Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG , NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG , NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

 

 

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM C

Phép Rửa trong Thánh Thầncn3vnamC

(Lc 3,10-18)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả về Đức Giêsu (15-16)

Theo lời chứng của vị Tẩy Giả, Đức Giêsu không những là “Đấng đang đến”, mà còn là “Đấng mạnh hơn”; Người như là một nhà cải cách đầy lửa, tương tự ngôn sứ Elia. Gioan đã so sánh phẩm giá hai nhân vật mà dân chúng có thể lầm: bản thân ông và Đức Giêsu. Ông còn bất xứng hơn một tên nô lệ trong việc phục vụ chủ. Giữa Phép Rửa ông thực hiện và Phép Rửa của Đức Giêsu cũng thế: Phép Rửa của ông chỉ là một Phép Rửa trong nước, là một nghi thức tượng trưng để giúp diễn tả các tâm tình thống hối; còn Phép Rửa của Đấng Messia là một cuộc tuôn đổ Thánh Thần, có khi chẳng cần rửa bằng nước; và ngay khi nghi thức bên ngoài là một việc rửa bằng nước (Phép Rửa Kitô giáo), thì cũng vẫn là bên trong tâm hồn mà Thánh Thần đi sâu vào như lửa.

2.Gợi ý suy niệm

2.1. Một ngày nào đó, Đức Giêsu “sẽ ban Phép Rửa trong Thánh Thần và lửa”. Nhưng trong khi chờ đời, Người phải hạ mình xuống nhận Phép Rửa bằng nước của ông Gioan Tẩy Giả. Mọi cuộc sống Kitô hữu cũng phải đi qua mầu nhiệm Vượt Qua. Mọi cuộc sống Kitô hữu cũng là hạ mình và tôn vinh. Hạ mình qua việc vui vẻ yêu thương chấp nhận phục vụ kẻ khác. Hạ mình trong tình trạng vô danh và nhàm chán của cuộc sống thường nhật theo gương Đức Giêsu sống tại Nazareth. Hạ mình trong cuộc chiến đấu bền bỉ chống lại tính ích kỷ tự nhiên, những khuynh hướng muốn thống trị anh chị em, ước muốn tiện nghi và xa hoa để sống lười biếng và huênh hoang.

2.2.Nếu chúng ta sống trung thành nếp sống con cái, ngày nào đó chúng ta sẽ được nghe Chúa Cha tuyên bố: “con là con của Cha”. Rồi Ngài sẽ đưa chúng ta vào trong cuộc sống vinh quang thâm sâu của Ngài; còn trong lúc này, Ngài sẽ ban niềm an ủi, ánh sáng, đủ mọi thứ ân huệ cho chúng ta.

2.3.Vào lúc Đức Giêsu chịu Phép Rửa, trời đã mở ra: giữa con người và Thiên Chúa, lại có thể có quan hệ thân tình. Cái hàng rào giữa Thiên Chúa và chúng ta, đã được dựng lên do tội lỗi của loài người, nay được vĩnh viễn hủy bỏ, bởi vì bây giờ có một người đang thường xuyên diện đối diện với Thiên Chúa. Trời đã đóng lại vì tội lỗi, nay lại mở ra để Thần Khí đi xuống trên một con người có khả năng đón nhận Ngài trọn vẹn. Kể từ nay, qua con người danh hiệu là Giêsu này, mọi người lại đi tới được với Chúa Cha.

2.4.Chính là trong khi cầu nguyện mà Đức Giêsu nhận được lời chứng của Chúa Cha và sự tỏ hiện của Thánh Thần. Đối với chúng ta cũng vậy, cầu nguyện là khoảnh khắc ưu tuyển để gặp được Chúa Cha và nhận được dồi dào hơn nữa các ân huệ của Thánh Thần.

2.5.Qua Bí Tích Thánh Tẩy và với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta được biết chắc chắn là Thiên Chúa ở với chúng ta, và hoạt động trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta được ơn Chúa Thánh Thần dẫn dắt để loan báo cho người khác, nhất là với những người bé mọn nhất trong xã hội, là họ cũng là “con yêu dấu” của Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ loan báo bằng môi miệng, nhưng qua việc làm nữa. Đối với những người chịu đau khổ, lời nói bằng môi miệng không đủ để an ủi họ, mà phải giúp đỡ họ qua cơn đau khổ (Siciliano).[1]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện bên giòng sông Giođan, dân chúng rất phấn khởi. Gioan bắt đầu sứ mạng của ông tại một địa điểm không xa Biển Chết. Đó là tụ điểm của những đoàn hành hương và các du khách từ khắp nơi trên thế giới đến. Đó là một nơi tuyệt hảo để mọi người gặp gỡ nhau và trao đổi những tin tức thế giới. Vì thế đó là một nơi lý tưởng để Gioan Tẩy Giã bắt đầu rao giảng và làm Phép Rửa. Sứ điệp Gioan rất đơn giản và rõ ràng: “hãy từ bỏ tội lỗi … hãy dọn đường cho Chúa đến, hãy làm một lối thật thẳng để Người đi” (Lc. 3, 3-4)
Chẳng mấy chốc, tin tức về hoạt động của Gioan Tẩy Giả đã đến tai những nhà lãnh tôn giáo ở Giêrusalem. Vì thế họ cử một phái đoàn gồm các tư tế và các thầy Lêvi đến gặp Gioan để biết rõ ông là ai?

Anh chị em thân mến

Dân Do Thái đã trông chờ, cho đến ngày nay vẫn đang trông chờ Đấng Mêsia. Dân Do Thái tin rằng họ là dân được tuyển chọn. Họ tin tưởng Thiên Chúa sẽ can thiệp để giải cứu dân Ngài.

Họ trông mong Đấng Mêsia sẽ đem đến hòa bình cho cả thế giới, chính vì thế họ mong đợi một vị tướng lãnh vô địch, sẽ cầm đầu quân đội quốc gia Do Thái đi chinh phục cả thế giới để đem hòa bình cho mọi dân tộc.

Họ tưởng Gioan là Đấng Messia, nhưng ông trả lời: “tôi không phải là Đấng Kitô”
Họ lại hỏi ông có phải là Êlia không? Dân Do Thái tin rằng, trước khi Đấng Mêsia giáng lâm, Êlia sẽ trở lại để loan báo trước, và chuẩn bị cho thế gian tiếp đón Ngài. Đặc biệt Êlia đến để dàn xếp mọi bất hòa; ông sẽ định những gì, những ai là thanh sạch hay không thanh sạch. Ông sẽ phân chia đâu là người Do Thái, đâu là người ngoại; ông sẽ đem lại đoàn kết, hòa thuận cho các gia đình từng xa lạ với nhau. Họ tin tưởng điều đó đến nỗi luật xưa của dân Do Thái ghi rằng số tiền bạc và của cải đang tranh chấp, hoặc bất cứ tài sản nào bị xem là vô chủ đều phải “chờ cho đến chừng nào Êlia đến”.

Nhưng Gioan Tẩy Giả đã phủ nhận vinh dự đó.

Vậy ông là ai?

“Tôi chẳng là ai cả, tôi chỉ là tiếng kêu gọi các ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng đợi nhà vua đến”.
Vậy ông lấy quyền gì mà làm Phép Rửa?

Ông trả lời: “về phần tôi, tôi làm Phép Rửa bằng nước, nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết, tôi chẳng đáng cởi dây giày cho Ngài”.

Một ngạn ngữ của các rabbi bảo rằng môn đệ có thể làm cho thầy mình bất cứ việc gì, ngoại trừ việc “cởi dây giày”. Việc đó quá hèn hạ ngay cả đối với một đầy tớ. Dù vậy, Gioan Tẩy Giả muốn nói rằng: “với Đấng đang đến thì cả việc cởi dây giày cho Ngài tôi cũng không xứng đáng”. Gioan Tẩy Giả là con người “khiêm tốn xóa bỏ đời mình trước Đấng ông loan báo”.

Gioan Tẩy Giả, đó là chứng nhân đúng nghĩa nhất. Ông chỉ hiện diện nhằm quy chiếu về một Đấng khác. Ông từ chối tước hiệu Kitô (Ga 1,20). Ông mong ước được “biến đi” để Người “lớn lên” (Ga 3,30). Ông không phải là ánh Sáng, nhưng chỉ là một cây đèn nhỏ đốt sáng trong đêm tối (Ga 5,35). Ông chỉ là bạn hữu của chàng rể, đứng xa xa, bị xóa mờ (Ga 3,29). Ông đã hết sức hoàn tất “tác vụ” của mình, bằng cách tự đình chỉ công việc của mình để làm lợi ích cho Đức Giêsu, bằng cách chuyển giao các môn đệ của mình cho Đức Giêsu” (Ga 1,35-39). Cuối cùng ông đã chết trước khi thấy vinh quang của Đấng Phục Sinh.

Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả là vai trò của người dọn đường. Bất cứ sự cao trọng nào ông có được cũng đều đến từ sự cao trọng của Đấng mà ông loan báo. Ông là tấm gương lớn về con người sẵn sàng xóa mình đi để người ta chỉ nhìn thấy Chúa Cứu Thế. Ông nhận thấy mình là ngón tay chỉ cho thiên hạ thấy Chúa Cứu Thế. Ngay cả khi thấy đám đông bỏ ngài để theo Chúa Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ của mình đã hoàn tất: Chúa phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Jn 3,30). Amen.

Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ

[1]  https://catechesis.net/lc-315-16-21-22-duc-giesu-chiu-phep-rua/

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN