Home / Suy Niệm Lời Chúa / Hai Bài Suy Niệm Tin mừng Lễ Vọng Kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Tông Đồ , Năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Hai Bài Suy Niệm Tin mừng Lễ Vọng Kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Tông Đồ , Năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Tông Đồ Của Tình Yêu Và Lòng Mến

BÀI SUY NIỆM LỄ VỌNG

(Ga 21, 15-19)

LevongPherovaPhaoloThánh lễ vọng chiều nay đưa chúng ta về với hai khuôn mặt vĩ đại của tình yêu và lòng mến là Phêrô và Phaolô.

Phêrô, vị Tông Đồ của lòng mến

Mỗi lần đọc đoạn Tin Mừng (Ga 21, 15-19) với ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô : “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Hai lần ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Lần thứ ba ông thưa : “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”, không khỏi làm chúng tuôn trào xúc động trước tình yêu Chúa dành cho ông và lòng mến ông đáp lại Chúa, khiến Chúa Giêsu bảo ông ba lần: “Hãy chăm sóc chiên con… chiên mẹ… của Thầy” (x. Ga 21.15.16.17).

Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã ngăn cản lòng trung thành bảo vệ Phêrô nên nói : “Hãy sỏ gươm vào bao, kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Ga 18,11). Không lâu sau đó Phêrô đã chối Thầy vào lúc đỉnh cao của cuộc khổ : “Tôi chẳng biết người ấy là ai !” (x. Ga 18.17.25.27). Tuy nhiên, với giọt nước mắt đầy lòng thống hối ăn năn chảy thành rãnh trên gò má, nhất là Phêrô vẫn yêu mến Thầy. Nếu Gioan người bạn của ông đã nghe được lời ông chối : “Tôi chẳng biết người ấy là ai!” Thì Gioan cũng nghe được lời tuyên xưng đầy tình yêu và lòng mến của Phêrô với Thầy đến ba lần : “Thầy biết con yêu mến Thầy”, như để sửa lại ba lần chối Thầy trong cuộc khổ nạn, mà cho đến giờ này Phêrô vẫn còn cảm thấy lòng mình cháy bỏng vết thương đã gây ra cho Thầy trong đêm ông phản bội. Tình yêu của Chúa Giêsu đã đủ cho Phêrô. Ông không được chiều theo cơn cám dỗ tò mò, ghen tị, như khi nhìn thấy Gioan đứng gần ông, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, còn anh này thì sao?” (Ga 21, 21). Nhưng Chúa Giêsu, trước những cám dỗ ấy đã trả lời Phêrô: “Việc gì đến con? Phần con, hãy theo Thầy!” (Ga 21, 22).

Phaolô, vị Tông Đồ của tình yêu

Phaolô, vị thánh mệnh danh là bị tình yêu Đức Kitô thúc bách (x. 2 Cr 5,15). Trước khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, vì lòng nhiệt thành với Đạo Do Thái, ông đã bắt bớ những người theo Chúa Giêsu (x.Cv 8,3-9,2), cố tình tiêu diệt Hội Thánh ngay từ lúc phôi thai, làm cho Khanania khiếp sợ (x.Cv 9,13-14). Được Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi, ông gắn bó với Người bằng tình yêu không thể chia lìa, ông nói : Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ?” (Rm 8,35).  Đức Kitô đã trở nên người yêu”người tình” của Phaolô. Đức Kitô không ngừng ám ảnh ông, đến độ Phaolô phải thốt lên : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga 2, 20).

Giáo hội của Chúa là thánh, nhưng thành phần của Giáo hội là những tội nhân. Các Tông Đồ là những người có sứ mệnh tiếp tục công việc của Chúa Giêsu đều là những tội nhân, những tội nhân đã được thánh hóa, chính Chúa Giêsu là Đấng thánh hóa Giáo hội của Người.

Tình yêu và Lòng mến là nền tảngcủa sứ vụ

Như vậy, Tình Yêu của Thiên Chúa nhập thể, khi mặc lấy xác phàm, biểu lộ quyền năng và sức mạnh vô biên của Thiên Chúa trong sự yếu đuối, mỏng giòn của con người. Chính vì sự yếu đuối nghèo hèn của Phêrô mà Chúa Giêsu trao Giáo hội của mình cho ông. Chính sự nhiệt thành đầy kiều hãnh của Phaolô, mà Chúa đặt ông làm Tông đồ dân ngoại, để cùng với Phêrô thể hiện sự tràn đầy của Chúa Giêsu Tình Yêu. Cả hai đã đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu và để cho mình được tình yêu Chúa biến đổi.

Thiên Chúa là Thánh ở giữa chúng ta, đã thông ban tình yêu cho hết mọi chi thể trong thân thể Ngài. Giáo hội, thánh thiện và tinh tuyền, nhận lãnh Tình Yêu của Thiên Chúa, được Tình Yêu biến đổi. Mầu nhiệm của tình yêu chỉ có thể được đón nhận bằng tình yêu, Giáo hội là mẹ, hiền thê yêu dấu duy nhất của Chúa Giêsu, nhưng gồm các tội nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: “Làm thế nào Giáo hội có thể là thánh thiện khi những thành viên của mình là những người tội lỗi?” Ngài khẳng định : “Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi. Tuy nhiên, Giáo hội là thánh! Chúng ta là những người tội lỗi, nhưng Giáo hội là thánh. Giáo hội là hiền thê của Chúa Giêsu Kitô, và Người yêu thương hiền thê của mình, Người thánh hoá Giáo hội mỗi ngày với hy tế Thánh Thể bởi vì Người yêu thương Giáo hội hết mực và chúng ta tuy là những tội nhân, nhưng chúng ta ở trong một Giáo hội thánh thiện, và chúng ta cũng được thánh hóa. Mẹ Giáo hội thánh hóa chúng ta, với lòng từ ái, với các bí tích của Phu Quân mình.” ( Trích Bài giảng tại nhà nguyện Matta 09/5/2016).

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta cùng một câu hỏi như Chúa hỏi Phêrô : “Con có yêu mến Thầy không?” Chúng ta trả lời Chúa ra làm sao? Chúng ta yêu mến Chúa thế nào ? Phêrô chỉ cách cho chúng ta : tin tưởng vào Chúa, Ðấng “biết mọi sự” nơi chúng ta, Ðấng tin nơi chúng ta không phải vì chúng ta có khả năng trung thành, nhưng vì lòng trung thành vững chắc của Chúa. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Chúa không thể chối bỏ chính mình (x. Tm 2,13). Thiên Chúa luôn trung tín. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy yêu mến Chúa và Giáo hội hết lòng và làm tất cả vì Chúa : “Dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).

Kính lạy hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, chứng nhân của tình yêu và lòng mến, xin cầu cùng Chúa cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và trong mọi người. Amen.

 

 

 

 

 

 

Phêrô, con có yêu mến Thầy không?

BÀI SUY NIỆM LỄ VỌNG

(Ga 21, 15-19)

hay-theo-thayTất cả chương trình của Thiên Chúa được mạc khải rõ ràng nhờ biến cố Phục Sinh. Sự hoán cải của Phêrô tùy thuộc vào câu hỏi duy nhất này: “Con có yêu mếnThầy không?” Có thể nói, tình yêu là nền tảng cho sứ vụ tông đồ.

Tình yêu vô biên của Thiên Chúa

Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã yêu con người bằng tình yêu vô bờ bến, không gì có thể lay chuyển được : “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi!” (Is 49,15). Tình yêu giữa Thiên Chúa với con người được đóng ấn bằng giao ước tình yêu, không gì có thể phá bỏ được : “Vì núi non có thể đổi dời, gò nỗng có thể xê đi, còn tình nhân nghĩa Ta với ngươi sẽ không đổi dời, và hòa ước của Ta sẽ không hề xê dịch” (Is 54, 10).

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô khẳng định : “Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô Yêsu Chúa chúng ta!” (Rm. 8, 38-39). Chúng ta thật an tâm khi tin cậy vào Chúa.

Nhưng chúng ta tự hỏi : Ta đã yêu mến Thiên Chúa như thế nào? Điều răn thứ nhất Thiên Chúa đã chẳng truyền : “Người hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi” đó sao? (Mt 22, 36 và Lc 12, 27). Chúng ta hãy nghe vị thầy thiêng liêng là thánh Bernard Clervaux nói : “Anh em có muốn tôi nói cho anh em biết tại sao anh em phải yêu mến Chúa và yêu như thế nào không ? Thưa : lý do để chúng ta yêu mến Chúa là vì chính Chúa là tình yêu, và tình yêu của Ngài là không biên giới”.

Theo Chúa Giêsu là yêu thương và phục vụ

Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô trách nhiệm trông chăm sóc đoàn chiên Chúa không phải vì tài cán của Phêrô, nhưng vì ông đã tuyên xưng tình yêu của ông vào chính Chúa. Yêu mến và yêu mến. Gioan là vị thánh sử của tình yêu đã khai thác hai động từ về tình yêu : Một là yêu với tình nhân loại đầy tình cảm. Thánh Osty gọi là “lòng trắc ẩn”, còn Segond thì coi đây là “tình bạn”. Hai là yêu như Chúa yêu, yêu với “cả tấm lòng”, yêu vô điều kiện. Chúa Giêsu đòi Phêrô yêu Chúa với tình yêu vô điều kiện “agapo”, nhưng Phêrô đã hai lần trả lời theo kiểu yêu bằng cảm tính, không có sắc thái trung thành. Lần thứ ba, Chúa Giêsu đòi Phêrô phải yêu Chúa bằng tình yêu dâng hiến, yêu đến thí mạng : “Không có tình yêu lớn hơn (“agape – tình yêu”) của người hiến mạng vì bạn hữu mình” (15, 13-14).

Phêrô đã chối Chúa ba lần trong Cuộc Thương Khó, Chúa hỏi ông lần thứ ba, không phải là để bỏ qua ba lần ông nói, “Tôi chẳng biết Người ấy là ai”, nhưng để ông ý thức rằng tình yêu là nguồn ơn tha thứ. Vào thời điểm đó, một yêu sách pháp lý phải được thực hiện ba lần trước khi nhân chứng trở nên chính thức. Chúa Giêsu đã dùng cách này để trao sứ vụ cho Phêrô : Vì con yêu Thầy bằng lòng trắc ẩn, con hãy chăm sóc các con chiên của Thầy. Chúa Giêsu gọi đích danh Simon con Gioan ba lần : “Simon, con ông Gioan…” chứng tỏ ơn gọi của Phêrô cuối cùng được hoàn tất.

Khi bảo Phêrô : Hãy chăn dắt chiên con của Thầy” … là Chúa trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc những con yếu nhất trong đàn. Chúa Giêsu dùng chữ “chăn dắt” tiếng Hy lạp có nghĩa là người cho ăn, thế nên Phêrô được kêu gọi trở nên người cung cấp thức ăn cho đoàn chiên của Chúa Kitô mà ông chăn dắt. Đây là nhiệm vụ đầy thử thách và cam go, có thể bị bách hại. Câu 18 này thật khó hiểu : nó nói về tuổi trẻ và tuổi già, về năng lực và sự bất lực của Phêrô, ám chỉ ông sẽ bị dẫn đến nơi mà ông không hay muốn … giang tay ra chết như Chúa Giêsu để làm sáng danh Thiên Chúa.

Chưa xong, Chúa nói tiếp với Phêrô : “Hãy theo Thầy”, câu này Chúa cũng đã từng nói với Gioan trong lần gặp đầu tiên. Trình thuật kết thúc với ơn gọi. Phêrô cần phải theo Chúa Giêsu như ông tuyên xưng : “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68), ông chối Thầy, rồi lại tuyên xưng với cả tình yêu mới đối với Thầy, để ông nghe được lời mời gọi vô điều kiện của Chúa Giêsu là trở nên tôi tớ phục vụ anh em và Lời hằng sống.

Thiên Chúa là tình yêu

Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thiên Chúa yêu con người bằng một tình yêu say đắm : “Thiên Chúa duy nhất mà Israel tin tưởng, chính Người cũng yêu. Tình yêu của Người là một tình yêu tuyển chọn. Từ giữa muôn dân, Người đã chọn Israel và yêu dân này – đương nhiên với mục đích để chữa trị toàn thể nhân loại. Người yêu, và người ta có thể xem tình yêu của Người là eros, nhưng cũng đồng thời là agape. Hai vị ngôn sứ Hôsê và Êdêkien đã đặc biệt diễn tả đam mê của Thiên Chúa đối với dân Người bằng những hình ảnh từ ái táo bạo” (Deus caritas est, số. 9).

Không phải chỉ vì eros được ban tặng cách hoàn toàn nhưng không, không do một công trạng bào trước đó, mà còn vì đó là tình yêu tha thứ […] Người Kitô hữu nhìn thấy mầu nhiệm Thập giá đang ẩn tàng trong đó : Thiên Chúa yêu thương con người đến độ trở thành con người, chạy theo họ cho đến độ đi vào cõi chết và với cách thức này đã giao hoà công lý với tình yêu” (Deus caritas est, số. 10).

Đối với các tín hữu, “Mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau được. Đó chỉ là một giới răn. Cả hai sống nhờ vào tình yêu của Thiên Chúa tuôn xuống chúng ta, Đấng luôn yêu thương chúng ta trước » (Deus caritas est, aooa.18). Bác ái thuộc về bản chất của Giáo hội. Bác ái sinh ra từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, tạo ra chủ nghĩa nhân văn đích thực, mang đến cho người sứ mạng yêu thương và phục vụ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con theo Chúa, hiến thân và phục tha nhân với tình yêu mến. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …