Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 26 Thường niên, năm B, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 26 Thường niên, năm B, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 26 TN B

Ds 11,25-29 ; Gc 5,1-6 ; Mc 9,38-43.45.47-48

TRÁNH ÓC BÈ PHÁI VÀ HÃY ỨNG XỬ BAO DUNG 

I-HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Mc 9,38-43.45.47-48:

Mc 9,38-43.45.47-48(38) Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. (39) Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. (40) Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. (41) “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. (42) Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (43) Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. (45) Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. (47) Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, (48) nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.

  1. Ý CHÍNH:

Tin Mừng hôm nay trình bày lời Đức Giê-su giáo huấn các môn đệ. Sau khi dạy môn đệ Gio-an phải loại bỏ tính ganh tị, Người nêu ra nguyên tắc ứng xử: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Người hứa ban thưởng cho những ai mở lòng tiếp đón các môn đệ. Người cũng đe phạt những ai làm cớ vấp ngã cho các môn đệ. Người còn dạy các ông phải coi trọng ơn cứu độ hơn là các bộ phận trong thân thể như tay, chân hay con mắt của mình.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 38-39: +Chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ: Tên của một người thường mang ý nghĩa như chính con người đó. Vì thế mà Thiên Chúa cấm gọi đến tên Ngài ở giới răn thứ hai, đồng thời chúng ta cũng thấy tầm quan trọng của tên Thiên Chúa như trong kinh Lạy Cha: Chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nếu hiểu như thế chúng ta sẽ không lạ gì khi Chúa Giê-su tuyên bố: Kẻ nào tiếp đón một kẻ nhỏ vì danh Ta tức là tiếp đón Ta. Kẻ nào tiếp đón Ta thì không phải là tiếp đón Ta mà là tiếp đón chính Đấng đã sai Ta.Trừ quỷ là một việc quen thuộc mà Đức Giê-su và các Tông đồ thường làm, giống như nhiều người Do thái khác thời bấy giờ cũng làm (x Mt 12,27). Gio-an thấy có những người không cùng nhóm môn đệ với mình mà cũng dùng tên Giê-su để trừ quỷ, nên đã cấm không cho họ làm như vậy. +”Đừng ngăn cản người ta”: Đức Giê-su cho thấy việc ngăn cản như thế chứng tỏ một tâm địa hẹp hòi, cục bộ. Người truyền cho các môn đệ không được ngăn cản kẻ khác làm tốt. Vì ai chống lại ma quỷ và các hành vi gian ác cho thấy họ cũng thuộc về Người như các ông. +Nói xấu về Thầy: Có nhiều cách để người ta liên kết với Đức Giê-su. Bao lâu họ không “nói xấu” hay không trực tiếp chống lại Người thì họ đều liên kết với Người.

C 40-41: +Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta: Đây là nguyên tắc ứng xử khoan dung mà Đức Giê-su truyền cho các môn đệ phải theo khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Những ai không chống đối Đức Giê-su thì cũng gián tiếp là môn đệ của Người. Người trách lối suy nghĩ hẹp hòi mang tính bè phái của các môn đệ khi họ chỉ ủng hộ những việc tốt do nhóm mình làm và lọai trừ mọi việc dù tốt do nhóm khác làm. +Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô…”: Các môn đệ được Đức Giê-su đồng hóa với Người, nên kẻ nào giúp đỡ các ông dù chỉ cho uống một bát nước lã, thì cũng được kể đã phục vụ cho Người (x Mt 25,35-45).

C 42: +Ai làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã: Đức Giê-su nói về các đầu mục dân Do Thái khi họ độc quyền giải thích Kinh Thánh. Họ không những không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai mà còn ngăn cản dân chúng tin theo Người (x Lc 11,52). +thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn: Đây là tội nặng nề vì đã xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa các tội nhân, nên nó đáng chịu hình phạt nặng nề là bị cột cối xay vào cổ mà quăng xuống biển cho chết.

C 43-47: +Nếu tay anh… chân anh…mắt anh…: Đức Giê-su muốn nói đến việc người ta phải tránh xa các dịp tội, dù phải hy sinh những gì quý giá nhất. Kiểu nói “Tay, chân, mắt” cho thấy dịp tội không ở đâu xa mà ngay trong ngũ quan, trong bản thân mỗi người. +được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục: Vì thà bị mất một phần chi thể mà được vào cõi sống còn hơn có đủ chúng mà bị sa hỏa ngục. Hỏa ngục là nơi tội nhân chịu khổ hình vì đã tự tách lìa khỏi “cõi sống” là Nước Trời.

C 48: +Lửa và giòi bọ: là hai lọai đau khổ dành cho các tội nhân đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo của Thiên Chúa để cố tình phạm tội trọng (x Mt 13,42; 18,8).

  1. CÂU HỎI:

1) Tin mừng hôm nay cho thấy: ngòai Đức Giê-su và các môn đệ, còn có ai khác cũng làm công việc trừ ma quỷ nữa không?

2) Việc cấm cản người khác lấy danh Đức Giê-su để trừ qủy cho thấy tâm địa của các môn đệ ra sao?

3) Đức Giê-su có đồng ý với việc làm của các ông không?

4) Qua câu: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải có lối hành xử nào?

5) Một người dù chỉ cho các môn đệ uống một bát nước lã thôi, cũng được Đức Giê-su ban thưởng gì sau này?

6) Những kẻ làm cho các người bé mọn tin Đức Giê-su bị sa ngã đây là ai và họ đáng bị phạt ra sao? 

7) Qua câu “chặt tay, chặt chân, móc mắt…” Đức Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì?

8) Lửa và giòi bọ là hai hình khổ đời sau dành cho những kẻ nào ở đời này

II-SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).
  2. CÂU CHUYỆN:
  3. THÁI ĐỘ BAO DUNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

Một linh mục Dòng Tên người Ấn Độ là Cha AN-THO-NY DE MEL-LO, chuyên viên huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng ra câu chuyện “ĐỨC GIÊ-SU ĐI XEM BÓNG ĐÁ” như sau:

“Nghe Đức Giê-su than phiền là Ngài chưa một lần nào được xem một trận bóng đá, chúng tôi liền đưa Người đến một sân bóng ở gần nhà để xem một trân đấu giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo. Khi đội Công Giáo làm bàn trước 1-0, Đức Giê-su liền hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành đã gỡ một đều (1-1), Đức Giê-su cũng lại reo hò và tung mũ lên trời y như lần trước. Một khán giả ngồi bên cạnh tỏ vẻ khó chịu trước thái độ “ba phải” của Đức Giê-su, ông ta quay sang hỏi Người:

– Này ông bạn, ông là cổ động viên của đội bóng nào vậy ?

Đức Giê-su liền trả lời đang lúc vẫn mãi mê theo dõi trận đấu trên sân cỏ:

– Tôi à ? Ồ, tôi chẳng ủng hộ đội nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi”.

Người khán giả tỏ vẻ khó chịu về thái độ của Đức Giê-su lại càng bực hơn, ông ta  quay sang nói nhỏ với người bên cạnh: “Hắn ta đúng là một tên vô thần !”

Trên đường về nhà, chúng tôi nói với Đức Giê-su:

– Thưa Thầy, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Thầy chỉ đứng về phe của họ và chống lại tất cả nhưng ai không cùng tôn giáo với họ”.

Đức Giê-su gật đầu tỏ ý đồng tình và bảo:

– Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ đội Tin Lành hay đội Công Giáo, mà chỉ ủng hộ các cầu thủ nào đá hay thôi, dù họ thuộc đội nào đi nữa”.

  1. SẴN SÀNG CHỊU CHẾT ĐỂ LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT:

Sau khi tốt nghiệp đại học, THO-MAS MO-RE dấn thân vào chính trị. Chàng thăng quan tiến chức rất nhanh. Năm 1529, chàng được vua nước Anh là Hen-ry VIII phong lên chức Đại Pháp Quan. Nhưng thảm kịch lại xảy đến cho Tho-mas Mo-re. Vua Hen-ry VIII ly dị hoàng hậu và tái hôn bất hợp pháp. Để chống lại những kẻ phản đối cuộc tái hôn này, vua bắt buộc các quan trong triều đình phải ký tên xông nhận cuộc tái hôn của ông là hợp pháp. Ai bất tuân sẽ bị tống ngục vì tội phản loạn. Vì sợ mất chức tước, các quan đều ký tên, chỉ trừ Tho-mas Mo-re. Ông cương quyết chống lại gương xấu vi phạm luật pháp của nhà vua. Bạn ông là Nor-folk khuyên ông: “Cuộc tái hôn này có hợp pháp hay không hãy mặc nó, bạn hãy ký tên vào đây, bạn thấy các quan khác đều ký tên cả rồi.” Nhưng Tho-mas Mo-re vẫn từ chối ký tên, vì ông không thể làm điều lỗi luật Chúa, nêu gương mù cho dân chúng. Thế là ông đã bị tống ngục và đã bị hành hình vào năm 1535.

  1. LÒNG TỐT SẼ LÀM PHÁT SINH THÊM LÒNG TỐT:

Một thanh niên bị kết án tử hình vì tội giết người. Trước khi bị xử tử, anh ta đã xin nhà vua cho hoãn lại hai ngày và cho anh được về nhà sắp xếp mọi việc cần làm trước khi quay lại chịu chết. Nhà vua sợ anh ta lợi dụng trốn luôn nên đã nói với đám đông : “Trẩm sẵn sàng cho người tử tội này về nhà như yêu cầu của anh ta, nếu có ai dám đứng ra bảo lãnh thế chấp là nếu anh ta không quay lại thì mình sẽ chịu chết thay anh ta.”

Nhà vua nghĩ chắc sẽ không ai dám mạo hiểm đứng ra bảo lãnh cho một người không quen biết như thế, nhưng bất ngờ có một người đã đứng ra xin bảo lãnh. Mọi người hiện diện đều nghĩ rằng người này đã quyết định hồ đồ và sẽ phải chịu chết thay, vì anh kia chắc sẽ thừa cơ trốn luôn.

Nhưng hai ngày sau, người tử tội đó đã quay lại và đến phủ phục trước mặt nhà vua: “Tâu đức vua, thảo dân đã làm xong mọi việc. Hôm nay thảo dân xin quay lại để thụ án tử.” Nhà vua ngạc nhiên hỏi: “Tại sao nhà ngươi lại không trốn luôn?”. Anh ta trả lời: “Vì thảo dân không muốn trở thành người thất tín, để không ai nói được ngày nay sự tín trung đã biến mất khỏi thế giới này.”

Quay sang người bảo lãnh, nhà vua hỏi : “Còn ngươi, sao ngươi dám mạo hiểm đứng ra bảo lãnh cho một người xa lạ này?”. Anh ta trả lời: “Vì thảo dân muốn chứng tỏ lòng nhân hậu và hy sinh cho người khác vẫn tồn tại trong xã hội loài người.” Rồi từ trong đám đông, người con của kẻ bị chàng thanh niên kia sát hại cũng tiến ra phủ phục trước vua và nói: “Tâu bệ hạ, giờ đây xin bệ hạ hãy tha cho người tử tội. Thảo dân và gia đình sẵn sàng tha cho anh ta rồi. Vì muốn chứng minh rằng: trong xã hội loài người vẫn còn có người sẵn sàng khoan dung tha tội cho kẻ làm hại mình.”

  1. ĐẦU ÓC HẸP HÒI ÍCH KỶ LÀM HẠI CHÍNH MÌNH:

Có sáu người đi lạc giữa đêm giá lạnh miền Bắc cực. Họ quây quần bên đống lửa để chống lại cái lạnh cắt da xé thịt. Nhưng có điều lạ là khi đống lửa sắp tàn, và mỗi người đều có sẵn một thanh củi trên tay, nhưng không ai chịu bỏ thanh củi của mình vào đống lửa để nó có thể tiếp tục cháy.

Người thứ nhất là một quả phụ. Bà thấy người ngồi bên cạnh là một thanh niên da đen. Bà tự nhủ, “Tại sao mình lại phải hy sinh thanh củi này để sưởi ấm cho tên mọi da đen này?”

Người thứ hai thấy người ngồi bên là một tên thuộc phe đối lập nên nghĩ: “Tại sao mình phải hy sinh khúc củi này để sưởi ấm cho kẻ thù?”

Người thứ ba là một người nghèo khổ đói rách, nhìn thấy bên mình là một người giàu có sang trọng. Anh tự nhủ, “Tại sao mình phải hy sinh miếng củi của mình để sưởi ấm cho tên nhà giàu ?”

Người thứ tư là kẻ giàu sang đó thấy kẻ nghèo khó ngồi bên cạnh thì nghĩ: “Ta dại gì bỏ thanh củi của ta để sưởi ấm cho bọn cùng đinh khố rách áo ôm và lười biếng đó.”

Người thứ năm chính là anh thanh niên da đen. Anh nghĩ người da trắng luôn khinh dể hà hiếp người da màu, nên dứt khoát không bỏ thanh củi của mình vào đống lửa để trả thù bọn da trắng.

Người sau cùng thuộc thành phần trộm cướp du đãng, không tin ai và cũng chẳng làm gì cho ai nếu điều đó không có lợi cho mình. Hắn ta tự nhủ, “Nhất định mình sẽ không bỏ khúc củi của mình vào đống lửa để cho bọn người kia được sưởi ấm.”

Như thế, tất cả sáu người đều đang được sưởi ấm nhờ đống lửa, nhưng không ai muốn bỏ thanh củi của mình vào để đống lửa tiếp tục cháy và sưởi ấm cho mọi người. Cuối cùng cả sáu người đều bị chết xóng vì lạnh, không chỉ vì giá lạnh bên ngoài mà còn vì cái lạnh ích kỷ, phe nhóm cục bộ.

  1. THẢO LUẬN: Bạn có sẵn sàng hợp tác với những người khác vô tín hoặc Phật Tử… để cùng họ làm các việc tốt phục vụ xã hội, nhất là phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi không ? Tại sao ?
  2. SUY NIỆM:

1) THÁI ĐỘ BÈ PHÁI CỤC BỘ CỦA CÁC MÔN ĐỆ:

– Vào thời Mô-sê cũng vậy. Giô-suê cũng muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm bẩy mươi Kỳ Mục, nên đã yêu cầu Mô-sê ngăn cấm hai ông En-đát và Mê-đát, không thuộc Nhóm Bảy Mươi, mà cũng được Thần Khí tác động nói tiên tri. Mô-sê đã trả lời như sau: “Anh ghen giùm tôi hay sao ? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (Ds 11,29).

– Tin Mừng hôm nay cho thấy óc phe nhóm và tinh thần bè phái cục bộ ngay trong hàng ngũ các môn đệ Đức Giê-su: Khi thấy có người không theo Đức Giê-su mà lại lấy tên Thầy mà trừ quỷ, môn đệ Gio-an đã ra sức ngăn cản họ và báo cho Đức Giê-su hay biết sự việc và yêu cầu Thầy cho biết phải xử lý thế nào (x. Mc 9,38). Ông không thể chấp nhận ai khác không thuộc về Nhóm Mười Hai, lại dám cậy nhờ danh Thầy để trừ quỷ, dù họ đã trục xuất được quỷ ra khỏi người bị ám. Ông muốn giữ độc quyền trừ quỷ nhân danh Thầy cho Nhóm của ông.

2) THÁI Đ BAO DUNG CA ĐC GIÊ-SU:

– Như Mô-sê xưa, Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay cũng không đồng tình với lối hành xử bè phái cục bộ của môn đệ khi Người nói với các ông: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Phương châm của thế gian là “Ai không theo chúng ta tức là nghịch với chúng ta”, còn Đức Giê-su nêu ra nguyên tắc ứng xử cho môn đệ: “Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40).

– Thái độ của Gioan là một thái độ ích kỷ cục bộ, muốn bảo vệ độc quyền của mình. Các môn đệ của Chúa đã nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ, còn những người ngoài nhóm cũng nhân danh Chúa mà làm phép lạ, nhưng thử hỏi thực ra các môn đệ muốn làm vinh danh ai? Tin Mừng Luca ghi lại các môn đệ trở về kể lại cho Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng phải luỵ phục chúng con”. Như thế “cái tôi” của họ vẫn còn là trung tâm điểm: Họ nhờ danh Chúa để tìm vinh danh cho mình.

Ngày hôm nay chúng ta cũng cần xét mình về những điều chúng ta muốn chiếm độc quyền: độc quyền về Thiên Chúa, về Đức Kitô, độc quyền về đạo thật, về chân lý, về bác ai, và từ đó đã dẫn đến những hậu quả tai hại như thế nào? Có phải vì danh Chúa Giê-su hay vì tên tuổi mình, vì tên giáo xứ và đoàn thể của mình ?

3) SỰ TIẾN TRIỂN VỀ NHẬN THỨC CỦA HỘI THÁNH TỪ XƯA ĐẾN NAY:

– Trong quá khứ, Hội Thánh cũng đã có lần do muốn bảo vệ sự độc quyền chiếm hữu Thiên Chúa của mình, nên đã có những hành động cục bộ khép kín, có những quyết nghị nặng tính trừng phạt răn đe đối với những tôn giáo bất đồng…, làm mất đi sự trong sáng của khuôn mặt bao dung nhân hậu của Đức Giê-su trước mặt dân ngoại. Nhưng từ Công Đồng Va-ti-can II, Hội Thánh đã mở ra một trang sử mới, khi không còn những lời kết án, miệt thị những tư tưởng khác biệt trong những văn kiện. Thay vào đó Hội Thánh khiêm tốn chân thành nhìn nhận giới hạn của mình, và công nhận có những điều chân thiện mỹ nơi các tôn giáo và các nền văn hoá khác.

– Trong Tông thư “Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba” (10/11/1994). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã viết: “Giáo Hội phải ý thức sâu sắc trách nhiệm về tội lỗi của con cái mình, khi hồi tưởng lại trong lịch sử những thái độ lạc xa Thánh Thần của Đức Ki-tô và Tin Mừng… Trong số những tội lỗi đòi hỏi phải có một nỗ lực sám hối và hoán cải đặc biệt hơn, hiển nhiên phải kể đến những tội phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi dân của Ngài. Qua những ngàn năm đã qua, kể cả ở ngàn năm thứ nhất, mối hiệp thông Giáo Hội đôi khi bởi lỗi lầm của thành phần này hay thành phần khác, đã bị xé rách một cách đau đớn, điều đó rõ ràng đi ngược lại với ý muốn của Đức Ki-tô và làm cớ vấp phạm cho thế giới” (số 34).

4) MỞ LÒNG ĐÓN NHẬN VÀ SẴN SÀNG HỢP TÁC VỚI MỌI NGƯỜI THIỆN CHÍ:

– Ganh tị có 3 cấp độ:

Một là Ganh tị cá nhân: Là thói xấu làm cho ta khó chịu khi thấy ai khác cũng làm được việc tốt như ta hoặc tốt hơn ta.

Hai là Ganh tị bè phái: là Ganh tị với người không thuộc phe nhóm tập thể của ta.

Ba là Ganh tị vì danh Chúa: nghĩa là những người có đạo ganh tị với những người không có đạo. Khi thấy những người không có đạo làm được những việc tốt như: cứu trợ người bị cháy nhà lụt lội…, mà họ lại là người vô thần, Phật giáo… thì ta tỏ thái độ ganh tị và bất hợp tác.

Hãy nhớ lời Chúa: “Ai yêu thương thì ở trong Thiên Chúa”. Cần học tập gương Đức Giê-su để sẵn sàng giơ tay ra hợp tác làm việc tốt và hữu ích. Đồng thời tránh sự loại trừ, bất hợp tác trong việc mang lại ích lợi chung. Vì như lời thánh Gio-an: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7-8).

– Nên nhớ rằng: Ngày nay, các Ki-tô hữu chỉ chiếm một phần ba nhân loại. Nếu chúng ta giữ thái độ độc tôn cục bộ thì sẽ bị cô lập giữa một thế giới đa thành phần. Còn nếu chúng ta biết thực hành nguyên tắc của Ðức Giê-su hôm nay thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác với mọi người và làm được biết bao điều tốt như ý Chúa muốn. Vả lại, Chúa đâu cần chúng ta phải dán nhãn hiệu đạo lên công việc tốt đã làm. Vì “Hữu xạ tự nhiên hương”: Chúng ta cứ sống tinh thần Tin Mừng là tránh óc bè phái và sẵn sàng hợp tác với mọi người thiện chí để mang lại trật tự và ích lợi chung. Chính thái độ bao dung nhân ái đó sẽ tỏa hương thơm giúp người đời nhận biết giá trị của Tin Mừng, và sẽ trở nên ánh sáng giúp họ tin yêu Chúa.

  1. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay dạy các tín hữu chúng con phải tránh thái độ khép kín cục bộ, để sẵn lòng hợp tác với mọi người thiện chí, bất kể thuộc tôn giáo hay đoàn thể nào, miễn là làm cho môi trường sống ngày càng an toàn sạch đẹp và văn minh hơn. Xin cho chúng con tránh thái độ tự tôn khi nghĩ mình phải hơn người khác, nhưng biết khiêm tốn tự hạ và chân thành phục vụ noi gương Chúa xưa, hầu chúng con tích cực góp phần làm chứng cho Chúa, cùng hợp tác xây dựng “Trời Mới Đất Mới”, để mọi người đều được hưởng niềm vui ơn cứu độ.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …