Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Phục Sinh , năm B, của LM ĐAN VINH

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Phục Sinh , năm B, của LM ĐAN VINH

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH B

Cv 3,13-15.17-19 ; 1 Ga 2,1-5a ; Lc 24,35-48

NÊN CHỨNG NHÂN CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Lc 24,35-48

2021-04-16_11-08-51(35)  Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (36) Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”. (37) Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. (38) Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. (40) Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. (41) Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? (42) Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. (43) Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. (44) Rồi Người bảo: Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. (45) Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. (46) Và Người bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, (47) và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân của những điều này.

2.Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng của Thánh Lu-ca thuật lại sự kiện Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra lần thứ ba với các tông đồ tại nhà Tiệc Ly. Trước hết, Người củng cố đức tin của các ông đang nhát sợ vì tưởng gặp ma, bằng cách cho họ xem tay chân của Người bằng xương thịt, và ăn uống trước mặt các ông. Sau đó, Người giúp các ông hiểu những lời Kinh Thánh tiên báo về cuộc khổ nạn và sự Phục Sinh của Đấng Ki-tô đã ứng nghiệm nơi Người. Cuối cùng Người trao sứ mệnh cho các ông là đi rao giảng sự ăn năn để được ơn tha tội, và làm chứng cho Chúa về những điều mắt thấy tai nghe.

3.CHÚ THÍCH:

– C 35-36: + Còn hai ông: Đây là hai trong số bảy mươi hai môn đệ của Đức Giê-su (x. Lc 10,1). Một trong hai ông tên là Cơ-lê-ô-pát (x. Lc 24,18). + Nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh: Bẻ bánh là cử chỉ của Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. Mt 14,19 ; 15,36), và trong bữa Tiệc Ly khi lập Bí Tích Thánh Thể (x. Lc 22,19). Nhờ cử chỉ bẻ bánh này mà hai môn đệ đã nhận ra người khách bộ hành chính là Thầy Giê-su đã chết và giờ đây sống lại.+ “Bình an cho anh em”: Là lời chào thông thường của người Do Thái (Sha-lom!). Nhưng lời này còn bao hàm sự chúc lành của Thiên Chúa. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã thực hiện lời hứa ban bình an cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em” (Ga 14,27).

C 37-39: + Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà !: Chân tay Đức Giê-su có những vết thương do đã bị quân lính đóng đinh vào thập tự (x. Lc 23,33). + Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?: Đức Giê-su Phục Sinh đã chứng tỏ Người không phải hồn ma, khi cho môn đệ xem con người bằng xương bằng thịt của Người.

C 40-43: + Người đưa tay chân ra cho các ông xem: Cũng như trong Tin Mừng Gio-an (x. Ga 20,20), Chúa Phục Sinh đã chứng tỏ Người chính là Đấng bị đóng đinh, đã chịu chết trên thập giá, mà nay sống lại và đang đứng trước mặt các ông. + Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng, Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông: Xem ra các vết thương ở tay chân vẫn chưa thuyết phục được các tông đồ tin Đức Giê-su đã thực sự sống lại, nên Người cho họ thêm một bằng chứng cho thấy Người không phải hồn ma, khi cầm ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông.

C 44-45: + Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em: Đức Giê-su tiếp tục cho các môn đệ có thêm bằng chứng về việc Người đã từ cõi chết sống lại, bằng cách nhắc lại lời Kinh Thánh tiên báo đã được ứng nghiệm nơi Người.. + Sách luật Mô-sê, sách các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh: Ở đây, Lu-ca lại kể ra Sách Thánh gồm các sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. * Sách luật Mô-sê: Năm cuốn sách đầu của Thánh Kinh Cựu Ước, được xếp thành bộ Ngũ Thư gồm: Sách Sáng thế, sách Xuất hành, sách Lê-vi, sách Dân số và sách Đệ nhị luật. * Sách Ngôn Sứ: Ngôn sứ là người được Thiên Chúa gặp gỡ rồi sai đến để thay Chúa nói với dân Người, giúp dân Do Thái nhận ra lỗi lầm của họ, kêu gọi họ ăn năn trở về với Giao Ước. Nhưng sứ mạng quan trọng nhất là tuyên sấm về Đấng Mê-si-a (Thiên Sai) sẽ đến để ban ơn cứu độ. Bộ sách Ngôn sứ gồm 16 cuốn, trong đó có 4 Ngôn sứ lớn như: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và Đa-ni-en, và 12 Ngôn sứ nhỏ. Lớn hay nhỏ được phân biệt do các ngài để lại nhiều hay ít sấm ngôn của Chúa * Thánh vịnh: Là bộ sưu tập các thánh thi hay bài thơ tôn giáo từ thời Đa-vít đến thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Đây là kho tàng kinh nguyện của Dân Chúa trong Cựu Ước cũng như Tân Ước. Có 150 Thánh vịnh đọc trong Giờ Kinh Phụng Vụ và Đáp Ca trong Thánh lễ.

C 46-48: + Chính anh em là chứng nhân của những điều này: Là chứng nhân, nghĩa là loan báo Tin Mừng về những điều đã xảy ra trong cuộc đời Đức Giê-su, từ khi chịu phép rửa của Gio-an Tẩy giả, đến cuộc tử nạn, sống lại và lên trời của Người. Đặc biệt các ông còn sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho những điều mình rao giảng là chân thực vì chính các ông đã tận mắt chứng kiến.

4.CÂU HỎI: 1) Hai ông trong đoạn Tin Mừng này thuộc Nhóm 12 Tông đồ hay Nhóm 72 môn đệ ? 2) Đức Giê-su đã “bẻ bánh” mấy lần trong gần 3 năm giảng đạo? Bẻ Bánh ám chỉ bí tích nào trong 7 phép bí tích do Đức Giê-su thiết lập? 3) Lời chúc bình an của Chúa Phục Sinh có ý nghĩa thế nào? 4) Tại sao các môn đệ lại kinh hồn bạt vía khi nhìn thấy Chúa Phục Sinh hiện ra? 5) Chúa Phục Sinh đã nói và làm gì để các môn đệ khỏi sợ ma và tin Người đã từ cõi chết sống lại? 6) Khi nói với các môn đệ các bằng chứng về việc Người từ cõi chết sống lại, Chúa Giê-su đã nêu tên các sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Vậy ba loại sách này gồm những sách nào? 7) Lệnh truyền hãy đi loan báo Tin Mừng gồm hai đặc tính quan trọng nào?

II.SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này”(Lc 24,48).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) CHÚA PHỤC SINH LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚNG TA:    

Một người nọ nằm mơ thấy mình đang đi bách bộ với Chúa Giê-su trên bãi biển có nhiều sóng vỗ trên bãi cát. Khi quay trở lại, anh thấy trên mặt cát có lúc có 4 dấu chân của hai thầy trò in trên mặt cát. Nhưng cũng có lúc anh lại chỉ thấy có 2 dấu chân của anh. Anh nêu thắc mắc tại sao Chúa lại bỏ rơi, bắt anh phải đi một mình như thế, thì được Chúa trả lời: “Trong cuộc sống, khi con thành công thì Ta cùng đi song hành với con nên con thấy có 4 dấu chân. Còn khi con gặp đau khổ, thất bại thì Ta vác con trên vai của Ta. Cho nên hai dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con”.

Câu chuyện cho thấy Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống trần thế. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Khi ta gặp đau khổ thất vọng, Ngài luôn an ủi, động viên và ban thêm sức mạnh giúp ta vượt qua gian nan thử thách.

2) VỮNG TIN VÀO THIÊN CHÚA SẼ KHÔNG CÒN SỢ HÃI

Ma không ai thấy nhưng người ta lại tưởng tượng nó với nhiều hình thù thật đáng sợ nhất. Thế nên mới có tích chuyện xưa kể rằng:

Có người thợ được vua mời vào vẽ tranh cho vua. Vua hỏi: “Vẽ cái gì khó?”

Thưa: “Vẽ chó, vẽ ngựa khó”.

– Vẽ cái gì dễ?

– Vẽ ma, vẽ quỉ dễ.

– Sao lại thế?

– “Vì chó và ngựa ai cũng trông thấy, vẽ mà không giống thì sẽ bị người ta chê cười, cho nên khó vẽ. Ma quỉ là giống vô hình, không ai trông thấy, tuỳ ý muốn vẽ thế nào cũng được, không sợ ai bắt bẻ, cho nên dễ vẽ”.

Điểm chung của con ma thường là không đầu. Chân không chạm đất. Nó không xương không thịt nên có thể xuyên qua tường, xuyên qua nhà và tự do đi lại khắp nơi. Đôi khi thần hồn nhát thần tính khiến người ta nhìn người ra ma, “nhìn cò ra quạ” và khiếp nhược rụng rời tay chân.

Các tông đồ cũng chưa bao giờ trông thấy người chết sống lại. Niềm tin nơi các ông yếu kém nên nên chưa đủ để có thể hiểu được những gì đang diễn ra trước mắt. Vì thế, khi thấy Chúa Giê-su phục sinh hiện ra mà các ông vẫn hoài nghi và sợ hãi tưởng mình thấy ma, khiến Chúa Giê-su đã phải trấn an: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,38).

3) LÀM CHỨNG BẰNG LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG:

Có rất nhiều cách để làm chứng, nhưng cách hay nhất và hữu hiệu nhất vẫn là chính một cuộc sống tốt lành thánh thiện, chan chứa tình thương và sẵn sàng chia sẻ tình thương ấy cho tha nhân đau khổ bất hạnh như anh Jacques trong câu chuyện sau đây:

Từ một chàng thanh niên không biết Chúa, sau khi bị thương tật và bị mất đi hai cánh tay và hai con mắt, Jacques Lebreton thay vì thất vọng, hận đời, anh đã tìm đến với Chúa: chuyên cần học sống Lời Chúa với một vị linh mục uyên bác. Sau khi được lãnh chức Phó tế, anh đã lên đường thi hành sứ vụ làm chứng cho Chúa.

Trong buổi lễ phong chức phó tế cho anh, Đức Giám Mục địa phận Beauvais đã nói: “Thầy Jacques bị cụt cả hai tay, nên sẽ không thể phụ lễ và ban phép rửa tội. Thầy cũng bị mù cả hai mắt, nên cũng không thể đọc Sách Thánh được. Nhưng Thầy vẫn còn có khả năng nói được, để rao giảng về Chúa cho người muốn nghe”.

Sau đó, thầy đã khiến mọi người ngỡ ngàng khi thầy rao giảng hơn kém 200 bài giảng mỗi năm. Ngoài thời giờ giảng về niềm vui của cuộc sống có Chúa mang lại, Thầy đã dồn hết tâm lực vào việc giúp đỡ những bệnh nhân, giúp họ có được niềm vui và hạnh phúc có Chúa giống như thầy.

Có người hỏi thầy rằng: “Nếu phải chọn một từ nào ngắn gọn nhất để rao giảng về Chúa thì Thầy sẽ chọn từ nào?”

Thầy trả lời không chút ngận ngừng: “Tình yêu” . Rồi Thầy nói tiếp: “Bệnh nặng nhất của con người ngày nay chính là không biết yêu thương và không được yêu thương”.

Một người cụt cả hai tay, mù cả hai mắt mà vẫn cảm thấy vui vẻ hạnh phúc khi vững tin vào Chúa và muốn được chia sẻ hạnh phúc ấy cho tha nhân. Còn chúng ta, chẳng lẽ có đủ các giác quan Chúa ban, chúng ta lại không thể làm gì để chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa hay sao?

4) LÀM CHỨNG BẰNG SÁCH BÁO CÔNG GIÁO:

Một vị linh mục sau chuyến đi du lịch Đài Bắc trở về đã thuật lại một cách truyền giáo của một bác tài lái xe tắc-xi như sau:

“Ngày nọ, tôi đón tắc-xi từ khách sạn đi trung tâm thành phố Đài Bắc mua sắm quà lưu niệm. Tôi ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy dòng chữ như sau: “Bạn có thể thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách và nếu thích, bạn có thể mang sách đó theo khi rời khỏi xe mà không phải trả tiền mua sách”. Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy một chục cuốn sách mỏng bằng tranh nội dung về cuộc đời Đức Giê-su in trên giấy trắng khá đẹp; một ít sách truyện về các thánh và các danh nhân tôn giáo; một ít cuốn là những câu chuyện về việc sống đức tin giữa đời thường…

Ngoài ra, phía trên tấm kính chiếu hậu trước mặt tài xế cũng có một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ. Tôi mở lời hỏi anh tài xế:

– Này bác tài, xin vui lòng cho tôi biết: Hành khách đi xe có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không?

– Ồ, có chứ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người cầm mang về nhà nữa.

Tôi hỏi tiếp:

– Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc sách do bác giới thiệu?

Tôi cảm thấy rất sung sướng anh à! Anh biết không: tôi không có nhiều giờ để đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải luôn chạy xe kiếm sống. Do đó, đây là cách làm công tác tông đồ của tôi. Tôi rất mừng vì có thể làm hai việc một lúc: Vừa lái xe lại vừa rao giảng Tin Mừng mà không bị mất thêm thì giờ. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một công việc thật tuyệt vời!”

Một số hội đoàn Công giáo Tiến hành cũng đã phân phát cho các tài xế xe tắc xi ở Đài Bắc một tấm thẻ bọc lát-tích treo trước mặt tài xế. Trên tấm thẻ ở mặt trước có in hình cây Thánh Giá màu đỏ với dòng chữ: “Chúa đang cùng lái xe với bạn”. Mặt sau là lời cầu của các tài xế như sau: “Lạy Chúa, khi con lái xe, xin giúp con yêu mến tha nhân như chính bản thân con, để con không làm gì gây thiệt hại cho bất cứ ai. Xin cho con giữ đức công bình để không thu tiền cước xe quá giá, sẵn sàng trao trả đồ đạc khách bỏ quên trên xe. Xin cho đôi mắt con được tinh tường, cho tay chân con đuợc khéo léo để lái xe an toàn và tránh gây tai nạn. Xin cho tâm trí con luôn bình an và thần kinh con luôn thoải mái. Xin đừng để con lái xe khi uống rượu say không đủ tỉnh táo. Xin đừng để con nhiễm thói cạnh tranh bất chính với các bạn đồng nghiệp. Và cuối cùng xin Chúa giúp con luôn THƯỢNG LỘ BÌNH AN”.

  1. SUY NIỆM:

1) Chúa Phục Sinh mang lại niềm tin yêu giúp vượt qua nỗi sợ hãi:

Tin Mừng hôm nay vừa kể lại: ngay trong buổi tối Phục Sinh, đang lúc các tông đồ họp nhau trong nhà, các cửa nhà Tiệc Ly đều đóng kín. Bất ngờ Chúa Giê-su hiện đến đứng giữa các ông khiến các ông hoảng hốt, tưởng mình thấy ma. Tuy nhiên, các tông đồ cho rằng mình thấy ma chứ không phải Thầy đã sống lại. Vì vậy, Chúa Phục Sinh đã cho các ông sờ vào thân xác mang thương tích của Người để xác định: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. Nói xong, Người giơ tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,39-40). Và để giúp các ông vững tin hơn, Đức Giê-su còn ăn một miếng cá nướng trước mặt các ông. Nhờ gặp Chúa mà các tông đồ đã vững tin và không còn cảm thấy sợ hãi nữa.

Ngày nay chúng ta cũng sẽ vững tin nếu gặp được Chúa trong thánh lễ, trong giờ kinh tối gia đình hay những lúc cầu nguyện riêng tư. Hãy năng dự các buổi Hiệp Sống Tin Mừng hằng tuần để dễ thực hành theo Lời Chúa dạy. Nhờ đó chúng ta sẽ không bị ảo giác hồ đồ, nhưng sẽ nhận biết quyền năng của Chúa qua các biến cố may rủi giữa đời thường.

2) Chúa Phục Sinh mang lại niềm hân hoan hy vọng:

Các môn đệ đã bị lung lạc đức tin khi thấy Thầy Giê-su bị bắt bớ, bị giết chết đau thương trên cây thập gía. Nhưng giờ đây các ông đã tìm lại được niềm vui hân hoan khi gặp Chúa Phục Sinh.

Đức Giê-su thường động viên các tông đồ như sau: “Đừng sợ, hãy tin!”; “Vì sao sợ hãi, hỡi những kẻ yếu tin?”; “Thầy đây, đừng sợ!”; “Dọc đường hai ông nói chuyện gì với nhau mà buồn bã thế?”; “Hỡi những kẻ ngu dốt và chậm tin?”… “Các ông đã vui mừng vì xem thấy Chúa”.

Người Ki-tô hữu sống đạo là người chứa đầy niềm vui và hăng say chiếu giãi niềm vui khi gặp được Chúa. Đức tin của chúng ta cũng chỉ lớn lên và không bị khiếp nhược sợ hãi bóng tối nếu chúng ta vững tin vào sự phục sinh của Chúa như Người đã động viên các tông đồ: “Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian rồi”.

3) Chúa Phục Sinh ban Thần Khí giúp chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng:

Trong Tin Mừng những người đã được phúc gặp Chúa Phục sinh, đều mau mắn chu toàn lệnh truyền của Chúa, là loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho tha nhân. Chẳng hạn: Mấy người phụ nữ sau khi gặp Chúa Phục Sinh đã trở về báo tin vui cho các môn đệ rằng: “Chúa đã sống lại”. Hai môn đệ về làng Emmaus, sau khi nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người bẻ bánh, đã lập tức trỗi dậy trở về thủ đô Giêrusalem, loan báo tin vui cho các anh em khác: “Chúa đã sống lại rồi và chúng tôi đã nhận ra Người khi Người bẻ bánh”. Các Tông đồ sau khi đã đón nhận đầy ơn Thánh Thần vào lễ Ngũ Tuần, đã mở tung cửa nhà Tiệc Ly ra đường để rao giảng Tin Mừng cho dân chúng thuộc mọi nước mọi dân ở thủ đô Giê-ru-sa-lem. Các ông còn sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã loan báo Tin Mừng Phục sinh cho tha nhân như thế nào?  Chúng ta đã làm gì để trở thành chứng nhân cho tin mừng Phục Sinh?

4) Nên chứng nhân mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa hôm nay? :

Ngày nay các tín hữu dù không thấy Chúa, nhưng vẫn có thể thi hành sứ mệnh làm chứng cho Người bằng những cách thức như sau: 

+ Nên chứng nhân bằng việc thuật lại cho người khác về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giê-su: như bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã làm (Ga 20,18). Việc truyền đạt này mọi tín hữu đều có thể làm, nhưng nguyên việc này khó lòng mang lại hiệu quả thuyết phục được người nghe tin theo (x. Lc 24,11).

+ Nên chứng nhân bằng việc để Chúa Thánh Thần nói qua chúng ta: Đức Giê-su đã từ cõi chết sống lại và chúng ta nhờ ơn Thánh Thần ban, có bổn phận chia sẻ niềm vui và sự bình an cảm nghiệm được cho tha nhân. Cách làm chứng này đã được Nhóm Mười Một Tông đồ áp dụng. Sau khi đón nhận Thánh Thần, ông Phê-rô đã rao giảng và làm chứng về Đức Giê-su như sau: “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại. Về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe…” (Cv 2,32-33). Nhờ ơn Thánh Thần, cách làm chứng đầy xác tín này của ông Phê-rô đã khiến ba ngàn người xin theo đạo (x. Cv 2,41).

+ Nên chứng nhân bằng lối sống quên mình, vị tha bác ái: noi gương cộng đòan Hội Thánh sơ khai như sách Công vụ thuật lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47). Cách làm chứng này hữu hiệu và rất phù hợp với các cộng đoàn tu sĩ, các hội đoàn công giáo tiến hành và các cộng đoàn giáo xứ giáo họ. Anh em lương dân sẽ dễ dàng tin theo Chúa khi họ chứng kiến các hành động quên mình vị tha bác ái của người tín hữu.

+ Cuối cùng, nên chứng nhân bằng việc sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin, noi gương các anh hùng tử đạo: Các ngài đã không hèn nhát chối Chúa để được sống, nhưng đã sẵn sàng chịu chết vì đức tin để trở thành những “Chứng nhân đức tin”. Đây cũng là phương cách truyền giáo hữu hiệu như lời ông Téc-tuy-li-a-nô đã nhận định: “Máu các vị Tử đạo là hạt giống phát sinh các Ki-tô hữu”.

Ngày nay tuy chúng ta không bị giết hại vì đức tin như các anh hùng Tử Đạo Việt Nam, nhưng chúng ta cũng có thể  trở nên chứng nhân đức tin khi can đảm sống vị tha bác ái giữa một xã hội gian tà như lời Chúa phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà ngợi khen Cha của anh em Đấng ngự trên trời”.

  1. THẢO LUẬN: Hôm nay bạn sẽ áp dụng phương cách truyền giảng Tin Mừng cụ thể nào để giúp các bạn học cùng trường, các người hàng xóm, bạn đồng nghiệp được tin vào Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Chúa với chúng ta.
  2. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH.

Giữa một thế giới chỉ biết tìm kiếm hưởng thụ tiện nghi vật chất và thỏa mãn các đam mê khoái lạc. Xin cho chúng con biết chấp nhận lối sống đơn sơ khó nghèo như lời Chúa dạy: “Chồn cáo có hang, chim trời có tổ. Con người không có hòn đá gối đầu”.

Giữa một thế giới khinh thường và chà đạp nhân phẩm những người nghèo khó bất hạnh. Xin cho chúng con biết quý trọng mọi người và sẵn sàng phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người đau khổ bệnh tật và bị bỏ rơi.

Giữa một thế giới sống không lý thưởng, không có niềm hy vọng vào tương lai. Xin cho chúng con biết vững tin vào quyền năng và tình thương của Chúa và tích cực góp phần xây dựng một “Trời Mới Đất Mới” công bình nhân ái và hạnh phúc ngay từ hôm nay.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …