, không hấp tấp, không hoảng hốt, không thẳng thừng từ chối, cũng không líu lo hăm hở, cũng không kênh kiệu như thói thường. Nhưng, Mẹ đã ôn tồn, bình tâm hỏi lại sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (c 34). Điều nầy nói lên điều gì, thưa quý vị? Thưa, nói lên “sự thật”. Vâng, sự thật là như thế! Vì Đức Trinh Nữ Maria, chỉ độ 15, 16 tuổi thôi! Và Mẹ cũng chỉ mới được đính ước một người tên là Giuse! Mẹ đã xác định như vậy. Nhưng cũng chính điều nầy mới tỏ rõ quyền năng của Đấng Tối Cao. Đó là cho thấy “Tin Mừng” mà Mẹ đón nhận đó là do quyền năng Tối Cao, chứ không do phàm nhân.
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (c 35). Kìa bà E-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, nhưng nay đã mang thai được sáu tháng (c 36). Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (c 37).
Vâng, lời sứ thần đã xác định như vậy. Và khi nghe những lời ấy, Đức Mẹ không còn do dự, thắc mắc hay hoang mang nữa, mà là ”cúi đầu xin vâng”.
Bấy giờ bà Maria nói: ”Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Rồi sứ thần từ biệt ra đi” (c 38). Đó là lời thưa “Xin vâng” của Đức Mẹ, một “sự vâng lời” không phải vô thức, một sự vâng lời đầy nhận thức, đầy xác tín vào Quyền Năng của Thiên Chúa là Đấng tối Cao. Dù bất ngờ, nhưng sự vâng lời của Đức Mẹ là một sự “vâng lời” của niềm tin, của sự sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Của một con người muốn thuộc về Thiên Chúa, Đấng là Thần Linh của Mẹ, Đấng mà Mẹ hằng tôn thờ, là Thiên Chúa của dân tộc của Mẹ, là Đấng mà Mẹ tin tưởng cậy trông, hoàn toàn tín thác. Mẹ ý thức được rằng: Thiên Chúa muốn cho Mẹ cộng tác vào ơn cứu độ. Ơn cứu độ mà Mẹ hằng biết, vẫn biết trong Thánh Kinh, nay trở nên hiện thực. Mà người được Thiên Chúa cho hiện thực ấy, chính là ĐỨC TRINH NỮ MARIA.
Lời “XIN VÂNG“ của Mẹ là một lời “đáp lại” sự cộng tác ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vâng, có lẽ nào Mẹ từ chối ơn cao trọng bởi Thiên Chúa, có lẽ nào Mẹ vô tình trước “Tấm lòng yêu thương“ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tiếng “xin vâng“ của mẹ làm lay động cả đất trời, vì cho thấy, Ý định của Thiên Chúa, hay nói cách khác “Kế Hoạch” nhiệm mầu của Thiên Chúa từ trước muôn thuở đã trở nên hiện thực. Lời Thiên Chúa tuyên phạt con rắn trong vườn địa đàng, cũng là lời mà Đức Trinh Nữ Maria được ủy thác: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa giòng dõi mi và miêu duệ người nữ. Người nữ ấy sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người”. (St 3, 15).
Vâng, chúng ta thấy, sự khác nhau giữa hai người phụ nữ, là thụ tạo, Thiên Chúa dựng nên, nhưng một người bất tuân, một người vâng lời. Mặc nhiên, sự bất tuân càng lớn, án phạt càng nặng. Sự vâng lời càng cao, thì ân ban càng lớn. Đó là luật tự nhiên ân sủng, cũng như án phạt. Đồng thời, Thiên Chúa muốn biểu lộ mầu nhiệm yêu thương ngàn đời cho nhân loại qua lời phán truyền năm xưa.
Theo đó, thánh thư (Rm 16, 25-27) như sau: ”Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyên năng làm cho anh em nên mạnh mẽ, theo Tin Mừng tôi loan báo khi rao giảng Đức Giêsu – Kitô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn giấu kín từ ngàn xưa, nhưng nay được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong sách Thánh (c 25-26 a).
Khởi đi từ bài đọc I (2 Sm 7, 1-5; 8b-12; 14a, 16) tuy hơi dài, nhưng chúng ta thấy, qua tiên tri Na-Than, Thiên Chúa phán bảo vua Đa-vít rằng: ”Ta sẽ trở nên Cha người, chính người sẽ làm con ta…” (2 Sm 7, 14a). Theo đó, chúng ta thấy Triều Đại của Vua Đa-vít thật là vĩ đại, bởi vì Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra bởi dòng dõi vua Đa-vít.
Kết luận: Tâm tình của Đức Mẹ khi đón nhận “Truyền Tin” là một tâm tình sẵn sàng vâng nghe “Lời Chúa”, một tâm tình tri ân, cảm tạ, dù Mẹ là một thụ tạo thấp hèn, khi nghe một “ in Mừng“ trọng đại như vậy, Mẹ không khỏi ngỡ ngàng, vì sự ”mầu nhiệm“ quá lớn lao của Thiên Chúa ban cho một thụ tạo như Mẹ. Nhưng với sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, chúng ta thấy Mẹ đã biểu lộ Đức Tin một cách xuất sắc. Mẹ đã đón nhận, cưu mang Đấng cứu thế cho nhân loại. Như vậy, Mẹ đáng được gọi là “Người Nữ Thánh Thể” là như vậy. Từ đó, Mẹ đón nhận Đấng cứu thế vào cung lòng của Mẹ, mặc nhiên ân phúc càng gia tăng bởi một sự diễm phúc nhờ Ngôi Hai./.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Cha đã ban ơn cứu độ cho loài người qua Đức Giêsu-Kitô, để thực hiện Lời Hứa của Cha, Cha đã ban cho nhân loại ơn cứu độ nhờ sự cộng tác của Đức Trinh Nữ Maria, để Con Cha xuống thế làm Người trong một cung lòng không vướng tỳ ố, vẹn toàn thánh khiết của Đức Trinh Nữ Maria. Xin cho loài người nhận ra tình Cha âu yếm họ, mà tôn thờ cách xứng hợp, theo gương của Đức Maria. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con ./. Amen
Lạy Đức Mẹ, xin Đức Mẹ cầu nguyện cùng Đức Chúa Giêsu, là Con Đức Mẹ, xin Người chúc sự bình an cho chúng con khi nầy và trong giờ lâm tử./. Amen.
21/12/2014
P.Trần Đình Phan Tiến