Home / Chia Sẻ / Cô thôn

Cô thôn

 

Co-ThonCô thôn là ngôi làng nhỏ, hẻo lánh, trơ trọi một mình, tĩnh lặng, mặc vẻ cô đơn. Danh từ “cô thôn” gợi cảm giác của một “khoảng buồn” nào đó. Trong thi phẩm “Cảnh Chiều Hôm” – bài thơ Đường (thất ngôn, bát cú), nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan đã khéo léo lồng vào vẻ quạnh hiu và lặng lẽ của buổi chiều ở miền quê. Bà mô tả:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn

Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn

Gác mái, ngư ông về viễn phố

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn

Trong đó có những âm thanh và những hình ảnh quê hương phảng phất nỗi nhớ nhà bâng khuâng, thâm trầm, xa vắng,… Có lẽ ai đã từng sinh trưởng ở miền quê nghèo, rồi vì sinh kế mà phải xa nhà, thì mới khả dĩ cảm nhận được nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, xóm giềng,… Miền quê rất kỳ lạ, thôn dã tĩnh lặng nhưng tình người luôn như biển động, thắm thiết tình làng, nghĩa xóm. Cái tĩnh động đó khó quên được, nhất là vào lúc hoàng hôn, chất thi vị như ùa tràn, ngồn ngộn cả khoảng trời quê, khó tả…

Cô thôn luôn mặc vẻ trầm buồn, nhưng mỗi nỗi buồn đều khác nhau, với mức độ khác nhau, chiều sâu và chiều rộng cũng khác nhau,…

Có một “ngôi làng” rất đặc biệt, loại “cô thôn” đặc biệt nhất trong các làng mạc có nét gì đó “khác lạ”. Dù ở những nơi hẻo lánh nhất, cô thôn cũng vẫn có sức sống và ít nhiều hoạt động. Riêng “ngôi làng đặc biệt” muốn nói ở đây lại khác hẳn. Mỗi người ở riêng một nhà, không ai ở với ai, không ai nói gì với ai, không gian tĩnh lặng như tờ suốt ngày suốt đêm. Tại “cô thôn” này, người ta như những người ngủ mơ, không bon chen, không so đo, không hờn giận, không chê trách nhau, không thù hận,… Vào những ngày đặc biệt, khói tỏa nghi ngút, nhìn rất lạ!

Bạn đã từng nhiều lần đến thăm “cô thôn” đó. Bạn biết “cô thôn” đó là gì và ở đâu?

Vâng, “ngôi làng hẻo lánh” đặc biệt đó vừa lạ vừa quen, có tên là Nghĩa Trang [cũng gọi là Nghĩa Địa, đôi khi còn gọi là “bãi tha ma”. Anh ngữ: Cemetery, Pháp ngữ: Cimetière]. Từ này có xuất xứ từ Hy ngữ là κοιμητήριον, nghĩa là “nơi an nghỉ”. Tại đây, chúng ta thấy có dấu hiệu riêng là Thánh Giá và ba chữ viết tắt: R.I.P. (Requiescat in Pace – Xin hãy nghỉ yên). Đó là Miền Tĩnh Lặng, là Cõi Tịch Liêu rất đặc trưng!

Dọc ngang “cô thôn” Nghĩa Trang có những “căn nhà nhỏ” (ngôi mộ – ngày nay thường được làm giống nhau về cả hình thức lẫn kích cỡ, nói lên “sự bình đẳng”). Những con người đang nằm yên nơi đó, đủ lứa tuổi, đủ trình độ, đủ giai cấp. Họ cũng đã một thời cùng sinh hoạt, cùng ăn uống, cùng ngủ nghỉ,… với chúng ta, nhưng giờ đây, họ hoàn toàn bất động. Tất cả đều im lặng, không gian hoang vu, chỉ có tiếng gió reo đùa với cỏ cây, đêm về có côn trùng hòa điệu ru buồn…

Cuộc đời ngắn hay dài thì cũng trong khoảng trăm năm, giờ đây chỉ còn “một nấm cỏ khâu xanh rì” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), gom lại một “bia đá”, với vài chi tiết: Tên thánh, họ tên, ngày sinh, ngày mất. Chỉ thế thôi! Với ai cũng bấy nhiêu, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù cao hay thấp, dù giỏi hay dốt. Và theo thời gian, tất cả sẽ đi vào quên lãng! Theo tục lệ người Việt là “mãn tang”, khép lại khoảng ba năm.

Với người không có niềm tin tôn giáo, đặc biệt là đức tin Công giáo, như vậy là hết. Chó chết thì hết chuyện. Nhưng với người có niềm tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết và đã phục sinh khải hoàn, “cửa tử” là ngưỡng cửa bước vào sự sống đời đời. Tử thần hoàn toàn “bó tay” và phải tâm phục khẩu phục khi Đức Kitô bất ngờ sống lại.

Những người “cư ngụ” tại “cô thôn” Nghĩa Trang đang chờ ngày được sống lại: “Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:39). Thiên Chúa muốn như thế, nhưng Ngài cũng cảnh báo: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 20:16; Mt 22:14). Và rồi chúng ta cũng vậy, kẻ trước, người sau. Nhưng thật hạnh phúc khi chúng ta vững tin cậy vào Thiên Chúa, vì nếu chúng ta “cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ được cùng sống lại với Ngài” (Rm 6:8). Đó là điều chắc chắn. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh chân nhận: “Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (Tv 16:10). Chính “cô thôn” đó sẽ trở thành “lạc viên”, và những thân xác nằm ở đó sẽ được về Miền Cực Lạc là Thiên Quốc.

Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lạicùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2:4-6).

Thiên Chúa là tình yêu, nhưng Thiên Chúa cũng vô cùng công bình và rạch ròi: “Nợ máu Chúa không tha, nhưng hãy còn nhớ mãi, tiếng những người nghèo khổ, Chúa chẳng quên bao giờ” (Tv 9:13). Có thể chúng ta không may mắn được chứng kiến giờ Chúa Giêsu quang lâm – tận thế, nhưng chắc chắn ai cũng có ngày tận thế riêng: Lúc chết. Tuy nhiên, chúng ta đừng nghe bất cứ ai hoặc bất cứ lời đồn thổi nào, chính Chúa Giêsu đã nói rõ về ngày Ngài quang lâm: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. Còn về ngàygiờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24:35-36; xem thêm Mc 13:33 và Lc 17:26-30, 35-36).

Ai chết trong lúc còn mắc tội nhẹ (khinh tội), không phải sa Hỏa Ngục nhưng phải vào Luyện Ngục một thời gian để chịu thanh luyện bằng lửa, chờ passport hoặc visa vào Nước Trời. Đó chính là các linh hồn nơi Luyện Hình, thuộc Giáo hội Đau khổ. Hiện nay, họ không còn làm được gì để tự cứu mình, vì thế họ rất cần chúng ta – các sinh linh còn tại thế – giúp họ rút ngắn thời gian thanh luyện, nhờ đó mà họ sớm được hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa muôn đời.

Khoảng buồn sầu và đau khổ luôn dài hơn khoảng vui mừng và hạnh phúc. Chúng ta thường nghe nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Tương tự, Thánh Vịnh cũng nói: “Một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 84 11).

Các linh hồn nơi Luyện Hình khao khát Chúa hơn chúng ta hiện nay, vì các linh hồn đã biết thế nào là đau khổ khi phải xa cách Chúa. Thánh Vịnh đã cầu nguyện thay các linh hồn: “Xin rủ lòng thương con, lạy Chúa, xin kéo con lên khỏi ngục tử thần, để con dâng muôn lời ca tụng Chúa” (Tv 9:14-15a). Chúng ta hãy cầu thay nguyện giúp vì yêu mến các linh hồn, và cũng chính là cầu xin cho chính mình: “Xin đưa con ra khỏi chốn ngục tù, để con cảm tạ danh thánh Chúa” (Tv 142:8).

Thánh Gióp đã từng khiêm nhường thưa với Thiên Chúa: “Con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài? Con sẽ đưa tay lên che miệng. Đã nói một lần rồi, con không lặp lại nữa, có nói lần thứ hai, cũng chẳng thêm được gì!” (G 40:4-5). Chúng ta chẳng là gì, nhưng chúng ta được Thiên Chúa nhận làm con cái, Ngài muốn chúng ta cầu xin để chính chúng ta được lợi ích. Ngài biết hết, nhưng Ngài muốn chúng ta xin Ngài để chứng tỏ chúng ta yêu mến Ngài: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139:1-5).

Không ngừng cầu xin cho các linh hồn và cầu xin cho chính mình, đó là điều cần thiết, đồng thời chúng ta PHẢI biết kết hợp với Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô để mọi động thái hy sinh của chúng ta mới có giá trị. Thánh Phaolô đã cho biết: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2:11-13).

Lời cầu nguyện thật kỳ lạ, là “sức mạnh” của con người khiến Thiên Chúa “mềm lòng”. Lời cầu nguyện có tác dụng và giá trị cao, hiệu quả không chỉ cho chính mình mà còn hiệu quả cả khi chúng ta cầu xin cho người khác – người sống và người chết. Thời Cựu Ước, ông Tô-bít đã khuyên con trai Tô-bi-a: “Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Tùy con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít. Như thế là con tích trữ một vốn liếng vững chắc cho những ngày gian nan. Thật vậy, việc bố thí cứu cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm ty. Vì trước nhan Đấng Tối Cao, của bố thí là một lễ vật quý giá cho những ai làm việc bố thí” (Tb 4:7-11).

Sự thật là thế, vì Thiên Chúa hằng hữu chứ không phải một vị thần do con người tạo ra như người ta lầm tưởng. Năm 1964, Nga phóng phi thuyền lên mặt trăng và đem theo các phi hành gia để khám phá hành tinh mệnh danh là Chị Hằng. Khi trở về trái đất, một phi hành gia tuyên bố: “Tôi chẳng thấy Chúa nào cả!”. Đúng là tư tưởng vô thần, luôn cố chấp và kiêu ngạo. Có lẽ họ tưởng Thiên Chúa là một vị thần có thể nhìn thấy và sờ được, có thể định vị ở chỗ này hoặc chỗ nọ theo dạng phần mềm “định vị toàn cầu” chăng? (sic!). Khoa học tiến bộ là điều tốt, nhưng khoa học đức tin có tiến bộ hay không?

Thiên Chúa là Chúa của các chúa, Vua của các vua, Thần của các thần. Ngài có tất cả, nhưng Ngài chấp nhận vô sản vì yêu: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người KHÔNG có chỗ tựa đầu” (Mt 8:20; Lc 9:58).

Các linh hồn cũng đã cả đời tin vào Đức Kitô, nhưng giờ đây, họ chưa được diện kiến Thánh Nhan Thiên Chúa, đang chịu thanh luyện trong “Lửa của các loại lửa”, họ chịu đau khổ tột cùng vì phải xa cách Thiên Chúa, họ ở một nơi còn hơn là “cô thôn”, vì đó là “vũng lầy đau khổ”, và chắc chắn họ “nhớ nhà” lắm. Vì mối quan hệ yêu thương trong tình liên đới của Nhiệm Thể Đức Kitô, chúng ta hãy hy sinh và cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là trong Tháng Mười Một này.

Lạy Thiên Chúa nhân từ, xin xót thương tha thứ cho các linh hồn được yên nghỉ trong Tình Chúa muôn đời. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu, vì Máu Thánh cứu độ của Đức Kitô, vì Nước Mắt của Đức Maria, xin thương xót các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mùa Tưởng Niệm – 2014

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …