Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật VIII Thường Niên này dâng hiến sự ân cần săn sóc của Thiên Chúa.
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Is 49,14-15
Qua vị ngôn sứ của Người, Thiên Chúa khẳng định cho dân Người rằng sự ân cần săn sóc của Người đối với họ thì sâu thẳm và không hề mai một, còn hơn tấm lòng của mẹ hiền đối với đứa con thơ bé bỏng của bà.
Mt 6,24-34
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su miêu tả sự ân cần săn sóc của Thiên Chúa như tấm lòng của người cha quan tâm đến những nhu cầu của con cái mình, và đặc biệt hơn nữa đối với những ai đặt quyền ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời. Ngài đòi hỏi con người phải nên hoàn thiện như là điều kiện tiên quyết.
1 Cr 4,1-5
Bài đọc 2, trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô như lời kết luận, không cho thấy những mối liên hệ với hai Bài đọc kia. Thánh Phao-lô công bố rằng thánh nhân thực hiện sứ mạng của mình như một người quản lý trung tín của những mầu nhiệm Thiên Chúa. Về phẩm chất sứ điệp của thánh nhân, các tín hữu Cô-rin-tô không cần phải tranh cãi, bởi vì Thiên Chúa là vị Thẩm Phán duy nhất.
Gợi ý Bài giảng
Bản văn Tin Mừng này còn thuộc vào “Bài Giảng Trên Núi”, ở đó thánh Mát-thêu đã quy tụ những lời dạy khác nhau của Đức Giê-su. Cung giọng của đoạn văn này gần với văn chương minh triết của Cựu Ước, ở đó những châm ngôn, thành ngữ, dụ ngôn quen thuộc, hình ảnh thi vị, tô điểm những lời khuyên xử thế thực hành. Nhưng bên kia sự giống nhau này xuất hiện một ghi nhận mới, siêu việt: Bài diễn từ tuôn đổ vào Mặc Khải của Chúa Cha và sự ân cần chăm lo vô hạn của Người đối với muôn loài thụ tạo. Đức Giê-su vừa mới dạy cho các Tông Đồ Kinh Lạy Cha và Ngài vừa mới đòi hỏi các ông phải có đức ái không giới hạn theo mẫu gương tấm lòng yêu thương của Cha trên trời. Giờ đây, Đức Giê-su tiếp tục khi gợi lên đại gia đình yêu thương, đó là tấm lòng phụ tử của Đấng đã sáng tạo hoa đồng cỏ nội, chim trời và con người. Đây là một trong những trang Tin Mừng rất đẹp về tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
1. Không ai có thể làm tôi hai chủ:
Trước tiên Đức Giê-su nhắc lại yêu sách mà Ngài đã phát biểu từ Mối Phúc đầu tiên: tinh thần siêu thoát khỏi những của cải trần thế. Đức Giê-su dựa trên câu châm ngôn thịnh hành: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” mà Ngài áp dụng một cách đặc biệt khi đối lập giữa Thiên Chúa và tiền bạc. Bản văn Hy Lạp đã gìn giữ từ A-ram “mammon”, nghĩa là “thần tài”. Chắc chắn Đức Giê-su đã muốn nhân cách hóa tiền bạc để chỉ nó như một ông chủ.
Việc tôn thờ tiền bạc không xứng hợp với việc phụng sự Thiên Chúa. Đức Giê-su đã nói trước đó: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (6,21). Bởi lẽ Thiên Chúa muốn trọn vẹn lòng mến của con người dành cho Người. Việc từ chối của cải là điều kiện tiên quyết tất yếu cho sự hiến dâng này mà Thiên Chúa đòi hỏi từ họ.
2. Đừng lo lắng thái quá:
Trong khi khai triển cuộc đời phó thác này, Đức Giê-su định vị nỗi lo lắng của người Ki-tô vào những nỗi âu lo về cuộc sống vật chất. Ngài không đòi hỏi phải từ bỏ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nhưng đừng có bận lòng thái quá. Những môn đệ Ngài sẽ có kinh nghiệm về lời khuyên này. Vào lúc tham dự Tiệc Ly với các môn đệ, Đức Giê-su đã nhắc lại cho họ điều đó: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?”. Các ông đáp: “Thưa không” (Lc 22,35). Cũng vậy, cô Mác-ta lo toan nhiều việc để đón tiếp Ngài cho thật chu đáo, trong khi cô em Ma-ri-a ngồi dưới chân Chúa lắng nghe Lời Ngài. Đức Giê-su khen ngợi cô Ma-ri-a là chọn phần tốt nhất.
Đức Giê-su thiết lập thứ bậc của những nỗi bận lòng. Vào thời Thiên Sai, nỗi bận lòng ưu tiên là của cải tinh thần.
3. Tin tưởng vào ơn Quan Phòng của Thiên Chúa:
Sự ân cần chăm lo của Đấng Tạo Hóa đối với các loài thụ tạo của mình thuộc đề tài Kinh Thánh, được khẳng định trong nhiều bản văn. Các Thánh Vịnh hát ca: “Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa đợi chờ Ngài đến bữa ăn” (Tv 104,27; 145,15; 136,25; 147,9). Trong số những loài thụ tạo khiêm hạ nhất, Đức Giê-su đưa ra hai ví dụ: chim trời và hoa huệ. “Hoa huệ” mà Đức Giê-su nói đến ở đây chỉ “hoa đồng cỏ nội”. Vào mùa hè, sau một trận mưa, trên những triền đồi miền Ga-li-lê nở rộ những hoa đồng cỏ nội này được các nông dân Ga-li-lê thu lượm lại, không chỉ để làm cỏ khô nuôi gia súc, nhưng để làm chất đốt để đốt lò nướng bánh.
Đức Giê-su điểm xuyết những dụ ngôn của Ngài bằng chi tiết cụ thể: từ chim trời chẳng có giá trị gì và hoa đồng cỏ nội “nay còn mai mất”, Đức Giê-su đề cập đến phẩm chất cao quý của con người. Đây là yếu tố thứ hai mà các môn đệ Đức Ki-tô phải đặt trọn niềm tin tưởng của mình vào ơn Quan Phòng của Thiên Chúa. Con người là một loài thụ tạo cao vời khôn sánh đối với chim trời hay hoa đồng cỏ nội. Ý thức về sự cao cả của mình phải cho phép người Ki-tô hữu có một thái độ hoàn toàn khác với thái độ dân ngoại. Nếu họ tin vào Thiên Chúa, họ sẽ được hưởng những quan tâm của Cha trên trời. Nhưng tiên vàn phải tin vào Thiên Chúa. Tất cả vấn đề là ở đó.
4. Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người:
“Trươc hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”: Từ “công chính”phải được hiểu theo nghĩa Kinh Thánh: “sự thánh thiện”. Tìm kiếm sự công chính, tức là nổ lực nên thánh bằng cách thực thi thánh ý Thiên Chúa. “Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, tức là những nhu cầu vật chất mà Đức Giê-su vừa mới đề cập ở trên: thức ăn, áo mặc, đây là những nguyên do lo lắng của dân ngoại, nhưng không của con cái Thiên Chúa. Đức Giê-su không hứa với “những người công chính” là Thiên Chúa sẽ ban cho họ dư đầy của cải trần thế, nhưng đơn giản là đảm bảo cho họ nhu cầu cần thiết hằng ngày. Cũng vậy, như trong lời kinh mà Đức Giê-su vừa mới dạy: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.
“Anh em đừng lo lắng về ngày mai”: Đừng bận lòng ngày mai là một thái độ tin tưởng và là một sự biểu lộ tinh thần nghèo khó.