“Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ.”
Kính thưa Anh Chị em,
Ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội cử hành lễ Mẹ Sầu Bi, một lễ sâu sắc với nhiều ý nghĩa và rất thực. Cùng với Đức Mẹ, hôm nay, chúng ta đi vào nỗi buồn sâu xa của trái tim ngài, để hiểu ngài, để yêu ngài; từ đó, cũng để cho tâm tư của tâm hồn mình được biểu lộ.
Với các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, Sáng, của chuỗi Mân Côi, đã bao lần, chúng ta ngắm nhìn Đức Mẹ qua những tâm tình của ngài; thế nhưng, chưa bao giờ chúng ta nghe nói đến việc Đức Mẹ buồn. Thế mà những gì cụ già trong đền thờ tiên báo về Chúa Giêsu, “mục tiêu cho người ta chống đối” là một thực tế rất buồn. Thực tế này được Đức Mẹ ghi đậm trong lòng một cách sâu sắc; và hẳn trên bước đường rao giảng của Con, Mẹ đã chứng kiến sự chống đối người ta dành cho Ngài thế nào và đỉnh điểm là cái chết của Con trên thập giá. Vì thế, đã yêu con, Đức Mẹ càng yêu Con nhiều hơn; Mẹ yêu Chúa Giêsu bằng tình yêu trọn vẹn của một người mẹ, và thật thú vị, chính tình yêu trọn vẹn này lại trở nên nguồn gốc của một nỗi đau tâm hồn, và một nỗi buồn linh thánh sâu thẳm. Tình yêu của Mẹ đã kéo Mẹ hiện diện can trường với Con trong những khổ đau cùng tột dưới chân thập giá và vì lý do đó, như Con đã chịu đựng bao nhiêu, Mẹ cũng phải chịu đựng bấy nhiêu.
Thư Do Thái hôm nay viết, “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu.” Chúa Giêsu đã vâng phục để làm con của Mẹ; Mẹ vâng phục để làm Mẹ của Giêsu. Vì thế, nỗi đau của Chúa là nỗi đau của Mẹ, lưỡi gươm đâm thấu tim Chúa cũng là lưỡi gươm đâm thâu tim Mẹ; Mẹ đã học vâng phục đến cùng khi được hiệp thông với sự vâng phục của Con.
Vậy mà nỗi đau của Mẹ Maria không phải là nỗi đau của tuyệt vọng, nhưng là nỗi đau của tình yêu, nỗi đau của hiệp thông cứu độ; nỗi buồn của Mẹ Maria không phải là một nỗi buồn nhân thế, nhưng là một nỗi buồn thánh, nỗi buồn của thiên đàng. Không như bao nỗi buồn khác, nỗi buồn của Mẹ, đúng hơn, là một sự chia sẻ sâu sắc về tất cả những gì Con mình phải chịu. Trái tim Mẹ đã hoàn toàn hiệp nhất với trái tim của Con, do đó, Mẹ đã chịu đựng tất cả những gì Con chịu đựng và điều Chúa Con chịu đựng lớn lao nhất chính là tội lỗi của nhân loại, đây là sự chịu đựng của một tình yêu đích thực ở một mức độ sâu sắc nhất, đẹp đẽ nhất.
Hôm nay, khi kính nhớ Mẹ Sầu Bi, chúng ta được mời gọi sống hiệp nhất với nỗi buồn của Mẹ và của Chúa Giêsu, nỗi buồn do tội lỗi thế giới gây ra. Những tội lỗi đó bao hàm tội lỗi của chúng ta, là những gì đã đóng đinh Con chí ái của Mẹ vào thập giá. Chúng ta đau buồn vì tội lỗi; trước hết, tội lỗi của chính mình; sau đó, tội lỗi của người khác. Nhưng một điều quan trọng cần biết là, nỗi buồn chúng ta trải qua vì tội lỗi cũng là nỗi buồn của tình yêu; một nỗi buồn thánh, mà cuối cùng, thúc đẩy và nhem lên nơi chúng ta một sự cảm thương, một lòng trắc ẩn cũng như một ước muốn hiệp nhất sâu sắc hơn với những anh chị em chung quanh mình, đặc biệt với những người đang thương tổn, những người đang vướng vào tội lỗi. Nỗi buồn đó cũng thúc đẩy chúng ta từ bỏ tội lỗi của chính mình và đó là sự biểu lộ tâm tư đẹp đẽ nhất, đúng đắn nhất và đáng ước mong nhất.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Thuận nói, “Con trào trào nước mắt, đến với Mẹ, ‘Đức Bà an ủi kẻ âu lo’; con đau khổ ê chề, đến với Mẹ, ‘Đức Bà phù hộ các giáo hữu”; con tội lỗi ngã sa, đến với Mẹ, ‘Đức Bà bầu chữa kẻ có tội’ và chính con, sẽ trở thành một Maria khác, để đón tiếp mọi người đến trú ẩn và cũng như Mẹ, con sẽ là ‘nguồn sức sống, nguồn an vui, nguồn hy vọng’ của anh em con”.
Anh Chị em,
Chiêm ngắm nỗi buồn thánh nơi Đức Mẹ, chúng ta ước ao một nỗi buồn thánh trong lòng mình; nỗi buồn do tội của mình, tội của anh em. Đó là điều Chúa muốn tâm tư mỗi người được tỏ lộ. Hiệp thông với nỗi buồn thánh của Mẹ, chúng ta được mời gọi dâng hy tế đời mình mỗi ngày cùng với Đức Kitô trong thánh lễ; nhờ Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha hiến lễ tạ ơn thay cho nhân loại.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được một nỗi buồn thánh như nỗi buồn của Đức Mẹ; nhờ đó, con biết run sợ cho linh hồn con trước tội lỗi và từ đó, lòng trắc ẩn và thương cảm của con đối với anh chị em con ngày càng trở nên sâu sắc hơn”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế