HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH ABC –KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Cv 5,12-16 ; Kh 1,9-11a.12-13.17-19 ; Ga 20,19-31
CẦN TRUYỀN ĐẠT ĐỨC TIN VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT
I- HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG: Ga 20,19-31
(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ”. (24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: “chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người. Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. (26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. (27) Rồi Người bảo Ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. (28) Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (29) Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ. Nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ Danh Người.
- Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng thuật lại hai lần Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ để củng cố niềm tin của các ông như sau: Lần thứ nhất (c 19-25): vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Phục Sinh đã hiện đến đứng giữa các môn đệ đang hội họp mà thiếu ông Tô-ma. Người cho các ông xem các vết thương nơi bàn tay và cạnh sườn để chứng minh Người đã sống lại sau cuộc tử nạn, rồi Người thổi hơi ban Thánh Thần và trao quyền tha tội cho các ông. Lần thứ hai (c 24-29): Tám ngày sau, Chúa Phục Sinh lại hiện ra với các môn đệ và lần này có cả Tô-ma. Người đã đặc biệt đáp ứng đòi hỏi của ông này. Rồi khi Tô-ma đã tin, thì Người dạy: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.
- CHÚ THÍCH:
– C 19-20: + Ngày thứ nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế cho Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Người hiện đến trong lúc phòng đang đóng kín. Điều này cho thấy thân xác của Người sau khi phục sinh có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện ở khắp nơi. + Bình an cho anh em! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Qua đó, Người chứng tỏ Người chính là Đấng đã từng bị đóng đinh thập giá trước đó (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Như vậy cho thấy có sự liên kết mật thiết giữa hai mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
– C 21-23 + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây Đức Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả các tín hữu sau này. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu qua các bí tích. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã tuyên bố có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong Tin Mừng hôm nay, Người còn thiết lập bí tích giải tội, để ban quyền tha tội cho các tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các giám mục kế vị các tông đồ sẽ tiếp tục thông ban quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.
– C 24-25: + Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô: Tô-ma là một trong Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,3). Ông mang biệt danh là “Sinh Đôi”. Tính tình bộc trực và can đảm (x. Ga 11,16). Ông ưa nêu ra thắc mắc khi nghe Đức Giê-su giảng để yêu cầu Người giải thích rõ hơn (x.Ga 14,5). + Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người…: Tô-ma đòi được “mắt thấy tay sờ”, nghĩa là đòi một đức tin khả giác giống như một nhà khoa học thực nghiệm (x. Ga 20,25). + “… thì tôi chẳng có tin”: Nhiều môn đệ khác cũng cứng tin như thế. Tin Mừng Nhất Lãm đã nói tới sự cứng tin của các ông như sau: “Nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi” (Mt 28,17); “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14) ; hoặc: “Sao anh em lại hoảng hốt ? Sao còn ngờ vực trong lòng ?” (Lc 24,38).
– C 26-27: + “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy”. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy: Đức Giê-su đã thoả mãn đòi hỏi của Tô-ma. + Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin: Tuy khiển trách Tô-ma, nhưng Đức Giê-su cũng cảm thông với sự cứng tin của ông và muốn ông hãy vững tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người.
– C 28-29: + Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”: Tô-ma là môn đệ cuối cùng tin nhận Đức Giê-su đã từ cõi chết sống lại, nhưng ông là người đầu tiên đã tuyên xưng một đức tin đầy đủ nhất: Đức Giê-su vừa là “Chúa” (Đấng Mê-si-a), vừa là “Con Thiên Chúa” (x Mt 16,16). + Phúc thay những người không thấy mà tin”: Qua câu này, Chúa Giê-su muốn dạy các môn đệ: Từ nay, đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh không được dựa trên kinh nghiệm khả giác về các lần hiện ra nữa, nhưng cần dựa trên lời chứng của các tông đồ (x. Ga 19,35). Sau này các ông đã sẵn sàng chịu chết để minh chứng đức tin vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh.
- HỎI ĐÁP:
HỎI 1) Thân xác Chúa Giê-su sau phục sinh có phải là thân xác đã chịu khổ nạn trước đó không?
ĐÁP:
Thân xác Chúa Giê-su sau khi phục sinh cũng chính là thân xác đã từng trải qua cuộc khổ nạn. Trong Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su đã chứng minh mầu nhiệm Phục Sinh gắn liền với cuộc Tử Nạn trước đó qua việc: “Cho các môn đệ xem các vết thương ở hai bàn tay và cạnh sườn Người” (c.20), cho sờ vào Người (x. Lc 24,36-40), và cho xem việc Người ăn một khúc cá nướng (x. Lc 24,41-43) để chứng minh Người thực đang còn sống chứ không phải hồn ma.
Tuy nhiên thân xác Chúa Giê-su sau khi phục sinh lại có những đặc tính khác thường như: Đi xuyên qua tường mà vào nhà Tiệc ly khi các cửa nhà đều đóng kín vì sợ người Do thái (x. Ga 20,19). Khuôn mặt của Người sau phục sinh biến đổi khác trước khiến cô Ma-ri-a gặp Người mà lầm tưởng là người làm vườn (x. Ga 20.14-15), khiến hai môn đệ làng Em-mau không nhận ra Người trong suốt chặng đường dài đồng hành với Người và được nghe Người giải thích Kinh thánh (x. Lc 24,16). Thân xác Người có đặc tính siêu việt: Dù không có mặt tại chỗ mà vẫn biết được các đòi hỏi của ông Tô-ma (x. Ga 20,25).
HỎI 2) So sánh hai lần Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ cách nhau một tuần lễ giống và khác nhau như thế nào ?
ĐÁP:
– Về nơi chốn và thời gian: Hai lần Chúa Phục Sinh đều hiện ra với nhóm môn đệ tại nhà Tiệc Ly và cùng vào chiều Ngày thứ Nhất trong tuần nhưng cách nhau 8 ngày. Từ đây Ngày thứ Nhất trở thành Ngày của Chúa (Chúa Nhật) thay thế ngày Hưu Lễ (Sa-bát) của đạo Do thái.
– Về số môn đệ hiện diện: Lần thứ nhất số các môn đệ hiện diện là 10 vị do thiếu Tô-ma và lần thứ hai đủ 11 vị. Cả hai lần đều thiếu Giu-đa phản bội.
– Về lời chào đầu tiên: Trong cả hai lần Chúa Phục Sinh đều chào các môn đệ bằng một công thức giống nhau: “Bình an cho anh em !”.
HỎI 3) Trong lần hiện ra thứ hai với các Tông đồ và có Tô-ma ở đó. Chúa Phục Sinh đã ra lệnh cho Tô-ma sờ vào các vết thương ở tay và cạnh sườn Người. Vậy Tô-ma có làm như vậy không?
Đáp:
Tô-ma tượng trưng cho những người cứng tin, chỉ tin Chúa thực sự sống lại dựa vào cảm nghiệm và sự xét đoán theo lương tri của mình, chứ không dựa trên lời nói của người khác kể lại. Nhưng trong lần này, sau khi được gặp Chúa Phục Sinh và được nghe Người truyền xỏ ngón tay vào lỗ đinh ở bàn tay Thầy, thọc bàn tay vào vết thương ở cạnh sườn Thầy đúng như đòi hỏi trước đó của ông, thì Tô-ma đã tin Thầy thực sự sống lại, biểu lộ qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con!”. Tin mừng không đề cập đến việc ông có sờ vào các vết thương ở tay chân và cạnh sườn Thầy như ông đã yêu cầu trước đó hay không (c. 27-28).
HỎI 4) Đức tin của Tô-ma giá trị thế nào đối với đức tin của các tín hữu sau này ?
ĐÁP:
Chúa Giê-su nói với Tô-ma và qua ông, Người muốn nhắn nhủ các tín hữu chúng ta hôm nay: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Thực vậy: có những mầu nhiệm về Thiên Chúa, mà người phàm tuy không thể thấy hay không cảm nghiệm được nhưng vẫn phải tin qua các chứng nhân đức tin. Vì đức Tin là điều kiện để được vào Nước Trời của Chúa Giê-su: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16).
Nên biết rằng cũng nhờ tuyên xưng đức tin, mà tông đồ Phê-rô đã được Chúa Giê-su đặt làm đá tảng đức tin của Hội thánh, được trao quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19), quyền chăn chiên (x. Ga 21,15-17) và quyền củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,23). Các Tông đồ cũng được Chúa Giê-su trao quyền giáo huấn về đức tin: “Ai nghe anh em là nghe Thầy. Ai khước từ anh em là khước từ Thầy. Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40; Lc 10,16).
Tóm lại: Việc tông đồ Tô-ma cứng tin lại chính là sự bảo đảm cho lòng tin của chúng ta hôm nay. Vì niềm tin vào mầu nhiệm Chúa sống lại của chúng ta không chỉ dựa trên những lời rao giảng, nhưng dựa trên đức tin của những chứng nhân sáng suốt và thực tế, đã nhìn thấy tận mắt và đã sờ tận tay chính Chúa Phục Sinh. Do đó, thánh Grê-gô-ri-ô đã quả quyết như sau: ”Chính ngón tay đa nghi của Tô-ma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới; bàn tay đa nghi của Tô-ma đã dạy cho mọi người một sự thật chắc chắn. Đó là Đức Giê-su đã sống lại”.
II- SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
- CÂU CHUYỆN:
1) TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC TIN TRONG CUỘC SỐNG:
Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện về một tu sĩ Hồi Giáo tên Nas-rud-din như sau:
Một ngày nọ, nhà của thầy Nas-rud-din bốc cháy. Để được an toàn, thầy vội trèo lên mái nhà. Các bạn hữu tụ tập bên dưới rất lo lắng, vì mạng sống thầy chỉ còn “ngàn cân treo sợi tóc”. Họ liền căng một tấm thảm dưới sân, chia nhau giữ bốn góc thảm rồi cùng giơ thảm lên và hô lớn:
– Nhảy đi, Thầy hãy mau nhảy xuống đi!
Thầy Nas-rud-din nói:
– Không được, tôi không nhảy đâu. Thế nào các anh cũng rút tấm thảm đi, để biến tôi thành trò cười cho các anh !
– Ôi, Thầy ơi ! Không phải chuyện đùa đâu, Thầy phải mau nhảy xuống đi !
Thầy Nas-rud-din vẫn ngoan cố không nghe và nói :
– Không! Tôi chẳng tin ai cả. Cứ trải thảm xuống đất đi, rồi tôi sẽ nhảy.
Tin là thái độ chấp nhận sự bấp bênh, chấp nhận mình có thể bị lừa dối. Nhưng thực tế người ta sẽ không thể sống nếu không tin vào người khác. Trên đời này có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin. Chẳng ai thấy lòng dạ con người, nhưng mọi người đều tin vào tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn hữu…
2) TẠI SAO NGƯỜI TA CÓ THỂ NHẬN BIẾT VÀ TIN THỜ THIÊN CHÚA ?
Có một nhà bác học đã vượt qua sa mạc với mấy người Ả Rập dẫn đường. Nhà bác học để ý cứ vào lúc hoàng hôn, thì những người Ả Rập đều dừng lại trải chiếu trên cát, mặt hướng về mặt trời cầu nguyện. Nhà bác học hỏi:
– Các ông đang làm gì vậy ?
Họ liền trả lời: Chúng tôi thờ lạy và cầu nguyện cùng Allah là Thiên Chúa của chúng tôi.
Nhà bác học hỏi lại:
– Vậy chứ các ông đã thấy Allah bao giờ chưa? Có sờ tay đụng tới Ngài chưa? Hoặc đã từng nghe thấy tiếng Ngài nói khi nào chưa?
Hướng dẫn viên Ả Rập mỉm cười đáp lại:
– Chưa, thực ra chúng tôi chưa hề mắt thấy tai nghe Allah bao giờ cả?
Nhà bác học lên giọng:
– Các ông thực là những người điên, khi mù quáng sấp mình thờ lạy một Chúa mà các ông chưa hề xem thấy hoặc chưa hề nghe tiếng Ngài.
Hướng dẫn viên Ả Rập giữ im lặng không đáp lại lời nào hết.
Sáng hôm sau, mặt trời chưa ló dạng, nhà bác họ đã thức dậy, bước ra khỏi lều quan sát và sau đó nói với hướng dẫn viên:
– Ông hãy nhìn mà xem, chắc chắn là tối hôm qua đã có một con lạc đà đi ngang qua đây rồi.
Ônghướng dẫn viên liền hỏi nhà bác học:
– Vậy chắc ông đã nhìn thấy lạc đà đi ngang qua đây đêm hôm qua chứ? Hoặc là tay đã sờ vào lông con lạc đà trong lúc ông đang ngủ chăng?
Nhà bác học thật thà đáp lại:
– Không, tối hôm qua tôi ngủ rất ngon, đâu có nhìn thấy lạc đà và cũng không sờ vào lông nó.
Hướng dẫn viên lại hỏi:
– Vậy thì ông cũng chẳng khác gì người điên. Ông quả quyết có lạc đà đã đi ngang qua đây tối hôm qua, trong khi mắt ông không thấy, tai ông không nghe tiếng bước chân lạc đà.
Nhà bác học cương quyết cãi lại:
– Nhưng đây là bằng chứng rõ ràng: Ông không trông thấy dấu chân lạc đà còn nguyên trên mặt cát đây sao?
Cùng lúc đó, mặt trời bắt đầu ló rạng. Hướng dẫn viên Ả Rập giang tay trịnh trọng tuyên bố:
– Này ông bạn của tôi ơi! Ông hãy nhìn xem mặt trời và những tia sáng rực rỡ huy hoàng kia, đó chẳng phải là dấu chỉ sự hiện diện của Allah, Chúa chúng tôi tôn thờ hay sao ?
3) SỨC MẠNH CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH:
Có một câu chuyện kể lại rằng, một nhà thông thái kia muốn lập ra một tôn giáo mới với giáo lý rất dễ hiểu dễ tin. Nhưng ròng rã nhiều năm, ông đem tất cả sự khôn ngoan ra để thuyết phục thiên hạ mà chẳng mấy người tin theo. Ông bèn than thở với một người bạn thân thì nhận được một lời khuyên như sau: “Nếu anh muốn người ta theo anh thì dễ thôi, anh hãy làm thế này: Thứ năm anh ăn bữa tiệc cuối cùng, thì thứ sáu anh để người ta đóng đinh anh trên khổ giá rồi chôn cất, Chúa nhật anh sống lại! Chắc chắn người ta sẽ theo anh rất đông?”.
Quả là lời khuyên độc đáo, và lại càng lý thú hơn, khi tác giả của lời khuyên này chính là Na-pô-lê-on! Điều mà Na-pô-lê-on muốn nhấn mạnh ở đây, đều có sức lôi cuốn người ta chính là sự sống lại. Thực vậy, biến cố Chúa Kitô Phục sinh chính là nền tảng và trung tâm của đời sống đức tin Kitô giáo chúng ta.
4) THỰC THI LÒNG MẾN CỤ THỂ: PHƯƠNG THẾ LOAN BÁO TIN MỪNG HỮU HIỆU:
Ngày nay rao giảng về mầu nhiệm Chúa Phục Sinh cho người khác có thể chấp nhận không dễ dàng. Ngòai việc cần ơn trợ giúp của Chúa, còn cần phải có chứng tích cụ thể của người rao giảng. Câu chuyện sau đây là một bằng chứng:
Một vị linh mục ở nước Bờ-ra-din (Brasin) đã thuật lại kinh nghiệm truyền giáo của mình như sau: “Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Ri-ô đờ Da-nê-rô (Rio de Janeiro), tôi đều thấy một thanh niên ngồi dựa lưng vào tường và chìa chiếc nón ra xin tiền khách qua đường. Anh ta không đi lại được vì đôi chân bị què. Sau đó vì đã nhiều lần qua lại trên con đường này, nên tôi không còn để ý đến chàng thanh niên hành khất bị què kia nữa.
Rồi một hôm, khi tôi đang đứng nói chuyện với một người quen ở bên kia đường, thì thấy có nhiều người đi ngang qua chỗ anh què ngồi ăn xin mà làm như không nhìn thấy anh và không chia sẻ tiền bạc gì giúp đỡ anh. Tôi liền nghĩ đến thái độ làm lơ của thầy tư tế và thầy lê-vi trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu. Hai ông này đã tránh sang một bên đường mà đi và chỉ có người Sa-ma-ri ngoại giáo tỏ lòng thương xót nạn nhân bằng hành động cụ thể (x. Lc 10,30-35). Tôi quyết định noi gương người Sa-ma-ri nên đã vui vẻ tiến lại gần bắt chuyện: “Này anh bạn, anh có thể đứng dậy được không? Anh có muốn đi đứng giống như mọi người không? …”Lúc đầu, anh ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét, và khi đọc được sự thành thật trên gương mặt của tôi, anh đã trả lời: “Tôi luôn hy vọng sẽ có ngày cuộc đời của tôi tốt hơn và tôi được thoát khỏi cái nghề ăn xin nhục nhã hiện nay. Dĩ nhiên là tôi mơ ước một ngày nào đó tôi có thể tự mình đi đứng được như bao người khác. Nhưng làm sao kiếm ra tiền để lắp một đôi chân giả và mua được một cặp nạng đây?” Sau khi nghe anh tâm sự, tôi đã síết chặt tay anh và nói: “Tôi xin hứa là trong một ngày gần đây, giấc mơ của anh sẽ trở thành hiện thực”.
Trong bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật mùa Chay hôm ấy, tôi đã kể về số phận đáng thương của người ăn xin này cùng với ước mơ nhỏ bé của anh. Rồi tôi đề nghị cộng đoàn cùng nhau làm một cuộc lạc quyên tại chỗ để giúp đỡ anh ta như một cách ăn chay tinh thần. Số tiền lạc quyên thu được trong thánh lễ hôm ấy đã gần đủ tiền chi phí làm đôi chân giả và cặp nạng gỗ mà người ăn xin đang cần. Tuần sau, khi tôi và hai đại diện cộng đoàn đến gặp và cho biết kết quả thì chàng thanh niên kia rất vui mừng. Ngay lúc đó, anh được chở đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình để được ráp một đôi chân giả, và bắt đầu tập đi với đôi nạng mới.
Trong lễ Phục Sinh năm ấy, tôi mời anh đến nhà thờ dự lễ và dành cho anh chỗ ngồi đặc biệt cạnh bàn thờ chính. Trong bài giảng, tôi đã đề cập đến trường hợp của anh như sau: “Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Giê-su trỗi dậy từ trong cõi chết, bước vào một cuộc sống mới. Người kêu gọi chúng ta mở rộng lòng giúp đỡ những anh chị em đang lâm cảnh nghèo khổ để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hôm nay, nhờ sự quảng đại của cộng đòan mà anh bạn của chúng ta đây đã nhận được một cuộc sống mới”. Nói đến đây tôi mời anh què đứng dậy để giới thiệu anh với cộng đoàn. Sau đó mọi người trong nhà thờ đều phấn khởi khi nghe những lời phát biểu chân thành của anh, và vỗ tay tán thưởng khi nghe anh ngỏ ý xin gia nhập cộng đoàn. Cuối cùng anh què đã được xếp vào đội hình những người lên dâng lễ hôm đó.
- THẢO LUẬN: 1)Bạn đánh giá thế nào về phương cách truyền giáo của vị linh mục người Bờ-ra-din trong câu chuyện trên? 2) Bạn sẽ làm gì trong những ngày này để giúp một người lương tin nhận Chúa và đón nhận được ơn cứu độ của Người ?
- SUY NIỆM:
1) Dễ tin và cứng lòng:
– Trong cuộc sống đời thường, ngòai việc nhận biết mọi sự nhờ tai nghe mắt thấy, chúng ta còn cần tin vào lời dạy của thầy cô ở nhà trường thì mới có thể thăng tiến về học tập và trau dồi kiến thức; Tin vào cha mẹ mới nên người tốt được; Tin vào đối tác làm ăn mới kinh doanh thành công được… Tuy nhiên thực tế nhiều khi chúng ta đã bị lừa khi “tiền mất tật mang” nếu dễ tin, khi vâng theo lời những kẻ lừa đảo ăn nói giảo hoạt. Do đó, chỉ nên tin nếu hợp lý và người nói có uy tín chưa từng dối gạt ai và “nói có sách, mách có chứng”.
– Riêng về mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su, các môn đệ không phải là những người dễ tin: Dù các ông đã từng được nghe Đức Giê-su ba lần tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người tại Giê-ru-sa-lem, nhưng các ông vẫn không muốn chấp nhận điều đó (x Mt 16,21-23). Rồi sau cuộc tử nạn của Chúa, khi bà Ma-ri-a Mác-đa-la báo tin Thầy Giê-su vẫn còn sống và chính bà đã được gặp Người, nhưng các ông vẫn không tin (x Mc 16,9-11). Vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần, khi Chúa Phục Sinh hiện đến tại nhà Tiệc Ly cửa đóng then cài thì các môn đệ sợ hãi như nhìn thấy ma. Chúa Giê-su đã phải trấn an các ông và chứng minh cho các ông thấy Người không phải là ma: “Sao anh em lại hỏang hốt ? Sao anh em ngờ vực trong lòng ? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,38-40). Sau đó thấy các ông vẫn chưa tin, Người đã ăn một mẩu cá nướng trước mặt các ông (x Lc 24,41-43). Do đó một khi các ông tin là đã dựa vào những chứng cớ xác thực.
2) Đức tin của Tô-ma và của các tín hữu hôm nay:
– Tô-ma chính là mẫu gương cho đời sống đức tin của các tín hữu chúng ta. Tô-ma đã từng xa lìa cộng đoàn sau khi Thầy bị bắt và đã sống trong u sầu thất vọng. Nhưng rồi ông đã quay về với cộng đoàn và đã tìm thấy đức tin vào mầu nhiệm Chúa phục sinh.Tuy Tô-ma cứng tin, nhưng sau khi đã gặp Chúa và cảm nghiệm về tình thương của Người, ông đã đạt tới một đức tin sâu xa và vững mạnh hơn các môn đệ khác qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20,28). Chúa Giê-su đã qua Tô-ma chúc phúc cho các tín hữu sau này: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
– Ngày nay tuy không ai trong chúng ta được gặp Chúa Phục Sinh, không trực tiếp nghe lời của Người, cũng không được ăn uống tiếp xúc với Người như các tông đồ khi xưa… Nhưng đức tin của chúng ta sẽ có phúc nếu chúng ta tin vào lời rao giảng của các tông đồ là những người không dễ tin nhưng đã cảm nghiệm được mầu nhiệm phục sinh như thánh Grê-gô-ri-ô đã nói: “Ngón tay đa nghi của Tô-ma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới ; Bàn tay đa nghi của Tô-ma đã dạy cho mọi người một sự thật chắc chắn, đó là Đức Giê-su Ki-tô thực sự đã sống lại”. Triết gia Pas-cal cũng đồng quan điểm khi nói : “Đức tin không đến từ lý trí nhưng từ con tim.”
3) Truyền đạt Đức Tin cho con người ngày nay bằng cách nào ? :
Trước khi về trời, Chúa Phục Sinh đã trao cho Hội Thánh sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân (x Mt 28,19-20). Rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay thực không dễ chút nào. Muốn thuyết phục con người ngày nay tin vào Chúa Giê-su, tin vào Tin Mừng mà Người rao giảng thì cần có các điều kiện như sau:
– Một là phải cầu xin ơn Thánh Thần: Các tông đồ xưa sau khi Chúa lên trời đã cầu nguyện kết hiệp với Đức Ma-ri-a và các anh em Chúa, với các môn đệ… nên đã nhận được ơn Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sau khi được Thánh Thần tác động, việc tông đồ truyền giáo của các ông mới thành công: Sau bài giảng đầu tiên của Phê-rô đã có ba ngàn người xin theo đạọ (x. Cv 2,41). Thực đúng như lời Đức Giê-su đã nói với các môn đệ trong bữa tiệc ly: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
– Hai là phải hiệp nhất với các mục tử trong Hội Thánh: Chỉ khi kết hiệp với Chúa Giê-su và vâng nghe lời sai đi của các vị chủ chăn trong Hội Thánh, việc tông đồ của chúng ta mới được ơn Chúa giúp và mang lại kết quả như câu chuyện mẻ cá lạ lùng: ông Si-mon đã thưa với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm, mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Các ông đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới (Lc 5,6). Thánh Phao-lô cũng dạy: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi ?” (Rm 10,14-15).
– Ba là phải rao giảng bằng lối sống chứng nhân tình thương: Thế giới ngày nay đầy rẫy những kẻ hoài nghi và vô tín. Cách thức duy nhất làm cho họ tin là giúp họ “nhìn thấy” Đức Giê-su và “đụng chạm“ vào Người qua chính lối sống của các tín hữu, qua lời nói thân thiện lễ độ và lối ứng xử khiêm tốn phục vụ của các chứng nhân đức tin, như Đức Phao-lô VI đã nói: “Người đương thời sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là thầy dậy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính các thầy dậy cũng là những chứng nhân”.
4) Thể hiện “Lòng Chúa Thương xót” đối với tha nhân:
– Vào ngày 30/4/2000 Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã tuyên thánh cho Nữ tu Faus-ti-na Ko-wals-ka và chọn ngày Chúa Nhật II Phục Sinh hằng năm làm ngày kính Lòng Chúa Thương Xót. Tông đồ Tô-ma đã được Chúa Giê-su thương xót khi thỏa mãn đòi hỏi được mắt thấy tay sờ của ông. Sau này Chúa Phục Sinh cũng hiện ra với thánh nữ Faus-ti-na qua một thị kiến bày tỏ lòng thương xót của Người. Thánh nữ Faus-ti-na đã thuật lại thị kiến ấy như sau : “Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng bí tích Thánh Thể và bí tích Rửa Tội”.
– Đức Giê-su là hiện thân Lòng Thương Xót của Chúa Cha qua việc chịu đau khổ do các vết thương ở tay chân, qua nước và máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu. Chúng ta hãy cùng thánh nữ Faus-ti-na thưa với Người rằng: “Lạy Chúa Giê-su, con xin tín thác vào Người !” Mỗi người hãy trở thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót đối với các tội nhân qua lối sống yêu thương hiệp nhất, chia sẻ các món quà cụ thể và luôn quan tâm săn sóc những người bệnh tật đau khổ, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho những ai xúc phạm đến mình…
- LỜI CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Tông đồ Tô-ma tuy lúc đầu cứng tin, nhưng sau đó đã đạt đến một đức tin trọn hảo khi ông gặp được Chúa Phục Sinh. Cũng nhờ sự “cứng tin” của Tô-ma lại trở thành chỗ dựa vững chắc cho đức tin của chúng con hôm nay. Rồi đến lượt các tông đồ cũng chứng tỏ lòng trung thực và khiêm tốn, khi không chỉ thuật lại những điều tốt lành, mà còn thuật lại cả những thiếu sót, chậm tin và hồ nghi của các ngài… để nhờ đó đức tin của chúng con hôm nay thêm vững mạnh. Giờ đây cùng với tông đồ Tô-ma, chúng con tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa Giê-su. Chúa chính là Đấng Cứu Thế và là Thiên Chúa của chúng con. Xin thương xót chúng con”.
– LẠY THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG TỪ BI THƯƠNG XÓT. Xin cho chúng con được ngụp lặn trong đại dương bao la của Lòng Chúa Thương Xót, được tắm gội trong Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Con yêu dấu của Cha là Chúa Giê-su. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su Ki-tô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Xin hai Thánh Faus-ti-na và Gio-an Phao-lô II cầu bầu cùng Chúa cho chúng con hôm nay và luôn mãi.
- X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM