Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/11 – 19/11/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/11 – 19/11/2014

1. Đức Thánh Cha lên tiếng bênh vực quyền của trẻ em được lớn lên trong gia đình có cha có mẹ

Sáng 17 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của hội nghị quốc tế về gia đình truyền thống, nhóm tại Vatican từ ngày 17 đến 19 tháng 11 về chủ đề “sự bổ túc của người nam và người nữ cho nhau”.

Hội nghị do Bộ giáo lý đức tin tổ chức và diễn ra tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ở nội thành Vatican, với sự tham dự của 365 người, trong số này có hơn 30 diễn giả đến từ 23 quốc gia và thuộc nhiều hệ phái Kitô cũng như thuộc các tôn giáo như Do thái, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Lão giáo, Jaina và đạo Sikh. Trong số các tham dự viên, đặc biệt có Đức Cha Charles Chaput, Tổng Giám Mục giáo phận Philadelphia, Hoa Kỳ, là nơi sẽ diễn ra Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới vào tháng 9 năm 2015.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Hồng Y Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Trong thời đại chúng ta ngày nay, hôn nhân và gia đình đang bị khủng hoảng. Chúng ta sống trong một nền văn hóa tạm thời, trong đó càng ngày càng có nhiều người từ bỏ hôn nhân như một sự dấn thân công khai. Cuộc cách mạng này về phong tục và luân lý thường giơ cao lá cờ gọi là “tự do”, nhưng trong thực tế, nó đưa tới sự tàn phá về tinh thần và vật chất cho vô số người, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất. Càng ngày người ta càng thấy rõ sự suy đồi của nền văn hóa hôn nhân đã đẩy nhanh sự gia tăng nghèo đói và một loạt các vấn đề xã hội, gây thiệt hại thái quá cho phụ nữ, trẻ em và người già”.

Đức Thánh Cha kêu gọi các tham dự viên nhấn mạnh tới những cột trụ cơ bản nâng đỡ một quốc gia, đó là những thiện ích tinh thần. Ngài nói: “Gia đình là nền tảng sự sống chung và là bảo đảm chống lại sự phân hóa xã hội. Các trẻ em có quyền được lớn lên trong gia đình, với một người cha và một người mẹ có khả năng kiến tạo một môi trường thích hợp cho sự tăng trưởng và trưởng thành tình cảm của các em. Vì thế, trong Tông Huấn “Niềm vui Phúc Âm, tôi đã nhấn mạnh đến sự đóng góp không thể thiếu được của hôn nhân cho xã hội, sự đóng góp này vượt lên trên bình diện cảm cúc và những nhu cầu nhất thời của đôi vợ chồng” 

Cũng trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha kêu gọi các tham dự viên làm nổi bật một chân lý liên quan tới hôn nhân, đó là sự dấn thân chung kết đối với tình liên đới, lòng chung thủy và tình yêu phong phú, đáp ứng những ước muốn sâu đậm nhất của tâm hồn con người.. Điều quan trọng là người trẻ đừng chiều theo não trạng tai hại của lối sống tạm thời, trái lại trở thành những người cách mạng, can đảm tìm kiếm một tình yêu mạnh mẽ và bền vững, nghĩa là đi ngược dòng.. Chúng ta cũng đừng để cho mình bị rơi vào một cạm bẫy, bị đánh giá theo các quan điểm ý thức hệ, bị coi là những gia đình cấp tiến hoặc gia đình bảo thủ. Không thể nói như vậy, gia đình là gia đình”.

2. Đền Thánh quốc gia Washington trở thành nơi thờ phượng của người Hồi Giáo

Hôm thứ Sáu 14 tháng 11, các tín hữu Kitô đã được Ban Quản Trị đền thánh mời đi chỗ khác chơi để dành chỗ cho hàng ngàn tín hữu Hồi Giáo tụ tập cầu nguyện theo nghi lễ Hồi Giáo tại Đền Thánh quốc gia Washington.

Điều may mắn là đền thánh ấy là của người Anh Giáo chứ không phải là Đền Thánh quốc gia Hoa Kỳ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Công Giáo cách đó 7km. 

Đền Thánh quốc gia Washington của Anh Giáo là nơi thường xảy ra những buổi lễ liên quan đến các vị tổng thống Hoa Kỳ. Trong quá khứ, nơi đây đã diễn ra những buổi cầu nguyện đại kết trong đó có sự tham dự của đại diện các tôn giáo khác, trong đó có Hồi Giáo.

Tuy nhiên, bà mục sư Canon Gina Campbell, giám đốc các nghi lễ Phụng Vụ tại đền thánh này đã cho phép 5 nhóm Hồi Giáo trong vùng Washington và phụ cận được cử hành những nghi lễ ngày thứ Sáu Hồi Giáo từ 11:30 đến 13:30 bất chấp những phản ứng dữ dội của các tín hữu Anh Giáo.

Các tín hữu Hồi Giáo không thiếu những nơi thờ phượng của họ. Những ai sống ở Washington DC đều biết là gần đó, trên đường Massachusetts Avenue có một đền thờ Hồi Giáo rất hoành tráng. 

Bà mục sư Canon Gina Campbell cho rằng “những buổi cầu nguyện tại một Vương Cung Thánh Đường Kitô giáo chứng tỏ sự thân thiện hơn. Nó thể hiện sự đánh giá cao những truyền thống cầu nguyện của người khác và là một cử chỉ mạnh mẽ hướng đến một quan hệ sâu đậm hơn giữa hai truyền thống Abraham”.

Tưởng cũng nên nói thêm là tại West Java, Nam Dương, hôm Chúa Nhật 9 tháng 11, hàng trăm tín hữu Hồi Giáo đã bao vây giáo xứ Thánh Odilia để ngăn cản các tín hữu Công Giáo cử hành thánh lễ trong nhà thờ của chính họ. Theo thông tấn xã AsiaNews, cha chánh xứ vì lo sợ nhà thờ bị đốt đã dọn hết đồ đạc ra bên ngoài nhà thờ và treo thông cáo nói rằng “sẽ không có thánh lễ nào được cử hành tại đây trong tương lai”.

Trong những năm gần đây đền thánh quốc gia Washington thường là đầu đề cho những tin giật gân trên báo chí Mỹ. Mới đây nhất, hôm 9 tháng Giêng năm 2013, Đền Thánh quốc gia Washington công bố rằng đền thánh được xây cách đây 107 năm, là nơi đầu tiên cử hành hôn nhân đồng tính. Cách đó không lâu, một phụ nữ giải phẩu đổi giống thành đàn ông rồi được phong chức mục sư đã được chào đón tưng bừng tại Đền Thánh quốc gia Washington. 

Tại Hoa Kỳ, Anh Giáo có 77 triệu tín hữu so với 78.2 triệu người Công Giáo. 

3. Lãnh tụ Hồi Giáo đe dọa tấn công Rôma

Trong một tuyên bố được phát thanh ngày 13 tháng 11, Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh tụ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, thề rằng phe đảng của ông sẽ tiếp tục cuộc chiến hiện nay và sẽ tấn công Rôma.

Y nói: “Các tên lửa của thập tự quân sẽ không ngăn được chúng tôi tiến về Rôma” trong khi kêu gọi người Hồi giáo trên thế giới “làm cho thánh chiến bùng nổ như núi lửa ở khắp mọi nơi.”

Việc đề cập đến “các tên lửa của thập tự quân” rõ ràng là muốn ám chỉ đến một báo cáo cho rằng al-Baghdadi đã bị giết chết hoặc ít nhất là bị thương nặng trong một cuộc tấn công tên lửa của Hoa Kỳ. Thông điệp của al-Baghdadi dường như đã được đưa ra nhằm chứng minh rằng y vẫn còn sống.

Hôm 9 tháng 11, nhiều nguồn tin trên thế giới cho biết al-Baghdadi đã bị thương hay thậm chí là thiệt mạng trong cuộc không kích của Hoa Kỳ một ngày trước đó.

Nhà lãnh đạo Hồi giáo cũng đã nhắc tới quyết định của Tổng thống Mỹ Obama tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Iraq. Y nói: “Chẳng bao lâu người Do Thái và các thập tự quân sẽ bị buộc phải trực diện chiến đấu trên bộ và gửi các lực lượng bộ binh của họ đến với cái chết và sự hủy diệt.”

4. Những thống kê bi đát về làn sóng bỏ đạo tại Mỹ Châu Latin

Trong khi 84% người dân ở châu Mỹ Latin nói rằng họ đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo, chỉ có 69% nhận mình là người Công Giáo. Nói cách khác 15% dân số ở châu Mỹ Latin đã bỏ đạo. 

Một nghiên cứu của cơ quan Pew cho thấy ở mọi quốc gia thuộc châu Mỹ Latinh đều có một số lượng lớn người dân rời khỏi Giáo Hội Công Giáo. Tại Nicaragua, một phần tư dân số nước này là những người đã từng là người Công Giáo nhưng nay bỏ đạo; ở Brazil, con số này là một phần năm.

Các giáo phái Tin Lành trong khu vực đã phát triển đáng kể trong những thập kỷ gần đây, một phần nhờ vào sự gia nhập của những người Công Giáo. Ngày nay 19% dân số Mỹ Latinh là Tin Lành, mặc dù chỉ có 9% người dân được sinh ra trong các gia đình người Tin Lành. Cũng đã có một sự gia tăng mạnh số lượng người nói rằng họ không có niềm tin tôn giáo.

Khi được hỏi lý do họ đã thay đổi tôn giáo của họ, hầu hết những người từng là Công Giáo trước đây nói rằng Giáo Hội Tin Lành đã cho họ một cảm giác mạnh mẽ về một mối quan hệ cá vị với Chúa Giêsu Kitô. Về các vấn đề như phá thai và đồng tính luyến ái, những người cựu Công Giáo hiện nay thờ phượng trong giáo đoàn Tin Lành cho rằng họ ủng hộ và tuân giữ các giáo huấn luân lý Kitô giáo truyền thống mạnh hơn so với những người vẫn tự xưng là người Công Giáo.

Về phương diện lịch sử, châu Mỹ La tinh đã từng là một khu vực trong đó người Công Giáo chiếm đa số. Trong hầu hết các nước, cho đến thế hệ gần đây, người Công Giáo vẫn có thể chiếm đến 90% dân số. 40% dân số Công Giáo trên thế giới sinh sống trong khu vực này.

5. Lịch trình chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Sri Lanka và Philippines.

Hôm thứ Sáu 15 tháng 11, Tòa Thánh đã công bố lịch trình đầy đủ cho chuyến tông du vào tháng Giêng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Sri Lanka và Philippines.

Đức Thánh Cha sẽ rời Rôma vào tối thứ Hai 12 tháng Giêng, để bay đến Colombo, Sri Lanka, và sẽ đến nơi vào sáng thứ Ba. Sau buổi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ có một cuộc họp với các giám mục Sri Lanka trước khi có cuộc viếng thăm xã giao tại dinh tổng thống lúc 17h, và một cuộc họp với đại diện các tôn giáo bạn lúc 18h15.

Lúc 8h30 sáng thứ Tư 14 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong thánh cho chân phước Joseph Vaz, và sau đó thăm đền thờ Đức Mẹ Mân Côi tại Madhu vào buổi chiều cùng ngày.

Sáng sớm ngày thứ Năm, 15 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ thăm đền thánh Đức Mẹ Lanka tại Bolawalana trước khi ra sân bay lúc 8h45 để lên đường sang Manila.

Lúc 17h45 cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ đến phi trường Villamor của thủ đô Manila.

Nghi thức chào đón sẽ được diễn ra vào lúc 9h sáng ngày thứ Sáu tại dinh tổng thống. Sau đó, ngài sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao. Lúc 11:15 Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ với các giám mục, linh mục, và tu sĩ nam nữ. Buổi chiều, ngài sẽ có một cuộc họp với các gia đình.

Vào ngày thứ Bảy, Đức Thánh Cha sẽ đi thăm các nạn nhân của cơn bão Hải Yến tại tổng giáo phận Palo, sau đó trở về Manila.

Trong ngày Chúa Nhật 18 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo, sau đó với người trẻ Phi Luật Tân, và cuối cùng cử hành Thánh Lễ tại công viên Rizal lúc 15:30.

Sáng thứ Hai, 19 tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Manila sau nghi lễ tiễn biệt lúc 9h45. Ngài dự kiến sẽ đáp xuống phi trường Ciampino lúc 17h40 cùng ngày.

6. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ kỷ niệm 30 năm hiệp ước hòa bình giữa Chile và Á Căn Đình

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12/11/2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhớ kỷ niệm 30 năm hiệp ước hòa bình được Chile và Á Căn Đình ký kết vào ngày 29 tháng 11 năm 1984 tại Vatican.

Vào năm 1978, cả hai quốc gia đang ở bờ vực chiến tranh do tranh chấp lãnh thổ Beagle. Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II đã làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột và sau nhiều năm đàm phán, hai nước đã thoả thuận được đường biên giới cụ thể.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: 

“Tôi vui mừng chào đón nhóm các quân nhân Chile. Trong những ngày này chúng ta kỷ niệm 30 năm ngày ký kết hiệp ước hòa bình giữa Á Căn Đình và Chile.

Đường biên giới giữa hai nước hiện nay đã rõ ràng. Chúng ta sẽ không tiếp tục phải chiến đấu tại biên giới; chúng ta sẽ chiến đấu vì những điều khác, nhưng không vì đường biên giới nữa.

Nhưng có một điều tôi muốn lưu ý: điều này được thực hiện nhờ vào thiện chí đối thoại. Chỉ có thiện chí đối thoại mới có thể giải quyết vấn đề. Tôi muốn nêu lên lòng biết ơn Thánh Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Samore, những người đã làm rất nhiều việc để đạt được hòa bình giữa chúng ta. Cầu cho tất cả những người dù phải liên quan đến bất cứ loại xung đột nào, dù là biên giới hay văn hóa, đều có thể được khích lệ giải quyết xung đột trên bàn đối thoại chứ không phải trong sự tàn bạo của chiến tranh”.

7. Hành hương kỷ niệm 500 ngày sinh Thánh Têrêsa Avila

Thánh Têrêsa Avila là một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Cuộc cải tổ của thánh nữ bắt đầu từ 17 đan viện Dòng Cát Minh đã lan rộng khắp Tây Ban Nha vào thế kỷ 16.

Ông Miguel Ángel García Nieto, Chủ tịch Tổ chức “Những bước chân của Têrêsa” cho biết: “Ngài viết cuốn sách mang tên ‘Các nền tảng’ trong đó ngài mô tả 17 địa điểm ở Tây Ban Nha mà ngài sẽ từng bước thiết lập nên điều ngài gọi là ‘những ngôi nhà chim’. Ngài gọi các nữ tu là ‘bồ câu’”.

Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng Ba năm 1515 tại thành Avila, Tây Ban Nha. Để kỷ niệm 500 ngày sinh của Thánh Têrêsa Avila, 17 thành phố của Tây Ban Nha sẽ cùng nhau cổ vũ cuộc hành hương tôn giáo đồng hành cùng văn hóa.

Sáng kiến này được gọi là “Những bước chân của Têrêsa” và trong số các thành phố tham gia có Ávila, Burgos, Valladolid, Sevilla và Granada.

Ông Miguel Ángel García Nieto cho biết thêm: “Mục tiêu trước tiên là gần gũi Thánh Têrêsa hơn để chiêm ngưỡng ngài. Thứ hai là phải đi qua ít nhất bốn trong số những thành phố và kết thúc tại Ávila, nơi ngài sinh ra, nơi mọi thứ bắt đầu”.

Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ tông du Ávila để cử hành dịp kỷ niệm này. Cho dù ngài đến thăm Tây Ban Nha hay không, các nhà tổ chức “Những bước chân của Teresa” tin rằng hàng ngàn khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến tận nơi để học hỏi về vị Tiến sĩ Hội Thánh và nhà huyền bí này qua các thành phố mà ngài sinh sống.

8. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng gởi các nhà lãnh đạo khối 20 nước giàu trên thế giới

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo khối 20 nước giàu trên thế giới hãy chú ý đến người nghèo và theo đuổi hòa bình trong một thông điệp gởi tới cuộc họp được tổ chức tại Brisbane, Australia, từ 15 đến 16 tháng 11.

Trong thông điệp gửi đến Thủ tướng Australia Tony Abbott, người sẽ tổ chức cuộc họp G-20, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở các nhà lãnh đạo của 20 quốc gia giàu nhất thế giới rằng “nhiều cuộc sống đang bị đe dọa đằng sau các cuộc thảo luận chính trị và kỹ thuật, và nó sẽ thực sự . đáng tiếc nếu các cuộc thảo luận chỉ dừng lại ở các tuyên bố xuông trên nguyên tắc

Ngài nói thêm:

Trên khắp thế giới, cả ở các nước thuộc khối G20, có quá nhiều những người nam nữ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng theo đà gia tăng số lượng những người thất nghiệp. Ngài cảnh cáo rằng một tỷ lệ rất cao của những người trẻ tuổi không có việc làm và bị gạt ra ngoài lề xã hội có thể dẫn đến những hoạt động tội phạm và thậm chí cả việc tuyển dụng gia nhập những tổ chức khủng bố. Ngoài ra, có những cuộc tấn công liên tục về môi trường tự nhiên, kết quả của chủ nghĩa tiêu thụ không kiềm chế, và điều này sẽ có hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các nhà lãnh đạo G-20 rằng họ sẽ gặp nhau tại một thời điểm khi chiến tranh vẫn còn đe dọa hàng triệu người. Trong khi ca ngợi các nỗ lực gìn giữ hòa bình ngài nhấn mạnh rằng “các quốc gia còn phải làm nhiều hơn thế nữa.” Ngài nói: “Các cuộc xung đột để lại những vết sẹo sâu xa và các tình huống nhân đạo không thể chấp nhận được trên toàn thế giới”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi sự chú ý đặc biệt đến bạo lực đang tiếp diễn ở Trung Đông, và nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo để ngăn chặn các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.

Đức Thánh Cha cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận các vấn đề trong hệ thống tài chính toàn cầu đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2008 “và nguy cơ tổng quát của việc thiếu những ràng buộc chính trị hay pháp lý cần thiết, cũng như tâm lý tối đa hóa lợi nhuận như là tiêu chí cuối cùng của tất cả các hoạt động kinh tế.”

9. Estela De Carlotta không có can đảm xin lỗi Đức Giáo Hoàng

Hầu hết người dân Mỹ Châu, đặc biệt là người Á Căn Đình, đã tỏ ra hết sức vui mừng khi thấy Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được bầu vào ngôi Giáo Hoàng ngày 13 tháng Ba năm 2013.

Tuy nhiên, bà Estela De Carlotta, nhà tranh đấu cho nhân quyền, người sáng lập ra tổ chức Grandmothers of the Plaza de Mayo thì ngược lại. Bà chỉ trích dữ dội quyết định này của các vị Hồng Y trong Mật Nghị bầu Giáo Hoàng. Trong một loạt những bài báo với nhan đề “Bergoglio là một phần của cái Giáo Hội đã trải mây mù lên Á Căn Đình”, bà cáo buộc Cha Jorge Mario Bergoglio trong tư cách là Giám Tỉnh Dòng Tên và nhiều giám mục khác đã hợp tác với chế độ quân sự và không phản đối việc đàn áp dã man những người chống đối.

