TẾT ĐEM ĐẾN ĐIỀU TỐT MÀU ĐỎ THẮM
XUÂN RƯỚC VỀ SỰ LÀNH SẮC XANH TƯƠI
Tết tốt Xuân lành nên ai cũng nô nức mong chờ rồi vui mừng đón chào. Như vậy, Tết đến Xuân về là điều tốt lành. Cái gì tốt thì lành, lành thì tốt, tốt thì đẹp, nhưng cái gì đẹp chưa chắc là tốt. Nếu Tết tốt và Xuân lành thì đúng là Phúc Lành của Thiên Chúa.
Phúc Lành có khi trừu tượng, có khi cụ thể. Rất rõ ràng, Thánh Phaolô cho biết: “Khi mảnh đất nào được thấm mưa thường xuyên đổ xuống và sinh ra những loại cây có ích cho người canh tác, thì mảnh đất ấy nhận được phúc lành của Thiên Chúa” (Dt 6:7). Người ta cũng nhận xét: “Đất lành chim đậu”. Đất đai còn như vậy, huống chi con người – các thụ tạo được chính Thiên Chúa yêu thương tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài: “Ngày Thiên Chúa sáng tạo con người, Chúa làm ra con người giống như Thiên Chúa. Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, Chúa ban phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là ‘người’, ngày họ được sáng tạo” (St 5:1-2). Và nhờ đức tin, chúng ta nhận được Phúc Lành mà Ngài đã hứa ban – tức là Thần Khí (Gl 3:14).
Theo chiết tự, Phúc còn gọi là Phước. Đó là Ân Phúc, Hồng Phúc, Hạnh Phúc, Điều Lành, Điều Tốt – chứ không thể là Điều Dữ hoặc Xấu. Trong tam bộ Phúc-Lộc-Thọ, chữ Phúc đứng đầu “tam tự” đó, như vậy chứng tỏ Phúc là điều rất quan trọng. Tam bộ này được tượng trưng bằng ba ông già, gọi là Tam Đa. Ông Phúc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành, thường được đặt ở giữa ông Lộc và ông Thọ. Cả ba đều cần thiết nên ai cũng mong ước, nhất là khi Tết đến Xuân về.
Điều tốt lành luôn được quan tâm mọi thời. Ngày xưa, Cựu Ước đã đề cập điều Phúc nhiều lần: “PHÚC thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2), hoặc: “HẠNH PHÚC thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người” (Tv 128:1). Và còn nhiều câu khác nữa – ví dụ: Lc 7:22-23, Lc 11:28, Lc 14:15, Ga 20:29, Rm 4:7-8, Rm 14:22, Gc 1:12, Gc 5:11, Kh 1:3, Kh 19:9, Kh 20:6, Tv 1:1-2, Tv 33:12, Tv 106:3, Tv 112:5, Tv 119:1-2, Tv 144:15, Tv 146:5, Hc 28:19, Cn 3:13, Cn 8:32, Cn 8:34, G 5:17, Is 56:2, Gr 17:7,…
Điều Phúc cũng thường được chính Chúa Giêsu đề cập, cụ thể và đặc biệt được Ngài đúc kết thành Tám Mối Phúc (Bát Phúc) trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5:3-12; Lc 6:20-23), cũng được gọi là “Hiến Chương Nước Trời”. Riêng với Tông đồ Phêrô, Chúa Giêsu đã cho ông biết: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người CÓ PHÚC, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17).Ôi, thật hạnh phúc tuyệt vời nếuchúng ta “có phúc”, nhưng lại vô cùng khốn nạnnếu chúng ta “vô phúc”.
Thực tế cho thấy một sự thật minh nhiên rằng những người lười biếng, ưa nhàn rỗi hoặc ngồi chờ sung rụng thì không thể hưởng phúc, chẳng ai có thể ngồi mát mà thanh thản ăn bằng bát vàng. Về tâm linh cũng vậy, muốn hưởng phúc thì phải chịu khổ, phải miệt mài “vác thập giá”.
Làm thế nào để có phúc mà hưởng? Về điều kiện để hưởng phúc, sách Xô-phô-ni-a có lời hiệu triệu: “Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa, anh em hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa” (Xp 2:3). Lời hiệu triệu này cũng chính là lời cảnh báo mạnh mẽ dành cho chính mỗi người chúng ta ngày nay vậy! Chắc chắn rằng cuộc tìm kiếm nào cũng vất vả, không hề nhàn hạ hoặc thoải mái. Ngay cả nhờ gã khổng lồ Google mà tìm kiếm cũng chẳng dễ, có nhiều người muốn tìm cái gì đó mà không tìm được. Muốn nhờ Google cũng phải có bí quyết chứ đâu có khơi khơi rồi OK là xong.
Kitô hữu chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa tốt lành, ngôn ngữ nhà đạo thường gọi là “nhân lành”. Ngài là Đấng công chính và yêu quý những người sống khiêm nhường, vì thế Ngài sẽ xua đuổi những kẻ kiêu căng đắc thắng, triệt hạ kẻ ngông nghênh tự phụ, chảnh chọe, hợm hĩnh. Thật vậy, chính Ngài đã nói thẳng với dân Ít-ra-en: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Ít-ra-en còn sót lại sẽ KHÔNG làm chuyện tàn ác bất công, cũng KHÔNG ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ KHÔNG còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ” (Xp 3:12-13). Ba “cái không” mà lại có thật, cả ba cái đó đềurất cần thiết, và chúng ta vẫn thấy thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày – tức là người ta ưa hành động trái ngược với “ba không” đó. Thà có ít người mà tốt lành còn hơn có nhiều người mà toàn loại “cá mè một lứa”, bụng dạ xấu xa, tâm địa độc ác, giả hình, mưu mô, gian dối, lọc lừa,…
Cuộc đời đôi khi như vàng – thau lẫn lộn, khó phân định thực – hư, chân – giả. Những người sống lưỡng diện hoặc đa diện đều không phù hợp với Thiên Chúa. Tại sao? Thánh Vịnh gia cho biết: “Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời” (Tv 146:6). Thiên Chúa chí minh và chí thiện, nhưng rạch ròi và thẳng thắn, Ngài “xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù loà, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, yêu chuộng những người công chính, phù trợ những khách ngoại kiều, nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146:7-9). Ngài không chấp nhận nửa vời: “Vì ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16). Ôi, thế thì vô phúc thật!
Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất và toàn năng, tất cả mọi loài đều bởi Ngài, nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài. Thánh Vịnh gia xác định: “Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở, Sion hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời” (Tv 146:10). Lời nhắc nhở và xác định này không chỉ dành cho dân Sion ngày xưa, mà dành cho cả mọi người và mọi thời, trong đó có chúng ta ngày nay, và các thế hệ tương lai cho đến tận thế.
Là phàm nhân và tội nhân, chúng ta rất yếu đuối, mọn hèn, đó là điều chắc chắn. Biết thế mà chúng ta vẫn ra vẻ chảnh chọe, ảo tưởng và mạo nhận. Không làm được gì thì lấm la lấm lét, có vẻ “nhu mì” lắm, nhưng làm được chút gì thì vội vênh vang tự đắc, coi không ai ra gì, tăng ga quá mạnh, hứng chí sảng nên phát ngôn bừa bãi. Thế thì nguy hiểm quá, thảo nào tiền nhân căn dặn: “Cẩn tắc vô ưu”. Kinh Thánh nói: “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn” (Cn 10:19). Có thể kết luận: “Nói ít là phúc, nói nhiều là họa”.
Thế nhưng con người rất dễ ảo tưởng, ma quỷ biết rõ điều đó nên chúng luôn khôn khéo thúc giục chúng ta đề cao “cái tôi” của mình, nhất là những lúc chúng ta chán nản, buồn bã, tức giận,… Luxiphe là “tấm gương to lớn” phản chiếu sự kiêu ngạo mà chúng ta phải can đảm nhìn vào để nhận thấy sự mê muội của mình. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo rất nhiều lần, rồi Thánh Phaolô cũng phải lên tiếng nhắc nhở và phân tích tỉ mỉ: “Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1:26-29). Cách thức của Thiên Chúa hoàn toàn khác với cách thức của chúng ta. Liệu chúng ta có nhận ra để đè “cái tôi” xuống? Nếu được, đó là phúc lành.
Càng nhận biết Thiên Chúa thì chúng ta càng có thể nhận diện chính mình, nhờ đó mà “cái tôi” sẽ mờ nhạt dần dần. Thánh Phaolô nói thêm: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1 Cr 1:30-31). Sự tự hào như vậy mới thực sự có giá trị, nhưng cũng nên lưu ý rằng sự tự hào và sự kiêu ngạo rất dễ hoán chuyển lẫn nhau, vì chúng khá giống nhau. Chính thói kiêu ngạo có thể tiềm ẩn ngay trong vẻ khiêm nhường, nên rất dễ sập bẫy ma quỷ giăng sẵn.
Niềm hãnh diện vì Chúa là một dạng Phúc. Có nhiều dạng Phúc, nhưng đặc biệt hơn cả là Bát Phúc mà chính Chúa Giêsu cho chúng ta biết, được Thánh sử Mát-thêu ghi lại chi tiết trong trình thuật Mt 5:1-12 (mạch lạc hơn so với Lc 6:20-23).
Thánh sử Mátthêu cho biết: Một hôm, Đức Giêsu lên núi và thấy có đám đông theo mình. Họ là những người từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Họ theo Chúa Giêsu vì lúc này danh tiếng Ngài bắt đầu nổi như cồn về cách giảng dạy thu hút và chữa lành nhiều bệnh nhân. Khi đó, Ngài ngồi xuống, các môn đệ cũng ngồi gần bên. Ngài điềm tĩnh nói với họ 8 điều ngắn gọn, hàm súc và dễ nhớ.
- Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
- Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
- Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
- Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
- Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
- Phúc thay ai có tâm hồn TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
- Phúc thay ai xây dựng HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
- Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Vấn đề quan trọng là có thi hành được hay không, đó mới là chuyện khó chứ không là chuyện dễ đâu!
Cuối cùng, Chúa Giêsu nói thêm về dạng “cao cấp” liên quan phúc lành: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta SỈ VẢ, BÁCH HẠI và VU KHỐNG đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11-12).
Bát Phúc là bản Đệ Nhất Tuyên Ngôn về Nước Trời, chắc chắn không bản tuyên ngôn nào ngắn gọn và súc tích hơn nữa – bất kể cổ hay kim. Thiết tưởng cũng nên biết thêm rằng, sau khi nghiên cứu Bản Tuyên Ngôn Nước Trời mà Chúa Giêsu đưa ra, vĩ nhân Gandhi (vị Cha già Đáng kính của dân tộc Ấn Độ, được dân Ấn coi là thánh nhân) đã tuyên bố rằng “Bài Giảng Trên Núi là bản tuyên ngôn HAY NHẤT”, và nhờ đó mà ông cảm thấy yêu mến Chúa Giêsu – mặc dù ông không là Kitô hữu.
Thế nhưng chúng ta lại phải suy tư nhiều và tự xét mình về lời nhận xét của ông Gandhi: “Nếu những người Công giáo sống đúng theo Tin Mừng Đức Kitô thì dân tộc của tôi bớt khổ. Tôi sẵn sàng làm Kitô hữu NẾU tôi tìm được những Kitô hữu thực thi Bài Giảng Trên Núi”. Thực sự chúng ta phải tự cảm thấy vô cùng xấu hổ đối với lời nhận xét “tinh vi” của một người ngoại giáo như vậy.
Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu không hề nói gì bóng gió trong Bản Tuyên Ngôn Nước Trời, Ngài nói rất rõ ràng và mạch lạc để mọi người đều có thể hiểu – dù đó là ai. Tuy nhiên,có lẽ đôi khi chúng ta vẫn “ngại” hiểu, hoặc cố tình không hiểu, chứ không phải là không hiểu. Thánh Phaolô cũng rạch ròi đưa ra lời khuyên: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy LẤY THIỆN MÀ THẮNG ÁC” (Rm 12:21).
Theo quy luật tự nhiên, Xuân về thì Tết đến, chúng ta còn được tận hưởng năm Kỷ Hợi này là tặng phẩm phúc lành do chính Thiên Chúa trao ban. Con Heo gợi nhớ trình thuật Lc 15:11-32, đề cập dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, trong đó có thằng Ba hoang đàng và thằng Hai ích kỷ. Con Heo có liên quan thằng Ba vì nó đã thất thế đến nỗi phải đi chăn Heo và thèm đồ ăn của Heo mà không được. Chắc chắn không ai lại không quen thuộc với dụ ngôn này – dụ ngôn đặc biệt trong số các dụ ngôn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Nhân đức liên quan phúc lành là sự khiêm nhường. Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse thì khỏi nói rồi. Có một nhân vật quan trọng (VIP – Very Important Person) cũng rất khiêm nhường là “ông bụi đời” Gioan Tẩy Giả. Người ta thấy ông rất lạ nên đã tưởng ông là Đấng Cứu Thế, nhưng ông nói ngay rằng ông “không đáng cởi quai dép” cho Đấng ấy (Mc 1:7; Lc 3:16; Ga 1:27). Trong những lời chứng cuối cùng ông nói về Đức Kitô, ông đã minh định về phần mình: “Người [Đức Giêsu Kitô] phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30).
Trong tâm tình đầu năm, chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta từ trong ra ngoài để trở thành những “khí cụ bình an” của Ngài,luôn khả dĩ nhận diện chính mình và nhận biết tha nhân, và cùng trao nhau lời chúc Xuân đầy phúc lành của Thiên Chúasuốt năm nay: Cầu Chúc Nên Mới – Holy New You.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng, hằng hữu và chí thánh, xin giúp con khả dĩ cảm nhận thâm thúy về Phúc Lành mà Ngài muốn con hiểu theo Thánh Ý Ngài trong cuộc trần này. Xin giúp con biết trang sức cuộc đời con bằng Thập Giá của Đức Giêsu Kitô, Ái Tử của Ngài. Con chân thành cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
† Thánh Kinh Ca TÁM MỐI PHÚC – https://www.youtube.com/watch?v=OGSTHS4ayzg