Home / Suy Niệm Lời Chúa / Các bài Suy niệm Tin mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, của LM Đan Vinh

Các bài Suy niệm Tin mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Kh 7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

SỐNG YÊU THƯƠNG ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC   

II-HỌC LỜI CHÚA

  1. Tin-mung-Mt-5,1-12LỜI CHÚA:

(1) Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên (2). Người mở miệng dạy họ rằng: (3) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. (4) “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. (5) “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an”. (6) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (7) “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. (8) “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (9) “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (10) “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. (11) “Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

  1. Ý CHÍNH: TÁM MỐI PHÚC THẬT.

Mát-thêu gom nhiều điều Chúa Giê-su nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau làm thành “Bài Giảng Trên Núi” hay là “Hiến Chương Nước Trời”. Tin Mừng hôm nay là phần đầu của Bài Giảng Trên Núi, trong đó nêu ra 8 điều kiện mà ai muốn gia nhập vào Nước Trời của Chúa Giê-su đều phải có, được gọi là Tám Mối Phúc Thật. Chẳng hạn: Tinh thần nghèo khó, nhân đức hiền lành, tâm hồn sám hối, luôn khao khát sống công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, biết ăn ở hòa thuận, bị bách hại vì đức Tin. Ai sống theo 8 tinh thần này thì thật diễm phúc, vì sẽ được làm thành viên của Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và Thiên Đàng mai sau.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 1-3: +Đoàn lũ đông đảo: Gồm các Tông Đồ, các môn đệ và dân chúng đến từ Ga-li-lê-a, miền Thập Tỉnh, miền Giu-đê và thủ đô Giê-ru-sa-lem. Lại có cả dân ngoại từ các thành Ty-rô và Si-đon (x. Lc 6,17; Mt 4,25). Như vậy đoàn lũ đông đảo nói lên tính cách phổ quát của sứ điệp của Chúa Giê-su. + Người đi lên núi: Núi ở đây thực ra chỉ là một ngọn đồi ở gần Ca-phác-na-um. Nhưng Tin Mừng Mát-thêu dùng tiếng núi để gợi lại việc Thiên Chúa ký kết Giao Ước cũ và ban Lề Luật cho Ít-ra-en. + Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên: Ngồi là tư thế của vị Thầy khi giáo huấn các môn đồ (x. Mt 13,1). + Phúc thay: Đây là kiểu nói hay được dùng trong Cựu Ước (x. Tv 1,1-2; Cn 3,3). Ở đây Đức Giê-su sử dụng lối nói này để khai mạc Nước Trời, trong đó những người nghèo đói, hèn mọn, sầu khổ… sẽ được hạnh phúc thật, miễn là họ tiếp nhận sứ điệp của Người. Mát-thêu dùng kiểu nói: Phúc thay ai…, còn Lu-ca (6,20-26) thì viết: Phúc cho anh em… + Tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ: Nghèo khó là thái độ của người khiêm tốn, hóa nên như trẻ em (x. Mt 18,1-11). Tinh thần nghèo khó cũng đồng nghĩa với sự siêu thoát, sẵn sàng từ bỏ của cải vật chất để trở thành môn đệ Chúa và được vào Nước Trời do Chúa thiết lập (x. Mt 6,19-21). Đức Giê-su không coi nghèo khó là điều tốt, vì nghèo thường đi đôi với dốt nát, thất bại và bất hạnh. Người dạy môn đệ không được tham lam tiền của bất chính và không cậy dựa vào thế lực của tiền tài, phải coi đồng tiền là đầy tớ thay vì là ông ông chủ của mình. Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su nói: “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vìu Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Đức Giê-su không mị dân chúc lành cho sự nghèo khó. Người muốn tái lập một trật tự mới công bình: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-53).

C 4-5: + Hiền lành: Trong Kinh Thánh, sự hiền lành luôn đi đôi với sự nghèo khó, khiêm nhường, nhỏ bé, yếu đuối, bị oan ức và bị thiếu thốn. + Đất Hứa làm gia nghiệp: Đất Hứa là một kiểu nói ám chỉ Nước Trời (x. Tv 37,11). + sầu khổ: là than khóc, buồn sầu vì đã phạm tội mất lòng Chúa và phải xa lìa Thiên Chúa. Buồn sầu thường do tội lỗi gây ra (x. 1 Cr 5,2). Đây cũng là tâm tình của người đang mong đợi ơn cứu rỗi như lời ông Si-mê-on (x. Lc 2,25). + Được Thiên Chúa ủi an: Họ sẽ được Thiên Chúa an ủi và ban ơn tha thứ trong giờ phán xét sau này.

C 6-8: + Khát khao nên người công chính: Công chính là cách ăn ở hợp với thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 3,15). Khát khao nên người công chính là ước mong sống công bình ngay chính, tuân giữ Luật Chúa truyền dạy (1,19; 5,20). + Nước Trời là của họ: Hạnh phúc Nước Trời sẽ là phần thưởng dành cho những ai muốn sống cuộc đời hoàn thiện. + Xót thương người: nghĩa là tỏ lòng nhân hậu đối với các tội nhân noi gương Thiên Chúa như lời tuyên sấm của ngôn sứ Hô-sê: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6) và như người Sa-ma-ri nhân hậu đã giúp đỡ kẻ gặp nạn (x. Lc 10,33-37). + Sẽ được Thiên Chúa xót thương: Thương xót và tha thứ cho kẻ khác thì sẽ được Thiên Chúa xót thương tha tội nợ cho mình (x. Mt 6,14-15). Ông chủ trong dụ ngôn “Hai con nợ” đã mắng kẻ không biết thương xót: “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin Ta. Thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33). + Lòng trong sạch: Trong sạch là ngay thẳng trong lương tâm. Người có lòng trong sạch hết mình phục vụ Chúa và tha nhân, không màng tư lợi, không đạo đức giả. Sự trong sạch không những nói về đức khiết tịnh, mà còn về nhiều phương diện khác nữa. + Được nhìn thấy Thiên Chúa: Là được về trời gặp mặt Người ở đời sau (x. Dt 12,14).

C 9-10: + Xây dựng hòa bình: Sứ mệnh của các môn đệ là phải làm cho mọi dân nước trên thế giới trở thành một gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Cần hòa giải những tranh chấp, để của lễ dâng lên Chúa xứng đáng được chấp nhận (x. Mt 5,23-24). + Được gọi là con Thiên Chúa: Vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Ai yêu thương thì mới được ở trong Thiên Chúa và nên con cái Thiên Chúa. Họ sẽ được Chúa yêu thương và tâm hồn họ sẽ được bình an (x 2 Cr 13,11). + Bị bách hại: Bị bách hại là một đặc điểm của Chúa Giê-su, Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn để vào vinh quang phục sinh. Đây là một điều khó hiểu, điên rồ đối với người Do thái và khó chấp nhận ngay cả với các môn đệ (x. Mt 16,22). + Vì sống công chính: Nghĩa là sống phù hợp với giáo huấn của Chúa Giê-su (x. Mt 10,24-25). Thánh Phê-rô cũng nói: “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc!” (1 Pr 3,14).

C 11-12a: + Vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa: Lời Chúa giải thích mối phúc thứ tám để động viên các tín hữu thời sơ khai đang bị bách hại. + Anh em hãy vui mừng hớn hở: Thánh Phê-rô cũng dạy: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ. Nếu bị xỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4,13-14). + Vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao: Khi chịu đau khổ bách hại và liên kết với cuộc tử nạn của Chúa, sẽ được nên giống Chúa và sau này được vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc với Người

  1. CÂU HỎI:

1- Tám Mối Phúc Thật là bản tóm lược những điều kiện phải có để được vào Nước Trơi do Chúa Giê-su thiết lập. Trong đó, mối phúc nào là quan trọng nhất và là nền tảng của các mối phúc khác?

2- So sánh ý nghĩa câu: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó” trong Tin Mừng Mát-thêu với câu “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” trong Tin Mừng Lu-ca khác nhau thế nào? Phải chăng Đức Giê-su đề cao sự nghèo khó, thường là nguyên nhân gây ra tội lỗi như người đời thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”?

3- Tại sao Chúa Giê-su lại chúc phúc và đề cao người nghèo, đang khi lẽ ra Người phải giúp đỡ người nghèo vượt qua sự nghèo đói bất hạnh ấy để cuộc sống của họ được ấm no hạnh phúc hơn?

4- Ý nghĩa của các mối phúc khác như thế nào: hiền lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì Thầy?

 II – SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).
  2. CÂU CHUYỆN: GƯƠNG SỐNG NGHÈO KHÓ:

PHAN-XI-CÔ THÀNH AT-SI (Phanxico Assise) là con một người giàu có danh giá ở thành Át-si. Một hôm đi nhà thờ dự lễ, tình cờ nghe một vị linh mục gảng một bài về Tám Mối Phúc Thật, Phan-xi-cô rất tâm đắc với câu nói của Chúa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Từ hôm ấy, Phan-xi-cô thường suy nghĩ phải sống thế nào để thực thi ý Chúa, và trở thành một người nghèo thực sự? Rồi một ngày nọ, anh quyết định sống siêu thoát và từ bỏ để hoàn toàn tin cậy vào Chúa quan phòng. Anh bán tất cả gia sản của cha, rồi đem phân phát cho người nghèo khổ bệnh tật. Hành động của Phan-xi-cô đến tai người cha làm ông nổi giận. Ông đã đến thu hồi tất cả những gì còn lại và không nhận Phan-xi-cô làm con nữa. Hôm ấy anh đã cởi bỏ các thứ quần áo giầy dép quí giá đang mang trên người và ra đi với hai bàn tay trắng. Anh viết trong nhật ký: “Bây giờ tuy không còn có cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có Cha Trên Trời hằng thương yêu tôi”. Từ hôm đó anh được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã lựa chọn, là từ bỏ mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”. Ban ngày anh mặc quần áo vải thô, chân không giày dép đi qua các đường phố và làng mạc để khất thực. Tối đến, anh lại thức khuya để đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và dùng dây da tự đánh vào người hãm mình phạt xác. Anh đã được Chúa Giê-su cho in năm dấu thánh trên hai bàn tay bàn chân và cạnh sườn để nên giống Người. Anh đã thực hành theo Lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Lối tu luyện khổ hạnh của anh đã được Giáo Hội công nhận và dòng “Anh em hèn mọn” do anh sáng lập đã được nhiều người đến xin gia nhập và trở thành một dòng tu lớn trong Giáo Hội. Sau khi qua đời, anh được Hội Thánh phong hiển thánh tức là thánh Phan-xi-cô Át-si, hoặc Phan-xi-cô khó khăn hay Phan-xi-cô Năm Dấu.

  1. SUY NIỆM:

1) HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Hầu như không ai trong chúng ta đạt được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc xem ra hạnh phúc như vừa thi đậu, vừa được thăng chức, gặp được người thân, được xuất ngọai, được trúng số… nhưng vẫn có những điều khiến chúng ta không thỏa mãn trọn vẹn. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã chỉ cho chúng ta bí quyết để có hạnh phúc đích thực trọn vẹn. Thiên Chúa ban hạnh phúc, nhưng chúng ta chỉ nhận được khi ta biết mở lòng đón nhận. Hạnh phúc thật chỉ có khi chúng ta có Chúa là lẽ sống, được gia nhập vào Nước Trời, được sống trong ơn nghĩa Chúa và được vui hưởng hạnh phúc viên mãn. Tóm lại, người được chúc phúc là người biết mở cửa lòng để đón nhận Thiên Chúa và tha nhân: mở trí khôn để hiểu rõ thánh ý Thiên Chúa và thi hành, mở mắt mở tai để nhìn xem và nghe biết những nhu cầu của tha nhân và mau mắn đáp ứng; mở trái tim để yêu thương mọi người; mở miệng để nói lời động viên an ủi và mở đôi tay để chia sẻ cơm áo vật chất và tận tình phục vụ tha nhân…

2) PHÚC THAY!: Đây là tám điều kiện phải có để đạt được hạnh phúc Nước Trời:

+ Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó: Đó là những người nghèo của cải vật chất, nghèo địa vị chức quyền, những người ý thức thân phận tội lỗi bất lực của mình để khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa trợ giúp, phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Người, biết khiêm hạ phục vụ cho người dưới noi gương Đức Giê-su.

+ Phúc thay ai hiền lành: Là người có lòng nhân từ, không lấy oán báo oán, nhẫn nhịn chịu đựng và tha thứ những xúc phạm của kẻ khác đối với mình.

+ Phúc thay ai sầu khổ: Là người gặp sự đau khổ mà không oán than, nhưng biết nhìn lên Chúa Giê-su trên thập giá để nhận biết giá trị thanh luyện và cứu độ của đau khổ, sẵn sàng chịu đựng những sự trái ý cực lòng để đền tội của mình và của tha nhân.

+ Phúc thay ai khao khát nên người công chính: Là người luôn hướng thượng, muốn nên hoàn thiện giống Chúa Cha trên trời như Đức Giê-su dạy: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

+ Phúc thay ai xót thương người: Là người biết mở rộng lòng để cảm thông với nỗi đau của người khác: “Vui với người vui, khóc với người khóc”. Có lòng quảng đại để chia sẻ tình thương cơm áo cho người đau khổ bất hạnh. Họ sẽ được Chúa đền đáp cân xứng ở đờì sau: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì sẽ được Thiên Chúa đong trả lại bằng chính cái đấu ấy”.

+ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Là người không tìm thỏa mãn các đam mê nhục dục thấp hèn, biết ăn ở ngay thẳng, thật thà, không giả dối, luôn làm gương sáng. Chính nhờ đức trong sạch mà họ sẽ được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa trong Nước Trời mai sau.

+ Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Là người luôn gieo rắc sự an vui hòa thuận mọi lúc và mọi nơi. Nhờ họ mà gia đình, xã hội và thế giới có hòa bình. Họ giải tỏa những hiểu lầm, giải gỡ những bất hòa tranh chấp, luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương và chan chứa tình người. Nhờ đó, họ xứng đáng mang danh hiệu là con của Thiên Chúa.

+ Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Là người chấp nhận bị sỉ nhục và chịu bách hại vì đức tin. Khi ấy họ sẽ được nên giống Chúa Giê-su. Những ai chấp nhận bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa Giê-su, cùng chịu đau khổ với Người, thì sẽ được tham phần vào sự phục sinh vinh quang của Người sau này.

  1. THẢO LUẬN:

Để có được hạnh phúc thật của Chúa, bạn nên làm gì để biến rủi ro thành may mắn, biến đau khổ thành niềm vui trong Chúa?

  1. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Người Mã Lai đã có câu châm ngôn so sánh các bậc vĩ nhân với những kẻ tiểu nhân như sau: “Cây lúa nào càng nặng trĩu hạt thì càng rạp sâu xuống sát mặt đất. Ngược lại: cây lúa nào càng nghểnh lên cao thì lại càng ít hạt”. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống khiêm hạ và nghèo khó. Cho chúng con biết “Nói ít làm nhiều”, luôn từ tốn, khiêm nhu và có thái độ hòa nhã với mọi người. Nhờ đó, chúng con sẽ trở nên giống Chúa hơn, sẽ có Nước Trời làm phần gia nghiệp đời này và đời sau.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

 

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN (02/11)

 

MẦU NHIỆM CÁC THÁNH CÙNG THÔNG CÔNG

  1. NGUỒN GỐC LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN

Nghia trang– Theo lịch sử Hội thánh: Thánh ODILO (962- 1048) là viện phụ của đan viện Cluny trong đế quốc Germany, là một tu sĩ rất có lòng đạo đức. Ngài luôn tưởng nhớ cầu nguyện kèm ăn chay hãm mình và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Một hôm, một đan sĩ Dòng của ngài đi hành hương Đất thánh. Trên đường trở về, tàu chở vị đan sĩ đã bị bão đánh giạt vào một hòn đảo, và tại đây đan sĩ đã gặp gỡ và trao đổi với một vị ẩn sĩ. Trong buổi trò chuyện, ẩn sĩ cho biết: “Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều linh hồn người chết thường bị hành hạ, đánh đập đau đớn. Có lần tôi nghe được mấy tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng Cluny mỗi ngày đều giải thoát được một số linh hồn được ra khỏi hang lửa nói trên. Vì thế, xin thầy hãy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng tiếp tục cứu giúp các linh hồn đang chịu đau khổ. Việc này làm cho các thánh trên trời vui mừng và cũng làm cho ma quỷ trong hỏa ngục phải buồn sầu tức giận”. Sau khi nghe tu sĩ kể lại sự việc, cha Odilo đã chọn ngày 2 tháng 11 hằng năm để cử hành lễ cầu hồn trong đan viện Cluny của ngài. Về sau lễ cầu hồn này đã truyền sang nước Pháp, và Đức Giáo hoàng Gio-an 14 đã thiết lập lễ Cầu cho các linh hồn trong Hội Thánh Công Giáo Rô-ma từ giữa thế kỷ 11.

– Giáo lý Hội Thánh Công giáo do Đức Thánh cha Gio-an Phao-lô 2 ban hành năm 1992 có 3 số nói về luyện ngục như sau:

Số 1030: Cần có Luyện ngục: “Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng”.

Số 1031: Luyện ngục để thanh tẩy: “Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia (xem DS 1304) và Trentô (xem DS 1820; 1580). Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện: “Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau” (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau” (Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).

Số 1032: Người sống cứu người chết: Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: “Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình” (x. 2 Mcb 12,46).

– Ngày 10 tháng 8 năm 1915: Trong một Tông hiến, Tòa thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ Cầu hồn: 1 cầu như ý người xin, được lấy bổng lễ, 1 cầu theo ý ĐTC (không bổng) và 1 cầu cho các linh hồn (không bổng). Giáo hội cũng xác định dành trọn tháng 11 dành để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.

– Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ĐTC Phaolô 6, trong Tông huấn Ân xá đã ban một đại xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý ĐGH) cho những ai “viếng nhà thờ vào Chúa nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ Các Thánh (số 67), và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn (số 13).

  1. GIÁO LÝ VỀ MỘT HỘI THÁNH BA TÌNH TRẠNG:

Chúa Giê-su thiết lập Nước Trời là Hội Thánh. Hội Thánh ấy hiện nay gồm có ba tình trạng: Một là Hội Thánh “Lữ Hành”, hai là Hội Thánh “Vinh Thắng”, ba là Hội Thánh “Đau Khổ” như sau:

– Hội Thánh “Lữ Hành” trần gian: Gồm các tín hữu đang còn sống, đang bước đi trên con đường của Chúa Giê-su. Như Dân Ítraen xưa, Hội thánh sẽ phải vượt qua sa mạc trần gian tiến về Đất Hứa Nước Trời là Thiên Đàng đời sau. Các tín hữu trong Hội thánh lữ hành trần gian còn phải chiến đấu với ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình. Họ được Chúa ban cho 2 thứ bánh thiêng liêng là Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể. Nhờ đó họ sẽ đủ sức vượt qua sa mạc trần gian để tiến về miền Đất Hứa là Thiên Đàng đời sau.

– Hội Thánh “Vinh Thắng” trên trời: Gồm các tín hữu đã qua đời trong niềm tin cậy vào Chúa. Khi còn sống ở trần gian, các ngài đã thực hành Hiến Chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giê-su, nên ngày nay các ngài đang được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng với Chúa.

– Hội Thánh “Đau Khổ” thanh luyện: Gồm các tín hữu tuy đi theo con đường của Chúa Giê-su, nhưng khi chết vẫn đang ở trong tình trạng còn nhiều sai lỗi, chưa xứng đáng được vào Nước Trời. Họ cần tiếp tục chịu đau khổ trong ngọn lửa tin yêu để được thanh luyện sạch mọi vết nhơ. Rồi khi hoàn toàn trở nên thánh thiện, họ sẽ được về hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

  1. TÍN ĐIỀU CÁC THÁNH THÔNG CÔNG:

Ngọai trừ các người theo ma quỷ phải sa hỏa ngục để chịu hình phạt lìa xa Chúa đời đời, còn các tín hữu tin vào Chúa Giê-su dù còn sống hay đã qua đời, dù đã được lên trời hay đang được thanh luyện cũng đều được thông hiệp với ơn cứu độ của Chúa Giê-su và cầu nguyện cho nhau. Đó là mầu nhiệm các thánh cùng thông công:

Các tín hữu còn sống có thể giúp các linh hồn đã qua đời bằng việc viếng nhà thờ hay Đất Thánh và đọc kinh cầu nguyện, xưng tội rước lễ và cầu nguyện hiệp thông với Đức Giáo Hòang để được nhận các ân xá trong dịp đầu tháng 11; Nhất là có thể xin lễ và hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn, làm các việc lành phúc đức như chia sẻ bác ái phục vụ với ý chỉ cầu nguyện đền tội thay cho các linh hồn ông bà cha mẹ đang ở trong chốn luyện hình. Nhờ đó các linh hồn sẽ được ơn Chúa chiếu soi, được thêm lòng yêu mến Chúa để được tha thứ tội lỗi như lời Chúa: “Yêu nhiều sẽ được tha nhiều”. Khi các linh hồn được nên thanh sạch thánh thiện hòan tòan thì sẽ được Chúa đưa vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Bấy giờ các ngài sẽ không quên cầu bầu cùng Chúa xuống muôn ơn lành cho con cháu là chúng ta trên trần gian.

Riêng khái niệm về Lâm-bô: Lâm bô là khái niệm của thánh Albertô Cả (1200-1280), nói về một nơi dành cho các linh hồn trẻ em chết khi chưa được lãnh bí tích Rửa tội. Tuy chúng không bị phạt nhưng cũng không được lên thiên đàng vì chưa được rửa tội. Về sau khái niệm này ít được đề cập đến. Gần đây Ủy ban thần học quốc tế thuộc bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố một tài liệu mang tên “Niềm hy vọng ơn cứu rỗi dành cho các trẻ em chết mà không được rửa tội”. Trong đó Ủy Ban cho rằng: “Giả thuyết về Lâm-bô” không có nền tảng rõ ràng trong Mặc Khải. Theo ủy ban, có nhiều lý do rút ra từ thần học và phụng vụ cho phép chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng các em chết trước khi được rửa tội cũng được hưởng nhan thánh Chúa, vì “Thiên Chúa muốn cho hết mọi người đều được hưởng ơn cứu độ”. Tuy vậy, Ủy ban cũng khẳng định bí tích rửa tội vẫn là điều kiện cần thiết để được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Giê-su như lời Chúa phán: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Tóm lại: Hội Thánh tín thác các em chết khi chưa chịu phép rửa tội cho lòng thương xót của Chúa, và hy vọng nhờ đức tin của Hội Thánh, các em cũng được hưởng ơn cứu độ (x. GLHTCG số 1261).

  1. PHẢI “BIẾT CHẾT” ĐỂ “BIẾT SỐNG”:

– Không thích nói đến cái chết: Nhiều người nghĩ rằng: không nói đến sự chết thì mình sẽ không phải chết. Nhà tỷ phú Mỹ WILLIAM RANDOPH HEARST, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Holywood hồi trước thế chiến thứ hai, đã ra lệnh cấm các nhân viên của mình nhắc đến từ ngữ “chết” trước mặt ông. Những ai lỡ miệng nói ra liền bị đuổi việc. Ông là người thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối diện với sự thật phũ phàng là sự chết! Rồi cuối cùng Hearst cũng bị chết bất đắc kỳ tử, để lại một toà lâu đài rộng lớn, hiện nay trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở bang California Hoa Kỳ.

– “Sinh ký tử quy” (Sống gửi thác về): Nhiều người khi lớn tuổi liền nghĩ đến việc hậu sự và lo chuẩn bị cho cái chết của mình, bằng việc mua đất nghĩa trang, chọn nhà quàn, mua sẵn ván làm hòm để trong nhà. Họ còn viết chúc thư về những điều con cháu phải làm để lo việc ma chay cho họ: Khi chết phải cho họ chiếc áo này, đeo vòng ngọc kia, cầm cái quạt nọ. Lại còn dặn dò phải bỏ vào quan tài dụng cụ này hay vòng vàng kia để sử dụng ở thế giới bên kia, giống như chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa để về với ông bà tổ tiên.

– Chết là bắt đầu một cuộc sống mới: Đối với những kẻ không tin có Thiên Chúa và đời sau thì chết đi là hết! Nếu quả thực như thế thì cái chết thật đáng sợ ! Vì nó là đặt dấu chấm hết tất cả những ước mơ của đời người: “Con người là bụi cát lại trở về với cát bụi!” Nhưng đức tin Ki-tô giáo dạy cho biết: chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi đầu của một cuộc sống mới vĩnh hằng. Sau cái chết mỗi người sẽ phải trả lẽ những gì đã làm khi còn sống trước tòa Chúa phán xét. Nếu chúng ta đã sống trong ân nghĩa của Chúa thì giờ chết sẽ là sự trở về ngôi nhà của mình. “Sinh ký tử quy”: Chúng ta sẽ được trở về thiên đàng, là nhà của Thiên Chúa Cha, Đấng đã dựng nên loài người chúng ta. Ở đây không còn nước mắt đau khổ, nhưng chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn như sách Khải Huyền đã viết: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, khóc than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (x. Kh 21,4).

– Đền tội khi sống lúc chết: Dầu vậy trong cuộc sống, ít nhiều lần các tín hữu chúng ta cũng đã để cho những dục vọng làm chủ bản thân mình, khiến chúng ta không vâng lời Chúa không làm theo thánh ý Thiên Chúa. Đó là ta đã phạm tội hay mắc phải các thói hư. Khi chúng ta còn sống thì các tai nạn, bệnh tật và các điều trái ý cực lòng gặp phải sẽ giúp chúng ta đền tội đã phạm. Rồi sau khi qua đời chúng ta còn tiếp tục được thanh luyện trong lửa tin yêu gọi là tình trạng luyện hình.

  1. LỜI CẦU:

– Lạy Chúa Giê-su. Mỗi lần đối diện với cái chết gần kề, con cảm thấy run sợ vì con chưa sẵn sàng để gặp Chúa. Trong suốt cuộc đời, con đã lo toan rất nhiều thứ như lo tìm kiếm tiền tài, danh vọng, chức quyền trần gian… Còn điều quan trọng chính yếu là chuẩn bị cho giờ chết sẽ đến thì con lại chưa quan tâm đúng mức ! Con thật dại khờ khi nghĩ rằng mình sẽ có đủ thời gian chuẩn bị trước khi chết. Nhưng lời Chúa đã dạy “Con Người sẽ đến như kẻ trộm” và đòi con phải luôn tỉnh thức bằng thái độ sẵn sàng. Một ngày nào đó con không ngờ trước, con sẽ phải ra trình diện trước mặt Chúa, không biết bấy giờ Chúa có nhận ra con không, hay Chúa sẽ bảo con: “Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,23).

– Lạy Chúa Giê-su. Xin ban cho con ơn khôn ngoan của Thánh Thần để con sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại Chúa ban trong ơn nghĩa Chúa, để ngày nào đó khi giờ chết đến, con sẽ ra trình diện trước mặt Chúa không phải như hai người xa lạ, nhưng như người rất thân quen. Khi ấy Chúa sẽ gọi con bằng một cái tên trìu mến và giang rộng vòng tay đón con vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời: “Hỡi kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng ‘Vương Quốc’ dọn sẵn cho các con từ thuở tạo thiên lập địa” (x. Mt 25,34).- Amen.

LM ĐAN VINH  – HHTM

 

 

 

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …