Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 1C MC

Chúa Giêsu bị cám dỗ

(Lc 4,1-13)

lc4113bQua đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ của ma quỷ. Điều này làm cho chúng ta nhớ đến câu truyện “Trái Cấm” trong sách Sáng Thế: tại sao hai vị nguyên tổ lại ngã gục trước sự tấn công của ma quỷ. Chúng ta truy tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

1.Chiến thuật của ma quỷ qua trình thuật “Trái Cấm”

Có lẽ không có trang Kinh Thánh nào mô tả cách rõ ràng chiến thuật của ma quỷ khi cám dỗ như trình thuật cám dỗ bà Evà. Cuộc cám dỗ này đã gây hậu quả tai hại cho toàn thể nhân loại.

– Trước hết con rắn nói với bà Evà: “có phải thực sự Thiên Chúa bảo bà không được ăn quả của bất cứ trái cây nào trong vườn không?” (St 3,1). Cho đến lúc đó, ma quỷ chưa cám dỗ nhưng cuộc đối thoại đã đưa vấn đề nằm sẵn trong tâm trí của bà Evà.

Ngày nay, nó vẫn luôn luôn dùng chiến thuật đó. Đối những người hướng chiều về những thú vui nhục dục, hoặc nghi ngờ chống lại đức tin, thì ma quỷ chỉ khêu gợi bằng những lời nói xa xôi và không cần xúi giục họ làm điều xấu. Nếu ý thức được sự nguy hiểm thì linh hồn sẽ không dừng lại trong cơn cám dỗ, nhưng sẽ hướng ý nghĩ và trí tưởng tượng tới những vấn đề khác. Khi ấy, cám dỗ gặp trở ngại và linh hồn chiến thắng dễ dàng, nhưng nếu linh hồn thiếu khôn ngoan mà đối thoại với cơn cám dỗ, thì sẽ bị sa vào bẫy. Đây là lỗi của bà Evà, bà trả lời con rắn: “chúng tôi được phép ăn quả trong vườn”, nhưng Thiên Chúa đã nói: ” các ngươi được phép ăn quả cây trong vườn, còn quả cây ở giữa vườn, các ngươi không được đụng đến kẻo các ngươi phải chết” (St 3,2-3).

– Linh hồn ý thức rằng Thiên Chúa nghiêm khắc ngăn cấm linh hồn thực hiện hành động đó, khơi dậy ước muốn đó, hoặc nuôi dưỡng tư tưởng đó. Linh hồn không muốn bất tuân lệnh Thiên Chúa, nhưng lại mất thời giờ gợi lại những bổn phận luân lý. Như vậy linh hồn đã nhường bước cho kẻ thù và bây giờ kẻ thù tập trung sức mạnh tấn công trực tiếp: “Nhưng con rắn nói với người đàn bà: “bà sẽ không chết, vì Thiên Chúa biết khi nào bà ăn nó thì mắt bà sẽ mở ra, và bà sẽ giống như Thiên Chúa, biết lành biết dữ “ (St 3,4-5).

– Tới lúc này, ma quỷ đã bày ra một tương lai đầy hấp dẫn. Tuy nhiên linh hồn vẫn có thời giờ rút lui vì ý muốn chưa ưng thuận, nhưng nếu không chấm dứt cuộc đối thoại, linh hồn sẽ có nguy cơ sa ngã. Sức mạnh dần dần suy yếu và tội được bày ra ngày càng hấp dẫn.

“Người đàn bà đã nhìn thấy trái ăn ngon, nhìn sướng mắt, và đáng thèm để được tinh khôn”. Linh hồn bắt đầu dao động và bị xáo trộn mạnh. Nó không muốn xúc phạm đến Chúa, nhưng cám dỗ hấp dẫn đến nỗi, sau đó xảy ra một cuộc chiến đấu đôi khi diễn ra trong thời gian dài. Nếu linh hồn hết sức cố gắng và nhờ ảnh hưởng của ơn hiện sủng, quyết định trung thành với nhiệm vụ mình thì sẽ chiến thắng, nhưng thường một linh hồn bị dao động đến mức đó thì sẽ bước tới liều lĩnh phạm tội. Vì thế bà đã hái lấy trái cấm mà ăn, và cũng đã trao cho ông chồng và ông đã ăn (x. St 3,6).

2.Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ

Bí quyết giúp Đức Giêsu chiến thắng không phải là khả năng thuộc lòng Kinh Thánh. Gắn bó thiết thân với Lời Chúa là tốt, nhưng ngay cả quỷ cũng có thể trích dẫn Kinh Thánh vanh vách kia mà. Không phải vốn kiến thức trổi vượt về Kinh Thánh, nhưng là mối tình thân của Đức Giêsu với Cha Người đã giúp Người nhận ra ý muốn của Thiên Chúa. Biện giải xác đáng về Kinh Thánh không là gì khác hơn mối thân tình sống động với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chiến thắng quỷ không phải do Người đã trưng dẫn Kinh Thánh như những câu thần chú, nhưng vì Người đã và đang sống mối liên hệ thân tình với Cha Trên Trời là Đấng mà Kinh Thánh tỏ bày.

Và thánh Luca còn lưu ý rằng cám dỗ chưa phải đã châm dứt trong hoang địa, vì quỷ chỉ tạm thời “bỏ đi, chờ đợi thời cơ”. Dù Satan là tác nhân của các cơn cám dỗ, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng sử dụng những cám dỗ này như cơ hội để Đức Giêsu chứng tỏ mình. Động từ peirazô không chỉ có nghĩa là “cám dỗ” nhưng còn có nghĩa là “thử luyện” hay “kiểm tra phẩm cách của một người” (X. Tv 26,2 ; Ga 6,6 ; Dt 11,17 ; 2 Cr 13,5 ; Kh 2,2). Quả thật, tác động tới Đức Giêsu, mỗi cám dỗ đều có mưu chước riêng, nhưng rõ ràng mỗi cám dỗ đều thách thức mọi phương diện hiện hữu nơi con người trọn vẹn của Đức Giêsu. Hơn nữa, các cơn cám dỗ đều đánh vào một điểm chung: chúng cố sức làm cho Đức Giêsu lơ là sứ mạng của mình, hoặc cắt đứt mối tình thân giữa Người với Chúa Cha.”

Và chúng ta nhìn lại chiến thuật của ma quỷ với bà Evà:

  • Bắt đầu chỉ gợi ý
  • Tiếp đến là mời gọi đối thoại và dừng lại bên trái cấm và trái cấm ngày càng hấp dẫn hơn, thế là cuối cùng bà Evà đã sa chước cám dỗ.

Có câu chuyện kể rằng:  một công ty nọ cần tuyển tài xế với chế độ đãi ngộ rất cao. Vượt qua vòng đầu,  lọt lại chỉ còn có ba người. Chánh chủ khảo hỏi họ: bên vực thẳm có vàng, các anh lái xe qua đấy, nên chọn khoảng cách như thế nào?

– Người thứ nhất nói: 2 mét.

– Người thứ hai: 1 mét.

– Người thứ ba nói: tôi thì sẽ tránh càng xa càng tốt.

Kết quả, công ty đó đã chọn người thứ ba.

Chiến thuật để đừng bị mỏ vàng cám dỗ là tránh cho xa. Đào vi thượng sách, đó chính là diệu kế để thoát khỏi cơn cám dỗ. Nếu không có sức để xua đuổi Satan như Chúa Giêsu thì hãy tránh cho xa và dứt khoát từ chối ngay từ đầu, đó là điều Chúa Giêsu đã thực hiện trong bài Tin Mừng hôm nay.

Lạy Chúa, trước cơn cám dỗ, xin cho chúng con biết nhìn vào Chúa để biết bắt chước Chúa, biết dứt khoát từ chối ngay từ đầu, nhờ đó chúng con sẽ không rơi vào con đường của bà Evà trong vườn địa đàng năm xưa. Amen.

 LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …