Home / Chia Sẻ / HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 120

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 120

BÀI 120

BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG – SỨC MẠNH CỦA LÒNG BAO DUNG

  1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô trong thư Cô-lô-sê đã khuyên các tín hữu như sau : “Anh em hãy chịu đựng nhau và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13).
2. CÂU CHUYỆN : VỀ LÒNG ĐỘ LƯỢNG BAO DUNG.Bai120

 

Người đàn ông khoảng hơn 70 tuổi, mái tóc bạc trắng, lững thững bước lại chiếc bàn dành cho đại diện hợp pháp của người bị hại. Đưa ánh mắt đau xót, khắc khoải nhìn bị cáo đang cúi gằm mặt trước vành móng ngựa một hồi lâu, rồi ông cất giọng chậm rãi : “Ngày con tôi chết, tôi bồng con trên tay, điếng người”. Cả phòng xử im lặng lắng nghe. Không gian như ngưng đọng. Tôi có cảm giác Nguyễn Thế Năng (SN 1979) đang gồng mình chờ đợi, một cách cam chịu, những lời lẽ trách cứ đầy oán giận từ người cha của nạn nhân. Hít một hơi thở thật sâu, ông nói tiếp : “Hôm nay tôi đến đây để xin tha tội chết cho Năng. Tôi không muốn có thêm một người cha, người mẹ phải đau khổ khi chứng kiến cái chết của con trai mình”. Nhiều tiếng thì thầm từ phía bạn bè, người thân của Năng. ông Minh  nói tiếp : “Vì tình thương yêu đối với con, tôi không bao giờ tha thứ cho kẻ đã giết con gái mình. Nhưng một lần nói chuyện với mẹ Năng qua điện thoại, bà ấy nói : “Không có người mẹ nào có thể chịu được hình ảnh người ta cột con mình vào một cái cây để bắn. Như thế, thà tôi chết trước còn hơn”. Vậy là tôi quyết định, dù điều đó thật không dễ đối với tình cảm của tôi cùng sự phản đối của gia đình”.

Đứng trước Tòa Phúc thẩm Tối cao, Năng không nói gì nhiều để biện minh cho hành vi tàn nhẫn của mình. Lời nói sau cùng, Năng xin lỗi gia đình nạn nhân, cám ơn những người đã vì Năng mà chịu nhiều đau khổ, vất vả. Trong trường hợp không được khoan hồng, Năng xin hiến toàn bộ nội tạng cho ngành y và bộ xương cho Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM. Nghe Năng nói, nhiều người bạn của Năng đã bật khóc. Cuối cùng, Năng đã hồi phục trở lại với con người thật của mình : Yêu nghề, yêu trường và sống vì người khác.

Từ Khánh Hòa vào học ở Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM, Năng là một sinh viên có tài và chịu khó học hỏi. Vừa ra trường, Năng được nhận vào làm việc cho một hãng phim tư nhân với mức lương cao. Tuy nhiên, trong tình yêu, Năng lại rất cố chấp. Gặp và yêu Ánh Hằng – một cô gái duyên dáng, tài năng, học sau Năng hai khóa. Nưng chỉ sau một thời gian quen biết, quan hệ của họ bị rạn nứt. Hằng chỉ còn xem Năng như một người bạn, nhưng Năng vẫn hy vọng và chờ đợi. Trong một lần đưa Hằng về nhà trọ, Năng đã gặp bạn trai mới của Hằng. Hôm sau, Năng hẹn Hằng cùng bạn trai tổ chức bữa tiệc chia tay tại phòng của Hằng. Được một lúc, Năng yêu cầu bạn của Hằng về trước để Năng giải quyết dứt khoát chuyện tình cảm với Hằng và sau đó bi kịch xảy ra.

Cuối cùng, Hội Đồng Xét Xử cũng chấp nhận kháng cáo của Năng, tuyên phạt án chung thân. Năng sẽ tiếp tục được sống để sửa chữa sai lầm và để có cơ hội cống hiến tài năng cho nghệ thuật. Nghe xong bản án, ông Minh vội vã ra bãi gửi xe về nhà.

  1. SUY NIỆM :

Bài viết đã có tiếng vang rất lớn trong dư luận và đã có nhiều ý kiến phản hồi về lòng khoan dung độ lượng của vợ chồng ông Minh. Sau đây là vài ý tiêu biểu :

– Qua hành động ấy, ông Minh đã gửi đến mọi người về lòng khoan dung – “một bài học mà tôi tin rằng không một hung thủ nào hoặc sát thủ nào lại không thấm thía, và cũng gửi đến những người chứa đầy lòng căm thù như tôi một bài học cao cả nhưng lại rất khó thực hành”.

– Một người khác là thì ước mong : “Giá cuộc sống có thêm nhiều người biết “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” như bác Minh thì có lẽ sẽ không còn nhiều cái chết đau thương oan ức xảy ra”.

– Tóm lại : Câu chuyện về Lòng Độ Lượng của ông Minh hết sức đặc biệt và hiếm hoi trong xã hội ngày nay. Khi mà nhiều người chỉ vì muốn tranh giành hơn thua, đã đi đến chỗ sẵn sàng đâm chém đối phương; Chỉ vì một xích mích nhỏ trong cuộc sống hay do một sự va quẹt nhẹ khi bị kẹt xe.

Câu chuyện của ông N.V.M tương tự như câu chuyện của Thánh Giáo Hòang Gio-an Phao-lô Đệ Nhị bị ám sát cách đây 40 năm như sau :

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Giáo Hòang GIO-AN PHAO-LÔ II đã bị một tên khủng bố người Thổ nhĩ Kỳ, tên là ALI AGCA MEHMET ám sát bằng ba phát súng lục khi Ngài đang di chuyển trong quảng trường thánh Phê-rô tại Ro-ma. Nhưng rất may ngài đã được Đức Mẹ Fa-ti-ma cứu sống bằng việc “làm trật đường đi của viên đạn”. Sau đó hai năm, vào ngày 23 tháng 12 năm 1983, Đức Gio-an Phao-lô II đã đích thân vào tận nhà tù thăm tên khủng bố để nói chuyện với y và tuyên bố đã tha thứ cho hành động giết người của y.

Sau thời gian thụ án tù 19 năm tại Ý, ALI AGCA đã được phóng thích về Thổ nhĩ Kỳ. Nhưng ông ta lại bị chính quyền Thổ giam giữ thêm 10 năm vì tội nhúng tay vào vụ giết người trước đó. ALI AGCA đã được phóng thích vào ngày 18 Tháng 1 năm 2010 vừa qua và công khai tuyên bố muốn được cải đạo từ Hồi giáo sang đạo Công giáo. Anh đã được toại nguyện trong lễ rửa tội tại Va-ti-can.

  1. SINH HOẠT :

Muốn làm được cử chỉ anh hùng để tha thứ cho kẻ làm khốn mình noi gương Giáo Hòang Gio-an Phao-lô II và ông Minh trong câu chuyện trên, chúng ta cần làm gì ?

5.LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết sống giới răn yêu thương của Chúa bằng sự khoan dung tha thứ cho những kẻ làm hại chúng con, noi gương Chúa xưa đã cầu xin Chúa Cha trên cây thập giá : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

THE LIGHT OF THE WORLD

Suy niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

MỞ TỪ BÊN TRONG “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ!”. “The Light of …