Home / Chia Sẻ / HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 79

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH- Bài 79

BÀI 79

HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH –TỰ TRỌNG NHƯNG ĐỪNG TỰ ÁI

  1. LỜI CHÚA : Chúa phán : Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
  2. CÂU CHUYỆN : TRÁNH TỰ ÁI CAO KHI ĐƯỢC NHẮC BẢO.Bai79

Một bác nông dân nghèo khó, quanh năm phải làm ruộng vất vả mà vẫn chẳng đủ ăn. Một hôm bác tâm sự với mấy người bạn như sau :

“Gia đình tôi có một thằng con trai. Hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm để lấy tiền cho con ăn học lên đến hết cấp 3. Sau đó do không thi đậu được vào đại học, nên nó phải ở nhà phụ giúp gia đình lo việc đồng áng. Trong số họ hàng nhà tôi có anh con ông bác ruột đang làm giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở miền Nam, nghe biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, anh ta đã bằng lòng cho đứa em là con trai tôi vào miền Nam học việc. Thằng con tôi tính tình ham chơi nên thường bê trễ công việc, khiến ông anh giám đốc phải nhiều lần nhắc bảo. Một hôm do vi phạm kỷ luật nên nó bị anh la rầy : “Chú muốn làm việc với anh thì phải làm đàng hòang. Còn nếu không thì chú ra ngoài kiếm việc khác mà làm”. Câu nói của ông anh khiến con tôi chạm tự ái, nên ngay chiều hôm ấy, nó đã dọn đồ ra khỏi chỗ làm và đến nay đang làm phu khuân vác tại một công ty khác khổ cực”.

Khi nghe xong câu chuyện của nhà bác, mọi người trong phòng đều thở dài. Hầu như ai cũng cho rằng anh con trai của bác quyết định bỏ đi như vậy là đúng. Một người phát biểu : “Nếu là tôi, có lẽ tôi cũng không thèm ở lại chỗ của người anh giám đốc  làm gì !”. Người khác lại chêm vào : “Hắn ta đã nói như thế thì dù có các vàng tôi cũng không thèm ở lại !”….

  1. SUY NIỆM :

 

1) Phân biệt sự giống và khác nhau giữa tự trọng và tự ái cao : 

TỰ TRỌNG VỚI TỰ ÁI có vẻ giống nhau vì đối tượng nhắm tới đều là bản thân mỗi người chúng ta. Hầu như ai cũng đều muốn được người khác quý mến và tôn trọng. Nhưng tự trọng và tự ái lại hòan tòan khác nhau : 

TỰ TRỌNG là một phẩm chất tốt đẹp của một người : Luôn tôn trọng phẩm giá và nhân cách của mình. Bất cứ ai cũng cần có lòng tự trọng. Nếu để mất đi lòng tự trọng, là sẽ bị vong thân, mất luôn phẩm giá của bản thân mình.

TỰ ÁI CAOthói xấu cần loại trừ, do quá yêu bản thân và đề cao “cái tôi” của mình, nên dễ tức giận khi bị ai đó coi thường, và thường hay phản ứng lại. Người tự ái cao do kiêu ngạo nên không muốn nghe lời góp ý của người khác và luôn cảm thấy mình bị không được tôn trọng. Người tự ái cao do tính nóng nảy nên dễ gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến tranh cãi đánh lộn nhau, nếu không biết làm chủ tính nóng của mình.

Chẳng hạn : Anh con trai của bác nông dân trong câu chuyện trên do tự ái cao đã  cảm thấy chạm tự ái khi bị ông anh giám đốc quở trách, nên thay vì nhận lỗi tu sửa khuyết điểm, lại tỏ thái độ tức giận và bỏ đi làm chỗ khác. Hậu quả là bản thân phải làm phu khuân vác vất vả không tương lai, và còn đánh mất tình cảm anh em.

2) Tự trọng và tự ái tuy khác nhau nhưng lại liên quan với nhau : 

– Để giữ được lòng tự trọng thì trước tiên người ta phải biết kiềm chế tính tự ái cao, đồng thời phải khiêm tốn tiếp thu các lời khuyên bảo của người trên để ngày một hoàn thiện về nhân cách hơn.

Một người biết yêu mình và cố bảo vệ danh dự là người có lòng “tự trọng” đáng quí. Sự tự trọng sẽ giúp người ta tránh làm điều xấu để khỏi bị khinh thường và luôn làm điều tốt để được người khác tôn trọng.

  1. THẢO LUẬN : Qua câu chuyện trên, bạn sẽ làm gì để tập tính tự trọngtránh thói tự ái cao trong sinh hoạt hằng ngày và trong giao tiếp xã hội ?
  2. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết luôn ứng xử với tinh thần tự trọng để gây thiện cảm với tha nhân. Cho chúng con tránh thói tự ái cao, để khỏi gây hậu quả tai hại. Xin cho chúng con biết luôn ứng xử khiêm tốn, nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, và  quyết tâm thực hành theo châm ngôn : “Hãy tự trọng nhưng tránh tự ái”, để ngày một hoàn thiện về nhân cách, trở nên con thảo của Chúa Cha và nên chứng nhân tình yêu của Chúa trước mặt người đời.- AMEN.

 LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI ĐỌC THÊM

LÒNG TỰ TRỌNG CỦA LOÀI CHÓ

Loài chó còn biết tự trọng hơn con người – câu nói này rất đúng với những người có thói tham nhũng, vừa vơ vét tiền bạc của dân, lại vừa muốn lên mặt lãnh đạo dân. Khi một huấn luyện viên dạy chó nghiệp vụ trong quân đội được hỏi về sự thông minh của loài chó được huấn luyện đã trả lời rằng :

– Trừ chuyện không biết nói ra, loài chó không khác gì con người.

– Phải chăng câu này của anh có phần cảm tính ?

– Không đâu ! Anh nói.

Rồi anh kể một chuyện sau đây :

Trong doanh trại của tôi có một con chó cực kỳ thông minh tên là ĐEN. Để trắc nghiệm năng lực phản ứng của nó, một hôm đội huấn luyện viên dạy chó nghĩ ra một biện pháp đặc biệt. Họ chọn hơn chục người xếp thành một hàng, sau đó cử một người trong số đó bí mật vào trong doanh trại « lấy cắp » một cái áo, đem giấu đi, rồi lại trở về đứng trong hàng. Khi mọi việc đã xong xuôi, huấn luyện viên dạy chó dắt con Đen đến, bảo nó đi tìm cái áo bị mất. Con Đen chạy đi, chỉ một loáng sau đã thấy nó ngoạm cái áo bị mất mang đến. Huấn luyện viên dạy chó liền vui vẻ vỗ vỗ lên đầu nó tỏ ý khen ngợi. Rồi anh chỉ tay vào hàng người đang đứng xếp hàng kia, bảo con Đen đi tìm kẻ đã lấy cắp chiếc áo. Nó chạy đến dí mũi hít hít ngửi ngửi hết người này đến người khác, chẳng mấy chốc đã cắn quần một anh lôi ra ngoài hàng. Anh chàng này đúng là « kẻ cắp ».

Như vậy là con Đen đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thế nhưng huấn luyện viên lại một mực lắc đầu bảo nó : « Không, không phải người ấy ! Tìm lại đi ! ».

Con Đen hết sức ngạc nhiên, mắt nó ánh lên nỗi nghi hoặc, thắc mắc, vì nó tin chắc rằng mình không hề nhầm người. Nhưng mặt khác, nó cũng tuyệt đối tin tưởng vào huấn luyện viên của mình.

– “Sao lại như vậy nhỉ?” – nó nghĩ.

– “Không phải người ấy ! Hãy tìm lại đi !”. Huấn luyện viên tiếp tục bảo.

Con Đen tin lời huấn luyện viên, nên quay lại hàng người để tìm …

Nhưng sau nhiều lần thận trọng ngửi đi ngửi lại, cuối cùng nó vẫn cứ cắn quần anh kia lôi ra.« Không ! Không ! ». Huấn luyện viên lắc đầu : “Tìm lại đi!”.

Con Đen mỗi lúc một thêm nghi hoặc, đành chạy lại chỗ hàng người kia. Lần này nó đánh hơi ngửi rất lâu, để xác định ai là kẻ cắp. Sau cùng, nó đứng lại bên cạnh anh « kẻ cắp » kia rồi quay đầu nhìn huấn luyện viên, tỏ ý :

– “Làm sao lầm được nhỉ ? Tôi biết chắc người này đã lấy chiếc áo mà …”.

– “Không ! Tuyệt đối không phải người ấy !”. Huấn luyện viên lại quát to, nét mặt trở nên nghiêm nghị.

Lòng tự tin của con Đen bị vỡ tan ! Dĩ nhiên nó tin vào huấn luyện viên hơn tin vào bản thân nó. Nó không hề nghĩ rằng, huấn luyện viên có thể mang niềm tin tuyệt đối của nó vào ông ra làm trò đùa. Rốt cuộc nó bỏ kẻ cắp kia đi tìm người khác. Nhưng ai đây ? Bản năng của một con chó và khả năng đã được con người huấn luyện cho nó biết, chỉ có người đó là tên lấy cắp. Nhưng huấn luyện viên vẫn nhất định bảo không phải. Thế thì là ai đây ? …  Con chó Đen lưỡng lự … 

“Nó ở trong hàng người ấy đấy ! Mau tìm ra ngay !” Huấn luyện viên quát.

Con Đen vô cùng thất vọng chán nản. Nó dừng lại bên chân mỗi người một lúc, nhìn nhìn ngó ngó xem người đó có giống tên kẻ cắp hay không, rồi quay đầu nhìn ánh mắt của huấn luyện viên, hy vọng có thể tìm thấy chút tín hiệu hoặc biểu thị gợi ý gì đấy… của chủ. Cuối cùng, khi nó nắm bắt được một chút xíu biến đổi trong ánh mắt của huấn luyện viên, nó cắn quần người đứng bên cạnh và kéo ra. Tất nhiên, lần này thì nó đã nhầm, hay đúng hơn, nó bị bắt buộc phải nhầm.

Nhưng huấn luyện viên của nó cùng mấy người kia thì lại cười lên ha hả. Tiếng cười khiến con Đen trở nên lú lẫn. Sau cùng huấn luyện viên gọi “kẻ cắp” bước ra, rồi bảo con Đen :

Lần đầu mày đã tìm đúng rồi, nhưng mày sai ở chỗ không kiên trì bảo vệ niềm tin của mày.

Một điều khiến huấn luyện viên và mọi người có mặt lúc ấy không thể hiểu được và kinh ngạc pha lẫn ân hận, là : Khi con Đen hiểu ra chuyện vừa rồi là lừa dối, nó « ngoào » lên một tiếng vô cùng đau khổ, mắt ứa ra những giọt nước mắt nóng hổi. Sau đấy nó ủ rũ gục đầu nặng nề, thui thủi từng bước bỏ đi.

“Đen ! Đen ! Mày đi đâu thế hả ?”. Huấn luyện viên sợ hãi đuổi theo và hỏi tới tấp. Con Đen chẳng hề đoái hoài tới người đã rèn dạy nó nữa mà cứ cắm cúi bước ra khỏi doanh trại.

“Đen ! Đen ! Tao xin lỗi mày !”. Huấn luyện viên oà khóc. Nhưng con Đen chẳng hề xúc động, nó không thèm ngoái lại nhìn chủ mình.

Đen ! Đừng giận ! Tao chỉ đùa mày một tí thôi mà !”. Huấn luyện viên chạy đến ôm chặt lấy con chó, nước mắt nóng hổi từ mặt anh lã chã rơi xuống con Đen.

Con chó giãy giụa tuột ra khỏi vòng tay của huấn luyện viên, rồi nó thủng thẳng, lừ đừ từng bước đi lên quả đồi bên ngoài doanh trại, tìm một chỗ khuất gió, xoài bốn chân nằm xuống đất … Mấy ngày sau, con Đen không ăn không uống, ủ rũ chán chường. Mặc cho huấn luyện viên dỗ dành thế nào đi nữa, nó cũng nhất định không chịu tha lỗi cho anh.

Lúc bấy giờ mọi người mới hiểu ra : Dù chỉ là con chó thôi, nó cũng có lòng tự trọng. Hoặc nói đúng hơn : Nó còn có lòng tự trọng hơn một số con người ! …

Chuyện về sau ư ? Sau này con Đen không còn tin tưởng vào huấn luyện viên của nó nữa, thậm chí không tin bất cứ người nào. Đồng thời tính tình của nó cũng thay đổi hẳn, mắt không còn sáng quắc như trước, bốn chân không còn phi như bay nữa, mất hẳn dáng vẻ oai vệ dữ dằn của một con chó nghiệp vụ Cuối cùng, huấn luyện viên chẳng còn cách nào nữa, đành đau xót cho nó được giải nghệ…

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …