Có một bài ca sinh họat do nhạc sĩ Nguyên Kha sáng tác những năm 70 kể lại câu chuyện trong Tin Mừng Luca hôm nay: “Gia Kêu ơ lùn! Người đâu mà lùn thế ! không thấy Chúa đi qua, ông liền leo lên cây. Nhưng kìa Chúa đã thấy, Chúa vào thăm nhà ông. Gia Kêu ơ lùn!” Bài hát cho các thiếu nhi nhớ đến chuyện Chúa vào thăm nhà ông Gia Kêu, một người trưởng thu thuế, giàu có. Ông bị thiên hạ coi là người tội lỗi vì làm việc cho người La Mã, tức là làm tay sai cho ngọai bang. Ông lại là người đứng đầu nên hẳn có quyền bắt hoặc tha, thu nhiều hơn số thuế phải thu, hay thu mà lấy làm của riêng. Ông giàu có do quyền hành, do bóc lột người khác? nên bị dân chúng ghét bỏ. (Bài hát ấy sau này không còn được cho hát, vì các em thiếu nhi không hiểu rõ ý nghĩa, nên hay hát để chọc cười những người thấp bé). Trở lại chuyện trong Tin Mừng. Ông Gia Kêu nghe nói về Chúa Giêsu, và bước đầu, muốn tìm xem cho biết Người là ai? Thái độ ban đầu của ông kể là thiện chí: Ông ”chạy tới phía trước“, ”leo lên một cây sung“. Còn Chúa Giêsu, hẳn Người biết ông nghĩ gì? Người sẽ làm gì đối với ông. Chúa” ngước mắt nhìn và nói với ông: Này ông Gia Kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông“.
Lạy Chúa,
Ai trong chúng con đây, khi ngưỡng mộ một người nào đó đang được bao người khác tôn vinh, cụ thể một vị Giám mục, một vị Hồng Y hay một vị lãnh tụ trần thế. Khi vị đó nhận ra bản thân mình trong đám đông chào đón, được nhắc đến tên, đựơc gọi đến và ngỏ ý vào nhà thăm cho biết. Ôi hạnh phúc biết bao! Đối với ông Gia Kêu, người hẳn đã từng nghe biết Đức Kytô, vị Thầy dạy trong dân ISRAEL, được dân chúng tung hô, chào đón. Ông chỉ dám nhìn Chúa từ xa vì biết mình ”không có cửa” được Người ngó đến. Ngược lại, Chúa lại biết rõ tên, cả việc làm của ông. Người không ngỏanh mặt đi, không la rầy ông, không phiền trách ông, thậm chí không tỏ lòng thương hại mà khuyên răn ông đôi điều. Chúa sẵn sàng đến với ông, vào tận nhà của ông. Chúa không hề nhớ đến những lỗi lầm của ông gây ra, cũng không e ngại những lời xầm xì “Nhà người tội lỗi mà Ông ấy cũng vào trọ“ của dân chúng, của những người sống bên cạnh ông, biết rõ về con người của ông. Gia Kêu đã được một ơn lạ, ông cảm thấy như được chữa lành một cơn bệnh hằng giây, hằng phút, hằng giờ đè nặng trên ông. Đó là thành kiến, đó là sự khinh rẻ, sự xa lánh của đồng bào, đồng lọai. Đức Kitô, đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến, không hề kết án nhưng rộng lòng thương xót. Đấng coi ông cũng xứng đáng được hưởng ơn cứu độ, Đấng nhận ông cũng là ”con cháu của tổ phụ Abraham” mà bấy lâu nay ông tự coi như mình bị lọai trừ. Ông đã mừng rỡ đón rước và thưa cùng Chúa: ”Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đọat của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn “. Chính từ lòng thương xót của Chúa, sự bao dung của Người, khiến ông đã trở nên một con người mới. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này“.
Lạy Chúa!
Thật hạnh phúc cho con cái Chúa nơi trần gian. Con nhận ra được lòng Chúa thật bao la. Người sẵn sàng đi đến, sẵn sàng ngước nhìn, sẵn sàng mời gọi và sẵn sàng vào cư ngụ trong mỗi căn nhà, mỗi gia đình, mỗi tâm hồn cụ thể của con cái Chúa, bất kể con người ấy như thế nào, tội lỗi, xấu xa ra sao. Chúa chỉ mong muốn chúng con trở về, đón nhận tình yêu thương, đón nhận ơn cứu độ vì “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất“.
Xin cho con học được nơi Chúa lòng bao dung rộng mở, không phê phán, lên án, óan trách người khác. Biết gần gũi, tạo tình thương mến đối với nhau trong cuộc sống này. Xin cho con biết mạnh dạn, can đảm như Gia Kêu, dám từ bỏ những gì mình có: lợi lộc, của cải, sở thích, quyền lực và những đam mê bất chính, đền trả những gì gây thiệt hại cho người khác, để bước theo Chúa, hầu được đón nhận ơn Cứu độ Chúa đem lại cho chúng con. AMEN.
Fx Đỗ Công Minh