ĐỪNG NÓI MÀ KHÔNG LÀM
Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Hội đồng chuột Nhà kia có một con mèo bắt chuột rất hay, hễ chuột nào dầu khôn ngoan lanh lẹ cũng bị vào bụng mèo cả. Song hãy còn mấy con chuột khôn lanh ẩn cư trên mái nhà, nên mèo kia không bắt được. Mà bọn chuột dầu khôn lanh đến đâu, cũng không khỏi đêm ngày lo sợ cho tánh mạng mình.
Trong lũ chuột, có một con già, hình cao, vóc lớn, can đảm, lại có tài khẩu biện hơn mấy con chuột khác, bèn ra công cổ động nhóm một hội đồng, để ai có mưu cao chước lạ gì làm hại được mèo, thì đem tuyên bố cho hội đồng xét định. Đến ngày khai hội, có lắm đại biểu đến dự, chuột già được chúng cử làm chủ tọa. Lại bầu một con chuột khác làm thư ký để làm biên bản.
Lúc bấy giờ, chuột già chống ba-ton, bước lên tòa nghị luận; còn các đại biểu ở dưới. Chủ tọa nói: “Bấy lâu nay, mèo làm cho loài chuột ta gần tuyệt chủng; bây giờ ta phải làm cách nào đặng thoát khỏi cái nạn ấy? Vậy, hội đồng lần này ai có mưu hay kế giỏi thì xin bày ra”.
Một đại biểu đứng dậy nói: “Xin phép chủ tọa, tôi có một kế rất hay, xin cho tôi nói”.
– “Cứ nói”.
– “Chúng ta muốn trừ nạn mèo, thì chẳng kế nào bằng kế hy sinh”.
– “Hy sinh là làm sao?”
– “Hy sinh nghĩa là trong chúng ta phải có một đứa chịu bỏ mạng”.
– “Bỏ mạng thế nào?”
– “Phải ăn thuốc độc, rồi chạy đến trước mặt mèo; mèo ăn ta, ắt nhằm thuốc độc mà chết. Mèo chết, chúng ta thoát nạn. Đó là kế hy sinh”.
Cả hội đồng đều vỗ tay mà rằng: “Kế đó hay lắm, chúng tôi biểu đồng tình cứ thi hành đi!”.
Chuột già, chủ tọa nói: “Kế này hay lắm, không còn kế nào hơn nữa. Song xin hỏi ông (đại biểu chuột), ông có bằng lòng làm theo kế ông đã cống hiến đó không? Ông có bằng lòng hy sinh vì đồng bào mình không?”. Đáp: “Về phần tôi, tôi đã hiến kế thì đủ bổn phận rồi, (?) Xin nhường việc đó cho kẻ khác”.
Chủ tọa liền hỏi: “Còn ai dám vì đồng bào mà làm theo kế hy sinh đó không?”. Ai nấy đều ngó mặt nhau, không nói một lời, im lặng như tờ giấy trải. Hồi lâu, cả hội đồng đứng dậy nói rằng: “Chúng tôi xin nhờ ông chủ tọa (chuột già) ra ơn cứu giúp. ”Chủ tọa đáp: “Không được! Việc nầy không phải chức vụ của tôi (?) và tôi bây giờ tuổi cao tác lớn, để sống ít lâu nữa, rồi qua đời cho yên thân, tôi xin nhường cho quý ông trẻ tuổi.”
Sau đó, các đại biểu lần lượt bước ra khỏi nghị trường. Chuột già kia buồn lòng, rồi xuống ghế. Hội đồng giải tán!
Ôi! Nói được, làm không, câu “Năng thuyết bất năng hành!” là thế đó. (x. nhulieuthanhkinh.com)
Còn trong Tin Mừng Thánh Matthêu chuơng 23, câu 1 đến câu 7 Chúa cho các môn đệ và người Do Thái hiểu rõ về những Kinh sư và Pharisiêu giả hình, những người tự coi là thông luật, là đạo đức hơn người khác, thuộc vào tầng lớp lãnh đạo. Nhiều người trong số họ có trình độ cao, có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị, xã hội và tôn giáo đối với người Do Thái lúc bấy giờ. Họ được phép rao giảng trong các hội đường, nắm quyền phán xét, phân xử, giải thích luật lệ khi có xảy ra tranh chấp trong dân. Tuy vậy, do sống dưới sự đô hộ của người La Mã nên họ cũng dựa vào đó để đưa ra những lề luật khắc nghiệt, vừa để lấy lòng hoàng đế La Mã, vừa để thống trị cộng đồng dân mình. Chính những người này đã tìm cách gài bẫy Đức Giêsu, hay giả là người đến học hỏi nơi Chúa để tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của Người đối với dân chúng. Đức Giêsu biết rõ những con người này, họ nói mà không làm, họ chất những gánh nặng lề luật lên vai những đồng đạo nhưng ”không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 4). Họ rao giảng những điều trong Kinh Thánh, nói những điều rất hay, khuyên bảo dân chúng tuân giữ lề luật của Môi Sen nhưng thực tế cuộc sống của họ đi ngược lại những điều họ nói. Chúa Giêsu đã mạnh dạn vạch ra những điều sai trái, dối trá đồng thời nhắn nhủ các môn đệ và dân chúng hãy làm, hãy giữ những điều họ nói (về Giáo lý-Kinh Thánh), nhưng không làm theo những việc họ làm, vì họ chỉ nói mà không làm.
Những Pharisiêu thời đại hôm nay không thiếu, cả trong đạo cũng như ngoài đời. Điều Chúa đưa ra hơn 2000 năm trước đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Biết bao người xúng xính trong những bộ áo quyền quí, sử dụng những phương tiện hiện đại để tỏ ra mình hơn người khác. Họ được tập thể, cộng đồng trao cho một trách nhiệm nào đó trong giáo hội, xã hội đã thể hiện hai mặt của một cuộc đời. Một mặt thì tỏ ra tốt lành, thân thiện, khuyên bảo người khác làm lành lánh dữ. Mặt khác bản thân lại có một cuộc sống tha hóa, thậm chí âm mưu hãm hại người, hầu mưu cầu lợi ích cho mình, củng cố vị trí của mình.
Chúa còn nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ đối với những người được trao phó trách nhiệm cao trong tập thể, trong xã hội. Không thể có thái độ “cha chú“ như những người Pharisiêu khi hành xử công việc. Quyền lực Chúa trao ban là để nâng đỡ, hướng dẫn người khác hầu giúp nhau thăng tiến vươn lên hầu đạt tới sự hoàn thiện vì “tất cả đều là anh em với nhau” (Mt 23, 9). Không thể lợi dụng quyền lực để áp đặt, cưỡng bức người khác phục vụ cho mình hay cho lợi ích nhóm. Càng không phải để mê hoặc người khác.
Trong cuộc sống, và cả trong đời sống đạo, con cũng đã có lúc thể hiện mình là những kinh sư, những người Pharisiêu ngày xưa, nói mà không làm. Nói hay nhưng làm dở, nói một đàng làm một nẻo. Là bậc làm Cha Mẹ trong gia đình, bao lần con khuyên dạy con cái nên làm điều này tránh điều kia, nhưng con không làm theo điều con tin, không thực hiện điều con nói. Trong quan hệ vợ chồng, thái độ gia trưởng “chồng chúa, vợ tôi“ vẫn thể hiện mỗi ngày. Trong quan hệ xã hội, con vẫn lớn tiếng phê phán thói xấu của người khác, mà không hề thấy “chân mình thì lấm bê bê”, vẫn lên tiếng dạy đời, coi khinh những người thấp kém hơn con về trình độ, về vật chất, về địa vị.
Xin Chúa giúp con trong những năm Phúc Âm hóa này biết sửa đổi cách sống của mình để mỗi ngày trở nên trọn lành hơn, như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Xin cho con biết học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường, hầu mọi người nhận biết con là môn đệ Chúa.
Fx Đỗ Công Minh