Giới quân nhân đã nắm quyền tại Á Căn Đình từ năm 1976 và chỉ tái lập lại nền dân chủ sau khi đã thua trận trong cuộc chiến tại đảo Falklands. Ước lượng có khoảng 11,000 người bị giết trong thời kỳ này và 30,000 người được ghi nhận là “mất tích”.

Hôm 7 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho bà một buổi tiếp kiến và trả lời thẳng thắn những câu hỏi của bà.

Trong cuộc họp báo với các ký giả sau đó, bà Estela De Carlotta nói: “Tôi đã nhầm lẫn, và giờ đây tôi nhận ra rằng Cha Bergoglio, lúc đó trong cương vị giám tỉnh Dòng Tên, đã âm thầm vận động thả các tù nhân chính trị.”

Tuy nhiên, bà Estela De Carlotta nói thêm “Tôi không xin ngài tha thứ vì những lời chỉ trích của tôi trước đó bởi vì tôi đã được thông tin sai lạc bởi những gì tôi nghĩ là những nguồn đáng tin cậy”.

Nhiều người kinh ngạc trước cái luận lý của nhà đấu tranh nhân quyền Estela De Carlotta. Nhà tranh đấu cho nhân quyền này chẳng có chút khái niệm gì về những điều bà ta tranh đấu cho. Liệu chúng ta có thể mắng chửi bất cứ người nào rồi sau đó đổ thừa rằng mình đã được thông tin sai lạc bởi những gì mình nghĩ là những nguồn đáng tin cậy?

10. Thành lập Hội đồng đặc biệt tại Bộ giáo lý đức tin

Đức Thánh Cha đã quyết định thành lập một hội đồng đặc biệt tại Bộ Giáo Lý đức tin để đẩy mạnh việc xét xử mau lẹ hơn những vụ kháng án về những tội nặng thuộc quyền xử của Bộ này.

Vì con số cao những vụ kháng án được gửi về Bộ giáo lý đức tin và để bảo đảm cho Bộ này có thể xét xử nhanh chóng, qua phúc chiếu trong buổi tiếp kiến Đức Hồng Y Pietro Parolin ngày 3 tháng 11, Đức Thánh Cha quyết định thành lập tại Bộ giáo lý đức tin một Hội đồng đặc biệt gồm 7 Hồng Y hoặc Giám mục, các vị này có thể là thành viên hoặc là những người ở ngoài bộ. Vị chủ tịch Hội đồng này và các thành viên do Đức Thánh Cha bổ nhiệm.

Đức Thánh Cha cũng đề ra một số chi tiết về cách hoạt động của Hội đồng đặc biệt này đồng thời cho biết một qui luật nội bộ của Hội đồng sẽ xác định thêm các thể thức tiến hành. Ngoài ra, ngài quyết định rằng sắc luật điều hành này được đăng trên báo Quan sát viên Rôma của Tòa Thánh và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11 tháng 11, sau đó sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng: cho đến nay, mỗi tháng một lần vào ngày thứ tư, các thành viên của Bộ giáo lý đức tin nhóm họp và cứu xét trung bình 4, hay 5 vụ kháng án. Phần lớn những vụ này liên quan đến việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Về những tội chống lại đức tin, thì thẩm quyền xét xử ở cấp I là Giám Mục giáo phận đối với các linh mục triều, và Bề trên cấp cao dòng đối với các tu sĩ. Nếu đương sự kháng án thì hồ sơ được Bộ giáo lý đức tin cứu xét trong khóa họp thường lệ. Từ nay Bộ có một Hội đồng đặc biệt để cứu xét các vụ kháng án. Nếu bị can là Giám Mục và là vụ đặc biệt tế nhị thì Bộ sẽ cứu xét trong khóa họp thường lệ, và trong trường hợp này các thành viên của Bộ có thể xin Đức Thánh Cha đích thân cứu xét những vụ đặc biệt tế nhị.

Tự sắc “Bảo vệ tính chất thánh thiêng của các bí tích” (Sacramentorum sanctitatis tulela) do Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo hoàng ban hành năm 2001 và được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cập nhật năm 2010, có liệt kê một số tội nặng thuộc quyền xét xử của Bộ giáo lý đức tin về mặt hình luật, tư pháp hoặc hành chánh, ví dụ tội lấy hoặc giữ Mình Thánh Chúa để xúc phạm hoặc phạm thánh, giải tội cho người đồng phạm về điều răn thứ 6, xúi giục hoặc dụ dỗ người khác phạm điều răn này trong khi hoặc nhân dịp giải tội cho đương sự, vi phạm ấn tích bí mật tòa giải tội, giáo sĩ phạm điều răn thứ 6 với một trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, v.v.

Hồi tháng 7-2010, Bộ giáo lý đức tin đã công bố một văn kiện kỷ luật chứa đựng những qui luật mới liên quan đến những tội nặng. Bộ coi việc truyền chức linh mục cho phụ nữ như một “tội chống lại đức tin” và Bộ kéo dài thời hiệu (prescription) trong những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ 10 lên 20 năm (sau khi nạn nhân tròn 18 tuổi). Bộ cũng coi tội dâm ô trẻ em (pornographie infantile) là một tội nặng.

11. Đức Thánh Cha kêu gọi các bác sĩ Công Giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bác sĩ Công Giáo chống lại quan niệm ”thương xót giả tạo” ngày nay khiến người ta giúp phá thai, làm cho chết êm dịu và “sản xuất con cái”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiếp sáng thứ Bẩy 15 tháng 11 dành cho 5 ngàn tham dự viên cuộc gặp gỡ của Hội bác sĩ Công Giáo Italia nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Fiorenzo Angelini, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, bà Bộ trưởng sức khỏe của Italia, Beatrice Lorenzin, và nhiều trẻ em, bệnh nhân và thân nhân của họ.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Tư tưởng thịnh hành ngày nay nhiều lần đề nghị một thứ lòng “thương xót giả tạo”: cho rằng phá thai là giúp đỡ phụ nữ, làm cho chết êm dịu là một hành vi hợp với phẩm giá con người, coi như một chinh phục khoa học khi “sản xuất” một đứa con mà người ta coi là một quyền thay vì đón nhận người con như một món quà, hoặc dùng sinh mạng con người như con vật trong phòng thí nghiệm, gọi là để cứu vớt những sinh mạng khác”.

Đức Thánh Cha minh định rằng: “Lòng thương xót theo tinh thần Tin Mừng là lòng từ bi tháp tùng trong lúc cần thiết, tức là lòng từ bi của người Samaritano Nhân Lành, nhìn thấy, cảm thương, lại gần và giúp đỡ cụ thể (Xc Lc 10,33). 

Sứ mạng của anh chị em như bác sĩ đặt anh chị em hằng ngày tiếp xúc với bao nhiêu hình thức đau khổ: Tôi khích lệ anh chị em hãy trợ giúp những người khổ đau khi những người Samaritano nhân lành, đặc biệt quan tâm săn sóc những người già, bệnh nhân và người tàn tật.

Lòng trung thành với Tin Mừng sự sống và tôn trọng sự sống như hồng ân của Chúa, nhiều khi đòi anh chị em những chọn lựa can đảm và đi ngược dòng, và trong những hoàn cảnh đặc biệt, có thể đi tới độ phản kháng lương tâm”

12. Đại Học Giáo Hoàng Salêdiêng trao tặng Cha Federico Lombardi bằng tiến sĩ danh dự

Hôm thứ Sáu 14 tháng 11, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã được Khoa Truyền thông Xã hội tại Đại Học Giáo Hoàng Salêdiêng ở Rôma trao tặng bằng tiến sĩ danh dự (laurea honoris causa) trong buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập nhà trường.

Dịp này nhà trường cũng tổ chức một cuộc hội thảo có tiêu đề “Xem xét lại Truyền thông, lý thuyết, kỹ thuật và giảng dạy.”

Ngoài việc là Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Cha Lombardi cũng là Tổng Giám đốc Đài phát thanh Vatican. 

Trong bài phát biểu nhân dịp này, Cha Lombardi nói, “Truyền thông cho Giáo Hội và cho con người ngày nay phải đồng hành cuộc sống và hoàn cảnh lịch sử của họ, phải diễn dịch được mong đợi và nhu cầu của họ. Nếu bạn thực sự yêu mến con người, hãy tiếp tục sánh bước với họ. “

Phát biểu về 25 năm kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực truyền thông, Cha Lombardi nhận xét rằng “Một trong những chủ đề của cuộc thảo luận này là dịch vụ đa ngôn ngữ của Giáo Hội cho các bộ phận khác nhau của thế giới. Đó là một khía cạnh rất căn bản của truyền thông đã làm tôi say mê trong hai mươi lăm năm qua. Hơn bao giờ hết, dịch vụ đa ngôn ngữ của Giáo Hội đã và đang mở rộng ra khắp các châu lục, và cho phép Giáo Hội tham gia vào cuộc đối thoại với các nền văn hóa đa dạng. Tôi biết rõ rằng từ Rôma, chúng ta không thể nói tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, nhưng tôi tin rằng Giáo Hội có nghĩa vụ chứng tỏ cho thế giới thấy Giáo Hội biết cách làm thế nào để nói tất cả các ngôn ngữ ở khắp các châu lục. Giáo Hội quan tâm đến việc hội nhập văn hoá trong bối cảnh các tình huống và các nền văn hóa khác nhau. Các nền văn hóa khác nhau có thể cảm thấy như đang ở nhà tại Rôma này, và rằng Rôma không cảm thấy là ngoại kiều với bất kỳ nước nào. Sự đa dạng văn hóa là một hệ quả cần thiết của tính phổ quát của Giáo Hội, của sự chú ý thực sự của Giáo Hội đến các miền ngoại vi.”

13. Khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

Lúc 10h sáng Chúa Nhật 30 tháng 11, là Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến với Thánh Lễ đại trào tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đức Hồng Y João Braz de Aviz, Chủ tịch Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến đã cho biết như trên hôm thứ Sáu 14 tháng 11. 

Sau thánh lễ Đức Hồng Y cũng sẽ cùng tông du với Đức Thánh Cha Phanxicô tới Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến bay khởi hành cùng ngày hôm đó.

Tưởng cũng nên nhắc lại là 5 năm trước đây vào ngày 19 tháng 6 năm 2009, ngày cầu nguyện cho sự thánh hiến hàng giáo sĩ, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khai mạc Năm Linh Mục kéo dài cho đến ngày 11 tháng 6 năm 2010.

Năm Linh mục đã mang lại niềm vui lớn lao cho Giáo Hội với vô số những sáng kiến của các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới nhằm mang lại hiệu quả cho Năm đặc biệt này. Năm Linh mục đã được đón nhận rất tốt, và cũng cho thấy Năm Linh mục đã đáp ứng khát vọng sâu xa của các linh mục cũng như toàn thể Dân Thiên Chúa. Đây là thời gian để quan tâm, nhìn nhận và gắn bó cách đặc biệt với hàng linh mục cao quý, tận tuỵ và không thể thay thế, cũng như với mỗi cá nhân linh mục trong Giáo Hội. 

Nhận định về Năm linh mục, Đức Hồng Y Cláudio Hummes, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ lúc bấy giờ viết:

“Thực sự là, dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi, một vài linh mục đã phạm phải tội ác nghiêm trọng và đáng ghê tởm là lạm dụng tình dục trẻ em, những việc mà chúng ta phải lên án và trách cứ cách dứt khoát, không nhân nhượng. Những người này phải trả lẽ về hành động của mình trước mặt Chúa và trước toà án, kể cả toà án dân sự. Tuy nhiên, chúng ta cũng cầu nguyện cho họ để họ được ơn hoán cải thiêng liêng và đón nhận ơn tha thứ từ Thiên Chúa. Về phần mình, Giáo Hội quyết tâm không che giấu cũng không giảm thiểu những tội ác như thế. Trên hết mọi sự, chúng ta đứng về phía các nạn nhân và muốn hỗ trợ việc chữa trị cho họ cũng như những quyền lợi họ bị xúc phạm. 

Đàng khác, tuyệt đối không thể chấp nhận việc sử dụng tội ác của một số ít để nhục mạ toàn thể hàng linh mục. Tất cả những ai đang làm như thế là đang phạm bất công nghiêm trọng. Trong Năm Linh mục, Giáo Hội tìm cách ngỏ lời với xã hội về vấn đề này. Bất cứ ai có lương tri và thiện ý đều thấy rõ đây là sự thật.

Anh em linh mục thân mến, sau khi đã trình bày những điều cần phải nói, giờ đây chúng tôi hướng đến anh em. Chúng tôi muốn lập lại với anh em một lần nữa rằng chúng tôi nhìn nhận căn tính và công việc của anh em trong Giáo Hội và trong xã hội. Giáo Hội yêu mến, ca tụng và tôn trọng anh em. Hơn thế nữa, anh em là niềm vui cho toàn dân Công Giáo khắp thế giới và Dân Chúa chào đón anh em, nâng đỡ anh em, nhất là trong những thời kỳ đau khổ này.”

14. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức xác nhận sẽ tham dự Hội nghị Thế giới các Gia đình ở Philadelphia vào năm tới.

Trong diễn từ khai mạc phiên đầu tiên của hội nghị quốc tế về gia đình truyền thống, Đức Thánh Cha đã cho biết như sau:

“Tôi muốn để xác nhận là theo ý Chúa muốn, vào tháng Chín năm 2015, tôi sẽ đến Philadelphia để dự Hội nghị Thế giới về Gia đình. Cảm ơn vì những lời cầu nguyện của anh chị em qua đó anh chị em đồng hành với tôi trong sứ vụ dành cho Giáo Hội. Chân thành cầu chúc cho anh chị em. “

Hội nghị Thế giới về Gia đình sẽ diễn ra từ 22 đến 27 tháng 9, năm 2015, tại Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ, với chủ đề “Tình yêu là sứ mạng của chúng ta: Gia đình vui sống”

Trong phiên họp cuối hội nghị này, vào chiều ngày thứ Tư, 19 tháng 11, Đức Cha Charles Chaput, là Tổng Giám Mục Philadelphia, đã giới thiệu chương trình Đại hội kỳ 8 các gia đình thế giới. 

15. Các Giám mục Hoa Kỳ công bố phiên bản trực tuyến của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ vừa đưa lên mạng lưới điện toán toàn cầu bản dịch Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dày hơn 700 trang, để giúp các tín hữu dễ dàng tiếp cận hơn với những giáo huấn của Giáo Hội.

Với phiên bản trực tuyến mới này, người dùng sẽ có thể lật đến trang mình muốn. Sách có mục lục rất rõ ràng, tiện dụng vào mọi lúc, và cũng có công cụ tìm kiếm có thể tìm mọi thứ liên quan đến một chủ đề cụ thể chỉ trong một vài giây.

Chương trình cũng cho phép đánh dấu các trang và thậm chí tạo các ghi chú ngắn. Người dùng có thể chia sẻ bất kỳ trang nào lên Facebook, Twitter và các trang mạng xã hội khác.

Người dùng có thể đọc Sách Giáo lý bằng tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Phiên bản trực tuyến này là phiên bản sách Giáo lý của người Mỹ, phù hợp cho người Công Giáo tại Hoa Kỳ và được Tòa Thánh chuẩn y.

Sách có thể xem tại đây: http://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/what-we-believe/catechism/us-catholic-catechism-for-adults/

16. Tổng thống Áo tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một CD nhạc của Mozart

Hôm thứ Năm 13 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Cộng hòa Áo Heinz Fischer tại Dinh Tông Tòa Vatican.

Trong buổi gặp gỡ thân mật, hai bên đã thảo luận một số chủ đề bao gồm tự do tôn giáo, nhân quyền, đối thoại liên tôn và liên văn hóa. Tổng thống Heinz Fischer giới thiệu với Đức Giáo Hoàng phu nhân Margit và các thành viên khác của chính phủ ông. Sau đó ông tặng Đức Giáo Hoàng một tác phẩm nghệ thuật là mô hình Nhà thờ Chánh tòa Stephen tại Vienna thu nhỏ và một đĩa CD nhạc các tác phẩm của nhà soạn nhạc người Áo, Wolfgang Amadeus Mozart.

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã tặng cho ông một huy hiệu đánh dấu năm thứ hai triều giáo hoàng của ngài. Ngài cũng tặng ông một bản Tông huấn “Niềm vui Phúc Âm”. Tổng Thống xin Đức Giáo Hoàng ký tặng vào bản Tông huấn.

Đây là cuộc hội kiến đầu tiên giữa tổng thống Áo đương nhiệm và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

17. Lắp đặt phòng tắm cho người vô gia cư gần Quảng trường Thánh Phêrô

Dưới sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Tòa Thánh Vatican đã đồng ý lắp đặt ba phòng tắm bên trong các nhà vệ sinh du lịch, ở ngay bên ngoài Quảng trường Thánh Phêrô. Bằng cách này, người vô gia cư ngủ xung quanh khu vực có nơi để tắm rửa.

Những người hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô nhận xét như sau:

“Tôi nghĩ đó là ý tưởng tốt mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý để lắp đặt một số phòng tắm cho người nghèo. Bởi vì Tòa Thánh Vatican có thể giúp đỡ người vô gia cư nhiều hơn chúng ta”.

Một người khác nói:

“Tôi đã đi bộ quanh khu vực này và tôi nhận thấy rằng có rất nhiều người khốn khó và người nghèo, những người cần giúp đỡ”.

“Tôi nghĩ đây là một ý tưởng tốt dành cho những người không có đủ tiền để thuê chỗ tắm”.

Đức Thánh Cha đã đồng ý việc lắp đặt, sau khi ‘Quan Phát Chẩn’, là Đức Tổng Giám Mục Krajewski trình bày với ngài về trường hợp một người đàn ông vô gia cư địa phương. Vị linh mục mời ông ta đến một nhà hàng để ăn mừng sinh nhật thứ 50 của ông. Người đàn ông vô gia cư cho biết ông không muốn đi bởi vì ông nặng mùi và thấy xấu hổ. Ông cũng nói rằng trong khi có thể dễ dàng tìm kiếm thức ăn, nhưng tìm một nơi để tắm thì phức tạp hơn nhiều.

Vì vậy, ba phòng tắm sẽ được lắp đặt trong các nhà vệ sinh du lịch của Vatican. Không dừng lại ở đó, Tòa thánh Vatican đã kêu gọi mười giáo xứ lân cận cũng lắp đặt các phòng tắm. Chi phí cho công việc này sẽ được chi trả từ quỹ bác ái của Đức Giáo Hoàng.

18. Tòa Thánh phát hành bộ sưu tập các bài hát và các bài phát biểu của Cơ Mật Viện

Cơ Mật viện là một trong các cuộc họp bí mật nhất trên thế giới. Khi các cánh cửa của Nhà nguyện Sistine khép lại, chỉ có các vị Hồng Y và các bức bích họa của Michel Angelo chứng kiến cuộc bầu chọn Giáo Hoàng.

Giờ đây nhờ có một CD mới, do Đài phát thanh Vatican và Ban hợp xướng Nhà nguyện Sistina phát hành, mọi người có thể nghe âm nhạc, những giai điệu và những bài thánh ca được hát trong những ngày đánh dấu lịch sử của Giáo Hội.

Mirko Gratton, thuộc Universal Music cho hay: “Đây là lần đầu tiên bạn có thể nghe những bản nhạc của Cơ Mật Viện. Dĩ nhiên có bản thánh ca Gregorian, bởi vì đây là truyền thống của Giáo Hội chúng ta, nhưng nó không chỉ có bản thánh ca Gregorian mà thôi”.

Với tựa đề ‘Habemus Papam’ (Chúng ta đã có Giáo Hoàng) hai phần của CD bao gồm những bản nhạc trong Thánh Lễ khai mạc mật nghị bầu Giáo Hoàng, từ khi bước vào Cơ mật viện và thậm chí có cả bài phát biểu nổi tiếng đầu tiên của Đức Giáo Hoàng.

Đức Ông Massimo Palombella là Người chỉ huy Ban hợp xướng của nhà nguyện Sistina nói rằng đĩa CD không chỉ là đĩa nhạc tốt. Về cốt lõi, đó là cách loan báo tin mừng. Đức Ông Massimo Palombella cho biết như sau:

“Ban hợp xướng Nhà nguyện Sistina có một sứ mạng của Giáo Hội. Nếu chỉ chơi nhạc tốt, Tòa Thánh không thể biện minh cho ngân sách để giữ cho ban hợp xướng hoạt động. Cốt lõi của Ban hợp xướng là loan báo Tin Mừng qua âm nhạc”.

Hơn thế nữa, bộ sưu tập các bài hát và các bài phát biểu này được mô tả như là tài liệu âm nhạc đầu tiên của Cơ mật viện. Những bản ghi âm được Đài phát thanh Vatican thực hiện trực tiếp, vì vậy người ta có thể nghe thấy tiếng ồn xung quanh, tiếng bấm máy ảnh, và thậm chí cả tiếng máy bay trực thăng lượn nhiều vòng bên trên quảng trường Thánh Phêrô.

Mirko Gratton, thuộc Universal Music nói thêm: “Mang lại bầu khí này cho hàng triệu người là một điều gì đó mà chúng tôi tin là rất đặc biệt.”

Việc phát hành này cũng có bản ghi âm chính thức do Ban hợp xướng Nhà nguyện Sistina thực hiện, trong đó bao gồm các bản nhạc được sáng tác nhiều thế ký trước đặc biệt dành cho những cử hành thuộc về Giáo Hoàng. CD này đã phát hành ở Ý và sẽ được phát hành trên toàn thế giới vào ngày 28 tháng 11.

19. Đừng đặt tiền bạc lên trên hết

Hôm thứ Sáu 14 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các tham dự viên của Đại hội Kế toán Thế giới. Nhóm này đại diện cho hơn 2 triệu kế toán chuyên nghiệp từ 124 quốc gia. Hàng trăm người đã đến Rôma để gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong huấn từ của mình, Đức Thánh Cha nhắc nhở họ rằng nên phục vụ công ích trước khi kiếm tiền. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi yêu cầu tất cả các bạn, nhất là những người mà nghề nghiệp đòi hỏi sự thịnh vượng của hệ thống kinh tế của một quốc gia, hãy thể hiện vai trò tích cực và xây dựng trong công việc hàng ngày của bạn, hãy nhận thức rằng đằng sau mỗi tờ giấy, đằng sau mỗi câu chuyện, là một con người.”

Ngài cũng kêu gọi hệ thống kinh tế đừng lợi dụng những người yếu thế và đừng đặt tiền bạc lên trên tất cả mọi thứ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: 

“Kinh tế và tài chính là hai khía cạnh của hoạt động con người. Điều này có thể tạo nên một cơ hội gặp gỡ, thảo luận, hợp tác để công nhận các quyền, các dịch vụ và phẩm giá công việc của một người. Nhưng thật cần thiết để con người và phẩm giá của họ trở thành trung tâm điểm của quá trình này. Phương thức này có thể mất tác dụng khi mà sự năng động có xu hướng tiêu chuẩn hóa tất cả mọi thứ và đặt tiền lên trên hết”.

Sau đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết của đạo đức trong kinh tế, tài chính và lực lượng lao động.

20. Họp báo về hội nghị các phong trào giáo dân trong Giáo Hội

Hơn 300 vị lãnh đạo của các phong trào giáo dân lớn trong Giáo Hội sẽ gặp nhau ở Rôma từ ngày 20 – 22/11.

Mục đích của hội nghị là để trao đổi kinh nghiệm và suy tư về cách thức để thúc đẩy loan báo Tin Mừng trên thế giới, qua các đặc sủng của mỗi phong trào.

Đức Hồng Y Stanisaw Ryko, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân cho biết: “Các phong trào và cộng đoàn mới của Giáo Hội cảm thấy được Đức Thánh Cha mời gọi đặc biệt để trở thành những người giữ vai trò chủ đạo thực sự ở một giai đoạn mới trong sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội”.

Những người sáng lập của một số phong trào sẽ tham gia hội nghị. Vào ngày cuối cùng của hội nghị, họ sẽ gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cô Ana Cristina Villa, thuộc Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân thì cho hay: “Có rất nhiều nhóm đã được thành lập ở Âu châu, chẳng hạn như phong trào Con đường Tân Dự tòng, Phong trào Focolare, và Phong trào Hiệp thông và Giải phóng. Ngoài ra còn có một số phong trào khai sinh ở Mỹ Châu Latinh, như phong trào Nước Chúa Kitô và phong trào Đời sống Kitô”.

Một số những phong trào này được thành lập trong những năm sau Công Đồng Vatican II nơi mà vai trò của người giáo dân được nêu bật.

Cô Ana cho biết thêm: “Các phong trào Giáo Hội là một trong những lĩnh vực mà người giáo dân đang phục vụ rất nhiều bởi vì họ tìm thấy đức tin Kitô giáo theo một cách mới và sau đó họ ra đi để truyền giáo. Đó là cách mà họ hiến thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, mỗi phong trào tùy theo đặc sủng của mình”.

Đây là lần thứ ba đại diện của các phong trào gặp gỡ nhau. Hai lần trước vào năm 1998 với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và vào năm 2006, với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

21. Đức Giáo Hoàng khai mạc hội nghị về tầm quan trọng của hôn nhân giữa một người nam và một người phụ nữ

Chỉ một tháng sau khi Đức Thánh Cha kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình, Tòa Thánh sẽ tổ chức một hội nghị liên tôn về tầm quan trọng của hôn nhân. Đó là cách để Giáo Hội dấn thân sâu sắc hơn vào cuộc đối thoại về tương quan giữa một người nam và một người nữ.

Cô Helen Alvaré, thành viên hội nghị cho biết: “Người ta nói về sự thất bại của mối tương quan này, họ nói rất nhiều về tính dục, nhưng họ không thực sự nói về bản chất hết sức cơ bản của nó”.

Hội nghị có chủ đề là ‘Humanum’ diễn ra từ 17 đến 19/11, với sự tham dự của 350 người, đại diện cho 14 tôn giáo. Trong số 40 diễn giả có Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó là một diễn đàn để xem xét quan hệ hôn nhân trong một xã hội lành mạnh, dưới cái nhìn nhân chủng học, và tôn giáo.

Cô Helen Alvaré cho biết thêm: 

“Một số những khía cạnh chủ yếu của hôn nhân là vẻ đẹp, là những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, là thái độ cởi mở trong việc đón nhận con cái, là tầm quan trọng của hôn nhân đối với xã hội dân sự”. “Những gì Thiên Chúa nói với chúng ta về chính Ngài, về bản thân chúng ta, về ý nghĩa của đời sống chúng ta khi Chúa dựng nên nhân loại với hai giới tính khác nhau và hấp dẫn lẫn nhau. Đây là một cuộc đối thoại sâu sắc hơn về hôn nhân”.

Theo các nhà tổ chức, hội nghị không chỉ bàn đến những thuận lợi trong hôn nhân mà còn xem xét cả đến những thách đố thực tế đang có chiều hướng gia tăng trong đời sống vợ chồng. Hơn nữa, hội nghị cũng sẽ đi sâu vào lằn ranh ngày càng mờ nhạt giữa các giới tính.

Cô Helen Alvaré cho biết “Tôi có thể nói mối tương quan giữa một người nam và một người nữ đã trở nên mơ hồ và nhiều ngộ nhận. Người ta mất ý thức rằng điều cơ bản để có thể hiểu chính bản thân mình là phải xem xét mối tương quan với những người khác, kể cả người khác giới, cho dù là người kết hôn, sống độc thân hay đi tu”.

Hội nghị không chỉ là dừng lại ở những cuộc thảo luận. Trên website về hội nghị www.humanum.it có một loạt các video về tầm quan trọng của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ và lý do tại sao sự kết hợp này là rất quan trọng cho xã hội. Trong suốt thời gian hội nghị, các video sẽ được bổ sung thêm.

22. Nhóm Tenore: Ba giọng hát mạnh mẽ giúp trẻ em

Mark, Jason và Carlos thuộc nhóm Tenore, một nhóm hát Bắc Mỹ đi khắp thế giới hát các bài hát Kitô giáo truyền thống và cổ điển, như bài Kinh Lạy Cha.

Nhóm Tenore cho biết: “Chúng tôi tin rằng âm nhạc có sức mạnh hiệp nhất khi rất nhiều điều đang cố chia rẽ chúng ta… Vì vậy, các bài nhạc của chúng tôi, thực sự là nỗi khát khao muốn đem các Kitô hữu, Tin lành, Công Giáo, Do Thái, và những người không có đức tin đến với nhau qua những bài hát “.

Tenore cũng có mục tiêu: giúp đỡ trẻ em đang đau khổ trên khắp thế giới. Một trong những thành công lớn nhất của họ là một bài hát viết bằng tiếng Ý và tiếng Anh mang tên “Sempre Vicino” (Luôn luôn gần gũi). Người sáng lập nhóm, Jill Ann Siemens, đã viết bài hát khi cô phát hiện ra rằng 700 trẻ em trở thành trẻ mồ côi sau biến cố 11/9.

Nhóm Tenore cho biết thêm: 

“Trong tất cả các buổi biểu diễn của chúng tôi, về cơ bản chúng tôi muốn đưa ra ánh sánh những người thiệt thòi và khó khăn trên khắp thế giới, và chúng tôi mang đến cho mọi người cơ hội ủng hộ tiền bạc để giúp đỡ trẻ em. Bằng cách đó, chúng tôi có phương tiện giúp cho trẻ em. Một phần lợi nhuận của hầu hết các đĩa CD của chúng tôi cũng dùng để giúp trẻ em”.

Nhóm Tenore vừa đến thăm Rôma để hát tại một hội nghị về phong trào đại kết.

Với hai album vừa phát hành và lịch trình các buổi biểu diễn dày đặc sắp tới, Mark, Jason và Carlos hy vọng sẽ tiếp tục làm những gì họ yêu thích nhất: ca hát và truyền cảm hứng cho dân chúng.

23. Đức Thánh Cha Phanxicô vinh danh sự phát triển của Giáo Hội tại Zambia và khuyến khích các giám mục nước này đề cao cuộc sống gia đình.

“Tôi tin rằng sự suy yếu của những quan hệ trong gia đình là đặc biệt nghiêm trọng bởi vì gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, nơi mà chúng ta học cách sống chung với những người khác bất chấp những khác biệt và học cách thức thuộc về một người khác; gia đình cũng là nơi mà cha mẹ truyền lại đức tin cho con cái mình”.

Đức Thánh Cha đã nói như trên hôm thứ Hai 17/11. Ngài nhấn mạnh với các Giám Mục rằng: “Anh em hãy luôn lo lắng hỗ trợ sự ‘thánh thiêng của sự sống” đó là gia đình, vì chính nơi đây hạnh phúc của Giáo Hội tại Zambia được phát triển và duy trì. “

“Tôi xin anh em, cùng với các linh mục của mình, hãy tạo thành những gia đình Kitô mạnh mẽ, những người – nhờ huấn giáo của anh em – sẽ hiểu biết và yêu mến chân lý đức tin sâu sắc hơn, và do đó được bảo vệ khỏi những cám dỗ của thế giới này” 

Zambia có 14,600,000 dân trong đó 20.2% là người Công Giáo. 75% dân số theo Tin Lành.

Nguồn: Vietcatholic

h

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN