Thế giới đang khát Tin Mừng Hoà Bình
SUY NIỆM KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
(Is2, 1-5; 1 Tm 2, 4 – 6; Mc 16, 15-20)
Khánh Nhật Truyền giáo lần thứ 97 được cử hành vào ngày 22/10/2023, đang lúc Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 diễn ra ở Rôma. Tại Gaza, ngày 07/10, Hamas đã châm ngòi cuộc chiến bắn hại bao người vô tội Israel. Cuộc giao tranh giữa hai bên tính đến ngày 17/10 đã khiến khoảng 4.400 người thiệt mạng, ít nhất 16.000 người bị thương, trong khi cuộc chiến do Nga khai mào tại Ucraina vẫn chưa chấm dứt. Những gì xảy ra trên thế giới cho thấy nhân loại đang khát Tin Mừng Hoà Bình.
Lòng bừng cháy và chân tiến bước
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2023 có chủ đề là: “Lòng bừng cháy“ và “chân tiến bước” (Lc, 24, 13-35), thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus. Đức Phanxicô mời gọi các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, trong tinh thần hiệp hành truyền giáo, hãy ra đi với « lòng bừng cháy » và « chân tiến bước » như hai môn đệ trên đường về Emmaüs để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô phục sinh. Ngài khẳng định : “Sự cấp thiết hoạt động truyền giáo của Giáo hội dĩ nhiên bao hàm một sự cộng tác ngày càng chặt chẽ giữa mọi phần tử trên mọi cấp độ. Ðây là mục tiêu chính yếu của hành trình Thượng Hội đồng Giám mục mà Giáo hội đang thi hành, với ba từ chủ chốt là “Hiệp thông, tham gia, sứ mạng”… Tiến trình này là lên đường như các môn đệ trên đường Emmaus, lắng nghe Chúa Phục Sinh, Ðấng luôn đến giữa chúng ta để giải thích ý nghĩa Kinh Thánh và Bẻ Bánh cho chúng ta, để chúng ta có thể thi hành sứ mạng của Chúa trong thế giới với sức mạnh của Thánh Linh”.
Ðức Thánh Cha nhấn mạnh : “Ngày nay cũng như bấy giờ, Chúa Phục Sinh ở gần các môn đệ thừa sai và tiến bước cạnh họ, nhất là khi họ cảm thấy mất hướng đi, nản chí, sợ hãi trước mầu nhiệm sự ác vây bủa và muốn bóp nghẹt họ. Vì thế, “Chúng ta đừng để mình bị cướp hy vọng!“
Tiếp đến, Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ, làm cho tâm hồn họ nồng cháy. “Chúa Giêsu là Lời Hằng Sống, Lời duy nhất có thể làm nồng cháy, soi sáng và biến đổi con tim“. Trong sứ điệp, Ðức Thánh cha nói đến hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu trong lúc Ngài Bẻ Bánh. Chúa Giêsu trong Thánh Thể là tột đỉnh và là nguồn mạch sứ mạng truyền giáo.
Ðức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng nguyên việc bẻ bánh vật chất chia sẻ với những người đói, nhân danh Chúa Kitô, đã là một hành vi truyền giáo theo tinh thần Kitô giáo. Huống chi việc Bẻ Bánh Thánh Thể, chính Chúa Kitô, càng là hoạt động truyền giáo tuyệt hảo, vì Thánh Thể chính là nguồn mạch và là tột đỉnh đời sống và sứ mạng của Giáo hội”.
Thế giới đang khát Tin Mừng Hoà Bình
« Hình ảnh « chân tiến bước » một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của missio ad gentes (sứ mạng đến với muôn dân), sứ mạng, được Chúa phục sinh trao ban cho Giáo hội, để loan báo Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay hơn bao giờ hết, nhân loại, bị tổn thương bởi quá nhiều bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng về hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Vì thế, tôi nhân cơ hội này để tái khẳng định rằng « tất cả mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng mà không loại trừ ai, không phải như người áp đặt một bổn phận mới, nhưng như người chia sẻ niềm vui, chỉ ra một chân trời tươi đẹp, mang lại một bàn tiệc đáng ước ao » (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).
Lấy hình ảnh hai môn đệ Emmaus sau khi nhận ra Chúa đã mau mắn lên đường, và hân hoan kể lại Chúa Kitô Phục Sinh, chia sẻ với những người khác niềm vui được gặp Chúa áp dụng với thế giới hôm nay, Ðức Thánh cha khẳng định rằng: “Hình ảnh “Những bước chân đi” một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị ngàn đời của sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại… loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận bờ cõi trái đất. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhân loại, bị thương tổn vì bao nhiêu bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần Tin mừng hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô“ (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 65 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina là “một bước thụt lùi đối với toàn thể nhân loại”. Ngài viết: “Vào chính thời điểm mà chúng ta dám hy vọng rằng những giờ phút đen tối nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi, thì một thảm họa khủng khiếp mới lại giáng xuống nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của một tai họa khác: một cuộc chiến khác, ở một mức độ nào đó giống như cuộc chiến chống lại COVID-19, nhưng được thúc đẩy bởi những quyết định đáng trách của con người… Rõ ràng, đây không phải là thời kỳ hậu COVID mà chúng ta đã hy vọng hoặc mong đợi”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý: “Mặc dù đã tìm ra vắc-xin cho COVID-19, nhưng các giải pháp phù hợp vẫn chưa được tìm thấy cho cuộc chiến” (x.PHANXICÔ, Sứ điệp Hòa Bình, 2022).
Cầu nguyện cho hòa bình
Trong tuần qua, tên lửa và bom đạn đã đánh vào dân thường, người già, trẻ em và các bà mẹ đang mang thai ở Israel và Palestin. Khát vọng hòa bình là tâm tình của hết mọi người trên toàn thế giới, không riêng Ucraina, Israel, Palestin. Bởi lẽ tất cả chúng ta cùng ở trên một con thuyền, vì thế phải cùng chèo chống để vượt qua sóng gió.
Cầu nguyện để biết nhìn cuộc chiến hiện nay bằng cặp mắt đức tin, nhận ra Chúa nơi mọi người. Nhận ra Chúa nơi đứa trẻ đã chết trong vòng tay người mẹ. Nhận ra Chúa nơi những chiến binh được gửi ra tiền tuyến. Nhận ra Chúa cả nơi người lính trang bị vũ khí nhân danh thập giá của Chúa.
Cầu nguyện là đối diện với thực tại bi thảm của chiến tranh và thúc đẩy hướng giải quyết hòa bình : “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Maria, Nữ Vương Bình An, sinh ra Chúa Giêsu là Thái Tử Hòa Bình xin Chúa Cha ban trợ giúp thế đang khát khao Tin Mừng Hoà Bình hơn bao giờ hết.
Xin lôi kéo bình an xuống cho nhân thế Mẹ ơi! Nữ Vương Bình An, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