Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXV TN, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXV TN, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT XXV QUANH NĂM

(Kn 2, 12.17-20; Gc 3, 16;4,3; Mc 9, 30-37)

“Ai muốn làm người đứng đầu,

thì phải làm người rốt hết

và làm người phục vụ mọi người”

 

suy-niem-mc-9-30-37Tin mừng Marco 9, 30-37:

Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”. Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.

Suy niệm:

Tin mừng Chúa nhật XXV Quanh năm trình bày một nội dung thật ấn tượng đó là phục vụ trong khiêm hạ và phục vụ vô vị lợi. Càng làm lớn, địa vị cao thì phải là người tôi tớ phục vụ mọi người.

    Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống băng qua Galilê đến miền Capharnaum. Ngài đã dạy các môn đệ và loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó và sự phục sinh của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”.

    Đa số dân Do Thái cũng như các môn đệ không hiểu về vấn đề Messia đau khổ, Người tôi tớ của Thiên Chúa phải chết thay cho muôn người. Các ông chỉ nghĩ đến một Đấng Messia uy quyền và vinh quang, một nước trần gian vật chất, danh vọng, uy quyền, giàu sang… Vì thế ngay sau khi nghe Chúa nói về cuộc thương khó, thì các ông bàn luận, tranh cãi với nhau về ngôi vị, cấp bậc trong nước mà Chúa sẽ thiết lập: ai sẽ là thủ thướng, là bộ trưởng, là chủ tịch… Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã dạy các ông một bài học: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

Các quan chức trong một nước, trong xã hội, người đứng đầu lãnh đạo, chỉ huy, cai trị dân và bắt dân phục vụ mình, tùng phục mình. Càng làm lớn, càng giàu sang, danh vọng, uy quyền và được mọi người hầu hạ, đi đâu cũng có kẻ đưa người đón. Trái lại, trong nước Thiên Chúa, người công dân Nước Trời càng làm lớn thì phải là tôi tớ phục vụ mọi người. Quyền bính, chức vụ trong Giáo hội là phục vụ trong khiêm hạ và vô vị lợi. Đức Giêsu đã làm gương về vấn đề này trong bữa tiệc ly: Ngài đã rửa chân cho các môn đệ, làm công việc của người đầy tớ: “Thầy đã rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”. Lần khác, Chúa Giêsu cũng dạy các tông đồ: “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc cho muôn người”.

    Hạnh phúc là phục vụ. Phục vụ là đem lại an vui hạnh phúc cho anh em. Nếu các quan chức mà thực hành bài học phục vụ trong khiêm hạ và vô vị lợi đối với nhân dân thì chắc chắn hòa bình, an vui, hạnh phúc sẽ đến với mọi người, mọi nhà, và không còn chiến tranh khủng bố, bất công trong xã hội.

    Một hôm Hồ Khưu Trượng hỏi Tôn Thúc Ngao:

    – Có ba điều chuốc oán, ông biết chưa?

    – Tôi chưa được biết, họ Tôn trả lời.

    Trương Nhân nói: Tước vị cao, người ta ganh. Quyền thế lớn, người ta ghét. Lợi lộc nhiều, người ta oán”.

    Tôn Thúc Ngao lắc đầu nói: “Không phải luôn luôn như thế, tước vị tôi càng cao, tôi càng xử nhún nhường; quyền thế tôi càng lớn, tôi càng khiêm cung; lợi lộc tôi càng nhiều, tôi càng chia bớt cho người xung quanh. Như thế thì làm gì bị oán thù của thiên hạ”. Câu trả lời thật chí lý và phù hợp với giáo lý của Chúa Giêsu. Đối với Chúa, người chỉ huy, lãnh đạo, người đứng đầu là người phục vụ tha nhân trong khiêm hạ, hy sinh và hoàn toàn vô vị lợi.

 Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ bài học nhớ đời: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9, 37). Đứa nhỏ, trẻ con là mẫu gương của sự khiêm nhường, đơn sơ, tín thác mà các môn đệ và mọi người được mời gọi để thực hành điều đó.

Các trẻ nhỏ là hình ảnh tượng trưng cho những người tầm thường, nghèo hèn, thấp cổ bé họng không đáng kêt trong xã hội. Tiếp nhận và phục vụ các em nhỏ, những người bần cùng trong xã hội không mong họ phục vụ lại, mà phục vụ vô vị lợi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã đồng hóa Ngài với những người bé nhỏ, nghèo hèn. Phục vụ họ là phục vụ chính Chúa. Giúp đỡ và yêu thương họ là giúp đỡ và yêu mến chính Ngài: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn”.

Tóm lại, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy sống khiêm nhường và sẵn sàng phục vụ lẫn nhau, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh, những người hèn kém trong xã hội. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa và đáng sống khi con người biết nhiệt tình phục vụ anh em một cách vô vị lợi noi gương Đức Giêsu. Chính khi yêu thương và phục vụ tha nhân là chúng ta đang phục vụ Thiên Chúa.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …