SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
HÒA BÌNH TRONG CHÂN LÝ
(Mt 10, 34 – 42; 11, 1)
Đã có nhiều lần Đức Giêsu đưa ra những lời phát biểu rất chói tai để dẫn người ta về một thực tại thiêng liêng nào đó, nhằm loan báo cho dân một chân lý, mầu nhiệm Nước Trời. Tuy nhiên, đối với dân chúng, nhiều người đã không hiểu và cảm thấy ngược đời nên có những phản kháng dữ dội.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng tuyên bố một câu xem ra rất nghịch lý: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10, 34-36). Thoạt nghe, xem ra có vẻ mâu thuẫn, bất thường và khó hiểu. Tuy nhiên, đi vào chiều sâu của vấn đề, chúng ta mới thấy sáng tỏ một chân lý, đó là: chỉ có bình an đích thực khi chấp nhận sự thật; chấp nhận loại trừ những sai quấy. Bao lâu ta còn để cho sự ác, bất công, gian dối lộng hành, thì bấy lâu chúng ta không có bình an, nếu có, cũng chỉ là thứ bình an giả tạo.
Như thế, chúng ta cũng đâu lạ gì khi trong gia đình có những thành phần chống đối nhau. Tại sao thế? Thưa, chỉ vì có những chuẩn mực trong cuộc sống, những lựa chọn khác nhau, dẫn đến hệ quả khác nhau.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải đắn đo và cẩn trọng khi chọn lựa. Khi đã chọn điều tốt, phải kiên trì bảo vệ để đạt được sự bình an đích thực. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta, đó là: chọn Chúa là gia tài, cùng đích của mỗi người để được an vui, hạnh phúc đích thực.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chiến đấu trong sự thiện, để luôn đứng về phía sự thật, hầu đem lại sự bình an thực sự. Amen.
THỨ BA
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA THỨ
(Mt 11, 20-24)
Sự cố ngày 11-09-2001 tại nước Mỹ khi tòa nhà tháp đôi sụp đổ và cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, điều này đã làm cho cả thế giới phải sững sờ! Tại sao một đất nước nổi tiếng về an ninh, khoa học… lại để xảy ra biến cố đáng tiếc này? Sau hàng loạt những câu hỏi nhằm thỏa mãn sự thắc mắc tự nhiên của con người, thì câu hỏi quan trọng nhất và cũng là gốc rễ, căn nguyên của vấn đề được đưa ra, câu hỏi đó là: “Tại sao Thiên Chúa cho phép xảy ra một thảm họa kinh hoàng như vậy?” Và người ta nhận được câu trả lời của một cô gái, con của một vị mục sư Tin Lành như sau: “Tôi nghĩ Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, bởi vì từ nhiều năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học và đời sống của chúng ta. Như thế, chúng ta làm sao có thể mong Chúa can thiệp khi ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình!”.
Thật vậy, tội lớn nhất của nhiều người ngày hôm nay chính là tội không tin có Thiên Chúa. Vì thế, đã có một thời người ta tuyên bố rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Đã có lần Gagarin, phi hành gia Liên Xô, người đầu tiên bay lên qũy đạo trái đất rồi bảo rằng: “Chẳng có Thiên Chúa đâu cả!”. Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là lời giải đáp cho mọi vấn đề, và lúc đó, khoa học sẽ trở thành nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa!
Thật vậy, con người ngày nay ảo tưởng và ngây ngô khi nghĩ rằng: “Một tay che kín cả bầu trời” nên không cần có Thiên Chúa nữa. Họ muốn loại bỏ tôn giáo và tự tin trong thế giới thực nghiệm. Nền tảng của họ được xây dựng thuần túy trên những phát minh khoa học. Đây là những lựa chọn sai lầm.
Nên biết rằng: Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất của mọi vấn đề. Lời Chúa phải là nền tảng để khám phá, xây dựng và phát minh. Một nhà nghiên cứu khoa học chân chính sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa ngay trong công trình khảo cứu của mình. Thật vậy, chính nhà bác học Galilê đã nhìn nhận: “Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi!”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sám hối để được ơn tha thứ. Phải từ bỏ thái độ chai lỳ, vô ơn và bất kính trước những ơn lành mà Ngài đã ban xuống trên cuộc đời, trong gia đình, nơi Giáo xứ và ngoài xã hội. Đừng giả điếc làm ngơ; đừng kiêu ngạo, tự phụ và ích kỷ, khiến cho Lời Chúa bị bóp nghẹt và không trổ sinh hoa trái được.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con biết sám hối, nhạy bén để nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thi hành để khỏi bị khiển trách như dân thành Khoradin, Bethsaiđa và Capharnaum. Amen.
THỨ TƯ
KHIÊM TỐN ĐỂ ĐÓN NHẬN MẶC KHẢI
(Mt 11, 25-27)
Xem lại CN 24 TN A, lễ Thánh Tâm A
và lễ thánh Phan-xi-cô At-si-si ngày 4/10.
Thái độ kiêu ngạo là điều rất nguy hiểm, nó có nguy cơ cản trở ơn cứu độ.
Người kiêu ngạo là người dễ trở nên chai lỳ, cứng cỏi và phủ nhận những chân lý đến từ Thiên Chúa hay phẩm chất tốt của anh chị em mình. Vì thế, mãi mãi họ là những người cố thủ, ích kỷ….
Hôm nay, Đức Giêsu đã tạ ơn Chúa Cha vì Người không cho những người thông thái và khôn ngoan biết mầu nhiệm Nước Trời , nhưng lại mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn.
Trong thực tế chúng ta vẫn thấy có nhiều người rất bình dân, học hành chẳng tới đâu, họ là những người khiêm tốn, nên đời sống đức tin của họ sâu xa và sống động! Ngược lại, những người tài giỏi, uyên thâm thì đức tin lại leo lét. Tại sao vậy? Thưa vì đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho những ai biết khiêm tốn đón nhận chứ không phải là kết quả của cuộc sưu tầm trí thức nơi con người.
Ơn cứu độ sẽ được dành cho những ai khiêm tốn và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không đến được với những người kiêu căng, ngạo nghễ và cậy dựa thuần túy vào khoa học. Hạng người này, Thiên Chúa sẽ loại trừ, hay nói đúng hơn vì họ không chịu đón nhận tình thương và mạc khải của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con đức tin. Xin Chúa cho chúng con được trở nên đơn sơ để đức tin nơi chúng con ngày càng được lớn lên trong ân sủng của Chúa. Amen.
THỨ NĂM
MANG “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA CHÚA ĐỂ ĐƯỢC BÌNH AN
(Mt 11, 28-30)
Xem lại CN 14 TN A, lễ Thánh Tâm A,
lễ thánh Phan-xi-cô At-si-si ngày 4/10
và thứ Tư tuần 2 MV.
Trong xã hội ngày nay, số người tự tử khá cao. Điều đáng nói là những người tự tử ở độ tuổi thanh thiếu niên lại nhiều nhất. Tại Nhật Bản, người ta ước tính cứ 16 phút lại có một người tự tử. Tự tử chiếm tỉ lệ cao hơn cả tại nạn giao thông ở đất nước này.
Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta nhận thấy nhiều bạn trẻ bế tắc trong công việc, thất bại trong tình yêu, không tìm ra ý nghĩa, giá trị của cuộc sống, nên đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Nói chung, họ thấy gánh nặng cuộc đời quá lớn, khiến không thể mang vác nổi, vì thế đành “hạ gánh buông trôi” chấm dứt cuộc đời.
Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài để được bình an và hạnh phúc, vì “ách” của Ngài thì êm ái và “gánh” của Ngài thì nhẹ nhàng. Đồng thời Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy học với Ngài vì Ngài hiền hậu và khiêm nhường trong lòng.
“Ách” của Đức Giêsu chính là sự “hiền hậu”, “khiêm nhường”. Khi mang lấy trong mình sự “hiền hậu”, “khiêm nhường”, chúng ta sẽ thấy mọi chuyện chở nên êm ái và nhẹ nhàng. Còn “gánh” của Đức Giêsu chính là “luật yêu thương”.
Trong đời sống của người tín hữu, chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn bên trong và bên ngoài. Khó khăn về thể lý lẫn tinh thần. Khó khăn về những hiểu lầm, cố chấp, bất công. Khó khăn về sự chung thủy… Những cái đó chính là những “ách” và “gánh” của cuộc đời.
Khi mang “ách” và “gánh” cuộc đời như vậy, chúng ta cảm thấy nặng nề và muốn buông xuôi, bỏ cuộc, bởi vì chúng ta đối diện và phải mang cái “ách” đó bằng sự kiêu ngạo, tự phụ, ích kỷ chứ không phải là hiền hậu và khiêm nhường theo tinh thần của Chúa. Hơn nữa,“gánh” của cuộc đời mà chúng ta vẫn mang theo chính là sự bảo thủ, ghen ghét, không thông cảm và cố chấp chứ không phải là “luật yêu thương”!
Mong sao mỗi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu và hãy học cùng Ngài để được bình an.
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống, chúng con luôn phải đối diện với những lo toan như cơm, áo, gạo, tiền, khiến đôi khi chúng con cảm thấy nặng nề và thất vọng. Xin Chúa ban cho chúng con biết đến với Chúa để được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Amen.
THỨ SÁU
GIỮ LUẬT VÌ LÒNG MẾN
(Mt 12, 1-8)
Chúng ta vẫn thường nghe những người khác tôn giáo nhận định về người Công Giáo như sau: “Những người theo đạo Công Giáo sướng thật! Ngày Chủ nhật họ ăn mặc đẹp, nghỉ ngơi để đi lễ nhà thờ”.
Lời nhận định tuy thật đơn sơ nhưng cũng đủ để cho chúng ta thấy rằng: Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa. Ngày tưởng niệm và tạ ơn Chúa vì Ngài đã tạo dựng nên tất cả cho con người hưởng dùng. Đồng thời cũng là ngày tưởng niệm hồng ân cứu chuộc của Đức Giêsu nơi lịch sử nhân loại. Trong ngày này, chúng ta thi hành việc bác ái, nâng đỡ những người túng thiếu, bần cùng. Đồng thời, chúng ta cũng dùng ngày này để làm mới lại tình yêu của mọi thành viên trong gia đình.
Như vậy, vì tình yêu, Thiên Chúa dựng nên tất cả. Cũng vì tình yêu, con người được đón nhận tất cả. Nên cũng chỉ có con đường duy nhất chính là tình yêu để dẫn đưa con người đến gặp Thiên Chúa và đến được với nhau.
Nếu làm mọi chuyện chỉ vì sợ tội, sợ mất chức, sợ tiếng chê, rồi sinh ra nhu nhược hay tàn ác trong khi thi hành bổn phận thì thật là tắc trách. Tự bản chất, con đường này không thể gặp được Thiên Chúa và không thể có mối tương quan thân tình với nhau, bởi vì nó được thi hành bằng mệnh lệnh của cái đầu mà không phải bằng tình thương của trái tim.
Hôm nay, Đức Giêsu khiển trách những người Pharisêu về thái độ nệ luật của họ, nên đã đánh mất đi tương quan với Thiên Chúa và với nhau trong tình yêu. Họ đã thể hiện và củng cố uy quyền của mình bằng sự tàn ác, vô nhân đạo và mất đi tính người. Vì thế, Đức Giêsu cho họ biết là lòng nhân hậu thì quý hơn của lễ được làm nên bởi sự ích kỷ, bất nhân, tàn ác. Thiên Chúa cần sự bao dung, tha thứ và nhân hậu trong của lễ. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 12, 7).
Như vậy, Đức Giêsu nhấn mạnh đến ý nghĩa cốt lõi của ngày Sabát và đưa con người đến chỗ nhận ra ý định yêu thương của Chúa, đồng thời mời gọi con người biết cộng tác vào việc thánh hóa ngày ấy theo như ý Thiên Chúa muốn.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa vì nhờ lề luật của Chúa mà chúng con được tự do, hạnh phúc. Xin cho chúng con biết tuân giữ luật vì lòng yêu mến. Amen.
THỨ BẨY
ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA THIÊN CHÚA
(Mt 12, 14-21)
Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh Đức Giêsu chữa lành một người bại liệt, lần này xảy ra ngay giữa Hội Đường và lại vào đúng ngày Sabát. Vì thế, nhân dịp này, những người Pharisêu tính kế lập mưu để tìm cách giết Đức Giêsu.
Khi biết được ý định của họ, Đức Giêsu đã tìm cách để lánh đi nơi khác. Ngài cũng cấm không cho những kẻ theo mình tiết lộ điều gì liên quan đến Ngài. Sự tránh né này không phải vì sợ hay do nhát đảm hoặc yếu thế…, nhưng là để tránh đi sự hiểu lầm vì “giờ” của Ngài chưa tới. Đây cũng chính là thái độ của những người cao thượng lấy “nhu thắng cường, nhược thắng cương”.
Sang phần hai của bài Tin Mừng, thánh Mátthêu đã khéo léo khi giới thiệu Đức Giêsu như người Tôi Trung trong Cựu Ước mà tiên tri Isaia đã loan báo. Những đặc tính để nhận ra Ngài là: hiền lành và khiêm nhường, không cãi vã, không la lối. Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói.
Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương, nhân từ và kiên nhẫn. Không vì ghen tức mà tìm cách hại người khác chỉ vì việc tốt họ đã làm. Cũng không vì ích kỷ đến độ thấy người khác tốt lành hơn, nhân hậu hơn, làm được nhiều việc tốt hơn mà sinh lòng ác độc đối với anh chị em chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh Chúa hiền hậu, khiêm nhường và hết lòng yêu thương luôn là lời mời gọi cho chúng con noi theo. Xin Chúa cho chúng con trở nên những con người thánh thiện, luôn biết yêu thương người khác. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.