Home / Suy Niệm Lời Chúa / Các bài Suy Niệm Tin mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên , Năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Các bài Suy Niệm Tin mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên , Năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

 Bài I

Thực thi ý Chúa để sống muôn đời

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII – B

(Ga 6, 24 – 35)

ga6,24-35bĐoạn Tin Mừng hôm nay tiếp tục mô tả một đám đông số đàn ông chừng năm ngàn chưa kể đàn bà và con trẻ đi theo Chúa, họ đã được nghe Chúa giảng dạy, chữa lành bệnh tật, chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhất là được ăn bánh và cá no nê. Một ngày kết thúc, Chúa giục các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia. Tất nhiên là họ không thấy Chúa nữa, các môn đệ Chúa cũng không, nên họ cũng xuống thuyền hướng về Capharnaum để tìm gặp Chúa. Thấy Chúa họ hết sức vui mừng và ôn tồn hỏi Chúa : “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” (Ga 6, 25). Câu hỏi này không làm Chúa vui, nên Chúa buôn lời phán với họ rằng: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26). Họ đã cất công tìm Chúa, ấy vậy khi gặp chẳng thấy Chúa an ủi vỗ về lại nhận được lời quở trách tìm Chúa vì cái bụng, thật là buồn. Chúa khuyên họ : “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời” (Ga 6, 26). Chúa gợi lên nơi họ sự sống đời đời để dù ăn, dù uống hay làm bất cứ điều gì thì cũng phải nhắm tới mục tiêu tối hậu là sự sống đời đời, khiến họ khao khát thưa Chúa rằng : “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” (Ga 6, 28) Chúa Giêsu đáp : “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến” (Ga 6, 29).

Từ trên cung thánh nhìn xuống dưới, bên trong và bao quanh nhà thờ giờ đây cũng có một đám đông với đủ mọi tầng lớp, đàn ông, đàn bà và con trẻ, chắc số đàn ông chừng vài trăm. Nếu trong Tin Mừng, những người tìm kiếm Chúa với những thái độ khác nhau : có người tìm Chúa vì đã được ăn bánh no nê, có người thì mong gặp Chúa là Đấng làm những dấu lạ, một số người khác lăng xăng đi tìm Chúa bởi họ có kinh nghiệm về sự hiệp thông thân tình với Chúa họ thưa Chúa rằng : “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh ấy luôn mãi” (Ga 6,34). Phần chúng ta, một câu hỏi được đặt ra cho chính chúng ta đang ngồi đây : Chúng ta đến đây để làm gì ? Chúng ta tin Chúa, tìm Chúa và theo Chúa vì điều gì ? Phải chăng là để được ăn bánh no nê ? Có người sẽ nói, chúng con đến tham dự Thánh lễ, đến tìm gặp Chúa chứ còn gì nữa. Phần lớn câu trả lời sẽ là như vậy. Chắc chắn Chúa Giêsu rất vui khi thấy chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm Chúa và đi theo Chúa.

Đúng, chúng ta đến đây tham dự Thánh lễ, xin ơn khỏe mạnh phần hồn, an lành phần xác, nhưng sự sống đời đời phải là mục tiêu chúng ta nhắm tới. Lời Chúa Giêsu nói với đám đông xưa kia, cũng là lời Chúa dạy chúng ta ngày hôm nay: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời” (Ga 6, 27).

Chúng ta vẫn làm việc không ngừng đấy thôi, nhưng lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta. Ra công làm việc để có nhiều của cải thăng tiến bản thân, phục vụ gia đình, góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội là điều chính đáng. Nhưng không thể làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa nhật dẫn đến bỏ lễ Chúa nhật và lễ trọng buộc, bỏ đọc kinh tối sớm là điều tối cần thiết cho sự sống đời đời. Hãy thực thi đức công bằng trong làm ăn, thuận mua vừa bán, đừng mùa thừa bán thiếu, đánh đổi trắng đen thu lời bất chính, có kiếm được lương thực dồi dào thì cũng hư nát và chỉ dành cho sự sống tạm bợ đời này. Lương thực không hư nát là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là lương thực nuôi dưỡng phần linh hồn chúng ta, giúp chúng ta đạt đến cuộc sống vĩnh cửu sau này. Thứ lương thực cao quí ấy được ban bởi Đấng Hằng Sống. Mặc dù được trao ban cách miễn phí, nhưng muốn có được Bánh Hằng Sống ấy, con người phải làm việc, mà công việc Thiên Chúa muốn con người phải làm là hãy đến và tin vào Đức Ki-tô, vì “Ai đến với Ngài, không hề phải đói; ai tin vào Ngài, chẳng khát bao giờ” (x. Ga 6.35).

Người Do thái hỏi Chúa : “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Xem ra không có liên quan gì đến “công việc của Thiên Chúa“, nhưng vẫn có liên quan vì Chúa Giêsu mời gọi họ « ra công làm việc … công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến“. Ra công làm việc nhưng hướng đến lương thực trường tồn đem lại sự sống đời đời, mà để có được sự sống ấy thì chúng ta phải nỗ lực tin vào Chúa Giêsu, tin đến độ lấy Chúa làm của ăn của chúng ta. Chính Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại : “Ai tin vào Người thì được sống muôn đời” ( Ga 3,15 ) ; “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người” (Ga 20, 15). Vì thế, tin không còn là công việc, nhưng là công trình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã tự hiến mình làm của ăn cho chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể. Tin là “ra công làm việc… vì của ăn vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời” (Ga 6, 27).

Vậy, chúng ta hãy ra sức tìm những của ăn không hư nát là thánh ý Chúa, Lời Chúa, Mình Máu Thánh Chúa. Đừng để những lo lắng và cám dỗ thế gian làm chúng ta quên đi hay không dám sống cho những giá trị trường tồn này.

Lạy Chúa xin giúp chúng con hiểu rằng, đón nhận thánh ý Thiên Chúa là thứ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Xin đừng để một ai trong chúng con lạc xa thứ lương thực cao quí này. Amen.

Bài II

HÃY TÌM BÁNH HẰNG SỐNG GIÊSU

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII – B

(Ga 6, 24 – 35)

ga6,24-35cPhúc Âm chương 6 Tin Mừng Gioan được đưa vào giữa năm phụng vụ, làm gián đoạn Tin Mừng Marcô đang được đọc trong mùa thường niên B. Khởi đi từ việc thấy dân chúng theo mình rất đông, Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương“, làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Họ theo Chúa vì cái bụng, Chúa không hài lòng nên trách móc : “Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26). Chúa gợi lên cho họ lòng khát vọng tìm kiếm thay lương thực trường tồn là chính Chúa là tin vào Người (x. Ga 6).

Manna của ăn trong sa mạc

Nếu như vào một buổi sáng nọ, con cái Israel thấy có một thứ gì nho nhỏ mịn màng như sương muối phủ mặt đất, họ liền hỏi nhau: “Man hu? ” Nghĩa là: “Cái gì đây? ” (Xh 16, 14) Ngày hôm nay chúng ta cũng hỏi nhau Manna là cái gì?

Trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa đối với dân mà Ngài đã cưu mang và dẫn ra khỏi Ai cập. Trên hành trình về Đất Hứa để chứng tỏ tình thương và lòng thành tín của Chúa đối với dân giữa xa mạc khô cằn, Ngài đã ban cho họ Manna, theo Môsê, “Đó là bánh Thiên Chúa ban… làm của ăn” (Xh 16, 16),  không chỉ làm lương thực đi đường mà còn giáo huấn họ về lòng yêu thương vô cùng của Chúa. Dân Israel vẫn quan niệm ông Môsê là người đã cho họ ăn bánh bởi trời, nhưng Chúa Giêsu đã chỉnh sửa lại là chính Thiên Chúa chứ không phải ông Môsê là Đấng cho họ của ăn trong sa mạc, đồng thời mời gọi họ nhìn nhận và tin vào chính Người là Bánh đích thực do Thiên Chúa của cha ông họ gửi đến lúc này đây.  

Bánh Giêsu

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng được no nê tùy thích, tưởng rằng thời Mêssia đã đến, họ muốn tôn Chúa làm vua, nên tìm theo Chúa. Gặp họ, Chúa muốn họ đi xa hơn, đã mất công tìm kiếm, thì hãy “ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời” (Ga 6, 27). Chúa gợi lên nơi họ lòng khát vọng trường tồn, khiến họ đặt câu hỏi : “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” (Ga 6, 28) Câu hỏi xem ra không có gì liên quan đến Chúa Giêsu. Tuy nhiên, vẫn có một tương quan, đó là “công việc”. Chúa chỉ cho họ: “Công việc của Thiên Chúa là các người hãy tin vào Đấng mà Ngài sai đến“(Ga 6, 29).

Ðức tin là điều căn bản. Đây không phải là theo một ý tưởng, một dự án, mà là gặp gỡ Chúa Giêsu, một người sống động, để cho mình được Chúa và Tin Mừng của Chúa lôi cuốn. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng không dừng lại ở chân trời thuần túy nhân loại, nhưng mở rộng tới chân trời của Thiên Chúa, chân trời của niềm tin. Người chỉ đòi hỏi một công việc duy nhất là : tiếp nhận chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “tin nơi Ðấng Thiên Chúa đã sai đến” (Ga 6, 29).  Chúa Giêsu đã tự hiến chính mình, trở nên bánh đích thật, “bánh từ trời xuống”, chính Người là Lời hằng sống của Chúa Cha. Gặp gỡ Người là chúng ta gặp gỡ Một Thiên Chúa hằng sống.

Thật không phải dễ để dân chúng tin vào Người, họ đòi dấu lạ, gợi nhớ manna, bánh mà cha ông họ đã ăn trong sa mạc. Để giúp họ hiểu ý nghĩa sâu xa của phép lạ Chúa Giêsu đã làm thỏa mãn một cách lạ lùng cái đói thể lý của họ, Người mời gọi họ đón nhận lời loan báo chính Người là bánh từ trời xuống (x. Ga 6, 41) làm cho họ thỏa mãn một cách vĩnh viễn. Nếu như cha ông họ trong hành trình dài trong sa mạc đã sống kinh nghiệm về thứ bánh từ trời xuống là manna dưỡng nuôi họ cho tới khi vào Đất Hứa. Giờ đây Chúa Giêsu nói về chính Người là “bánh từ trời xuống”, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống vĩnh cửu, bởi vì Người là Con Một Thiên Chúa, ở trong lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, và đưa con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu khẳng định với họ rằng : “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ” (Ga 6, 35). Người là bánh từ trời xuống làm no thỏa cái đói tinh thần con người. Người là Lời của Thiên Chúa nhập thể làm no thỏa cái đói khát của linh hồn con người một cách vĩnh viễn.

Theo thánh Agustinô : “Chúa Giêsu khẳng định Người là bánh từ trời xuống, và mời gọi dân chúng tin vào Người. Thật ra, ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin vào Chúa, ai ăn thì tin và ai tin thì ăn.  Trong một cách vô hình họ được no thỏa, cũng như trong một cách vô hình họ tái sinh vào một cuộc sống sâu xa hơn, đích thật hơn; họ tái sinh từ bên trong, trong nơi sâu thẳm của họ, và họ trở nên một con người mới” (Omelie su Vangelo di Giovanni, 26,1).

Thánh Thể thần lương vượt thế trần

Nếu như trong sa mạc, manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, thì hôm nay lòng thương xót ấy là Đức Giêsu Kitô Con Một Chúa, Đấng tự hiến mình làm Thần Lương không chỉ nuôi sống linh hồn mà còn củng cố khả năng hướng thiện của người rước lấy. Manna xưa chỉ là phương tiện cứu đói tạm thời, nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức, đủ nghị lực vượt qua trần thế về tới quê trời vinh phúc. Trong sa mạc, manna chứng tỏ Chúa không bỏ dân của Chúa, ngày nay Chúa ở giữa Hội Thánh và trong thế giới bằng chính mình trong bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích ThánhThể, người cô đơn tìm được nguồn an ủi ; người yếu đuối tìm được sức mạnh; người tội lỗi tìm được ơn tha thứ ; người đau yếu tìm được sự chữa lành ; người bất hạnh tìm được nghị lực tinh thần ; người hấp hối tìm được sự đỡ nâng ; người bị bỏ rơi tìm được nguồn tình yêu chất chứa đầy sự thông cảm và âu yếm… Và còn một ý nghĩa rất quan trọng, manna ngày xưa của ăn trong sa mạc, Thánh Thể thần lương vượt thế trần.    

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết ra đi tìm kiếm Chúa, biết quy tụ mọi sự về Chúa, biết tìm kiếm của ăn không hư nát là chính Chúa và đón rước Chúa hầu được sống muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …