Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết: Hiện nay có 1/3 quốc gia trong số 196 quốc gia đã có quốc kỳ với biểu tượng tôn giáo. Trong số 64 quốc gia trong phạm trù này, có gần một nửa số quốc kỳ dùng biểu tượng Kitô giáo – chiếm 48%, và có 1/3 số quốc kỳ dùng biểu tượng Hồi giáo – chiếm 33%. Trong số các quốc kỳ có biểu tượng, tỷ lệ quốc kỳ có biểu tượng tôn giáo thuộc hai nhóm tôn giáo lớn trên thế giới thuộc 7 vùng.
Các biểu tượng Kitô giáo có trên 31 quốc kỳ – từ Âu châu, Á châu, Thái Bình Dương và Mỹ châu. Chẳng hạn, quốc kỳ của Liên hiệp Anh (UJ – Union Jack, hoặc UF – Union Flag) có các Thập giá của Thánh Grêgôriô, Thánh Patrixiô và Thánh Anrê. Một số các nước thuộc khối cộng đồng liên bang vẫn tiếp tục hợp nhất với Liên hiệp Anh gồm có Fiji, Tuvalu, Úc và New Zealand. Tây Ban Nha, Hy Lạp, Na Uy và Công hòa Dominica thuộc các nước khác với quốc kỳ có các biểu tượng Kitô giáo.
Các biểu tượng Hồi giáo có trên quốc kỳ của 21 quốc gia tại Phi châu gần sa mạc Sahara, vùng Á châu – Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi. Quốc kỳ của Bahrain có 5 tam giác màu trắng, biểu tượng của “Năm Cột Trụ của Hồi giáo”. Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Brunei và Uzbekistan là các nước có quốc kỳ với hình ngôi sao và trăng lưỡi liềm Hồi giáo.
Mặc dù quốc kỳ Singapore có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, nhưng chúng không mang ý nghĩa tôn giáo. Theo chính phủ Singapore, hình trăng lưỡi liềm trên quốc kỳ của họ biểu thị một quốc gia trẻ trung đang vươn lên, còn 5 ngôi sao mô tả các lý tưởng của Singapore: Dân chủ, Hòa bình, Phát triển, Công lý và Bình đẳng.
Các biểu tượng Phật giáo hoặc đạo Hindu xuất hiện trên 5 quốc kỳ. Có 3 trường hợp, các biểu tượng áp dụng cho cả hai tôn giáo này. Quốc kỳ Campuchia có hình đền Angkor Wat, biểu tượng này kết hợp với cả Phật giáo và đạo Hindu. Còn quốc kỳ của Nepal cũng biểu thị cả Phật giáo và đạo Hindu, ý nói 2 tôn giáo này chiếm ưu thế tại nước này. Tại Ấn Độ, “điểm hợp xanh” (blue chakra) ở giữa quốc kỳ mang ý nghĩa tượng trưng cho các tìn đồ Phật giáo và tín đồ Hindu.
Israel là nước duy nhất có các biểu tượng Do Thái trên quốc kỳ: Ngôi sao của Vua Đa-vít và nền có vệt màu trắng-xanh biểu thị tấm khăn cầu nguyện theo truyền thống Do Thái.
Quốc kỳ của 6 quốc gia khác có biểu tượng kết hợp với nhiều tôn giáo. Quốc kỳ Nhật có hình “hinomaru” (mặt trời mọc), biểu thị Thần đạo (Shintō) của dân Nhật. Quốc kỳ của Uruguay và Argentina có “mặt trời vàng chiếu sáng”, biểu thị Thần Mặt Trời Inti của đế quốc Incan. Còn Thần Huitzilopochtli (theo văn minh Aztec) có trên quốc kỳ Mễ Tây Cơ (Mexico) được coi như đại bàng đậu trên cây xương rồng và mỏ kẹp con rắn – truyền thuyết cho rằng thần này đã hiện ra với dân Aztec và dạy họ cách xây dựng thành phố cổ Tenochtitlan.
Mặc dù quốc kỳ Hoa Kỳ không có biểu tượng tôn giáo, nhưng một số tiểu bang có lá cờ với biểu tượng tôn giáo. Chẳng hạn, lá cờ của bang New Mexico có “mặt trời đỏ” chiếu tia sáng, biểu thị lịch sử tâm linh của Zia Pueblo. Một số các tiểu bang của Hoa Kỳ, kể cả Alabama và Florida, vẫn có hình phỏng tạo theo Thập giá của Thánh Anrê.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ PewResearch.org)