Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật I Mùa Vọng, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật I Mùa Vọng, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 1A  MV 

Hãy Tỉnh Thức và Sẵn Sàng

(Mt 24,37-44)

11-30-2019 4-43-22 PMBài Tin Mừng chúa nhật hôm nay cho thấy: Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta biết Người sẽ Quang Lâm bất chợt và chụp bắt chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi những lo toan hằng ngày, ra khỏi những công việc nội trợ, công việc đồng áng. Tình trạng tâm hồn mỗi người đang có lúc đó sẽ quyết định số phận đời đời của chúng ta. Chúa Giêsu dùng hình ảnh người xay bột, người làm ruộng… một người bị đem đi, người kia bị bỏ lại để xác định thưởng phạt cho mỗi người.

Rồi Chúa kết luận: “vậy anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44). Ở đây Chúa nói tới ngày Quang Lâm, ngày Cánh Chung, ngày Thế Mạt, nhưng Chúa cũng muốn nói đến ngày chết của mỗi người chúng ta. Ngày Quang Lâm của Chúa đến bất ngờ như thế nào, thì ngày chết của chúng ta cũng bất ngờ như vậy, cho nên thái độ của chúng ta là phải tỉnh thức, phải sẵn sàng.

Người ta kể một câu chuyện như sau: tại Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Phủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài nhỏ bằng gỗ bạch đàn, dài độ năm tấc, có một cái nắp có thể mở ra được.

Khách đến chơi hỏi nhà sư: ngài làm ra cái này để làm gì vậy? Nhà sư trả lời: người ta sống tất có chết, mà chết là vào ngay cái này. Ta thực thấy làm lạ: người đời ai cũng chỉ biết có phú quí, công danh, tài sắc mà chẳng biết đến cái chết. Như ta đây, mỗi khi có việc không vừa ý, ta cầm cái này lên mà ngắm, tức khắc tâm hồn ta được yên ổn, và muôn ngàn lo lắng đều tan biến hết.

Thường tình không ai muốn nhắc đến cái chết cả. Ấy thế mà nhà sư Viên Phủ Trung lại năng nhắc đến cái chết và đối với nhà sư, cái chết như một phép mầu hóa giải cuộc sống của mình. Hóa giải một cách thần kỳ. Vì khi nhắc đến cái chết, cái chết không làm nhà sư sợ hãi, nhưng chính cái chết lại làm tiêu tan bao lo lắng khắc khỏai và nhất là làm cho tâm hồn được thanh thản, làm cho tâm hồn được bình an. 

Nhiều người trong chúng ta không ai muốn nói đến cái chết. Nhưng nếu ai cận kề với cái chết thì lại biết phải sống như thế nào.Trong các bài phỏng vấn những người cận tử (near death experience), một số bác sĩ Đức và Mỹ cho biết như sau: nhiều người vì một tai nạn hay một lý do gì đó mà ngất đi trong một khỏang thời gian dài. Về mặt thể lý, coi như đã chết, nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1.370 trường hợp. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí như sau:

– Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

– Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn ham muốn kiếm tiền bạc, danh vọng và lạc thú nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người

– Và sau cùng là không còn sợ chết nữa.

Những điều trên đây thực là một điều quí giá cho chúng ta. Chính khi cận kề với cái chết thì cái chết lại giúp con người biết sống như thế nào. Chúa Giêsu nhắc đến ngày Cánh Chung, ngày Thế Mạt, ngày chết của mọi người không phải là để hù dọa chúng ta, nhưng là để giúp cho chúng ta biết sống như thế nào cho xứng với con người, cho xứng với địa vị người con của Chúa. Chính vì vậy lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng về cái chết: “anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút không ngờ, thì Con Người sẽ đến”(Mt 24,44).

Vào năm 79 trước công nguyên, núi Vésuve bất thình lình phun lửa dữ dội, chôn vùi thành phố Pompei phồn vinh dưới một lớp nham thạch dầy tới 7 mét. Năm 1748, sau 18 thế kỷ, người ta bắt đầu khai quật thành phố xấu số này. Giữa bao dinh thự đổ nát, bao đồ vật ngổn ngang, bao người chết đau đớn hỏang sợ, người ta ngạc nhiên tìm thấy xác của 38 người lính Rôma đang thi hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong lúc xẩy ra tại họa khủng khiếp đó. Điều đáng nói là những người lính này đang tuần canh, tay còn cầm gươm, đi trong tư thế thi hành nhiệm vụ mặc dù cái chết kề bên. Chính vì thế Chúa cảnh báo chúng ta «vào thời Noe, người ta cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng cho đến khi nạn Hồng Thủy ập đến cuốn đi hết thảy » và Chúa kết luận « ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy».

Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …